Đọc văn bản:
NHỚ (Nguyễn Đình Thi)
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người.
( In trong tạp chí NHÀ VĂN số tháng 9/2010)
* Chú thích:
- Nguyễn Đình Thi (1924- 2003) là một nghệ sĩ đa tài. Ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình; ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng. Thơ ông tự do, phóng khoáng mà vẫn hàm súc, sâu lắng, suy tư, dạt dào cảm xúc, giàu nhạc điệu và có nhiều tìm tòi theo hướng hiện đại.
- Bài thơ “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi được tác giả sáng tác trong kháng chiến chống Pháp, là một trong những bài thơ tình hay thời chống Pháp và cũng là một trong những bài thơ tình đặc sắc trong thơ Việt Nam hiện đại.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ miêu tả hình ảnh ngọn lửa trong bài thơ trên.
Câu 3. Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa trong hai câu thơ sau:
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Câu 4. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ?
Câu 5. Từ nội dung của văn bản, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với đất nước (Bằng một đoạn văn từ 5-7 dòng).
GỢI Ý:
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
- Bài thơ viết theo thể thơ: tám chữ.
Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ miêu tả hình ảnh ngọn lửa trong bài thơ trên.
Trong bài thơ, hình ảnh ngọn lửa được tác giả miêu tả qua những từ ngữ sau:
- Hồng đêm lạnh
- Bập bùng đỏ rực
Câu 3. Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa trong hai câu thơ sau:
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Biện pháp tu từ nhân hóa: nhân hóa ngôi sao nhớ …
- Tác dụng:
+ Hình ảnh nhân hóa trên góp phần thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình – anh, người chiến sĩ. Ngôi sao không chỉ được nhìn bằng tâm trạng nhớ, mà là cái cớ để người chiến sĩ bộc lộ nỗi nhớ. Ngôi sao mang nỗi nhớ cháy sáng để tham gia vào cuộc chiến đấu, để “soi đường” cho người chiến sĩ trên con đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
+ Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm,…cho câu thơ.
Câu 4. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ?
- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: Tình cảm thiết tha, dạt dào và mãnh liệt dành cho tổ quốc và những người thân yêu. Tình cảm đó được hoà quện vói nhau tạo nên sức mạnh của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Câu 5. Từ nội dung của văn bản, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với đất nước (Bằng một đoạn văn từ 5-7 dòng).
Có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước;
- Yêu nước, chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước;
- Sẵn sàng đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc cần;
- Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc;
- Xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ;
-…