Banner cho bài viết:ĐỌC HIỂU BÀI THƠ BÀN GIAO CỦA VŨ QUẦN PHƯƠNG

ĐỌC HIỂU BÀI THƠ BÀN GIAO CỦA VŨ QUẦN PHƯƠNG

Đọc văn bản sau:

BÀN GIAO

Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu

Bàn giao gió heo may

Bàn giao góc phố

Có mùi ngô nướng bay

 

Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả

Sương muối đêm bay lạnh mặt người

Đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc 

Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi

 

Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi

Cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày 

Bàn giao những mặt người đẫm nắng 

Đẫm yêu thương trên trái đất này

 

Ông chỉ bàn giao một chút buồn

Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn 

Câu thơ vững gót làm người ấy(1)

Ông cũng bàn giao cho cháu luôn. 

 (Theo Vũ Quần Phương”(2) 

Văn nghệ quân đội Xuân Giáp Ngọ 2014, tr.86)

Chú thích:

(1) Câu thơ “Cắn răng mà chịu thiệt, vững gót để làm người.”

(2) Vũ Quần Phương (sinh năm 1940) tên thật là Vũ Ngọc Chúc, quê cha ở Nam Định nhưng ông hầu như sinh sống và gắn bó cả đời với mảnh đất Hà Nội quê mẹ. Ông là một bác sĩ nhưng yêu thích văn chương, ông sáng tác thơ và viết phê bình văn học. Thơ ông giản dị, sâu sắc mà hóm hỉnh, khoa học, suy tưởng mà ăm ắp trữ tình.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản?  

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp được sử sụng trong bài thơ.

Câu 3. Ở khổ thơ thứ hai, những thứ mà người ông chẳng bàn giao cho cháu là gì? Theo em, vì sao người ông lại không muốn bàn giao cho cháu những thứ đó?

Câu 4. Xác định nội dung chính của bài thơ?

 Câu 5. Chúng ta hôm nay đã nhận bàn giao từ thế hệ cha ông đi trước rất nhiều điều quý giá, thiêng liêng. Theo em, chúng ta cần có thái độ gì trước những điều được bàn giao ấy?

Gợi ý:

 

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản?  

- Tự do 

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp được sử sụng trong bài thơ.

- Biện pháp được sử dụng trong bài thơ: điệp ngữ - bàn giao

- Tác dụng:

+ Tạo liên kết, tạo nhịp điệu, giúp cho cách diễn đạt trở nên sinh động, hấp dẫn,

lôi cuốn.

+ Từ bàn giao được điệp đi điệp lại xuyên suốt bài thơ, từ nhan đề tới từng khổ thơ, đã nhấn mạnh nội dung chủ đề của bài thơ, nhấn mạnh những điều mà người ông muốn và không muốn bàn giao, trao gửi lại cho người cháu.

+ Qua đó, thể hiện tình cảm yêu thương, mong muốn tốt đẹp mà người ông - cũng là thế hệ đi trước dành cho người cháu - thế hệ sau.

Câu 3. Ở khổ thơ thứ hai, những thứ mà người ông chẳng bàn giao cho cháu là gì? Theo em, vì sao người ông lại không muốn bàn giao cho cháu những thứ đó?

- Những thứ ông chẳng muốn bàn gia cho cháu là: “ Những tháng ngày vất vả”,

“Sương muối” ,”Đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc”, “Mưa bụi rơi”…

- Người ông chẳng bàn giao cho cháu vì:

+  Những thứ đó là những dấu hiệu của sự lam lũ, vất vả: những tháng ngày vất vả; sương muối đêm bay lạnh mặt người; của cuộc sống chiến tranh, loạn lạc, đau thương: đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc; ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi mà thế hệ ông đã phải trải qua, ông không muốn cháu phải hứng chịu những điều ấy.

+ Vì ông rất yêu thương cháu, mong cháu và thế hệ của cháu được sống cuộc sống hoà bình, ấm no, hạnh phúc.

Câu 4. Xác định nội dung chính của bài thơ?

- Nội dung chính của bài thơ: Thể hiện tình cảm yêu thương, những ước mong mà người ông muốn gửi lại cho người cháu, đồng thời cũng là sự trao gửi của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau.

 Câu 5. Chúng ta hôm nay đã nhận bàn giao từ thế hệ cha ông đi trước rất nhiều điều quý giá, thiêng liêng. Theo em, chúng ta cần có thái độ gì trước những điều được bàn giao ấy?

- Chúng ta cần có thái độ trước những điều được bàn giao ấy là: 

+ Biết ơn những gì thế hệ cha ông đã để lại cho mình; 

+ Trân trọng, tự hào về những điều đó; 

+ Có ý thức gìn giữ, bảo vệ những thứ đã được nhận bàn giao từ thế hệ trước.

+ Cần cố gắng phát huy những gì đã được tiếp nhận để tiếp tục bàn giao cho những thế hệ mai sau.

 

 

 

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
Giảm giá - 50% Tết 2025