Banner cho bài viết: ĐỀ THI NGỮ VĂN 11 - ĐỌC HIỂU TẢN VĂN THẢ DỚN ĐÓN CÁ LINH NON

ĐỀ THI NGỮ VĂN 11 - ĐỌC HIỂU TẢN VĂN THẢ DỚN ĐÓN CÁ LINH NON

I. ĐỌC (6 điểm)

Đọc văn bản sau:

THẢ DỚN ĐÓN CÁ LINH NON

- Lê Nữ Kim Cương

“Tháng 7 nước nhảy lên bờ” là cách gọi của người dân miền Tây khi mùa nước nổi từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về.

Người miền Tây không giống dân vùng khác, chúng mình sẽ cảm thấy buồn nếu đến mùa mà không thấy lũ về. Thực ra đây không phải là thiên tai mà là mùa làm ăn mới, mưu sinh nhờ con nước của bà con mình ở vùng nước nổi sau khi gặt lúa xong.

Mùa cá linh non bắt đầu với con nước đầu mùa lũ của tháng 7 âm lịch. Cá thường xuôi theo dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Tiền, sông Hậu. Người ở miệt thượng nguồn Đồng Tháp như vùng Tân Hồng, Hồng Ngự là nơi đón nước sớm, cũng đồng nghĩa với đón mùa cá linh sớm nhất.

Với cách bắt cá truyền thống là thả dớn (may bằng vải lưới dày vì cá linh chỉ nhỏ cỡ đầu đũa), họ canh con nước khuya, kéo dớn và mang luôn ra chợ, sao cho cá còn tươi roi rói, nhảy long tong trong thau, có khi còn nhảy luôn vào chân người đi chợ.

Cá linh non thường được đem kho lạt, ăn kèm với rau sống là bông điên điển và bông súng trắng. Loại bông súng này chỉ khi mùa lũ mới có, nở bông trắng cả ruộng đồng. Nhưng ẩm thực từ con cá linh non không chỉ có thế mà còn phong phú vô cùng với các món: cá linh nhúng giấm; cá linh nấu canh chua me; cá linh lăn bột chiên giòn và cá linh kho mắm... Có những người ở xứ khác khi về miền Tây chơi mới ngộ hết cái tình của người xứ mình thể hiện ở trong món ăn tuy đơn giản, đời thường mà ngọt ngào lắm.

Cá linh đầu con nước, nhỏ, mềm và béo ngậy ngậy. Mấy món cá này có thêm lít rượu đế cay cay dằn vị thì bốn phương đều là bằng hữu cả.

Gắp một con cá linh non đã chín ngửa bụng trong nồi nước giấm đang sôi cùng bông điên điển, chấm vào chén nước mắm ớt cá linh, cuộn với mấy lá diếp cá, cho vào miệng, không quên cắn một khúc đậu rồng và lùa nhanh một đũa cơm trắng, người ta sẽ như ngất ngây đi trong bữa ăn, cảm giác nó hơn hẳn mọi sơn hào hải vị bốn phương người. Hương thơm của nước mắm lấn át, khiến con người ta quên cả mùi tanh của cá, tiếp theo là dậy lên vị thơm hăng của củ hành phi trong giấm.

Còn về vị, đầu tiên là vị mặn của nước mắm, sau đó là hòa với chút vị chua của giấm, nhai lên thì cảm giác giòn tan của đậu rồng cùng rau diếp cá, khi đó vị ngọt của trái, vị chát của rau bắt đầu đánh thức vị ngọt của bông điên điển và hương vị béo ngậy của “Vedette Cá Linh”.

Thịt cá vừa béo, vừa ngọt, hòa lẫn cùng những món đồ bổi ăn kèm, bất giác tôi nhận ra sự lợn cợn của vảy cá li ti rất vui miệng, mọi ấn tượng không ngon về cá linh lúc ấu thơ tan biến. Nuốt xuống rồi, mới là lúc dư vị của món ăn tỏa dậy, gợi mời người ta gắp vội thêm miếng khác. Cứ như thế, bữa ăn gia đình trôi đi trong ấm áp ngon lành, có vị ngon ngọt của món cá, có vị ngon ngọt ấm áp quê hương và cả vị ngon ngọt của ký ức, một thời sông nước miền Tây trù phú sản vật mùa lũ lên.

Hồi đó, ba đặc biệt mê mấy món chế biến từ cá linh non. Hễ mùa đầu con nước, ba dặn mẹ đi chợ phải đi thiệt hối hả để đem cá tươi về. Ba đem cá rửa sạch, móc hầu để lấy ra mật đắng, rồi kho lạt, nhúng giấm. Chán chê rồi, ba xử lý thêm món cá kho với tương hột, thêm một đĩa rau xanh vườn nhà, ăn cơm quên no.

Mùa cá linh thường kéo dài cho đến khi hết lũ, nhưng cá linh non chỉ được vài ba con nước đầu thì hết. Khoảng từ đầu tháng 9, cá linh đã trọng trọng nhưng chủ yếu để ủ nước mắm và làm mắm tươi. Thường đến lúc này cá linh đã sắp trưởng thành nên không còn béo nữa mà gầy và cứng. Phải qua giai đoạn này, đến giai đoạn trưởng thành và chín chắn, những chú cá linh mới béo mập và ngon trở lại, nhưng tên chú được gọi là cá linh rìa.[…]

(In trong “Nghĩa tình miền Tây”, NXB Hồng Đức, 2022, tr.57 - 60)   

Trả lời các câu hỏi sau:  

Câu 1. Xác định đề tài của văn bản trên.

Câu 2. Trong văn bản, tác giả miêu tả cá linh đầu con nước có đặc điểm gì?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Nhưng ẩm thực từ con cá linh non không chỉ có thế mà còn phong phú vô cùng với các món: cá linh nhúng giấm; cá linh nấu canh chua me; cá linh lăn bột chiên giòn và cá linh kho mắm...?

Câu 4. Phân tích tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố tự sự và trữ tình trong đoạn văn sau: Gắp một con cá linh non đã chín ngửa bụng trong nồi nước giấm đang sôi cùng bông điên điển, chấm vào chén nước mắm ớt cá linh, cuộn với mấy lá diếp cá, cho vào miệng, không quên cắn một khúc đậu rồng và lùa nhanh một đũa cơm trắng, người ta sẽ như ngất ngây đi trong bữa ăn, cảm giác nó hơn hẳn mọi sơn hào hải vị bốn phương người. Hương thơm của nước mắm lấn át, khiến con người ta quên cả mùi tanh của cá, tiếp theo là dậy lên vị thơm hăng của củ hành phi trong giấm.

Câu 5. Có ý kiến cho rằng: Trước kia, mùa nước nổi miền Tây đã nuôi sống hàng triệu người dân nghèo dựa vào khai thác những sản vật thiên nhiên mà mùa lũ hào phóng cho xứ này. Nhưng hiện nay, mùa nước nổi “hại nhiều hơn lợi”. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao? 

Câu 6. Từ nội dung văn bản và thực tế cuộc sống, em hãy đề xuất một số giải pháp mà chúng ta cần làm để phòng ngừa, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến thiên nhiên.

II. VIẾT (4 điểm)

"Trong thế gian này chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn là sự im lặng đáng sợ của những người tốt" (M.L.King).

Anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

 

Gợi ý:

Câu 1: Đề tài của văn bản: Mùa nước nổi/ Cá linh non/ Miền Tây/ Đặc sản miền Tây

Câu 2: Cá linh đầu con nước có đặc điểm: nhỏ, mềm và béo ngậy ngậy

Câu 3: Biện pháp tu từ : Liệt kê: cá linh nhúng giấm; cá linh nấu canh chua me; cá linh lăn bột chiên giòn, cá linh kho mắm.

Tác dụng: Diễn tả đầy đủ, cụ thể những cách chế biến món cá linh.

Câu 4: Phân tích tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố tự sự và trữ tình trong đoạn văn

- Giúp người đọc có thể hình dung một cách cụ thể, sinh động về cách thưởng thức món cá linh. Đồng thời, bộc lộ được cảm xúc của tác giả: thích thú, ngất ngây, (có cả sự thèm thuồng) khi nhắc đến món ăn này.

Câu 5:

 - Đồng tình. Vì mùa lũ chứa đựng nhiều yếu tố nguy hiểm, bất ngờ, đôi khi con người không thể ứng phó. Thiệt hại do lũ lụt mang đến ngày càng nhiều, nhiều trẻ em bị đuối nước, nhiều công trình bị hư hại. Vì vậy, hiện nay mùa lũ mang đến hại nhiều hơn lợi

- Không đồng tình. Vì mùa lũ về mang theo một lượng lớn phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, đồng thời cũng mang về một lượng lớn thủy sản, mang lại thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân. Vì thế nếu con người tìm được giải pháp phù hợp, tận dụng những nguồn lực mà thiên nhiên mang đến thì mùa lũ vẫn là một “mùa làm ăn mới”

Câu 6:

- Cần trồng nhiều cây xanh; phân loại và xử lí rác thải đúng cách; hạn chế sử dụng túi nilon; sử dụng các nguồn năng lượng (điện, nước) tiết kiệm; tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng;...

Nhận xét từ người dùng

SALE - 70% Shopee