Banner cho bài viết: ĐỌC HIỂU BÀI THƠ QUÊ CỦA MẸ - NGUYỄN KHÁNH CHÂU

ĐỌC HIỂU BÀI THƠ QUÊ CỦA MẸ - NGUYỄN KHÁNH CHÂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

QUÊ CỦA MẸ…

Tôi cùng mẹ  trở về thăm quê ngoại

Nơi tuổi thơ mẹ lặn lội cơ hàn

Nơi ngoại tôi cứ mỗi vụ đông tàn

Tay cước đỏ, nơi đồng sâu cấy lúa.

 

Ở nơi đó, những ngày mẹ còn nhỏ

Đuổi bắt ve, nắng cháy những trưa hè

Bị ngoại mắng, đòn roi mẹ chẳng sợ

Vẫn đầu trần, chân sáo chạy khắp thôn.

 

Mẹ lớn lên… rồi bôn ba xuôi ngược

Xa quê nghèo, cũng rất ít về thăm

Nhưng trong tim ký ức những tháng năm

Quê hương đó - in sâu trong tiềm thức.

(Nguyễn Khánh Châu, Văn học và tuổi trẻ- NXB Giáo dục Việt Nam)

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản? Căn cứ xác định?

Câu 2: Xác định dạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình.

Câu 3:  Chỉ ra hai hình ảnh miêu tả tuổi thơ của người mẹ trong bài thơ.

Câu 4:  Nêu chủ đề của bài thơ.

Câu 5: Từ bài thơ, em rút ra được bài học gì về giá trị của quê hương trong cuộc sống của mỗi người.

 

GỢI Ý:

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản? Căn cứ xác định?

- Thể thơ tám chữ

- Căn cứ: Mỗi dòng có 8 tiếng; mỗi khổ có 4 câu(có thể chia khổ hoặc không chia khổ), số câu trong bài không hạn chế.

Câu 2: Xác định dạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình.

- Chủ thể trữ tình xuất hiện trực tiếp qua đại từ nhân xưng “tôi”

Câu 3:  Chỉ ra hai hình ảnh miêu tả tuổi thơ của người mẹ trong bài thơ.

+ Đuổi bắt ve, nắng cháy những trưa hè

+ Đầu trần, chân sáo chạy khắp thôn.

Câu 4:  Nêu chủ đề của bài thơ.

- Chủ đề bài thơ: Tình yêu quê hương, nơi gắn liền với kí ức tuổi thơ của người mẹ.

Câu 5: Từ bài thơ, em rút ra được bài học gì về giá trị của quê hương trong cuộc sống của mỗi người.

- Dù có đi đâu xa, trải qua bao thăng trầm thì quê hương vẫn là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp, là nguồn động lực của mỗi người trong cuộc sống. Quê hương luôn có một vị trí đặc biệt trong tim mỗi người…

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
SALE - 70% Shopee