Banner cho bài viết: ĐỀ ĐỌC HIỂU ĐOẠN TRÍCH NGƯỜI MẸ CẦM SÚNG CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI

ĐỀ ĐỌC HIỂU ĐOẠN TRÍCH NGƯỜI MẸ CẦM SÚNG CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI

Đọc văn bản:

     Đang cho con bú. Út bỗng nghe thấy tiếng gì như tiếng người ngáy trên nóc nhà. Trời đất tối đen. Anh Tịch đi vắng. Đặt con xuống, chị cầm lấy cái đòn gánh. Đến gần cái giàn gác góc nhà, tiếng ngáy rõ hơn. Út chọc lên. Một con người cựa mình, rồi nhảy xuống.

- Anh Hai!

Anh Hai ra hiệu cho út im lặng. Đó là anh Hai Tấn, một cán bộ cách mạng, giặc lùng bắt cả năm nay. Út vui mừng, vừa la:

- Anh còn sống thiệt hả, anh Hai?

- Tôi còn đây.

     Anh cho Út biết anh đã theo anh Tịch về đây ở mấy bữa nay, nhưng còn bí mật, chưa dám ra mắt Út, Út hỏi:

- Đằng mình vẫn còn phải không anh?

- Thiệt hả anh?

Út muốn reo lên. Anh Hai phải ngăn lại. Út giận anh Tịch lắm. Sáng, anh Tịch đi đặt câu về, chị nói, muốn khóc:

- Tôi đánh lại địa chủ, bị nó lột trần truồng, chạy về gặp anh, giờ anh coi tôi thiếu hiểu hơn anh hả?

Anh Tịch phải năn nỉ mãi. Cũng bởi Út hay nói lô la thẳng ruột ngựa, nên anh ấy sợ. Út biết vậy.

Anh Tịch dựng lại buồng thật kín. Ngày ngày Út đi chợ, nấu cơm bưng tới tận chỗ cho anh Hai ăn. Bọn lính tới nhà rà rễ, Út mua rượu, gà xách sang nhà bên cạnh, dụ nó sang bên đó. Giặc bố liên miên. Ruộng đất cách mạng cho, nó cướp lại hết. Vào nhà ai, chúng muốn đào đâu, cạy đâu cũng phải chịu. Đêm đêm, chúng tự do bao xóm, bắt người, tra tấn. Chúng thảy[11] vào nhà Út tấm bảng sơn "Nhà tôi không chứa Việt cộng", bắt mua treo trong nhà. Anh Hai vẫn ở đó. Đêm đêm, anh cùng anh Tịch đi công tác. Út ở nhà nằm võng, đưa con, nghe ngóng, chờ cửa với một nỗi mừng vô hạn, vì cách mạng của mình vẫn tiếp tục, hai vợ chồng Út vẫn được làm việc. Cái công việc mà nếu phải ngưng lại một lúc nào đó thì cả hai vợ chồng sẽ cảm thấy lẻ loi, trơ trọi, buồn khổ biết chừng nào.

Ít lâu sau, anh Hai đổi chỗ ở. Lâu lắm Út không được tin gì về anh. Một buổi chiều, đang lục cơm nguội cho con, Út bỗng thấy bọn lính lôi anh Hai đi ngang Út sững sờ, cái muỗng trong tay rơi xuống đất. Anh Hai bị nó trói chéo cánh, ngực bầm đen. Anh không nhìn Út, nhưng lại mỉm cười như chào. Nước mắt Út trào ra. Anh Tịch đi vắng. Mình phải làm gì đây? Chị suy nghĩ mà chết đứng trong ruột.

Tới đầu xóm, bọn lính kéo vào một nhà dân, nhậu. Chúng cười giỡn ầm ĩ. Ngoài đường chỉ có anh Hai Tấn bị trói ngồi đó và một đám lính gác dở say. Bỏ con nằm nhà, Út mò đến. Gần tới nơi, Út bỗng nghe thấy tiếng giặc hô hoán và bắn ầm ĩ. Anh Hai chạy được rồi! Út mừng, trống ngực đập từng tưng. Giặc bắt cả xóm ra đốt đuốc, nổi trống mõ, bao giáp vòng, vạch từng kẽ lá đi tìm. Út nghĩ anh Hai chạy ra chỗ đó chứ không đâu cả. Chỗ đó, trước đây, Út biết rồi.

Chạy một hơi lên xóm Đậu, vòng xuống Rạch Bờ, Út mượn xuồng đâm sang ngang. Chị vừa bơi vừa vái "ông Bổn" cho chị cứu được anh Hai, chị sẽ ăn chay mười ngày. Đằng kia, bọn lính vẫn ra sức tìm kiếm, bắn đùng đùng.

    Cặp xuồng vào bờ, Út mò mẫm vạch tìm từ bụi cây này tới bụi khác. Trời tối đen. Rạ rô, cóc kèn cào trên mặt. Út ghé sát mặt xuống đất vừa trườn vừa gọi:

- Anh Hai! Anh Hai! Vợ Tịch đây! Vợ Tịch đây!

   Tiếng gọi nhẹ như hơi thở, nhưng lại mang theo một sức sống tha thiết, mãnh liệt dâng lên bên bờ sông lạnh lẽo, khuya khoắt. Súng giặc nổ càng gần, Út lại gọi, giọng nghẹn lại:

- Anh Hai! Anh ở đâu? Vợ Tịch đây! Vợ Tịch đây!

   Từ trong bụi, tiếng anh Hai vọng ra, rất nhỏ:

- Vợ Tịch hả? Anh đây nè...

  Anh bò ra. Người lạnh run. Thân thể trần trụi không còn một mảnh vải. Út lột khăn đưa cho anh choàng. Thương anh quá, Út đứng chết trận.

 Út đưa anh qua cơ sở bên Cồn. Từ đó, anh xuống Cần Thơ. Nhiều việc đang chờ anh dưới đó. Lúc tạm biệt anh dặn Út một câu:

- Cách mạng không ở đâu xa, ở ngay trong lòng mình.

Cũng là câu anh dặn cả bà con Tam Ngãi. Hửng sáng về đến vàm, Út vẫn còn nghiệm câu nói đó. Câu nói như có phép làm cho anh Hai đã đi xa mà vẫn thấy như gần.

(Trích Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi, nguồn: https://thuviensach.vn)

[11] Ném.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định ngôi kể, điểm nhìn trong văn bản.

Câu 2. Chỉ ra những tội ác của kẻ địch.

Câu 3. Hãy ghi lại 01 yếu tố phi hư cấu trong văn bản.

Câu 4. Phân biệt lời nhân vật và lời người kể chuyện trong đoạn sau:

- Anh Hai! Anh ở đâu? Vợ Tịch đây! Vợ Tịch đây!

Từ trong bụi, tiếng anh Hai vọng ra, rất nhỏ:

- Vợ Tịch hả? Anh đây nè...

Anh bò ra. Người lạnh run. Thân thể trần trụi không còn một mảnh vải. Út lột khăn đưa cho anh choàng. Thương anh quá, Út đứng chết trận.

Út đưa anh qua cơ sở bên Cồn. Từ đó, anh xuống Cần Thơ. Nhiều việc đang chờ anh dưới đó. Lúc tạm biệt anh dặn Út một câu:

- Cách mạng không ở đâu xa, ở ngay trong lòng mình.

Câu 5. Anh/Chị hiểu như thế nào về câu văn sau: “Tiếng gọi nhẹ như hơi thở, nhưng lại mang theo một sức sống tha thiết, mãnh liệt dâng lên bên bờ sông lạnh lẽo, khuya khoắt.”?

Câu 6. Nhận xét của anh/chị về tính cách chị Út Tịch.

Câu 7. Cách mạng không ở đâu xa, ở ngay trong lòng mình.” có còn ý nghĩa đến hôm nay không? Vì sao?

Câu 8. Theo anh/chị tinh thần yêu nước thời chiến khác gì với tình yêu nước trong thời bình?

 

GỢI Ý

Câu 1. Xác định ngôi kể, điểm nhìn trong văn bản.

- Ngôi kể: thứ ba

- Điểm nhìn: đặt vào nhân vật chị Út Tịch.

Câu 2. Những tội ác của kẻ địch:

- Giặc khủng bố liên miên.

- Ruộng đất cách mạng cho, nó cướp lại hết. 

- Vào nhà ai, chúng muốn đào đâu, cạy đâu cũng phải chịu. 

- Đêm đêm, chúng tự do bao xóm, bắt người, tra tấn. 

- Chúng thảy vào nhà Út tấm bảng sơn "Nhà tôi không chứa Việt cộng", bắt mua treo trong nhà.

- Chúng bắt trói anh Hai Tấn,…

Câu 3. Ghi lại 01 yếu tố phi hư cấu trong văn bản:

Ví dụ: 

- Út đưa anh qua cơ sở bên Cồn. Từ đó, anh xuống Cần Thơ

- Cũng là câu anh dặn cả bà con Tam Ngãi.

Câu 4. Phân biệt lời nhân vật và lời người kể chuyện trong đoạn văn:

- Lời nhân vật (Chị Út Tịch và anh Hai Tấn):

+ Lời gọi thưa giữa chị Út Tịch và anh Hai: “- Anh Hai! Anh ở đâu? Vợ Tịch đây! Vợ Tịch đây!/ - Vợ Tịch hả? Anh đây nè...”

+ Lời dặn dò của anh Hai: “- Cách mạng không ở đâu xa, ở ngay trong lòng mình.”

- Lời người kể chuyện:

+ Lời dẫn giữa những đối thoại giữa chị Út Tịch và anh Hai: “Từ trong bụi, tiếng anh Hai vọng ra, rất nhỏ:”

+ Lời mô tả tình thế của anh Hai trong lúc chạy trốn: “Anh bò ra. Người lạnh run. Thân thể trần trụi không còn một mảnh vải.”

+ Diễn biến sự việc sau khi tìm thấy anh Hai: “Út lột khăn đưa cho anh choàng. Thương anh quá, Út đứng chết trận. Út đưa anh qua cơ sở bên Cồn. Từ đó, anh xuống Cần Thơ. Nhiều việc đang chờ anh dưới đó. Lúc tạm biệt anh dặn Út một câu:…”

Câu 5. Câu văn: “Tiếng gọi nhẹ như hơi thở, nhưng lại mang theo một sức sống tha thiết, mãnh liệt dâng lên bên bờ sông lạnh lẽo, khuya khoắt.”:

- Đây là câu văn tác giả sử dụng để miêu tả tiếng nói của chị Út Tịch khi đi tìm anh Hai.

- Câu văn thể hiện niềm trân quý những con người yêu nước, trong tình cảnh ngặt nghèo vẫn quyết không từ bỏ sự sống.

- Chính tình yêu sống ấy đã lan tỏa tới người chiến sĩ cách mạng đang bị truy đuổi sức mạnh diệu kì vượt lên những thử thách, gian nan,…

Câu 6. Nhận xét về tính cách chị Út Tịch:

- Thẳng thắn, bộc trực, chân thành; 

- Căm thù giặc sâu sắc;

- Yêu nước, hết lòng với Cách mạng, sẵn sàng đặt việc nhà sau việc nước;

- Xử lí tình huống quyết đoán, nhanh nhạy, thông minh;…

Câu 7. Cách mạng không ở đâu xa, ở ngay trong lòng mình.” có còn ý nghĩa đến hôm nay không? Vì sao?

- Cách mạng không ở đâu xa, ở ngay trong lòng mình.” là lời dặn dò của anh Hai Tấn – người chiến sĩ cách mạng với chị Út Tịch khi anh tạm biệt, đó như là lời thề thiêng liêng sắt son của những người cùng chung chí hướng, một lòng một dạ hướng về Cách mạng.

- “Cách mạng không ở đâu xa, ở ngay trong lòng mình.” Trong thời chiến hay thời bình hôm nay vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi. Câu nói ý nghĩa không chỉ đến hôm nay mà còn muôn đời, vì: Cách mạng là kim chỉ nam định hướng mục tiêu, là sự sống, là máu thịt, cốt tủy trong mỗi con người, là bản lĩnh, là ý chí, là khát vọng vươn lên, lan tỏa những điều tốt đẹp, sẵn sàng cống hiến, hi sinh cho lí tưởng cao cả,…

Câu 8. Điểm khác nhau giữa tinh thần yêu nước thời chiến với tình yêu nước trong thời bình:

Có thể theo hướng:

- Thời chiến: Yêu nước là căm thù giặc, là sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ Tổ quốc,…

- Thời bình: Yêu nước là biết ơn các thế hệ cha ông, là sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước,…

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
SALE - 70% Shopee