Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
[…] (1) Ông đã đi tìm con nhỏ gần mười hai năm. Lúc Cải mười ba tuổi, một bữa mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà. Cả nhà tong tả đi tìm nhưng mãi con nhỏ không quay lại. Vợ ông ôm cái áo con Cải khóc, bảo chắc là ông để bụng chuyện nó là con của chồng trước nên ngược đãi, hà khắc, đuổi xua. Ông đau mà không nói được một lời, ông đã nâng niu nó khi mới thôi nôi, đã vui khi có người bảo con nhỏ giống ông in hệt (dù biết họ khen khơi khơi, khen bổng trên trời), đã sướng rơn khi nó gọi tiếng ba ơi, con Cải đi rồi, ông đã xuống nước mắt khi đi qua chiếc giường trước kia nó ngủ. Có bữa, ông hì hụi ém mùng, rồi ngồi một góc, nhìn chiếu gối thênh thang, lòng chết điếng vì nỗi nhớ con, vì lo nó lưu lạc giữa đời. Như thế mà ông không thương nó sao? Như thế mà là không thương à? Nhà buồn u buồn ám, vì đã ít người rồi bây giờ lại chẳng nhìn, chẳng cười nói với nhau. Sau, người ta còn đồn đãi ông giết con nhỏ rồi lấp ở một chỗ đất nào, họ kìn kìn lại coi (ai mà giàu tưởng tượng vậy không biết). Ông khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh dứt khoát tìm được con Cải về.
[…] (Tóm tắt đoạn lược: Biển người mênh mông, tìm đâu cho thấy, vậy là ông xin làm chân sai vặt cho đoàn ca múa nhạc, trước giờ diễn sẽ xin nói vài câu trên sân khấu: “Cải ơi! Ba là Năm Nhỏ nè con”. Khi đoàn ca múa nhạc giải tán ông theo thằng Thàn (ca sĩ ở đoàn ca múa nhạc) về ở ngã Ba Sương, đi bán xe kẹo kéo, khuya thì đậu ở ngã ba nhắn tìm con “Cải ơi!”, tiếng gọi nghe ngoắc ngoải cả một vùng. Một đêm…)
(2) Thàn giật mình tỉnh giấc, không thấy ông già, nó ngật ngừ ngồi dậy, trên bụng rớt xuống một gói tiền. Xe kẹo kéo vẫn còn nguyên, Thàn kéo cửa bước ra ngoài. Ngã ba Sương đã tắt đèn, những con đường hun hút mù mịt dưới mưa, như không cần biết đến từ đâu, chỉ biết gặp ở đây, phút này. Thằng Thàn làu bàu, hỏng biết ông già chừng này mà đi đâu vậy cà.
(3) Ông Năm đi ăn trộm chớ đâu. Ông lội bộ gần năm cây số trong mưa sụt sùi vô trong xóm, ghé chỗ lò mổ, dắt đôi trâu đem đi. Ông làm gọn gàng như với đôi trâu ở nhà. Sáng ra ông trở lại, ghé đúng ngôi nhà có hàng so đũa cặp mé lộ, ông thấy một đám người đang tao tác đứng ngồi, ông hỏi, mua trâu hôn, tui kẹt tiền đem bán đây nè. Chủ nhà chạy ra la lên, trời ơi, bắt ổng lại, ổng ăn trộm của tôi. Ông Năm giả đò hết hồn, nhưng trong bụng thấy trúng ý, bảo, từ từ, tui có chạy đâu mà sợ. Người ta đưa ông lên ấp, ấp giải lên xã, ông luôn miệng nhắc, mấy chú nhớ kêu đài truyền hình xuống nghen, phải quay tui để dân người ta cảnh giác. May, đài tỉnh xuống thật, phóng viên một tờ báo cũng chạy theo, dọc đường hăm hở rút sẵn tít "Đạo tặc đãng trí" (thì ai cũng tưởng vậy). Cái cách đời nhảy xổ vào lỗi lầm của người khác thiệt là tưng bừng. Họ phỏng vấn ông chủ lò mổ, phỏng vấn trưởng công an xã, cuối cùng, ông Năm xin được nói đôi lời, còn dặn, mấy chú làm ơn đừng cắt bỏ tiếng tui, rằng "Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình. Con là trọng, chứ đôi trâu cộ nhằm nhò gì... Về nghen con, ơi Cải...".
(4) Nghe đâu, hôm đó, nhiều người rơi nước mắt, vì vậy mà vụ trộm trâu không được lên ti vi, sống giữa cái rẻo đất nhân hậu này nhiều khi cũng hơi phiền. Nghe đâu, hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép miệng một cách tuyệt vọng. Như đã nói, nhà đài người ta chớ có phải chợ trời đâu, mà có thể thoải mái gọi, "Cải ơi!"
(Trích Cải ơi! Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr. 7 – 16)
Câu 1: Xác định nhân vật chính trong đoạn trích trên.
Câu 2 : Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy? Ngôi kể này có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung, chủ đề của đoạn trích?
Câu 3: Nhan đề Cải ơi! có ý nghĩa như thế nào?
Câu 4: Tại sao nhân vật ông Năm lại đi ăn trộm trâu?
Câu 5: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ chêm xen: Ông đau mà không nói được một lời, ông đã nâng niu nó khi mới thôi nôi, đã vui khi có người bảo con nhỏ giống ông in hệt (dù biết họ khen khơi khơi, khen bổng trên trời), đã sướng rơn khi nó gọi tiếng ba ơi, con Cải đi rồi, ông đã xuống nước mắt khi đi qua chiếc giường trước kia nó ngủ có tác dụng gì?
Câu 6 : Tìm những chi tiết miêu tả nhân vật ông Năm trong đoạn (1) của văn bản. Qua những chi tiết vừa tìm được, em hiểu gì về nhân vật này?
hi tiết miêu tả ông Năm nhỏ trong đoạn (1)
Câu 7. Như đã nói, nhà đài người ta chớ có phải chợ trời đâu, mà có thể thoải mái gọi, "Cải ơi!". Hành trình tìm con của ông Năm nhỏ vẫn tiếp diễn trong vô vọng. Em sẽ làm gì khi bắt gặp một hoàn cảnh như ông Năm nhỏ?
GỢI Ý:
Câu 1: Xác định nhân vật chính trong đoạn trích trên.
- Nhân vật ông Năm nhỏ
Câu 2 : Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy? Ngôi kể này có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung, chủ đề của đoạn trích?
- Ngôi kể thứ ba
- Tác dụng:
+ Tác giả có thể kể chuyện một cách linh hoạt, tự do những gì diễn ra với thế giới nhân vật trong truyện.
+ Việc khắc họa nhân vật ông Năm cùng tình yêu con của ông được thể hiện một cách khách quan, tự nhiên.
Câu 3: Nhan đề Cải ơi! có ý nghĩa như thế nào?
- Là tiếng gọi thể hiện tình yêu thương tha thiết của người cha đối với con
Câu 4: Tại sao nhân vật ông Năm lại đi ăn trộm trâu?
- Vì ông Năm muốn nhân cơ hội này để lên ti vi nhắn gửi Cải về nhà, mong tìm được con
Câu 5: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ chêm xen: Ông đau mà không nói được một lời, ông đã nâng niu nó khi mới thôi nôi, đã vui khi có người bảo con nhỏ giống ông in hệt (dù biết họ khen khơi khơi, khen bổng trên trời), đã sướng rơn khi nó gọi tiếng ba ơi, con Cải đi rồi, ông đã xuống nước mắt khi đi qua chiếc giường trước kia nó ngủ có tác dụng gì?
- Biện pháp tu từ chêm xen: (dù biết họ khen khơi khơi, khen bổng trên trời)
- Tác dụng: (lời khen “bảo con nhỏ giống ông in hệt”của bà con trong xóm chỉ là khen theo phép lịch sự để ông Năm vui và ông Năm cũng hiểu điều đó)
Câu 6 : Tìm những chi tiết miêu tả nhân vật ông Năm trong đoạn (1) của văn bản. Qua những chi tiết vừa tìm được, em hiểu gì về nhân vật này?
hi tiết miêu tả ông Năm nhỏ trong đoạn (1)
- Đi tìm con nhỏ gần mười hai năm, …. nâng niu nó khi mới thôi nôi, đã vui khi có người bảo con nhỏ giống ông in hệt, đã sướng rơn khi nó gọi tiếng ba ơi ... đã xuống nước mắt khi đi qua chiếc giường trước kia nó ngủ.
- Ông hì hụi ém mùng, rồi ngồi một góc, nhìn chiếu gối thênh thang, lòng chết điếng vì nỗi nhớ con, vì lo nó lưu lạc giữa đời.
- Ông khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh dứt khoát tìm được con Cải về.
=> Qua những chi tiết trên, ông Năm nhỏ hiện lên là một người cha bao dung, có tình thương con sâu sắc.
Câu 7. Như đã nói, nhà đài người ta chớ có phải chợ trời đâu, mà có thể thoải mái gọi, "Cải ơi!". Hành trình tìm con của ông Năm nhỏ vẫn tiếp diễn trong vô vọng. Em sẽ làm gì khi bắt gặp một hoàn cảnh như ông Năm nhỏ?
- Mỗi chúng ta cần có sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu cho hoàn cảnh của họ, giúp đỡ và trao gửi tình yêu thương bằng những hành động thiết thực.
- Không nên thờ ơ, vô cảm, thậm chí phán xét, đặt điều khi không hiểu rõ những nỗi buồn, sự khổ đau mà họ đang phải gánh chịu
Để lại bình luận