ĐẶC TRƯNG THƠ MỚI
Phong trào Thơ mới bắt đầu nổi lên vào đầu những năm 1930 và kéo dài qua ba giai đoạn từ 1932 đến 1945. Tên gọi của nó thể hiện sự mở ra của một hướng đi mới trong thơ ca – một sự đổi mới không chỉ về nội dung, hình thức, quan điểm mà còn về tư duy và phong cách sáng tác.
1. Thơ mới – sự bùng nổ của cái tôi cá nhân:
Hiểu như thế nào là cái tôi cá nhân? Có thể nói cái tôi cá nhân là sự đề cao bản ngã cá nhân. Con người được nói đến ở đây là con người cụ thể với những tình cảm, những khát vọng, những quan điểm riêng về cuộc sống. Đối lập với cái tôi là cái ta – con người được nhìn nhận với tư cách là thành viên của một tập thể, một cộng đồng, không được nhìn nhận với tư cách con người cá nhân. Nền văn học trong khuôn khổ của ý thức hệ phong kiến chủ yếu là nền văn học phi ngã, phủ định cái tôi. Những hiện tượng đề cao cái tôi, cái bản ngã như Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát thì không được chấp nhận. “Thơ mới lãng mạn ra đời cũng mang theo một cái tôi cá nhân, một cái tôi cá thể hóa trong cảm thụ thẩm mĩ” (GS. Phan Cự Đệ). Cái tôi cá nhân ở chừng mực nào đó đã nói lên được một nhu cầu lớn về mặt giải phóng tình cảm, phát huy bản ngã, tự do cá nhân. Nó làm cho thế giới tâm hồn ngày càn g mở rộng và phong phú hơn lên.
1.1. Cái tôi cá nhân với nhu cầu giải phóng tình cảm, phát huy bản ngã, tự do cá nhân.
Nếu thơ ca trung đại gắn với hình ảnh con người phi ngã, con người trở thành phát ngôn của đạo lý, của tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức… thì con người trong thơ mới đã mở ra một thế giới nội tâm vô cùng phong phú với những cung bậc tình cảm, những khát vọng, những đắm say và có cả những buồn đau hạnh phúc.
Đó có thể là niềm khao khát được sống một cách mạnh mẽ của cái Tôi cá nhân trong thơ Huy Thông, Xuân Diệu… Cái Tôi tự do của Xuân Diệu như một con “ ngựa trẻ không cương” cứ xông vào cuộc đời với những niềm hưng phấn, xúc cảm mãnh liệt. Nhà thơ kêu gọi tuổi trẻ phải sống mạnh mẽ, sống có bản lĩnh, hãy hưởng thụ cuộc sống trần gian đầy sắc hương hơn là giam mình trong cảnh sống im lìm, tẻ nhạt đầy vô vị:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Em vui đi răng nở ánh trăng rằm
Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự”
(Giục giã)
Đó có thể là cái tôi cá nhân tự do cuả Nguyễn Bính chính là sự rượt đuổi, kiếm tìm bằng một cốt cách đa tình, một đam mê không bờ bến trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc.
“Chiều nay … thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái mấy cho say”
(Một trời quan tái)
Đó có thể là cái Tôi cá nhân của chàng Thế Lữ khao khát tự do, vẫy vùng giữa cảnh “núi non hùng vĩ”, thoát khỏi cảnh tù hãm sa cơ như tâm sự con hổ trong vườn bách thú;
“Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta được phảng phất gần ngươi
-Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”
(Nhớ rừng)
Và chỉ có trong Thơ mới là nói đến tình yêu. Và chỉ có trong tình yêu, cái Tôi cá nhân mới được thể hiện một cách triệt để nhất. Thơ xưa không bao giờ nói đến tình yêu nam nữ nên bước chân nàng Kiều “Xăm xăm băng lối vườn khuya” trở thành hiện tượng độc đáo đầy mai mỉa thì tình yêu trong Thơ mới chính là sự giải thoát khát vọng hạnh phúc đầy nhân văn của con người. Những từ “anh”, “em” mang đầy giá trị về cái Tôi cá nhân xuất hiện rất nhiều trong Thơ mới. Tình yêu là đề tài chủ yếu mà các nhà thơ mới ai cũng bước chân vào và khám phá nó với nhiều cung bậc cả buồn đau lẫn hạnh phúc:
Những lưu luyến, bâng khuâng của buổi đầu gặp gỡ:
“Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”
(Xuân Diệu)
Sự say đắm, dào dạt trong tình yêu:
“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!”
(Xuân Diệu)
Sự chán chường, thất vọng:
“Lòng anh như biển sóng cồn
Chứa muôn con nước nghìn con sóng dài
Lòng em như chiếc lá khoai
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu”
(Nguyễn Bính)
1.2 Cái tôi cá nhân và những con đường thoát ly trong Thơ mới:
Chủ thể của Thơ mới là những nhà trí thức Tây học đang hàng ngày, hàng giờ đòi hỏi thể hiện mình, khẳng định mình như một cá nhân. Cùng với sự tiếp xúc và ảnh hưởng sâu sắc của văn học phương Tây đặc biệt là thơ lãng mạn Pháp, Thơ mới đã tạo nên những nét riêng và cá tính, phong cách sáng tạo của từng nhà thơ. Với những khát vọng được sống hết với những giá trị tốt đẹp của con người nhưng các nhà thơ mới lại phải đối diện với cuộc sống kim tiền đầy ô trọc của xã hội thực dân, các nhà Thơ mới nhanh chóng rơi vào trạng thái cô đơn, bơ vơ, không lối thoát. Tuy nhiên trong tiềm thức của họ vần âm thầm chảy mãi dòng suối văn hóa Việt và tâm hồn dân tộc. Bế tắc trước cuộc sống, họ tìm đến những con đường thoát ly trong thơ mới. Cái tôi cá nhân được phân hóa ra làm nhiều kiểu, họ góp phần làm dấy lên một cuộc cách mạng trong văn chương và coi đó như là nơi tốt nhất để thực hiện khát vọng, giá trị riêng, coi văn chương “như một tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa” (Trường Chinh). Nhìn chung, có những con đường thoát ly sau trong Thơ mới:
Trốn vào tình yêu là con đường phổ biến nhất của thơ ca lãng mạn đương thời mà tiêu biểu là Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử… các nhà thơ trốn vào tình yêu nhưng vẫn mang theo cái Tôi mong manh, đầy bất trắc:
Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng…
(Lưu Trọng Lư)
Trốn vào quá khứ là con đường tìm về với những vẻ đẹp cổ xưa của văn hóa dân tộc mà tiêu biểu là Vũ Đình Liên, Huy Cận … Các nhà thơ tìm về với quá khứ như một sự chạy trốn khỏi hiện tại ngột ngạt nhưng rồi vẫn không dứt khỏi một cái Tôi cá nhân mang nặng nỗi ưu tư, ngơ ngác:
Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa
(Vũ Đình Liên)
Trốn vào thế giới siêu hình của tôn giáo, trốn vào trụy lạc với những cơn say của rượu và khói thuốc phiện như trong thơ Vũ Hoàng Chương và điên loạn như trong thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê… nhưng vẫn hoài ám ảnh bởi cái Tôi cá nhân đầy sầu muộn, cô dơn:
“Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa và quên, quên hết!
…
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành sầu không sụp đổ, em ơi!”
(Vũ Hoàng Chương)
Cái Tôi trong thơ mới trốn vào nhiều nẻo, có nhiều màu sắc phức tạp khác nhau nhưng ở đâu nó cũng buồn và cô đơn. Không có lối thoát, không có tương lai, chỉ thấy đất trời tối tăm mù mịt, đó là cái buồn, cái cô đơn ngay trong bản chất từ khi thơ mới cất tiếng chào đời. Hoài Thanh đã nhận xét: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với hàn mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận… Thực chưa bao giờ thơ Việt nam buồn và xôn xao đến thế.”
1.3. Cái tôi cá nhân và sự thay đổi về hệ thống thi pháp.
Thơ mới với sự xuất hiện của cái tôi cá nhân đã mang theo nhiều khát vọng cá nhân và đi theo đó là nhu ccaafu đổi mới về thi pháp và tư duy thơ, cho sự sáng tạo những hình thức biểu hiện phong phú mang sắc thái độc đáo của phong cách cá nhân. Giáo sư Hồ Thế Hà đã quan niệm “ Thơ Mới đã thực sự làm một cuộc cách mạng trong thi ca. Họ quan niệm về con người, về không gian, thời gian cũng như những mối tương quan khác với môi trường, thiên nhiên hoàn toàn khác trước và thể hiện cách nhìn ấy vào từng tác phẩm một cách thành công.”
Thư nhất, về quan niệm con người, cái Tôi cá nhân đã nhìn nhận con ngươi ở một vị thế khác hẳn với con người trong văn học trung đại. văn học trung đại phủ nhận con người cá nhân và đề cao con người cộng đồng, con người công dân. Con người phải khuất phục bởi “mệnh trời”, bởi ý vua, con người phải nép mình vào thiên nhiên, phải phục tùng đạo đức. Con người trong Thơ mới được đặt ở vị trí là trung tâm của những mối quan hệ. Thơ mới đề cao giá trị bản ngã, cái nhìn lãng mạn đã đưa con người ngang tầm vũ trụ thậm chí cao hơn cả vũ trụ:
“Ta là một, là riêng, là thứ nhất
Không có ai bè bạn nổi cùng ta”
(Xuân Diệu)
“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể
Mượn cây bút nàng Ly tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca”
(Thế Lữ)
Thứ hai, cảm thức về thời gian trong thơ mới cũng là một nét độc đáo. Thơ mới luôn nhìn đời bằng con mắt thời gian. Thời gian trong Thơ mới luôn gắn liền với tâm trạng. Với Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư… thời gian hiện tại luôn gắn liền với nhịp sống hối hả, vội vàng , gấp gáp:
“Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non sắp già rồi…”
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
(Xuân Diệu)
Còn thời gian quá khứ thì thường gắn với sự tiếc nuối vì những gì đẹp đẽ đã vội đi qua:
“Ai hay trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với cả hoa tươi muôn cánh rữa
Về đây đem chắn nẻo xuân sang”
(Chế Lan Viên)
Thứ ba, cảm nhận về không gian nghệ thuật trong Thơ mới cũng là bước đột phá mới mẻ so với thơ cũ. Nếu thiên nhiên trong thơ xưa là tiêu chuẩn của cái đẹp, là thước đo vẻ đẹp con người thì đến Thơ Mới, cách nhìn nhận ấy không còn nguyên vẹn nữa. Thiên nhiên, vũ trụ được đánh giá theo cái nhìn trạng thái cảm xúc của con người. Độ cao rộng, mênh mông của thiên nhiên bây giờ được cảm nhận thông qua không gian ngập tràn nỗi cô đơn của Huy Cận:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
(Huy Cận)
“Sương nương theo trăng ngừng lên trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi…”
Không gian được cảm nhận bằng sự cảm nhận tinh tế của các giác quan và đặc biệt là xúc cảm:
‘Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn”
(Xuân Diệu)
Và có khi, không gian nghệ thuật trong Thơ mới còn được cảm nhận ở chiều sâu của không gian văn hóa, tập trung tất cả vẻ đẹp của truyền thống gắn với khát vọng của cá nhân:
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u cùng với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”
(Nguyễn Bính)
Có thể nói, cái Tôi cá nhân là một cuộc giải phóng vĩ đại trong thi ca ViệtNam. Từ đây, thơ ViệtNambước vào một thời kỳ mới phát triển rực rỡ với những phong cách thơ độc đáo, mỗi người mỗi vẻ làm nên “một thời đại trong thi ca”.
2.Thơ mới – sự bùng nổ của ngôn từ.
Một biểu hiện khá rõ rệt của tinh thần dân tộc trong Thơ mới là lòng yêu thương Tiếng Việt. Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học phương Tây đặc biệt làvăn học Pháp nhưng Thơ mới vẫn giữ gìn và không ngừng phát huy vẻ đẹp của tiếng nói dân tộc trong sự bùng nổ của ngôn từ. trong những năm dài nô lệ, tiếng Việt không những không bị thoái hóa, lai căng mà lại càng trở nên trong sáng và giàu có hơn. Sự bùng nổ ngôn từ trong Thơ mới chính là sự tiếp thu tinh hoa nền thi ca nhân loại dựa trên phương tiện ngôn ngữ tiếng Việt để tạo nên những nét độc đáo trong thơ.
2.1 Thơ Mới chống lại các quy luật gò bó của thơ cũ đã tỏ ra lỗi thời.
Hệ thống thi pháp của văn học trung đại mang nặng tính quy ước, khuôn khổ về âm thanh, nhịp điệu, thể loại.Điều này vẫn còn ảnh hưởng trong các thế hệ nhà thơ đầu tiên của thế kỉ XX như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu người mà Hoài Thanh đánh giá là “đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đang sắp sửa”, nhưng đến thế hệ của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, … thì Thơ mới đã phá vỡ cái hàng rào thi pháp cũ kĩ đó để xây nên nền thi ca mới bằng những viên gạch mới.
Trước hết, về âm thanh, Thơ mới thể hiện nhiều kiểu dạng âm thanh khác nhau, với sự phong phú về giai điệu gợi nên những tâm trạng giàu cảm xúc:
“Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây”
(Hàn mặc Tử)
Âm thanh đọng lại trong từng tiếng thơ, độ ngân rung “vắt vẻo” hòa nhịp với âm trầm “hổn hển” thể hiện sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế. Các từ láy “vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thĩ” là ba cung bậc của âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người đến nhẹ nhàng lắng dịu, chan chứa thương yêu.
Âm thanh trong thơ mới chính là sự kết hợp rất tự do, thoải mái giữa các vần bằng, vần trắc kết hợp những từ láy tượng thanh, độ dài của câu thơ tạo nên nhưng âm thanh sống động vô cùng như “tiếng trúc tuyệt vời” của Thế Lữ:
“Tiếng địch thổi đâu đây
Cớ sao mà réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt
Mây bay … gió quyến mây bay,,,
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt,
Như hắt hiu cùng với gió heo may.”
(Thế Lữ”)
Về nhịp điệu có thể nói Thơ mới rất giàu nhịp điệu và dường như có tính nhạc trong thơ nữa. Đó chính là nhịp điệu ngân vang, sáng trong trong thơ Nguyễn Nhược Pháp: “Hôm nay đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương…”; nhịp điệu hối hả, gấp gáp trong thơ Xuân Diệu – nhà thơ thời gian trong tình yêu nồng cháy: “mau với chứ/vội vàng lên với chứ!/ - Em/em ơi/tình non đã già rồi…”; những âm thanh có độ ngân dài cùng nhịp điệu biến đổi linh hoạt trong thơ Phạm Huy Thông: “Vừng hồng tắm nắng chân mây xa/… Anh Nga! /Anh Nga!/ Dưới ánh trăng tà…”; những nhịp sóng đôi, nghẹn ngào, ngập ngừng nhớ về quá khứ trong thơ Vũ Đình Liên: “Giấy đỏ/buồn/không thắm – Mực đọng/trong/nghiên sầu’ và đặc biệt là tiếng nhạc trong thơ Lưu trọng Lư. Đó là cái đẹp của cấu trúc ngôn từ thơ, cái đẹp của sự hài hòa âm thanh, màu sắc, của cấu trúc sóng đôi … tất cả tạo nên bản nhạc mơ hồ, rung động và đầy bí ẩn như một huyền thoại:
“Em không nghe /mùa thu/
Lá thu rơi/xào xạc/
Con nai vàng/ngơ ngác/
Đạp trên lá/ vàng khô”
(Lưu Trọng Lư)
Về cách phối vần, Thơ mới vô cùng đa dạng và phong phú trong cách phối vần giữa các dòng thơ và cả giữa các tiếng trong cùng dòng thơ tạo nên sự cách tân mới mẻ trong nghệ thuật thơ ViệtNamso với luật lệ trong thơ xưa. Thơ xưa đòi hỏi phải có phối vần thì mới thành thơ nhưng Thơ mới có khi không cần vần mà chỉ đổi thanh cũng rất thơ vậy:
“Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thưở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát”
(Đoàn Phú Tứ)
Sự phối vần ngay giữa các tiếng trong cùng dòng thơ cũng góp phần biểu đạt dụng ý nghệ thuật của tác giả và đây cũng là sự cách tân độc đáo:
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”
-“Ô hay, buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông”
-“Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”
Về thể loại, phải nói rằng Thơ mới rất đa dạng về thể loại. Thơ mới tự tạo ra những thể loại mới tuy nhiên không phải là đoạn tuyệt hẳn với cái cũ mà còn là sự kế thừa và cách tân những tinh hoa của thơ cũ đồng thời cũng có sự tiếp thu sáng tạo các thể thơ nước ngoài. Thể thơ lục bát cổ truyền vẫn được sử dụng nhưng có cách tân về khổ thơ:
“Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp dăng màn âm u
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về…”
(Huy Cận)
Thể thơ 2 chữ, 4 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ … đã hình thành và có vị trí riêng.
Thể thơ hai chữ:
“Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu…
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hiu hắt
Thấm vào
Em ơi,
Trong lòng
Hạt sương
Thành một
Vết thương …”
(Nguyễn Vĩ)
Nhưng nhìn chung, đa số dùng thể thơ tự do, tôn trọng những thay đổi linh hoạt hơn về cách hiệp vần.
“Ta quá say rồi
Sắc ngã màu trôi…
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời.”
(Vũ Hoàng Chương)
2.2. Ngôn ngữ Thơ mới mang đậm dấu ấn của chủ thể trữ tình
Về bản chất, thơ trữ tình là phương thức biểu hiện trực tiếp các trạng thái cảm xúc và suy tư của nhà thơ trước các hiện tượng đời sống. Trong đó, tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là những dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Vì vậy thơ trữ tình đã được khẳng định là “vương quốc chủ quan” (Biêlinxki), là “sự biểu hiện và cảm thụ của chủ thể” (Hêghen). Tuy nhiên không phải lúc nào đặc trưng này của thơ cũng được bộc lộ rõ.
Trong tiến trình văn học dân tộc, thơ trữ tình đã có bề dày lịch sử gắn với dòng chảy bốn ngàn năm của thơ trữ tình dân gian và hàng ngàn năm của thơ trữ tình trung đại. Song thơ trữ tình dân gian là sản phẩm của tập thể, hiển nhiên yếu tố chủ quan bị triệt tiêu. Chủ thể trữ tình thường xuất hiện qua cách xưng hô phiếm chỉ như: anh - em (Anh buồn có chốn thở than – Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya), thiếp – chàng (Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây – Như chim chèo bẻo xa cây măng vòi), mình – ta (Mình nói với ta mình vẫn còn son – Ta đi qua ngõ thấy con mình bò …). Cách xưng hô đó khiến bất kỳ ai cũng có thể trở thành chủ thể trữ tình khi người đó ngân lên lời ca với niềm đồng cảm.
Ở thơ trung đại, phạm vi chủ quan là chí hướng, hoài bão, nó hướng con người nhìn vào một miền lý tưởng để ngợi ca và khẳng định. Ý thức chủ quan luôn vươn tới sự hòa hợp giữa chủ thể và khách thể, những thủ pháp, kỹ thuật ngôn từ cũng nhằm hướng tới sự đồng hóa trên. Chủ thể trữ tình ít khi xuất hiện trực diện mà thường ở trạng thái vô nhân xưng dẫu tâm trạng được nói đến là của một cá nhân. Mượn sự chảy trôi của thời gian Nguyễn Trãi đã nói nỗi buồn trống trải một cách thấm thía, sâu sắc:
Việc cũ ngoái đầu còn đâu nữa
Đến dòng viễn cảnh dạ bâng khuâng
(Cửa bể Bạch Đằng )
Còn đây là nỗi niềm của Nguyễn Du khi ý thức sự nhỏ nhoi của con người trước thời gian, trước vũ trụ:
Gió thu xế bóng lòng quá rộn
Nước chảy mây bay nghiệp bá mờ
(Trông vời nước Sở )
Tuy nhiên khi biểu đạt tâm trạng dấu ấn cá thể đã bị mờ nhòa. Đấy cũng là nét đặc trưng của thơ trữ tình trung đại. Sự thiếu vắng chủ từ biểu thị chủ thể khiến lời thơ trở nên mơ hồ phiếm chỉ. Lời thơ như là “không của ai cả” (Trần Đình Sử). Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ siêu cá thể theo qui luật đối, niêm, vận… Bút pháp thơ trung đại mang tính chất gián tiếp đầy ngụ ý, kí thác.
Đến Thơ mới dòng ý thức chủ quan của chủ thể được bộc lộ một cách trực tiếp. Trước hết nó thể hiện ở sự tự khẳng định của ý thức cá nhân. Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử văn học, ý thức cá nhân được bộ một cách đầy đủ. Trong rất nhiều biểu hiện của ý thức cá nhân, cái tôi chủ thể Thơ mới khát khao bộc lộ “thành thực” cảm xúc, được nói lên “sự thật” của tâm hồn bằng tiếng nói riêng của mình. Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân đã tạo cho cái tôi trữ tình trong Thơ mới một tư thế mới. Các nhà Thơ mới đã lấy cái tôi – một cái tôi đầy cảm xúc làm điểm tựa để nhìn ngắm thế giới. Ngôn ngữ Thơ mới đã được chủ thể hóa cao độ, cái tôi Thơ mới trở thành cái tôi chủ ngữ. Các nhà thơ mới tuyên xưng một cách dõng dạc đầy khẳng định: Tôi là con chim đến từ núi lạ; Tôi chỉ là một khách tình si; Tôi chỉ là người mơ ước thôi; Ta là một, là riêng, là thứ nhất… Cấu trúc ngôn ngữ thơ là một yếu tố thể hiện tính chủ thể hóa cao độ của Thơ mới, đúng như Nguyễn Đăng Điệp nhận xét: “Mô hình danh từ + là + danh từ trở thành mô hình cú pháp cơ bản khi các nhà Thơ mới tìm cách xác lập và khẳng định vị thế của cái tôi cá thể trong thơ” [6, 211].
Sự khẳng định của ý thức cá nhân đã xác lập nội hàm mới của hình tượng chủ thể trữ tình trong Thơ mới. Một trong những biểu hiện cụ thể của nó là mô hình khái quát kiểu từ ngữ chỉ sự sở hữu qua công thức: của + chủ thể và sự xuất hiện với tần số lớn những từ ngữ nhấn mạnh sự sở hữu trong thơ. Thế Lữ ví mình như “khách tình si”, ham mê, đắm đuối trong “vẻ đẹp muôn hình, muôn thể”. Người nghệ sĩ mượn cây bút “nàng Ly Tao”, mượn “cây đàn ngàn phím” để rung lên nốt nhạc lòng. Từ những cảm xúc lãng mạn riêng tư, những nhu cầu, những đòi hỏi, trong khát khao được thành thực là sự bộc bạch niềm yêu đến mê say cái đẹp. Người nghệ sĩ là người có nhiệm vụ tôn thờ cái đẹp:
Tôi là một kẻ mơ màng
Yêu sống trong đời giản dị,bình thường,
Cùng với Nàng Thơ tháng năm ca hát,
Chúng tôi quen cảnh mịt mùng bát ngát
Của non cao, rừng cả; cảnh đìu hiu
Chốn đồng xa sương trắng chập chờn gieo
(Trả lời – Thế Lữ)
Từ sự mở đường của Thế Lữ, các nhà thơ mới sau này tiếp tục trải lòng mình. Xuân Diệu cũng say sưa khẳng định:
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc với muôn dây
Hay chia sẻ bởi tình yêu mến
(Cảm xúc – Xuân Diệu)
Ở đây hình thành mối quan hệ giữa nhà thơ và cái đẹp. Nhà thơ là người sở hữu cái đẹp:
Nhà thi sĩ nâng niu bầu cảm xúc
Của trời mây đúc lại mấy lời hoa
(Trả lời – Thế Lữ)
Hồn trăng gió hãy nghe chàng kể lể
Hồn của người là hồn của người thơ
(Mai sau – Huy Cận)
Ý niệm sở hữu qua cách biểu hiện trên khoác lên mọi sự vật hiện tượng màu sắc chủ quan của chủ thể trữ tình.
2.3. Ngôn ngữ Thơ mới tràn đầy cảm xúc, coi trọng nhạc tính
Bản chất của thơ trữ tình cho phép chủ thể bộc lộ một cách trực tiếp cảm xúc, tâm trạng. Tuy nhiên dưới thời trung đại nét bản chất này của thơ trữ tình chưa có điều kiện để bộc lộ. Với quan niệm “nói chí”, “tỏ lòng”, thơ trữ tình trung đại hướng người đọc vào một miền lý tưởng, hoài bão, điều họ muốn bộc lộ là cảnh ngộ, là vị thế của mình, qua đó tâm trạng được kí thác. Trần Đình Sử cho rằng bài Đêm thu của Nguyễn Du “nổi bật kiểu trữ tình này”:
Già về tóc bạc thương cho gã,
Nán mãi non xanh chửa chán người
Khổ nhất bên trời thân khách mỏi
Suốt năm nằm bệnh quế giang hoài
“Ở đây mấy chữ “gã”, “người”,“khách” đều là từ Nguyễn Du chỉ bản thân mình. Nhà thơ khách thể hóa mình trong một trạng huống nào đó rồi bộc lộ cảm xúc, tình cảm của mình đối với người đó, đó là cách trữ tình rất đặc trưng của thơ trung đại”. Ông nhận xét: “Do đặc điểm này mà thơ cổ điển không biết đến cách thổ lộ và trực tiếp trút xả nguồn cảm xúc dạt dào theo kiểu lãng mạn”[10, 154].
Sự phát triển của Thơ mới chính là bước cải tạo hết sức quan trọng của thơ trữ tình Việt Nam. Tiếp xúc với luồng sinh khí mới từ phương Tây, tư duy, cảm xúc của các nhà thơ mới có những thay đổi. “Tư duy thơ hướng vào phía trong để phân tích cảm giác, trình bày các trạng thái tình cảm” [5, 899]. Chủ trương đào sâu nội cảm, các nhà thơ mới đã hữu hình hóa những vi diệu của đời sống tâm hồn. Thơ mới bộc lộ một cách trực tiếp tất cả mọi cung bậc và sắc thái của tình cảm: vui, buồn, hờn, giận, thiết tha, say đắm, mộng mơ, cay đắng, xót xa.... Đây cũng là xu hướng chính của Thơ mới ở giai đoạn đầu phát triển. Ngôn ngữ Thơ mới mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn.
Cái tôi trữ tình trở về đúng nghĩa của nó – một cái tôi cảm xúc. Có thể xem Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ, Cảm xúc của Xuân Diệu... như tuyên ngôn của các nhà thơ Thơ mới. “Muôn điệu” chính là sự đa dạng trong trạng thái cảm xúc của các nhà thơ Thơ mới.
Sự đa dạng của cảm xúc hiện ra trong từng “mao mạch” của thế giới ngôn từ. Trong chặng mở đầu, ngôn ngữ Thơ mới thường mang theo cái rạo rực, mê say tạo nên những khúc ca vui, niềm hy vọng với chất lãng mạn say người... Càng về sau, cảm xúc của các nhà thơ Thơ mới thăng hoa theo nhiều ngả khác nhau, nó tựa như những con sóng tràn bờ và vỗ miên man một giai điệu buồn với những màu sắc khác nhau để trở thành một tổng phổ nhiều cung bậc.
Có khi là những từ ngữ diễn tả nỗi buồn nhẹ mà man mác bâng khuâng: Tiếng đưa hiu hắt bên lòng – Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn (Thế Lữ); Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều – Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn (Xuân Diệu); Gió theo lối gió mây đường mây – Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay (Hàn Mặc Tử)... Có khi là những từ ngữ thể hiện nỗi buồn đến độ nhức nhối, đau đớn: Tiếng gà gáy buồn như máu ứa – Chết không gian khô héo cả hồn cao (Xuân Diệu); Trời ơi chán nản đương vây phủ - Ý tưởng hồn tôi giữa cõi tang (Chế Lan Viên).
Năng lượng cảm xúc trong ngôn ngữ dồi dào khiến các nhà thơ mới phá tung những khuôn hình chật hẹp và gò bó của câu thơ, nhịp thơ trung đại. Kiểu câu thơ “ý tại ngôn ngoại” không còn phù hợp cho “cảm xúc tràn bờ” của các nhà thơ mới. Câu thơ không còn gò theo khuôn hình cố định mà trở thành dòng tâm trạng, nó tuôn chảy theo cảm xúc; nhịp thơ chảy tràn qua các dòng thơ:
Tôi muốn sống cuộc đời thi sĩ, để
Dốc chén mơ màng nhưng chỉ thấy chua cay
(Lựa tiếng đàn – Thế Lữ)
Ngôn ngữ thơ trung đại đạt đến độ tinh tế, vi diệu trong cảm nhận thị giác và thính giác của chủ thể trữ tình. Ngôn ngữ Thơ mới đã làm giàu có hơn nguồn cảm xúc đó. Các nhà thơ mới đã “Sống toàn tâm và thức nhọn các giác quan” để cảm nhận cuộc sống và những rung động của tâm hồn. Đặc biệt, các nhà Thơ mới rất coi trọng nhạc tính của ngôn ngữ thơ; dùng nhạc thơ để biểu hiện tiếng “nhạc lòng”.
Xuân Diệu đã lấy câu thơ nổi tiếng của Baudelaire: “Les parfums, les couleurs et les respondent” (Những mùi hương, những màu sắc,và những âm thanh đáp ứng với nhau) [5,136] làm đề từ cho bài thơ Huyền diệu.
Sự bùng nổ cảm giác của Xuân Diệu qua bài Huyền diệu bộc lộ trạng thái náo nức đến đắm say của một tâm hồn nồng nhiệt, thiết tha giao cảm với đời. Năng lượng cảm xúc được dồn nén đến mức tối đa nhà thơ cảm nhận “khúc nhạc” bằng cả thính giác, thị giác, khứu giác. Sự “tương ứng cảm giác” đưa chủ thể trữ tình vào “thế giới của Du Dương” để “ Âm điệu thần tiên thấm tận hồn”. Sau tất cả sự ngân rung của khúc nhạc huyền diệu là sự huyền diệu của trái tim, tiếng nhạc đã ngừng im mà tiếng lòng vẫn vang ngân:
Rồi khi khúc nhạc đã ngừng im
Hãy vẫn ngừng hơi nghe trái tim
Còn cứ run hoài như chiếc lá
Sau khi trận gió đã im lìm
Huyền diệu rất tiêu biểu cho tiêu chuẩn mà thi phái tượng trưng đòi hỏi: “âm nhạc trước hết mọi thứ” (Veclen), mỗi từ, mỗi chữ phải là một nốt nhạc làm nên bản giao hưởng của tâm hồn.
Biểu hiện tính nhạc trong ngôn ngữ thơ của các nhà Thơ mới rất phong phú, đa dạng. Nhạc thơ Bích Khê thường du dương, trầm buồn với cách tạo âm và ngôn từ khá đặc biệt:
Lá vàng rơi
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn rung tiếng
Người yêu đương ngồi…
Trăng vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn nghẹn tiếng
Người yêu dậy rồi…
Nếu Thi vị tạo nhạc bằng điệp khúc, điệp từ thì Tỳ bà, Mộng cầm ca, Nghê thường, Tiếng đàn mưa tạo nhạc bằng sự hòa phối của thanh điệu (sử dụng chủ yếu thanh bằng).
Trong Đàn ngọc, Hàn Mặc Tử lại tạo nhạc thơ bằng cách kết hợp các từ láy có cung bậc thanh điệu khác nhau để diễn tả những thái cực của “khúc nhạc lòng” dâng cao hoặc trầm lắng:
Nàng! Lạy Nàng! Hãy nghe tôi cầu khẩn:
Hãy khoan tay cầm lại trí tương tư
Đang chờn vờn trong nguồn sáng ngất ngư
Đang lướt mướt ở trong màu hoa lệ
Tiếp thu phương Tây, các nhà thơ mới chủ trương một quan điểm mở giới hạn “vô biên và tuyệt đích” cho thơ và giải phóng mọi giác quan để cảm nhận thế giới. Ngôn ngữ Thơ mới cũng phá tung ước lệ cổ điển để biểu lộ những cung bậc tận cùng của cảm xúc. Sự cách tân ngôn ngữ Thơ mới đã góp phần làm nên một cuộc cách mạng thơ ca (1932 -1945).
(Sưu tầm)
Để lại bình luận