Banner cho bài viết: ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II NGỮ VĂN 11 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - ĐỌC HIỂU TRUYỆN NGẮN TIẾNG VỌNG CỦA DÒNG SÔNG

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II NGỮ VĂN 11 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - ĐỌC HIỂU TRUYỆN NGẮN TIẾNG VỌNG CỦA DÒNG SÔNG

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II NGỮ VĂN 11 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - ĐỌC HIỂU TRUYỆN NGẮN TIẾNG VỌNG CỦA DÒNG SÔNG

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản:

TIẾNG VỌNG CỦA DÒNG SÔNG

Hồi bé, bọn trẻ chúng tôi không mấy khi đi trên mặt cầu mà nghịch ngợm chui xuống gầm, chân trần chạy trên ống bơm để tìm cảm giác mát lạnh của những trưa hè oi ả. Chơi chán lại rủ nhau xuống sông tập bơi. Con sông Cầu khúc này thật trong và đẹp. Dòng sông xanh mát, những gợn sóng được ánh mặt trời chiếu xuống trở thành những tia nắng lấp lánh, nhảy lao xao trên mặt nước. Ngã ba sông là nơi nối từ con sông nhỏ chảy ra, tạo nên một khúc hai dòng chảy. giữa, là bãi bồi đầy sỏi đá được phủ xanh bằng những cây đào nước. Chúng tôi thường chọn viên đá cuội to đẹp mang về để nén cà, muối dưa…

[...] Chả nhớ nhà tôi và nhà Hiền sát vách nhau từ khi nào. Nhưng từ bé đến giờ nó luôn theo sát tôi như hình với bóng. Tính nó nhát và hiền đúng như cái tên. Mẹ kể, thằng Hiền sinh ra không được biết mặt bố. Khi cô Mai có chửa nó được sáu tháng thì chú Phương, chồng cô bị chết vì bom giặc. Tôi còn nhớ, cứ mỗi lần thằng Hiền ốm là đêm đêm mẹ nó lại khóc ời ời gọi chồng. Tiếng gào khóc như cào xé lòng người, ám ảnh mãi trong tâm trí của tuổi thơ tôi. Khu tập thể xóm tôi có năm hộ, toàn là phụ nữ đơn thân. Người chồng chết, người ly hôn, người quá lứa lỡ thì kiếm mụn con cho đỡ cô đơn. Vì thế xóm có tên là "Xóm Không Chồng". Nhà tôi và nhà Hiền có hoàn cảnh giống nhau, chỉ một mẹ, một con nên chúng tôi coi nhau như chị em ruột.

[...] Hôm ấy, sau những ngày lũ, bọn trẻ xóm tôi ra sông mót củi. Khi qua khỏi bãi nổi, tôi tay cắp, tay lôi một cành to. Đến giữa đoạn nước chảy xiết tôi vô ý vấp phải hòn đá, trượt chân ngã và bị dòng nước cuốn đi một đoạn. Trong cơn hoảng sợ tôi vẫn nghe thấy tiếng lũ con trai đứng trên bờ kêu la, hò hét nhưng không đứa nào dám xuống sông cứu. Cố nhìn lên, tôi thấy thằng Hiền hớt hải chạy dọc bờ sông theo hướng tôi bị cuốn. Nhưng có lẽ không tự tin nên nó cũng không dám lao xuống sông. Khi uống mấy ngụm nước và bắt đầu "giã gạo" thì tôi bỗng thấy một bàn tay bấu vào vai. Như "vớ được cọc", tôi vội túm chặt lấy bàn tay ấy, chới với trôi theo dòng nước. Tôi uống thêm mấy ngụm nước nữa, mặt mũi tối sầm và có cảm giác đang chìm dần. Bờ vai của người cứu tôi có lẽ quá nhỏ bé nên không thể thắng nổi dòng nước lũ quái ác. Nhưng thật bất ngờ, vài giây sau bỗng người tôi nổi lên mặt nước. Rồi tiếp theo là cái mặt tái mét của thằng Hiền ở ngay bên cạnh...Thoát chết trong gang tấc.

[...] Mấy năm sau, từ Cà Mau, tôi nhận được tin sét đánh: Hiền đã hy sinh trên sông Cầu trong một lần cứu hộ. Mùa lũ ấy, hàng trăm ngôi nhà chìm trong lũ cuốn. Bằng ca-nô, xuồng máy, em và đồng đội đã cứu được mấy chục người dân an toàn. Nhưng chiều hôm ấy khi em lao mình xuống dòng nước cứu một cháu bé, đưa được cháu lên xuồng thì em bị dòng nước xoáy cuốn đi. Em đã hy sinh khi vừa tròn 28 tuổi…

Tôi trở lại sông quê trong một nỗi buồn u ám. Sông vẫn còn đây mà em đâu? Tôi khom mình bên dòng nước, đưa tay muốn vớt những ánh bạc lung linh mà chợt giật mình thảng thốt. Hình như đâu đây, hình bóng em tôi vẫn thấp thoáng dưới mặt nước, vẫn nụ cười hiền lành để lộ chiếc răng khểnh và đôi mắt trong veo, lấp lánh dưới nắng chiều... Tôi lội sang bãi bồi, cố gom những cành đào nước còn sót lại để kết thành một vòng hoa rồi thả xuống sông, mong linh hồn em siêu thoát. Tôi thì thầm xin dòng nước hãy ôm ấp em vào lòng và sưởi ấm cho em bớt lạnh, để giữa làn nước trong xanh, lại được thấy đâu đó, thấp thoáng ánh mắt và nụ cười thương mến của em tôi.

(Theo Tiết Thị Minh Hà, Truyện ngắn báo nhân dân cuối tuần, nhandan.vn, 12/05/2023)

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1.  Liệt kê những kỉ niệm gắn liền với kí ức tuổi thơ của tác giả.

Câu 2. Xác định điểm nhìn của truyện ngắn? Việc sử dụng điểm nhìn như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của truyện ngắn ?

Câu 3. Liệt kê các từ ngữ thể hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc của nhân vật “tôi” ở đoạn cuối văn bản. Qua đó em có nhận xét gì về tình cảm của nhân vật “tôi” dành cho Hiền.

Câu 4. Ý nghĩa nhan đề “Tiếng vọng của dòng sông”.

Câu 5: Hành động quên mình cứu người của Hiền gợi cho em suy nghĩ gì về lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống?

II. LÀM VĂN

Hãy viết bài văn nghị luận bàn về giá trị của lòng dũng cảm trong cuộc sống được ra trong truyện ngắn “Tiếng vọng của dòng sông” – Tiết Thị Minh Hà.

 

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
SALE - 70% Shopee