Giải thích và trình bày ý kiến của anh/ chị về hai nhận định trên qua tác phẩm trong và ngoài chương trình
Bài làm
Mỗi trang văn không phải lúc nào cũng rực rỡ như ánh nắng sớm mai mùa hạ, đẹp đẽ như nụ hoa chớm nở đầu xuân, ấm áp như ánh lửa hồng trong đêm giá rét và yên bình như mặt đất đón nhận chiếc lá thu rơi xào xạc tìm về với nguồn cội. Nó còn là những mảng màu tối của bức tranh hiện thực, là những cơn mưa bão xối xả, ào ạt trước khi để lại trên nền trời vẻ đẹp bảy sắc cầu vồng. Chẳng thế mà khi bàn về nghề văn Pauxtôpxki cho rằng: "Thiên chức của Nhà văn là người dẫn đường vào xứ sở cái đẹp", còn Gô- gôn khẳng định" Có những thời đại nếu không chỉ ra tận cùng toàn bộ cái xấu xa, đê tiện của cuộc sống hiện tại thì sẽ không có cách nào để hướng xã hội tới cái đẹp." Bài thơ " Cảnh ngày hè" (Nguyễn Trãi) và hai truyện ngắn "Người ngựa ngựa người (Nguyễn Công Hoan), " Nhà mẹ Lê" (Thạch Lam) chính là những minh chứng sáng giá cho hai nhận định trên.
Hành trình vươn tới nghệ thuật đích thực của người nghệ sĩ là hành trình khám phá những vẻ đẹp của cuộc đời, hình thành nên những giá trị tốt đẹp trong trí nhớ và trái tim người đọc. "Đã là văn chương thì phải đẹp" (Nguyên Ngọc) và đối với Pauxtốpxki cái đẹp đã trở thành bến đỗ cho tâm hồn người nghệ sĩ nuôi dưỡng bao hương thơm và trái ngọt cho cuộc đời. " Xứ sở của cái đẹp" chính là những vẻ đẹp của hiện thực cuộc sống con người được nhà văn khẳng định và ca ngợi. Đó còn là sự hòa quyện với lớp ngôn từ lấp lánh, độc đáo. Ngòi bút của nhà văn đã mở ra cho người đọc cái nhìn thẩm mĩ mới mẻ, sâu sắc về cuộc đời, đem đến cho người đọc những giá trị mang tính nhân văn, hướng tới chân -thiện- mỹ. Pauxtopxki đã coi đó là "thiên chức" như một sứ mệnh, nhiệm vụ cao cả khi người nghệ sĩ đến với văn chương. "Người dẫn đường" là người mở ra lối đi ngã rẽ mà trong văn chương người nghệ sĩ đã dùng ngôn từ để vẽ đường đi cho mọi tâm hồn có thể đặt chân vào thế giới của cái đẹp. Nhà văn đã dựng nên một thiên đường, nơi ấy có tiếng ca về những giá trị nhân văn nhân bản, có vẻ đẹp muôn màu của bức tranh hiện thực. Nhưng theo Gô- gôn "có những thời đại", nhiệm vụ của Nhà văn là "chỉ ra tận cùng toàn bộ cái xấu xa đê tiện của cuộc sống hiện tại". Đây chính là khi người nghệ sĩ nhìn cuộc đời với những gì trần trụi nhất, tái hiện tất cả những mặt tối tăm mù mịt của bức tranh hiện thực. Tác phẩm văn chương đâu chỉ khoác lên mình chiếc áo choàng lộng lẫy mà nó còn sống với những phần bần tiện, thấp hèn nhất của bộ mặt hiện thực. Nếu không vạch trần được những góc khuất xấu xa, những đám mây u ám đang vây kín bầu trời đẹp đẽ kia thì "sẽ không còn cách nào để hướng xã hội tới cái đẹp". Pauxtopxki đã nhìn ra một ngả đường khác để người nghệ sĩ hoàn thành trách nhiệm nghệ thuật của mình. Song những trang văn dù có là thiên đường của cái đẹp hay phản chiếu những cái xấu xa, đê tiện thì cuối cùng nó vẫn giúp người đọc nhận ra giá trị đích thực của đời sống. Với cách nói khẳng định của Pauxtôpxki và cách lập luận bác bỏ của Gô- gôn hai nhận định trên đã bổ sung cho nhau nhấn mạnh đặc trưng, giá trị của văn học cũng như để lại cho người nghệ sĩ con đường sáng tạo đúng đắn: Người nghệ với sứ mệnh nghệ thuật của mình có thể dẫn người đọc đến thế giới của cái đẹp nhưng đôi khi lại phản ánh những cái xấu xa, thấp hèn để khẳng định những giá trị chân - thiện - mỹ.
Hai nhận định trên cùng song song bổ sung cho nhau tạo thành một quy luật sáng tạo hài hòa, thống nhất. "Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu của nghệ thuật" (Bêlinxki). Đó như một chân lý theo suốt quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Người ta đến với tác phẩm đâu chỉ đơn giản là đón nhận một thành quả lao động nghệ thuật của nhà văn mà còn muốn nhìn thấy được những bài học nhân sinh sâu sắc, hướng đến những hành động có ý nghĩa và thưởng thức những giá trị thẩm mĩ mới mẻ đặc sắc. Bởi vậy mà kết đọng lại trên trang văn của người nghệ sĩ là cái nhìn đầy nhân văn trước cuộc đời, hướng tới những gì chân- thiện- mỹ. Chính người nghệ sĩ đã dùng tài năng và tấm lòng mình đánh động nhiều âm vang trong lòng người đọc, biến quá trình tiếp nhận tác phẩm thành quá trình tự nhận thức, giúp người đọc hoàn thiện bản thân. Vẻ đẹp của lớp ngôn từ độc đáo cùng hòa quyện với vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống con người mà nhà văn phản ánh tạo nên một chỉnh thể của cái đẹp mà bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng muốn hướng đến. Nhưng mỗi người lại chọn một lối đi riêng, một cách thức khác nhau để cập đến bến bờ của cái đẹp. Có người trực tiếp ca ngợi cái đẹp, có người lại bắt đầu từ những mặt tối tăm nhất của cuộc sống. Vì "cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học" (Tố Hữu) nhưng bức tranh hiện thực lại vô cùng phong phú và phức tạp. Nó tồn tại nhiều mảng đối lập khó hiểu cần có đôi mắt tinh tế để lý giải, thấu hiểu. Và mỗi tâm hồn, mỗi con mắt, mỗi trái tim lại có cách khám phá hiện thực theo con đường khác nhau. Người nghệ sĩ có thể đứng từ nhiều góc độ khác nhau để nhìn cuộc đời, có những rung động những khoái cảm nghệ thuật riêng biệt không trùng lặp bất kì ai. Hơn nữa, mảnh đất gieo nguồn cảm hứng cũng do người nghệ sĩ lựa chọn nên mỗi tác phẩm lại có những màu sắc không giống nhau. Có lẽ đây cũng là cơ sở để tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà văn. Tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của nhà văn, là gương mặt đại diện cho bao tư tưởng, quan niệm mà nhà văn ấp ủ. Vì thế nó thể hiện cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ, không lặp lại ai và không lặp lại chính mình. Cũng bởi vậy nên mỗi tác phẩm không chỉ là bản nhạc du dương ca ngợi cái đẹp mà còn có những gì xấu xa, những gì tăm tối của bức tranh hiện thực. Tưởng chừng như đối lập nhưng thực chất nhận định của Pauxtôpxki và Gô- gôn cùng hòa hợp tạo thành quan điểm sáng tạo đúng đắn, hoàn chỉnh. Những gì đẹp đẽ sẽ hấp dẫn người đọc ngay từ lần đầu tiên cũng giống như những tác phẩm "xứ sở của cái đẹp" sẽ dễ dàng cuốn hút người đọc muốn khám phá và cảm nhận. Nhưng với những trang văn chỉ ra tận cùng toàn bộ cái xấu xa đê tiện người đọc lại có một quá trình tự nhận thức đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ vũng bùn lầy đến với những vẻ đẹp nhân văn nhân bản. Quả thực hay nhận định trên đã gắn bó và bện chặt vào nhau.
Trong dòng chảy văn học dân tộc, bài thơ "Cảnh ngày hè" (Nguyễn Trãi) cùng với hai truyện ngắn "Người ngựa, ngựa người" (Nguyễn Công Hoan) và "Nhà mẹ Lê" (Thạch Lam) chính là những minh chứng rõ ràng cho hai nhận định trên. "Cảnh ngày hè" thuộc bài 43 trong "Quốc âm thi tập" được sáng tác trong thời điểm cuối hè khi Nguyễn Trãi đang trông coi chùa Côn Sơn. Bài thơ vừa khắc họa bức tranh ngày hè rực rỡ, căng tràn sức sống vừa thể hiện tấm lòng "ưu dân ái quốc" của một nhà nho yêu nước. Truyện ngắn "Người ngựa ngựa người" ra đời năm 1931 là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Công Hoan. Đó là cuộc "kỳ ngộ" của hai mảnh đời bất hạnh hiện ra trên trang văn của Nguyễn Công Hoan đầy xúc động. Còn "Nhà mẹ Lê" nằm trong tập truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" (1937) miêu tả chân thực cuộc sống nghèo khổ khốn khó của tầng lớp bình dân trong xã hội cũ qua đó thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Thạch Lam. Mỗi người nghệ sĩ dù chọn những ngã rẽ khác nhau để hoàn thành sứ mệnh nghệ thuật của mình nhưng đều hướng đến những vẻ đẹp của cuộc sống con người đem đến cho người đọc nhiều bài học "trông, nhìn và thưởng thức" (Thạch Lam)
Có những người nghệ sĩ đã mở ra cánh cửa của "xứ sở cái đẹp" trong chính những áng thi ca, những trang văn chương của mình để làm nên sức sống riêng cho tác phẩm. Với "Cảnh ngày hè" Nguyễn Trãi đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một người nghệ sĩ chân chính giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp cuộc đời. Thi nhân đã tái hiện vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống và để lại trong lòng người đọc vẻ đẹp của một tâm hồn đáng trân trọng. Nguyễn Trãi thực sự đã dẫn người đọc vào một thiên đường với sức sống rạo rực chất chứa trong từng cảnh vật:
" Hòe lực đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương"
Thiên nhiên trong cảm nhận của thi nhân dường như đang ở độ căng tràn, tròn đầy nhất, đua nhau khoe sắc tỏa hương. "Đùn đùn" là dồn dập, tuôn ra kết hợp với từ "giương" đã làm hiện ra trước mắt người đọc hình ảnh cây hòe xanh thẫm đang vươn đã mãi ra như muốn vượt ra khỏi khuôn khổ. Ngoài hiên, cây lựu đang đồng loạt trổ hoa đỏ thắm. Động từ "phun" khiến người đọc hình dung những bông hoa lựu li ti như những chiếc đèn lồng nhỏ xíu mà tuôn ra một sức sống mạnh mẽ có thể đốt cháy thành những đốm lửa rực rỡ. Hoa sen hồng trong ao tỏa ra thứ hương thơm ngát chạm vào khứu giác người đọc. "Tiễn" là từ Nôm cổ chỉ sự đầy tràn, dư ra, đặt trong câu thơ của Nguyễn Trãi nó gợi lên một chất sống mãnh liệt đang được dồn nén, chất chứa từ bên trong tạo vật. Cấu trúc "còn ...đã" thể hiện sự nối tiếp không ngừng của cảnh vật chúng như thể đua nhau, chen nhau bùng lên sức sống cho cuộc đời. Cái tinh tế của Nguyễn Trãi là đã phát hiện ra một nhịp đập vô hình hối thúc từ bên trong tạo vật chứ không đơn thuần là miêu tả màu sắc, đường nét, dáng điệu, cảnh thiên nhiên. Phải chăng đó chính là sự hòa hợp giữa vẻ đẹp người thi sĩ đầy lãng mạn và tâm hồn lộng gió của một bậc anh hùng. Tự bao giờ ta đã lạc vào không gian của thiên nhiên ngày hè căng tràn nhựa sống, rực rỡ sắc màu để lại trong lòng người cảm xúc vương vấn ngỡ như đang lạc vào thiên đường trên mặt đất...
Bức tranh càng ngày càng sắc nét, đẹp đẽ hơn khi Nguyễn Trãi phác họa vẻ đẹp của cuộc sống con người. Tâm hồn người đọc lại đặt chân lên một nấc thang của "xứ sở cái đẹp" để mở thêm những cánh cửa về âm thanh và ánh sáng:
" Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm về lâu tịch dương"
Đó là cuộc sống bình dị đời thường, một cuộc sống bình yên ở làng chài ven biển. Thời gian đã trở về chiều nhưng tiếng chợ cá vẫn còn "lao xao", mặt trời sắp lặn nhưng vẫn còn vương vấn lại một vài tia nắng trên lầu vắng. "Lao xao" là âm thanh nhộn nhịp, rộn rã như biểu trưng cho sức sống, cho cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nghệ thuật đảo ngữ càng làm nổi bật không khí nhộn nhịp nơi làng quê. Thi nhân như đăng căng tất cả các giác quan để lắng nghe cuộc đời với tiếng lòng trìu mến, như đang cảm nhận từng âm thanh, vũ điệu cuộc sống. Tiếng ve kêu như một dàn đồng ca hòa với âm thanh của tiếng đàn cầm làm cho bức tranh mùa hè càng thêm vui tươi, giàu sức sống. Vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống con người cứ từng nét hiện ra trước mắt người đọc sống động đến từng chi tiết. "Xứ sở của cái đẹp" cũng dần được người đọc khám phá và cảm nhận một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất.
Nhưng "xứ sở cái đẹp" trong bài thơ "Cảnh ngày hè" còn hiện lên ở vẻ đẹp tâm hồn của một con người "ưu dân ái quốc". Bài thơ toát lên những ánh sáng lấp lánh của nỗi lòng yêu nước thương dân:
"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đời phương"
Cả đời thi nhân Nguyễn Trãi vẫn không lúc nào nguôi ngoai nỗi lo cho nước, cho dân. Điển tích "Ngu cầm" gợi lên hình ảnh cây đàn của vua Ngu Thuấn ca lên khúc "Nam Phong" là biểu tượng cho đất nước thái bình, thịnh trị, no đủ. Nhà thơ chỉ mong có được cây đàn ấy để cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân no đủ. Mạch thơ từ 7 chữ chuyển thành sáu chữ kết hợp với nhịp thơ 3/3 tạo âm điệu đột ngột thay đổi như một sự dồn nén của cảm xúc. Ước nguyện của thi nhân thật bình dị mà làm ấm lòng người cảm nhận để ta thêm thấu hiểu nỗi lo đời rất mực cao cả thiêng liêng của thi sĩ. Cả đời Nguyễn Trãi chỉ mong làm sao cho nơi nơi từ hang cùng ngõ vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu. Có lẽ cái đẹp trong tâm hồn chính là điểm kết tụ lại trong bài thơ "Cảnh ngày hè". Nguyễn Trãi đã dẫn người đọc Khám phá xứ sở của cái đẹp để rồi đọng lại trong tâm hồn ta là tình yêu thiên nhiên tha thiết, là niềm trân trọng với một tấm lòng "ưu dân ái quốc". Bức tranh cảnh ngày ngày sinh động, giàu sức sống đã đánh động niềm say mê với cuộc đời của người đọc. Và hơn bao giờ hết, tác phẩm khép lại nhưng vẫn còn ngân vang dư âm của tình yêu tổ quốc, yêu đất nước, yêu quê hương. Từ vẻ đẹp trong bài thơ, Nguyễn Trãi đã gợi lên trong lòng người đọc một thế giới của cái đẹp, của những tình cảm nhân văn sâu sắc.
Nhưng, lại có những người nghệ sĩ nhìn thẳng vào những mảng màu đen tối của hiện thực, lột tả tận cùng bộ mặt của cái xấu xa, đê tiện bởi "cái đen là cuộc sống" (Secnusepxki). Truyện ngắn "Người ngựa ngựa người" của Nguyễn Công Hoan đã phản ánh bộ mặt dửng dưng, lạnh lùng xã hội trước nỗi khổ của con người, chính cảnh nghèo đói, chật vật đã đẩy những con người cùng khổ vào sự vô tình, tha hóa. Nhân vật anh phu xe nhà nghèo vì muốn kiếm tiền lo cho gia đình để không phải chịu cái đói khi năm hết Tết đến mà phải làm việc trong đêm giao thừa: "anh ấy vừa mới ốm dậy, ốm một trận tưởng mười mươi chết, thành ra không những mất một dịp kiếm tiền vào lúc cuối năm, mà bao nhiêu tiền dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả. Bởi vậy hôm nay, anh ấy cố vay được cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo để ăn tết". Trong khoảng thời gian mà người ta trở về gia đình để sum họp thì anh vẫn ở nơi phố huyện lạnh lẽo mà đợi khách. " Thỉnh thoảng anh ta dỏng tai quay cổ xem có ai gọi ở đằng xa không". Anh hi vọng, anh chờ đợi nhưng xã hội vô tình vẫn chẳng thể cho anh chút tình người. Thế rồi cái số phận đáng thương ấy lại gặp một kẻ cùng đường chẳng hơn gì anh. Cô gái giang hồ là vị khách mang đến cho anh phu xe niềm vui mừng, niềm hi vọng. Ấy vậy mà trớ trêu thay con người ấy cũng chẳng có một xu dính túi, đã không trả tiền anh mà lại còn ăn của anh hai đồng bạc. Bị đẩy vào bước đường cùng, anh phu xe phải kéo cô gái giang hồ đi khắp các nhà Săm tìm khách nhưng 30 Tết người ta cũng đều trở về với gia đình cả rồi. Có lẽ người ta cũng bận lo cho cuộc sống của mình chẳng còn ai quan tâm vẫn còn hai con người khốn khổ đang chờ đợi vài đồng bạc về ăn tết. Cô gái giang hồ "thả mồi" cũng chỉ nhận lại sự phớt lờ: "Tôi không biết, cô hỏi thăm anh xe này cũng được. Tôi còn vội đi mời đốc tờ cho vợ tôi ốm đây!". Đến lúc cùng đường bế tắc, cô gái giang hồ đánh tìm cách bỏ trốn. Cô lừa anh vào nhà săm vay tiền rồi luồn qua cửa sau đi mất. Hai số phận nghèo khổ gặp nhau lại càng gây thêm cho nhau những tổn thương khổ sở. Trong cái xã hội ấy dường những người ta chẳng bao giờ để ý đến những thân phận nghèo khổ, những kiếp người bi đát ngoài kia. Những con người vô tình trong xã hội ấy chẳng những không cứu vớt, cưu mang những số phận nghèo khổ mà còn xua đuổi họ. Anh phu xe vào nhà săm tìm cô gái giang hồ, biết đã để cho con nợ trốn mất anh bằng hoàng rồi lại bị người bồi săm đánh tan giấc chiêm bao và xua đuổi: "Đi cho người ta đóng cửa. Ai bảo anh xông nhà cho tôi? Năm mới đừng bí beng!". Đến lúc này anh chỉ biết "nghiến răng, cau mặt, lủi thủi ra hè, cầm cái đệm quật mạnh vào hòm đánh thình một cái!". Cái kiếp khốn khổ của anh cũng chẳng ai thương mà ngược lại họ còn khinh thường, dửng dưng với anh. Anh phu xe về nhà mà không một xu dính túi, anh lại trở về với cái đói nghèo khốn cùng nhất ngay trong những ngày tết. Phải chăng cô gái giang hồ kia cũng là nạn nhân của xã hội bạc bẽo vô tình. Nguyễn Công Hoan đã lột tả bộ mặt xấu xa, lạnh lùng, thiếu tình người của xã hội lúc mấy giờ một cách chân thực mà chua xót. Văn chương quả thực không phải lúc nào cũng là màu hồng mà nó còn là những mảng màu đen tối, nó phơi bày những gì xấu xa, đê tiện nhất của cuộc sống hiện tại.
Và vẫn có những tác phẩm ánh lên vẻ đẹp từ bên trong tâm hồn có vỏ bọc không hoàn mĩ, vẫn có người nghệ sĩ khơi gợi cái đẹp từ trong những cái có vẻ ngoài xấu xí, khó nhìn. Nhân vật mẹ Lê trong truyện ngắn "Nhà mẹ Lê" của Thạch Lam tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng lại mang những vẻ đẹp đáng trân trọng. Mẹ Lê có thân hình của một người đàn bà quê "chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay dăn deo như một quả trám khô". Mẹ Lê lại là dân ngự cư lê thành phố, "khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: Mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi, đứa bé nhất hãy còn phải bế trên tay". Khi cuộc sống rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực, mẹ Lê đành phải đi xin gạo ở nhà ông Bá. Dẫu biết ông Bá không cho nhưng bà vẫn cố hi vọng vào cái cơ hội mong manh ấy vì "không có thì lấy gạo đâu mà ăn". Mẹ Lê đã bất chấp mạng sống của mình, bỏ đi cái gọi là danh dự để cố sang xin được biếng cơm cho đàn con. Và để rồi khi về đến nhà, thì đàn con nhìn thấy mẹ mình "máu đỏ chảy ròng ròng". Mẹ Lê đã ra đi chỉ hai ngày sau đó bỏ lại đàn con thơ không biết trông cậy vào ai. Cái chết của bà để lại những khuôn mặt ngơ ngác của 11 đứa con không còn chỗ nương tựa. Đằng sau con người bất chấp mạng sống xin ăn ấy là vẻ đẹp của người mẹ tần tảo, nhọc nhằn và một con người lạc quan. Cuộc sống mưu sinh khó khăn là thế nhưng bà vẫn cố chăm chỉ, tần tảo, chịu thương chịu khó làm thuê cho nhà khác để nuôi 11 đứa con. Mẹ Lê luôn yêu con hết mực, hi sinh tất cả vì con kể cả cái chết. Bà vẫn hay nói đùa rằng nếu con bà lạc mất thì "Bớt đi cho đỡ tội". Sự liều mạng sang nhà ông Bá xin gạo của mẹ Lê chẳng phải đều là muốn các con không phải nhịn đói hay sao? Tình yêu thương của người mẹ ấy lớn lao, vĩ đại vô cùng, thiêng liêng như dòng suối ngọt lành tưới mát tâm hồn đàn con thơ. Mạng sống đối với mẹ Lê đã chẳng còn quan trọng bằng việc các con có cơm ăn. Ở con người ấy, ta còn thấy được niềm lạc quan dù trong hoàn cảnh khốn khó tận cùng. Bà không hề kêu ca, không than vãn một lời vì cuộc sống nghèo khổ, đối với bà hạnh phúc là chỉ cần những đứa con được ăn no, được vui vẻ bên nhau: "Tuy vậy, cũng có những ngày vui vẻ. Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà. Các người hàng xóm cũng làm như thế. Các bà mẹ ngồi rủ rỉ với nhau những câu chuyện kín đáo, các trẻ con nô đùa dưới quán chợ, còn các bà già thì ngồi rũ tóc tìm chấy ngoài bóng nắng". Giây phút họ có những tiếng cười bên nhau thật hiếm hoi nhưng thật yên bình và đẹp đẽ biết mấy. Những kiếp người ấy tuy nghèo khổ, khó khăn nhưng vẫn ngời lên những vẻ đẹp phẩm chất đáng trân trọng, để lại trong lòng người đọc những suy ngẫm về cái đẹp khuất lấp trong nội tâm con người. Thạch Lam đã đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn của con người. Ở nơi phố huyện nghèo, ở một ngõ ngách nào đấy vẫn có những con người tuy mang vẻ ngoài xấu xí, khó nhìn nhưng nội tâm lại đẹp đẽ vô ngần. Người nghệ sĩ cũng thật khéo léo khi khơi gợi được cái đẹp từ vẻ ngoài những gì khó nhìn, không hoàn hảo. Đó chính là tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn hòa quyện trong tài năng nghệ thuật độc đáo.
Dù miêu tả cái đẹp ngay trong lớp ngôn từ hay khơi gợi từ cái xấu xí, khó nhìn thậm chí là phản chiếu toàn bộ bộ mặt bần tiện, xấu xa của hiện thực thì mỗi tác phẩm cũng mang những vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật đặc sắc thể hiện cá tính sáng tạo của từng nghệ sĩ. "Cảnh ngày hè" có kết cấu đầu cuối tương ứng, tạo nên sự hoàn chỉnh cho bài thơ. Nguyễn Trãi đã sử dụng nhiều tính từ, động từ mạnh, nghệ thuật đảo trật tự cú pháp tạo ấn tượng sâu sắc với người đọc. Điển tích được sử dụng rất khéo, giọng thơ khi dồn dập miêu tả sức sống căng tràn của cảnh vật, khi trầm lắng bởi những tâm tư... Đến với "Người ngựa ngựa người" ta thấy được cách tạo dựng tình huống truyện vô cùng độc đáo, đầy mâu thuẫn, chứa đựng cả cái bi và cái hài của Nguyễn Công Hoan. Nhà văn đã khắc họa nhân vật chủ yếu qua hành động, cử chỉ, lời nói... Nhưng nhờ vậy mà những cung bậc cả xúc khó diễn tả của nhân vật đều được bộc lộ. Ngôn ngữ trong "Người ngựa ngựa người" gần gũi với đời thường, mang đậm tính khẩu ngữ. Còn "Nhà mẹ Lê" (Thạch Lam) lại có cách sắp xếp cốt truyện đơn giản, ít kịch tính nhưng lại rất cuốn hút làm nổi bật số phận và vẻ đẹp tâm hồn nhân vật. Bút pháp của nhà văn vừa tả thực vừa lãng mạn, giọng văn nhẹ nhàng, trầm lắng man mác niềm cảm thương. Ngôn ngữ không sắc nhọn mà thuần hậu, tinh tế mà có độ chính xác cao... Nhờ những vẻ đẹp của hình thức mà nội dung tư tưởng của tác phẩm đã được cất cánh bay cao đi đến chân trời nghệ thuật đích thực.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều hướng tới cái đẹp, cái thiện, những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Và người đọc sẽ là người khám phá, mở ra từng cánh cửa nghệ thuật, biến quá trình tiếp nhận tác phẩm thành quá trình tự nhận thức của chính mình. Hơn bao giờ hết, người nghệ sĩ chính là người dẫn đường cho bạn đọc và cũng là người dám vạch trần những cái xấu xa, xảo trá, bần tiện của đời sống hiện tại. Văn chương nhờ vậy mà vừa là những tiếng ca ngợi vừa là tiếng thét khổ đau của con người trong cuộc sống muôn hình vạn trạng. Đến với văn chương người nghệ sĩ trước hết phải ý thức được sứ mệnh của mình, biết rung động trước cái đẹp, biết cảm thông trước những cuộc đời bất hạnh, biết phẫn nộ trước cái xấu xa bỉ ổi... để rồi đem đến cho bạn đọc sự thưởng thức thẩm mỹ nghệ thuật và những giá trị nhân văn cao đẹp. Còn đối với người đọc, hãy đọc bằng cả trái tim mình, bằng con mắt chiêm ngưỡng nghệ thuật tinh tế và trân trọng sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Những vẻ đẹp toát lên trong bài thơ "Cảnh ngày hè" (Nguyễn Trãi) và hai truyện ngắn "Người ngựa ngựa người" (Nguyễn Công Hoan), "Nhà mẹ Lê" (Thạch Lam) sẽ còn để lại trong trí nhớ người đọc nhiều cái nhìn khác nhau về thế giới của cái đẹp, về hiện thực đời sống. Ba tác giả đã in dấu phong cách nghệ thuật của mình trên chặng đường văn học, khẳng định vị trí của mình trong trái tim của người cảm nhận, họ đã mở ra cho lớp người đi sau những quan điểm sáng tạo đúng đắn.
"Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng" (Charles Dubos). Ta nhìn thấy được những tư tưởng sâu sắc của nhà văn, cảm nhận được những vẻ đẹp trong tác phẩm cũng là khi người nghệ sĩ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Với những nghệ sĩ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Hoan và Thạch Lam, họ hoàn thành nhiệm vụ với nghệ thuật nhưng dấu ấn của họ thì mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Người nghệ sĩ chân chính và tài hoa cũng chính là người ở lại lâu nhất trong lòng độc giả. Và dù đến như một người dẫn đường hay làm nên những bản tố cáo hiện thực thì mỗi người nghệ sĩ cũng làm nên những giá trị lớn lao có tác động mạnh mẽ đến hiện thực, đến thời đại.
(Bài viết của học sinh lớp 12 chuyên Văn)
Nguyễn Thanh Xuân, Phan Thị Thu Hiền, Trần Thị Thanh
Trường THPT Chuyên Hùng Vương Phú Thọ
Để lại bình luận