Đọc bài thơ:
BẾN ĐÒ NGÀY MƯA (Anh Thơ) [1]
Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át,
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lái đậu chơ vơ.
Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo,
Vài quán hàng không khách đứng xo ro,
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà già sù sụ sặc hơi, ho.
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và họa hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.
(Theo Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB Văn học)
Chú thích: Họa hoằn: Ít khi, đặc biệt lắm mới có
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ và chủ thể trữ tình của văn bản
Câu 2. Con người ở bến đò ngày mưa được tái hiện qua những hình ảnh nào?
Câu 3. Xác định các từ láy có trong bài thơ?
Câu 4. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong hai câu thơ:
Ngoài đường lội hoạ hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa
Câu 5. Nhận xét cách gieo vần của tác giả trong bài thơ.
Câu 6. Bức tranh quê trong bài thơ trên hiện lên như thế nào ?
Câu 7. Có ý kiến cho rằng: Bài thơ là tấm lòng của một người con yêu quê hương tha thiết. Anh/chị có đồng tình với ý kiến đó hay không? Vì sao?
Câu 8: Từ bài thơ, em có suy nghĩ gì về vai trò của kỉ niệm đối với cuộc sống con người
GỢI Ý ĐÁP ÁN:
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ và chủ thể trữ tình của văn bản
- Thể thơ 8 chữ
- Chủ thể trữ tình ẩn
Câu 2. Con người ở bến đò ngày mưa được tái hiện qua những hình ảnh nào?
- Con người ở bến đò ngày mưa được tái hiện qua những hình ảnh: khách đứng xo ro; một bác lái ghé buồm vào hút điếu, bà già sù sụ sặc hơi, ho, hoạ hoằn người đến chợ, thúng đội đầu
Câu 3. Xác định các từ láy có trong bài thơ?
- Từ láy: rũ rợi, bơ phờ, rào rạt, chơ vơ, lạnh lẽo, xo ro..
Câu 4. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong hai câu thơ:
Ngoài đường lội hoạ hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa
- So sánh: Thúng đội đầu như đội cả trời mưa
– Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh là:
+ Làm nổ bật sự vất vả, khó nhọc của người dân ở bến đò khi đến chợ vào ngày mưa
+ Giúp đoạn thơ trở nên sinh động, gợi hình gợi cảm, tăng sức diễn đạt
Câu 5. Nhận xét cách gieo vần của tác giả trong bài thơ.
- Gieo vần chân: át - rạt, ro - ho, chợ - chở, mưa - mưa
-> Giúp liên kết các câu thơ, tạo sự hài hòa, nhịp nhàng, làm cho câu thơ dễ đi vào lòng người đọc, góp phần vào việc thể hiện nội dung bài thơ.
Câu 6. Bức tranh quê trong bài thơ trên hiện lên như thế nào ?
– Bức tranh cuộc sống chậm rãi, yên bình, pha chút đượm buồn, vất vả mưu sinh
– Cảnh vật đơn sơ, tiêu điều và bến đò vắng vẻ sau cơn mưa.
Câu 7. Có ý kiến cho rằng: Bài thơ là tấm lòng của một người con yêu quê hương tha thiết. Anh/chị có đồng tình với ý kiến đó hay không? Vì sao?
Em đồng tình với ý kiến trên. Vì phải thực sự có tấm lòng yêu quê tha thiết tác giả mới có thể miêu tả một bức tranh về thiên nhiên, cuộc sống của quê hương một cách chân thực, chi tiết như vậy. Đọc bài thơ ta có thể thấy tác giả bày tỏ sự đồng cảm, xót thương cho những người dân ở bến đò lúc trời mưa.
Câu 8: Từ bài thơ, em có suy nghĩ gì về vai trò của kỉ niệm đối với cuộc sống con người
- Kỉ niệm có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống tinh thần của con người. Bởi cuộc đời là một cuộc hành trình dài, ta được gặp gỡ nhiều người, trải qua nhiều thăng trầm, tất cả điều này tạo thành những kỉ niệm khó phai. Nhờ có kỉ niệm mà tâm hồn con người thêm phong phú, nhiều niềm vui, nỗi buồn. Kỉ niệm trở thành một điểm tựa tinh thần vững chắc, là động lực, niềm tin giúp ta bước tiếp.