Banner cho bài viết: ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II NGỮ VĂN 11 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - ĐỌC HIỂU TRUYỆN NGẮN  BẦY CHIM CÂU TRONG HẺM NHỎ

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II NGỮ VĂN 11 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - ĐỌC HIỂU TRUYỆN NGẮN  BẦY CHIM CÂU TRONG HẺM NHỎ

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II NGỮ VĂN 11 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - ĐỌC HIỂU TRUYỆN NGẮN  BẦY CHIM CÂU TRONG HẺM NHỎ

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản:

            BẦY CHIM CÂU TRONG HẺM NHỎ

       Khuôn viên của công ty khá rộng, cây cối nhiều. Nhờ đó, cư dân trong hẻm hưởng được cái không khí thoáng mát. Nhưng không phải chỉ cư dân: cả một bầy chim câu nữa, không biết "nhà cửa" ở đâu, thỉnh thoảng chúng cứ tụ về đậu dài trên bức tường cùng hưởng cái không khí ấy.

      [...] Đến ngày thứ ba, trời vừa sáng tỏ, cổng ngôi nhà có cây trứng cá mở, chiếc xe lăn quen thuộc của cụ Thỉnh nhô ra. Phía sau vẫn là Tí, một cậu bé trạc mười hai tuổi, bụ bẫm, chắc nịch, cháu nội cụ, hai bàn tay to bè nắm chặt hai cần xe lăn nhè nhẹ đẩy. Chiếc xe lăn đến gần bức tường, cụ Thỉnh vừa đưa tay lôi chiếc hộp nhựa và mở chiếc nắp ra thì bất ngờ bầy chim câu từ đâu vù vù bay đến. Chúng lao xao, ríu rít chen nhau, giành nhau đậu trên bức tường, náo nức nhìn theo từng động tác của cụ. Lâu nay ngày nào cũng như ngày nào, cụ Thỉnh đều rải lúa cho bồ câu. Riết thành quen, hễ thấy bóng dáng cụ là bầy chim gọi nhau tụ về. Không ai nhớ cụ "nuôi" bầy chim đã bao năm, cư dân trong hẻm chỉ biết rằng cụ cho chim ăn mỗi ngày từ khi cụ còn bước chầm chậm đến khi cụ chống cái gậy tre, rồi dần dần cái gậy tre cũng không còn mà thế vào chiếc xe lăn. Đứa cháu nội đẩy phía sau, cụ ngồi trên xe tay cầm cái hộp nhựa đựng đầy lúa.

      Bầy chim câu thì vẫn vậy, dù cụ bước chầm chậm, chống gậy hay ngồi xe lăn, chúng vẫn nhốn nháo bay về. Cụ Thỉnh có thói quen không rải lúa tung tóe. Cụ tỉ mỉ vê, sắp lúa thành một đường cong chữ s trên mặt đường hẻm, dọc theo tường. Dường như biết tính cụ tỉ mỉ, ngăn nắp nên bầy chim sà xuống không tranh giành náo loạn mà tự chia chỗ cho nhau sắp dài theo hàng lúa, tạo nên hình chữ s bằng chim sinh động, đầy màu sắc. Lúc ấy cư dân nào trong hẻm đi qua cũng đều dừng lại, thích thú đứng nhìn đường - cong - chim lao xao.

      (Lược một đoạn: Đến ngày thứ tư phong tỏa, Tí đẩy ông nội ra đầu hẻm để đi chợ “không đồng”. Đến quầy bàn, cụ muốn mua lúa cho chim ăn nhưng không có bán. Anh dân phòng đã nhiệt tình đi mua giúp cụ 3kg lúa đem đến tận nhà. Nhưng cụ không còn cơ hội cho đàn chim câu ăn nữa vì cả nhà cụ đã dính dương tính. Sáng hôm sau, bầy chim câu vẫn kéo về sà xuống đậu trên bờ tường, ngác ngác rồi lặng lẽ bay đi.)

[...]

      Nhưng buổi sáng sau đó, cư dân trong hẻm bỗng nghe tiếng vỗ cánh của bầy chim câu từ trên không vọng lại. Bầy chim về. Chúng về, không ríu rít ồn ào mà dường như con nào cũng thu mình lại khe khẽ đậu xuống bờ tường. Cũng ngay lúc đó, trong con hẻm vắng xuất hiện ba người lính với quân phục chỉnh tề. Một người đi trước, hai người đi song song phía sau. Cả ba khuôn mặt nghiêm trang với những bước chân nghiêm trang. Người lính đi đầu, dáng vẻ đầy sự thành kính, hai tay ôm một chiếc hũ phủ tấm vải đỏ. Họ lặng lẽ dừng trước ngôi nhà có cây trứng cá. Những người lính khuất trong nhà, bầy chim vẫn ở đó. Mãi đến khi họ bước ra hẻm và khuất dạng, bầy chim mới nhẹ nhàng vỗ cánh bay lên.

      Hôm sau, cổng nhà có cây trứng cá lại mở: Tí bước ra, hai tay ôm chiếc hộp nhựa đựng đầy lúa. Bầy chim câu lại về, nhốn nháo tranh nhau đậu trên bờ tường. Tí ngồi xuống, vụng về vê rãi từng hạt lúa mà đôi mắt đầy nước mắt...

                                (Theo Hàng Chức Nguyên, Truyện ngắn trên báo Tuổi trẻ, tuoitre.vn, ngày 12/09/2021)

Thực hiện yêu cầu:

Câu 1:  Xác định điểm nhìn của truyện ngắn?

Câu 2:  Chi tiết cụ Thỉnh tỉ mỉ rải lúa thành hình chữ S thể hiện điều gì về tính cách và tâm hồn của cụ?

Câu 3:  Hãy chỉ ra một chi tiết trong văn bản cho thấy sự thay đổi của đàn chim câu sau khi cụ Thỉnh qua đời và phân tích ý nghĩa của chi tiết đó.

Câu 4: Nêu khái quát chủ đề của văn bản trên.

Câu 5: Từ câu chuyện về cụ Thỉnh và bầy chim câu, em hãy rút ra bài học gì về tình yêu thương và sự gắn kết trong cuộc sống?

II. LÀM VĂN

 Hãy viết bài văn nghị luận bàn về sự tiếp nối những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống được ra trong truyện ngắn “Bầy chim câu trong hẻm nhỏ” – Hoàng Chức Nguyên.

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN:

Thực hiện yêu cầu:

Câu 1:  Xác định điểm nhìn của truyện ngắn?

- Điểm nhìn ngôi thứ ba toàn tri

Câu 2:  Chi tiết cụ Thỉnh tỉ mỉ rải lúa thành hình chữ S thể hiện điều gì về tính cách và tâm hồn của cụ?

+ Cụ Thỉnh là một người tỉ mỉ, ngăn nắp, yêu thiên nhiên.

+ Hình chữ S gợi nhắc đến dáng hình của đất nước, qua đó hiểu được cụ là người giàu lòng yêu nước, tự hào về đất nước.

Câu 3:  Hãy chỉ ra một chi tiết trong văn bản cho thấy sự thay đổi của đàn chim câu sau khi cụ Thỉnh qua đời và phân tích ý nghĩa của chi tiết đó.

- Chi tiết thay đổi của đàn chim câu: Sau khi cụ Thỉnh mất, bầy chim vẫn kéo về nhưng không ríu rít lao xao như trước mà thu mình lại, im lặng đậu trên bờ tường, chỉ đến khi những người lính mang tro cốt cụ Thỉnh khuất dạng thì chúng mới nhẹ nhàng bay lên

- Ý nghĩa:

+ Gợi lên sự mất mát, nuối tiếc, không chỉ con người mà cả đàn chim cũng cảm nhận được sự vắng bóng của cụ.

+ Thể hiện sự gắn bó giữa thiên nhiên và con người.

Câu 4: Nêu khái quát chủ đề của văn bản trên.

+ Chủ đề chính của truyện ngắn là tình người và sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

Câu 5: Từ câu chuyện về cụ Thỉnh và bầy chim câu, em hãy rút ra bài học gì về tình yêu thương và sự gắn kết trong cuộc sống?

+ Tình yêu thương không chỉ dành cho con người mà còn có thể lan tỏa đến muôn loài, khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

+ Những điều tốt đẹp mà một người tạo ra sẽ không mất đi mà sẽ được những thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và phát huy.

 

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
SALE - 70% Shopee