Banner cho bài viết: Có ý kiến cho rằng: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim”  Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên qua tác phẩm ngoài chương trình mà anh/ chị tâm đắc.

Có ý kiến cho rằng: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim” Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên qua tác phẩm ngoài chương trình mà anh/ chị tâm đắc.

Đề 1. Có ý kiến cho rằng: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên qua tác phẩm ngoài chương trình mà anh/ chị tâm đắc.

Bài làm

Thơ ca bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ. Mỗi tác phẩm là tiếng lòng trìu mến của nhà thơ, kết tinh hài hoà, sâu sắc cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ. Bàn về thơ, Chế Lan Viên từng nói: "Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim"

Thơ ca là một hình thức sáng tác văn học đặc trưng, lấy tâm trạng,cảm xúc làm điểm tựa mà cất lên thành những câu có nhạc điệu, được cô đúc trong một thứ ngôn ngữ hàm súc, tinh tế, giàu giá trị biểu cảm. "Thơ cần có hình cho người ta thấy", "hình" ở đây được hiểu là hình ảnh về thiên nhiên, cuộc sống, về con người - một trong những yếu tố thuộc về hình thức nghệ thuật để biểu hiện cảm xúc tư tưởng của nhà văn. Hình ảnh được tái hiện trong thơ vừa chân thực vừa sinh động, bắt nguồn từ cái đẹp trong hiện thực đời sống mà vẫn đan xen cái tôi rất riêng của người nghệ sĩ. Nhưng nhà thơ không phải chỉ là một người hoạ sĩ đơn thuần biết sáng tạo nên những bức tranh cầu kì sắc màu mà anh còn phải cho người đọc cảm nhận được cái "ý", cái "tình" trong thơ. "Ý" có nghĩa là nội dung, ý nghĩa tư tưởng của thi phẩm. Cái "tình" là tình cảm, cảm xúc. Hai yếu tố này kết hợp hài hoà tạp nên một thế giới nghệ thuật đa chiều độc đáo, vừa khiến bạn đọc phải ngẫm nghĩ, suy tư về vấn đề nhà thơ đặt ra trong tác phẩm, vừa rung cảm trong sâu thẳm trái tim con người. Qua đó, nhận định trên cảu Chế Lan Viên đã khẳng định và đề cao yếu tố hình, tình ý trong thơ. Ba yếu tố này có vai trò quan trọng giúp người đọc nhận thấy vẻ đẹp hình thức nghệ thuật và giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, từ đó có sự rung động sâu sắc trong tâm hồn.

Ý kiến trên đã khái quát một cách hàm súc mà đúng đắn đặc trưng thơ về phương diện nội dung và nghệ thuật. Sóng Hồng từng cảm thán rằng: “Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời”. Cái hay, cái đẹp của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng là phản ánh, biểu đạt thông qua hình tượng nghệ thuật độc đáo. Không có các hình tượng, thế giới tinh thần không thể biểu hiện cụ thể, nhà thơ không thể truyền dẫn thông điệp nội dung, tư tưởng, tình cảm một cách trọn vẹn, ấn tượng đến người đọc. Hơn nữa, thơ ca thuộc phương thức trữ tình, thiên về biểu hiện thế giới chủ quan của con người bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm biểu đạt những trạng thái tư tưởng, tình cảm và ý nghĩa phức tạp, đa dạng. Mỗi tác phẩm đều mang một ý nghĩa tư tưởng, thông điệp nhất định đòi hỏi người đọc phải căn cứ vào hình, ý, tình mới cảm nhận được. Hình ảnh trong thơ, có thể là hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống, con người... phải là những hình ảnh đó phải chọn lọc, đặc sắc, có sức khái quát, chân thực, đa nghĩa, nhằm để lại ấn tượng, dấu ấn sâu sắc. Ý, tình trong thơ, những tư tưởng, cảm xúc, tình cảm.., phải trong sáng, tiến bộ, có tính nhân văn, hướng con người tới các giá trị chân - thiện - mĩ. Nói cách khác, “Thơ là sự sung mãn của tình cảm mãnh liệt”. (Ban-zắc), cảm xúc trong thơ phải mãnh liệt, chân thành, nhà thơ phải lựa chọn được những hình ảnh phù hợp để biểu đạt nội dung tư tưởng, cảm xúc một cách tự nhiên, sâu sắc có sức lay động lớn lao. Quả thật, một bài thơ hay, có giá trị phải là sự tổng hoà hết hợp của ba yếu tố: hình, ý và tình; đem đến những rung cảm thẩm mĩ thực sự cho cuộc sống, cho con người.

Và ba tác phẩm: "Thăng Long thành hoài cổ" (Bà Huyện Thanh Quan), "Tranh loã thể"(Bích Khê),  "Xa cách" (Xuân Diệu) là những minh chứng rõ nét cho nhận định trên. Bà Huyện Thanh Quan là một nhà thơ nữ trong thời cận đại của văn học Việt. Thơ bà có khuynh hướng tình cảm với tính cách “hoài cổ”, hình ảnh và ngôn ngữ thơ trang trọng, cổ điển mà đằm thắm. Tiêu biểu có bài thơ “Thăng Long hoài cổ” thể hiện nỗi lòng xót xa, đau khổ của nhà thơ trước sự hoang tàn của cố đô đất Bắc đồng thời cũng tái hiện sự hoài cố về quá khứ tươi đẹp, huy hoàng của mảnh đất này. Còn Bích Khê lại là một nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến, "mang rõ phong cách trường thơ loạn với màu sắc êm dịu, chói chang hay huyền ảo; và âm thanh tạo nên chất nhạc du dương (...) hai nguồn cảm hứng thường trộn vào nhau và hằn rõ là nhục cảm và cuồng loạn" (GS. Nguyễn Huệ Chi). Bài thơ "Tranh loã thể" là bức tranh thể hiện vẻ đẹp thân xác người phụ nữ khỏa thân. Cuối cùng là Xuân Diệu, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới" với cảm hứng dào dạt về tuổi trẻ và tình yêu mãnh liệt. "Xa cách" của Xuân Diệu là bức tranh tâm trạng của người con trai, bộc lộ một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, khao khát được gần mãi, gần mãi bên người mình yêu, hiến dâng cả cuộc đời mình cho tình yêu ấy.

“Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường vào cái đẹp" (Pautôpxki) bởi thế, sáng tác của các nhà thơ như một cuộc hành trình mải miết kiếm tìm diện mạo mới mẻ về thế giới, con người và khả năng biểu đạt kì diệu của ngôn ngữ văn chương. Bằng ngòi bút nghệ thuật điêu luyện của mình, họ đã làm nên yếu tố "hình" đặc sắc, đa dạng trong thơ. Trước hết là hình ảnh thiên nhiên qua cái nhìn cảm quan của mỗi nhà thơ

Đến với bài thơ "Thăng Long thành hoài cổ" (Bà Huyện Thanh Quan), hình ảnh thiên nhiên cuộc sống đơn sơ, tiêu điều mang phong vị hoài cổ rất riêng. Tác giả viết:

"Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương"

"Đá" và “nước” được nhân hóa, mang tình người và hồn người. Trên cái “nền cũ lâu đài”, đá thách thức cùng năm tháng “vẫn trơ gan” đau đớn, buồn thương. Nơi bến cũ, hồ xưa, “nước còn cau mặt” với mọi đổi thay, “với tang thương” cuộc đời. Lấy cái bất biến: “vẫn trơ gan", “còn cau mặt” của đá và nước để làm nổi bật cái tang thương cuộc đời là một nét vẽ “hoài cổ" làm rung động lòng người gần hai trăm năm qua. Có trải qua loạn lạc, chiến tranh và phế hưng ở đời mới thấy hay, mới thấy thấm thía. Phép đối chặt chẽ, cách sử dụng, từ Hán Việt (tuế nguyệt, tang thương) tinh tế, đã làm tăng chất súc cảm của vần thơ. Chất hoài cổ như thấm vào đáy tầng sâu của lòng người, cảnh vật, cỏ hoa. Trong con mắt của thi sĩ, hình ảnh thiên nhiên Thăng Long xưa hiện lên đầy tang thương, xơ xác nhuốm màu trầm buồn của thời gian quá khứ.

Còn trong thơ Bích Khê, thiên nhiên vừa là nguồn cảm hứng cũng vừa là nguồn đề tài trong thơ Bích Khê. Tuy nhiên, thiên nhiên trong thơ ông không chỉ mang vẻ đẹp vốn có của tạo hóa mà nó còn mang nét độc đáo riêng: thiên nhiên mang nét thiên tính nữ. Dưới cái nhìn tương giao cảm giác. Tất cả mọi sự vật trong thơ Bích Khê được cảm nhận qua các cảm giác về âm thanh, màu sắc tương giao. Vì thế, thiên nhiên ở đây, từ nắng gió, hương hoa cho đến màu sắc đều trở thành kí hiệu của nhạc. Thiên nhiên tràn ngập trong giai điệu du dương, trầm bổng. Cả một không gian mượt mà có hương trầm thoảng nhẹ, có gió tâm tư say cùng với “trăng liễu mướt đường tơ”, rất dịu dàng và nhẹ nhàng, như người thiếu nữ đang e thẹn khi sống trong tâm trạng yêu đương. Yêu trăng giống Hàn Mặc Tử, trong thơ của mình, Bích Khê thường hay dùng trăng để làm chất liệu cho thơ. Ta có thể thấy ở hai bài “Tranh lõa thể”, trăng xuất hiện ở những câu tuyệt bút:

                                    "Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

                                    Vài chút trăng say đọng ở làn môi

                                    Hai vú nàng, hai vú nàng! Chao ôi

                                    Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng"

Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Mặc Tử và Bích Khê lại gặp nhau tại một điểm: yêu trăng. Nếu Hàn Mặc Tử yêu trăng đến độ nhìn trăng và liên tưởng trăng như dáng hình của người thiếu nữ:

                        "Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu

                        Đợi gió đông về để lả lơi"

                                                                               (Bẽn lẽn)

thì Bích Khê đã hình tượng hóa thiên nhiên qua hình dáng, qua vẻ đẹp của người thiếu nữ, giữa thiên nhiên và con người đã có sự tương giao:

                        "Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ

                       Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này."

Nguyên tắc mĩ học của chủ nghĩa tượng trưng là sự tương giao, tương hợp. Baudelaire đã từng quan niệm: Vũ trụ là một thể thống nhất, trong đó tất cả đều tương ứng với nhau. Có sự tương ứng giữa cái tự nhiên với cái siêu nhiên, có sự tương ứng giữa thế giới này với thế giới đằng sau đầy bí ẩn….Nếu tổng hòa các yếu tố trong hai bài thơ “Tranh lõa thể”, ta cũng sẽ thấy rõ sự tương giao đó. Đó là sự tương giao tổng thể, tương giao giữa thiên nhiên, con người, thơ, họa, nhạc, hương, vị và cả mọi giác quan, khó mà phân biệt rạch ròi. Điều này sẽ dễ dàng lí giải vì sao Hoài Thanh nhận xét thơ Bích Khê “đọc đôi ba lần cũng như chưa đọc”

Không dừng lại ở việc miêu tả cảnh sắc thiên nhiên đất trời, các nhà thơ còn vẽ nên những bức tranh đa sắc đa hình về cuộc sống và con người thực. Ở bài thơ "Thăng Long thành hoài cổ", bà Huyện Thanh Quan đã tái hiện lại cảnh hoang tàn, phế tích của kinh thành xưa qua một loạt hình ảnh thơ không giản dị, thuần Nôm mà trang trọng, cổ điển mà đằm thắm. Mở đầu là hai câu thực:

"Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương"

Xưa kia, nơi mảnh đất đô hội này nhộn nhịp bởi người đi kẻ lại, những lối đi tấp nập, những xe ngựa rộn ràng qua lại, đây là xe của những người có chức tước, địa vị, hoặc cũng có thể là xe của những thương nhân, của những lái buôn qua lại chở đầy hàng hóa. Ở đây nhà thơ không kể ra cụ thể đối tượng của những chiếc xe mà gợi ra được không khí vui tươi, nhộn nhịp, đây chính là biểu hiện của một cuộc sống đang phát triển, nơi mà những người dân sống trong yên bình, độc lập. Nhưng, đó cũng chỉ là những hồi tưởng của nhà thơ, những hình ảnh của cuộc sống đang lên đó cũng chỉ là tồn tại trong kí ức sống động của nhà thơ, còn thực tại thật khiến người ta đau lòng, “hồn thu thảo”, đó là những ngọn cỏ tàn úa của mùa thu,không gian mùa thu gợi ra không khí của sự chia li, của phút giây li biệt. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Bà Huyện Thanh Quan sử dụng hình ảnh thu thảo ở đây, bởi nó chính là lời li biệt của đất trời, thể hiện sự tiếc thương của thiên nhiên, vũ trụ đối với sự ra đi mãi mãi của những miền kí ức, và càng xót xa hơn nữa khi đó lại là những kí ức tươi đẹp, hằn sâu vào trong kí ức của mỗi người. “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, xưa kia, mảnh đất Thăng Long là nơi đóng đô của bao nhiêu triều đại, đây cũng là nơi phát triển nhất, sầm uất nhất của đất nước. Đây cũng là nơi vua chúa ở, và nơi ở đó chính là những lâu đài, những cung phủ đầy nguy nga, tráng lệ, vừa thể hiện được sự cao quý, uy nghiêm của bậc vương giả, lại vừa điểm to cho mảnh đất rồng thiêng. Nhưng giờ đây những lâu đài, đình điện đó cũng trở nên u buồn khuất sau ánh tịch dương, câu thơ cũng thể hiện được sự thất thế của các triều đại, sự thay đổi liên tục các triều đại trong một thời gian ngắn cũng phần nào làm cho không khí nơi đây giảm bớt đi sự uy nghi, bệ vệ. Cùng với sự thay đổi của cảnh vật nơi kinh thành Thăng Long là sự cố định của những vật thể gắn bó, nhưng sự tồn tại cố hữu này lại mang một vẻ tang thương đến đau lòng, nó không còn vẹn nguyên như lúc ban đầu nữa.

Còn trong thi phẩm "Tranh loã thể" của Bích Khê, nổi bật hơn cả là hình ảnh thiên tính nữ mang vẻ đẹp hình thể của người thiếu nữ với cảm hứng xác thịt chiếm ngôi thần. Trước đây, phải khó khăn lắm, ngăn trở lắm, Hồ Xuâu Hương cũng chỉ mới đề cập  đến những vấn đề nhạy cảm như chuyện ái ân, chuyện phòng the của người phụ nữ:

 "Hỡi chị em ơi có biết không?

 Một bên con khóc một bên chồng

 Bố cu lổm ngổm bò trên bụng

 Thằng bé hu hơ khóc dưới hông."

                                                      (Cái nợ chồng con)

Thực chất bà chỉ ca ngơi vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ và đòi quyền sống cho thân xác của con người, cho nhu cầu muôn đời của nhân loại. Ngày sau, Bích Khê cũng đã đề cập đến vấn đề xác thịt nhưng, táo bạo hơn, Bích Khê đã đặt vấn đề này ngang hàng với “đẹp”. Chính vì vậy, đề cập đến “đẹp” thơ Bích Khê đã phản ánh ở một phạm trù hoàn toàn mới lạ, độc đáo: phạm trù thơ lõa thể, thơ xác thịt đã chính thức lên ngôi.

Trong thơ của mình, bằng tên gọi phím chỉ về những người thiếu nữ khác nhau, có lúc Bích Khê gọi người thiếu nữ là nàng, có lúc ông gọi là tiên nương, là giai nhân. Dùng những tên gọi mĩ miều như thế, bởi người thiếu nữ mà ông phát họa mang những vẻ đẹp của tạo hóa: Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ

"Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?

Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?

Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm?     

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?"

Dưới cái nhìn tượng trưng, siêu thực, nàng thơ của Bích Khê mang vẻ đẹp của “tiên nương”,“da nàng tuyết điểm”, nhan sắc nàng lên hương, mắt nàng long lanh “ngời châu rung”, một “tiên nương” hiện ra “mừa tựa một giai nhân”. Đứng trước “tiên nương”, Bích Khê chỉ biết thốt lên trước tấm thân yêu kiều, trong trắng của nàng sau khi được trút bỏ qua lớp xiêm áo: “Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động”. Ít nhiều từ văn hóa phồn thực, kết hợp với yếu tố thiên tính nữ, thi sĩ coi vẻ đẹp của người thiếu nữ là vẻ đẹp thiên phú, là sản phẩm vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng. Bích Khê đã lấy vẻ đẹp tinh túy của đất trời, của thiên nhiên để thổi hồn vào tuyệt tác giai nhân khiến cho tuyệt tác như sống động, uốn éo. Trong không gian huyền diệu, hương quyện lâng lâng, trang tuyệt thế giai nhân càng thêm quyến rũ.

Bút trong tay, mắt đắm chìm trên cơ thể của người thiếu nữ, chợt “danh họa” Bích Khê dừng lại nơi tuyệt đẹp nhất của giai nhân, đó là đôi vú người thiếu nữ. Đường cong nhạy cảm của người thiếu nữ được phát hiện. Bằng cái nhìn lõa thể, Bích Khê thường hay nói nhiều đến đôi vú của người thiếu nữ, chẳng hạn như trong một số bài thơ khác:

"Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ

Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh"

                                                             (Sắc đẹp)

Với thi sĩ Bích Khê, đôi vú của người thiếu nữ là nguồn thơ. Chính vì thế, chàng thi sĩ làm thơ, tức là “nút” vú, chàng muốn “nút”, muốn “nư”, nút cho đến no nê, cho đến tràn trề, cho thỏa mãn tinh chất của người thiếu nữ. Liên hệ với một số bài thơ khác, ta sẽ thấy rõ điều đó:

 "Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ

 Lấy môi lấy má…lấy ngây thơ

Để anh nút ớn mùi hương ấm

Của một tình yêu giận hững hờ"

                                                            (Ảnh ấy)

"Tôi chợt ôm cô trong giấc mộng

Nút bao thanh khí, đã nư thèm…"

                                                            (Cùng một cô đào hát bộ)

Có thể thấy, vẻ đẹp hình thể của người thiếu nữ là một tín hiệu nghệ thuật rất độc đáo mà Bích khê thường hay nhắc đến. Bích Khê muốn lấy vẻ đẹp trong trắng để hóa giải cho quan niệm khiêu dâm truyền thống mà thơ ca xưa vốn lên tiếng đả kích. Do đó, thơ Bích Khê không hề dâm như một số người đã nhận định. Thiên tính nữ khiến cho thơ Bích Khê đạt đến ngưỡng đặc biệt như thế. Như vậy, vẻ đẹp thiên tính nữ đậm chất Á Đông, được kết tinh rõ nhất trong thơ Bích Khê. “Tiên nương” của Bích Khê có đầy đủ tất cả những vẻ đẹp của người phụ nữ Á Đông. Nàng đẹp ở tài hoa, ở thiên hương, ở phẩm tiết. Nàng đẹp từ ngoại hình cho đến phẩm chất bên trong, nàng là hiện thân cho cái đẹp toàn mĩ mà nhân loại đang hướng đến. Cuộc đời và số phận của Bích Khê quá nhiều đau thương và bất hạnh, chính vì thế mà càng đau thương, càng bất hạnh ông càng khát khao, càng mơ ước được chiếm hữu những cái đẹp như thế.

Quả thực, phương diện nghệ thuật hình ảnh trong thơ là một yếu tố độc đáo, thể hiện sâu đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ ngôn từ, đem đến cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ mà đẹp chưa từng có về thiên nhiên, cuộc sống và con người.

Nhưng tác phẩm thơ ca có giá trị thực sự không đơn thuần chỉ là những bức tranh cầu kì sắc màu mà nhà thơ còn phải cho người đọc cảm nhận được cái "ý" sâu xa ẩn đằng sau trang viết.

Đến với "Thăng Long thành hoài cổ" (Bà Huyện Thanh Quan), ta bắt gặp một con người có lòng yêu nước thiết tha với cảm giác buồn, xót xa trước thực trạng hoang tàn, biến động của cố đô đất Bắc. Mở đầu tác phẩm là tiếng than về lẽ phế hưng, đổi thay trong cuộc đời:

"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương"

“Tạo hóa” ở đây là những gì thuộc về tự nhiên, cũng là những cái vốn có, tồn tại khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của con người nên dù có muốn thì con người cũng không sao thay đổi được. “Hí trường” dùng để chỉ sân khấu, nơi diễn ra những trờ mua vui cho người đời, nơi những câu chuyện thật giả đều được khắc họa, tái hiện. Nhưng nếu chỉ là một sân khấu, mọi viễn cảnh trên sân khấu ấy chỉ là một vở kịch được dàn xếp, sắp đặt thì còn có thể thay đổi, nhưng nó lại là thực tế của đời sống thì sao có thể đổi thay “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường”, đây là sự trách móc nhẹ nhàng, tế nhị của Bà Huyện Thanh Quan, trước hiện thực cuộc sống đầy biến loạn, bà trách tạo hóa sao đã quá vô tình, sao có thể gây ra bao nhiêu sầu khổ cho con người như vậy. Hai tiếng “gây chi” vừa là lời trách móc song cũng là lời than thở của nhà thơ, thời gian cứ vô tình chảy trôi, guồng quay của lịch sử đã làm đổi thay bao cảnh vật, nơi địa danh được xem là mảnh đất đô hội, là kinh đô của bao triều đại- Thăng Long ấy cũng trải qua bao đổi thay, cũng chỉ là diện mạo, tên gọi mà những thăng trầm của lịch sử cũng vô tình để lại những dấu vết, những kí ức không bao giờ phai. Ta nhận ra, những vần thơ ấy là tâm sự chân thành, tha thiết của Bà Huyện Thanh Quan, đó là một nỗi lòng buồn, da diết khi gửi gắm vào lời thơ những tâm sự buồn, cái nhìn xa vắng mênh mông, cùng với đó là sự tiếc nuối mơ hồ và cái thở dài đầy ngao ngán. “Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”, thời gian cứ vô tình chảy trôi, sự tuần hoàn ấy khiến cho con người không hề hay biết, để khi quay mặt nhìn lại thì không khỏi bàng hoàng, xót xa. Thăng Long trong kí ức của nhà thơ là một mảnh đất tươi đẹp cùng với những hào quang chói lọi của lịch sử, nhưng đã qua rồi cái thời hoàng kim ấy, cái quay đầu của nhà thơ chỉ đón nhận lại những hoài niệm đầy xót xa, bởi hiện thực bây giờ đã đổi khác, thời thế biến loạn, người dân đau khổ, còn đâu nữa những kí ức tươi đẹp. Trong cảm nhận của nhà thơ, thời gian cũng chảy trôi vô tình, ta cũng bắt gặp quan điểm, cách cảm nhận thời gian này trong thơ của Nguyễn Du:

  “Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.

Khép lại bài thơ là nỗi đau của người thi nhân trước cuộc đời đổi thay:

"Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường"

“Gương cũ” ám chỉ quá khứ, là thành Thăng Long xưa, là hiện tại, là Hà Nội nay. “Cảnh đấy” là “lối xưa”, là “nền cũ”, “hồn thu thảo”, “bóng tịch dương”, là “đá” và “nước”, là hồn nước thiêng liêng, là kinh thành xa xưa. Còn “người đây” là nữ sĩ, là nhân vật trữ tình trong bài thơ. “Đoạn trường” nghĩa là đứt ruột, nỗi đau ghê gớm. Nữ sĩ vô cùng đau đớn trước cảnh hoang phế, hoang tàn của kinh thành Thăng Long. Nhớ xưa thành Thăng Long là nhớ tới tất cả niềm tự hào về những trang sử vàng chói lọi của tiền nhân. Hai chữ “ngàn năm” gợi nhớ về thiên niên kỉ Thăng Long huy hoàng. Hai vế tiểu đối “cảnh đấy”, “người đây” làm nổi bật sắc điệu thẩm mỹ tả cảnh ngụ tình. Câu một nói về “cuộc hí trường”, câu tám cực tả “đoạn trường”, đó là cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Có chứng kiến, có nhìn thấy sựu đổi thay đến thấm thoắt nơi kinh thành Thăng Long thì mới có nỗi đau đứt ruột đến như vậy. Qua đó, bài thơ đã gửi gắm một nỗi niềm tâm sự mới mẻ mà sâu sắc, nỗi đau đớn, xót xa của nhà thơ trước thực tại hoang tàn, đổ nát, biến động theo năm tháng của kinh thành Thăng Long thông qua ngòi bút nghệ thuật cổ điển, trang trọng đặc trưng của bà Huyện Thanh Quan.

Đến với Xuân Diệu, người ta vẫn thường ví thơ ông giống như một “khu vườn tình” mà ai đọc cũng như thấy mình lạc lối trong muôn vàn cung bậc cảm xúc của tình yêu. Bởi vậy mà người đời cũng hào phóng phong tặng cho Xuân Diệu làm ông hoàng của thơ tình. Nhưng ông hoàng ấy không hề dát ánh vàng cho một thứ tình yêu lung tinh huyền ảo mà đôi khi là những gì rất giản đơn trong tình yêu như “Xa cách”.Một tâm trạng rực cháy nhưng cũng đầy hỗn loạn của người đang yêu. Đó là một cảm xúc rất tự nhiên, một đề tài muôn thuở của thơ ca nhưng cũng được khai thác ở một khía cạnh gần gũi. Bài thơ bắt đầu và cũng bắt ý hết sức tự nhiên từ hai từ “Xa cách”, nhưng đó không phải là sự xa cách thông thường của những mỗi quan hệ thông thường, mà là sự xa cách trong tình yêu, xa cách giữa “anh” và “em”, xa cách về cả thể xác và tâm hồn. Mạch cảm xúc bắt đầu từ đó:

“Có một bận em ngồi xa anh quá,

Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.

Em xích gần thêm một chút: anh hờn.

Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.

Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã

Đến kề anh, và mơn trớn: "em đây!".

Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay.

Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.”

Bài thơ mở đầu bằng một lời tâm sự trải lòng của người con trai, của “anh” trước người con gái mình yêu. Họ ngồi cạnh nhau trong một buổi hò hẹn, ai cũng thấy như thế đã là gần gũi, nhưng người trong cuộc “anh” lại không thấy như vậy. Những tính từ ‘xa quá” được chuyển thành “xích lại”, “gần hơn”, “xích gần”, “thêm chút nữa”,… Khoảng cách rõ ràng được rút ngắn lại mà ai cũng cảm nhận được nhưng “anh” vẫn “hờn” vẫn “giận”, dù cho em có ngọt ngào “em đây” “anh” cũng vẫn “buồn ngay” vẫn nghĩ “thế vẫn còn xa lắm”. Dường như những gần gũi về thể xác vẫn là chưa đủ, dường như yêu mà vẫn đầy nghi hoặc. Người ta vẫn nói tình yêu là cả hai cùng tin tưởng tuyệt đối nhưng Xuân Diệu cũng mang đến một triết lí tình yêu rất đúng, yêu là nghi hoặc là tham lam, nếu như không yêu thì đã chẳng như vậy. Với một người con trai tính chiếm hữu, sở hữu lại càng mãnh liệt nên không những mong ở gần người mình yêu mà còn mong được chiếm hữu được hòa quyện vào nhau làm một. Ngay từ những dòng thơ đầu tiên Xuân Diệu đã mang đến một cảm xúc tình yêu vô cùng mãnh liệt.

Nhưng những cảm xúc của chàng trai đang yêu là không hề vô lí, “anh” tự tìm lời giải thích cho khát khao gần gũi của mình:

“Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!

Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!

Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều

Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.

Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.

Em là em, anh vẫn cứ là anh.

Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành

Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.”

Đến những dòng thơ này ta mới thấy, nghi hoặc hay lo âu của “anh” cũng là bởi yêu “em”, bởi mọi thứ từ “em” luôn khiến anh say đắm, khiến anh luôn muốn được hòa vào sâu lắng. Từ “đôi mắt”, “vừng trán”, “bàn tay” nhân vật trữ tình “anh” đều thấy toàn là sự “yêu kiều”. Chính vì vậy mà nhà mĩ học người Đức Emanuel Kant đã nói “ Cái đẹp không ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình” . Nhưng đan xen trong sự mê đắm đó vẫn không thoát khỏi sự ngờ vực “Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng” nhưng “Em là em, anh vẫn cứ là anh” hai ta vẫn là hai cá thể riêng biệt chẳng thể hòa làm một, giữa hai ta vẫn có khoảng cách. Xuân Diệu đã có những so sánh vô cùng thú vị khi khoảng cách cần vượt qua như “Vạn Lí Trường Thành” còn “anh” và “em” thì như hai “vũ trụ chứa đầy bí mật”. Sự thật ấy chẳng thể nào chối cãi hay phủ nhận chính vì vậy giữa hai ta vẫn luôn tồn tại khoảng cách, dù là vô hình hay hữu hình. “Anh” vẫn không thể nào nhìn thấu được “em” kể cả khi hai trái tim đã cùng chung nhịp đập. Dường như những khát khao len sâu vào trái tim của người mình yêu là muôn thở là tâm lí chung của muôn vạn người đang yêu. Bài thơ tình số 28 của Tago là minh chứng cho hơi thở chung của thơ tình thế giới:

“Đôi mắt băn khoăn của em buồn

Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh.

Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.

Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em,

Anh không giấu em một điều gì.

Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh”

Không là hai “vũ trụ chứa đầy bí mật” như Xuân Diệu thì cũng là “đại dương to lớn mênh mông”  khó lòng so sét thấu hiểu. Cho nên khát khao chiếm hữu cả những suy tư của người mình yêu vẫn không ngừng nghỉ dù ở bất kì thời đại nào.  

Tiếp tục lí giải cho khát khao hòa làm một của mình, nhân vật trữ tình “anh” cũng tự nghĩ về chính mình, hiểu được bản thân mình cũng chứa đầy những bí mật:

“Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất,

Quá khứ anh, anh không nhắc cùng em.

Linh hồn ta u ẩn tựa ban đêm,

Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.

Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,

Anh muốn vào dò xét giấc em mơ.

Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,

Cũng như em giấu những điều quá thực..”

“Anh” hiểu chính mình cũng đầy những bí mật mà không ai có thể khám phá hết. Đó là “quá khứ” chẳng thể giãi bày là linh hồn “âm u” chính bản thân “anh” còn chẳng “thấu rõ”. Đan xen trong những cảm xúc tình yêu mãnh liệt vẫ luôn là sự “nghi hoài”, “ghen bóng ghen gió”, dường như trở thành bản chất, là gia vị không thể thiếu của tình yêu. Chính bản thân nhà thơ cũng phải khát khao, cũng phải mong chờ nhiều mới có thể thành thật viết nên những cảm xúc như vậy. Xuân Diệu rất biết cách đẩy những cảm xúc lên cao trào, nhưng khát khao nghi hoặc trong tình yêu đến mức “anh” muốn đi vào cả trong giấc mơ “em”, đi vào cả trong cõi vô thực để hiểu em nghĩ gì, khi vô thức em có lừa dối “anh”. Nhân vật trữ tình không hề ngại ngần giấu đi sự ích kỉ của bản thân mà mãnh liệt thừa nhận sự chiếm hữu. Nhưng rõ ràng dù là mơ hay thực, dù hiện hữu hay vô hình, dù là “em” hay “anh” cũng chẳng thể nào phơi bày hết cả trước mắt nhau, giữa hai ta vẫn có những bí mật cất giấu. Phải chăng nhờ những điều “giấu em”, “giấu anh” đó mà tình yêu trở nên thú vị hơn khi cả hai đều trở nên có sức hút cả hai ta cùng khao khát hiểu thấu được nhau, cùng hờn giận, cùng ghen tuông.

Khi những cảm xúc đã thăng hoa, màu yêu đương ngập trong mắt kẻ tình si, khi những lí giải vẫn chẳng thể hóa giải thì những khát khao gần gũi, hòa quyện vẫn nghiễm nhiên lên ngôi. “Anh” lại trở về với những khát vọng trần trụi “Như máu thịt đời thường ai chẳng có” (“Tự hát”- Xuân Quỳnh) là được bên em thật gần, thật gần:

“Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!

Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!

Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!

Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!

Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt”

Một loạt những từ cầu khiến “Hãy” cùng biện pháp tu từ điệp ngữ đã tạo nên một giai điệu dồn dập, mau lẹ tựa như một khúc ca cháy bỏng của tình yêu. Câu thơ ngắn vừa như lời van xin lại vừa như yêu cầu bắt buộc “em” không được phép từ chối “anh”. Những đòi hỏi của “anh” về tình yêu nào đâu quá xa vời, “anh” chỉ mong hai cơ thể quấn quýt đan lồng thậm chí hòa quyện vào nhau, có thể trần trụi quá nhưng đó hoàn toàn là những khao khát rất thực, rất đời thường mà có lẽ chỉ có ông hoàng thơ tình - Xuân Diệu mới đủ can đảm để nói ra. “Đôi đầu”, “đôi ngực”, “đôi mát tóc ngắn dài”, “cánh tay”, “đôi vai”, “sóng mắt”, cặp môi”,…mỗi bộ phận cơ thể đều có đôi có cặp nhưng không hề tách rời mà đang ngày một gần gũi hòa vào nhau chẳng còn kẽ hở. Điều này làm ta chợt nhớ đến một bài thơ khác của Xuân Diệu khi “anh với em như một cặp vần” (“Thơ duyên”). Bằng cách liệt kê một loạt nhưng cặp bộ phận cơ thể ta có thể hình dung ngày một rõ hơn ngọn lửa tình đang rực cháy trong trái tim người con trai. Tình yêu bỗng chốc được cảm nhận bằng đầy đủ các giác quan của cơ thể “Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng”, một ẩn dụ chuyển đồi cảm giác khá thú vị khi nhân vật trữ tình đang say trong sự giao thoa của hai “vũ trụ” và cảm nhận được từng tế bào của tình yêu. Nhưng “anh” say mà vẫn chẳng hề mất đi ý thức:

Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:

"Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!".

Trong men say của tình ái, khi tình yêu thăng hoa “anh” vẫn đầy nghi hoặc. Có lẽ khát khao của cả đoạn tình yêu này đó chính là được “gần em” “gần em thêm”,…dù gần em bao nhiêu đi chăng nữa anh vẫn thấy “thế vẫn còn xa lắm” thế vẫn là chưa đủ. Ai cũng thấy được sự tham lam trong tình yêu của “anh” nhưng ai đã từng yêu hoặc đang yêu sẽ đồng cảm cùng trường cảm xúc này của Xuân Diệu. Bởi chỉ khi yêu thật nhiều, thật say đắm mới có những khát khao dục vọng bình thường mà sâu sắc đến vậy. Qua đó, bài thơ đã vẽ nên câu chuyện tình yêu cháy bỏng và không kém phẫn mãnh liệt.

Quả thật, không có "ý" thì tác phẩm chỉ là một bức tranh đẹp nhàm chán chứ không thể trở thành một bài thơ đích thực, có giá trị cho cuộc sống con người.

"Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi động chạm tới cuộc sống” (Nguyễn Đình Thi), nó khởi phát từ những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt trong lòng người nghệ sĩ. Có thể nói, khôn có "tình:" thơ chỉ là cái vỏ rỗng vô hồn, không đủ khả năng làm rung động trái tim con người đến vậy. Yếu tố tình cảm, cảm xúc đã làm nên hồn cốt, cái đẹp hoàn thiện cho tác phẩm.

Đến với tác phẩm "Thăng Long thành hoài cổ", Bà Huyện Thanh Quan đã gửi vào trong câu chữ tình cảm xót thương, hoài niệm về một kinh thành Thăng Long huy hoàng xưa. Đó là tiếng than trước lẽ phế hưng, đổi thay trong cuộc đời:

"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương"

Mọi viễn cảnh trên sân khấu ấy chỉ là một vở kịch được dàn xếp, sắp đặt thì còn có thể thay đổi, nhưng nó lại là thực tế của đời sống thì sao có thể đổi thay “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường”, đây là sự trách móc nhẹ nhàng, tế nhị của Bà Huyện Thanh Quan, trước hiện thực cuộc sống đầy biến loạn, bà trách tạo hóa sao đã quá vô tình, sao có thể gây ra bao nhiêu sầu khổ cho con người như vậy. Hai tiếng “gây chi” vừa là lời trách móc song cũng là lời than thở của nhà thơ, thời gian cứ vô tình chảy trôi, guồng quay của lịch sử đã làm đổi thay bao triều đại - Thăng Long ấy cũng trải qua bao đổi thay, cũng chỉ là diện mạo, tên gọi mà những thăng trầm của lịch sử cũng vô tình để lại những dấu vết, những kí ức không bao giờ phai. Ta nhận ra, những vần thơ ấy là dòng cảm xúc chân thành, tha thiết của Bà Huyện Thanh Quan, đó là một nỗi lòng buồn, da diết khi gửi gắm vào lời thơ những tâm sự buồn, cái nhìn xa vắng mênh mông, cùng với đó là sự tiếc nuối mơ hồ và cái thở dài đầy ngao ngán. Đã qua rồi cái thời hoàng kim ấy, cái quay đầu của nhà thơ chỉ đón nhận lại những hoài niệm đầy xót xa, bởi hiện thực bây giờ đã đổi khác, thời thế biến loạn, người dân đau khổ, còn đâu nữa những kí ức tươi đẹp.

Nối tiếp dòng cảm xúc, tác giả viết:

"Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương"

"Đá" và “nước” được nhân hóa, mang tình người và hồn người. Trên cái “nền cũ lâu đài”, đá thách thức cùng năm tháng “vẫn trơ gan” đau đớn, buồn thương. Nơi bến cũ, hồ xưa, “nước còn cau mặt” với mọi đổi thay, “với tang thương” cuộc đời. Lấy cái bất biến: “vẫn trơ gan", “còn cau mặt” của đá và nước để làm nổi bật cái tang thương cuộc đời là một nét vẽ “hoài cổ" làm rung động lòng người gần hai trăm năm qua. Có trải qua loạn lạc, chiến trnh và phế hưng ở đời mới thấy hay, mới thấy thấm thía. Qua đó, nữ sĩ gửi gắm nỗi buồn thương nhớ và tiếc nuối kinh thành Thăng Long một thời vàng son, huy hoàng và chói lọi. Chất hoài cổ như thấm vào đáy tầng sâu của lòng người, cảnh vật, cỏ hoa.

"Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường"

 “Gương cũ” ám chỉ quá khứ, là thành Thăng Long xưa, là hiện tại, là Hà Nội nay. “Cảnh đấy” là “lối xưa”, là “nền cũ”, “hồn thu thảo”, “bóng tịch dương”, là “đá” và “nước”, là hồn nước thiêng liêng, là kinh thành xa xưa. Còn “người đây” là nữ sĩ, là nhân vật trữ tình trong bài thơ. “Đoạn trường” nghĩa là đứt ruột, nỗi đau ghê gớm. Nữ sĩ vô cùng đau đớn trước cảnh hoang phế, hoang tàn của kinh thành Thăng Long. Nhớ xưa thành Thăng Long là nhớ tới tất cả niềm tự hào về những trang sử vàng chói lọi của tiền nhân. Hai chữ “ngàn năm” gợi nhớ về thiên niên kỉ Thăng Long huy hoàng. Hai vế tiểu đối “cảnh đấy”, “người đây” làm nổi bật sắc điệu thẩm mỹ tả cảnh ngụ tình. Câu một nói về “cuộc hí trường”, câu tám cực tả “đoạn trường”, đó là cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Có chứng kiến, có nhìn thấy sựu đổi thay đến thấm thoắt nơi kinh thành Thăng Long thì mới có nỗi đau đứt ruột đến như vậy. Ý thơ đi vào lòng người đọc nhờ câu chữ tràn đầy cảm xúc hoài cổ, một nỗi niềm tâm sự mới mẻ mà sâu sắc, nỗi đau đớn, xót xa của nhà thơ trước thực tại hoang tàn, đổ nát, biến động theo năm tháng của kinh thành Thăng Long.

Đó còn là tình yêu cái đẹp trần trụi mãnh liệt của Bích Khê qua tác phẩm "Tranh loã thể". Cũng buồn, cũng sầu, cũng đau thương, nhưng thơ Bích Khê hoàn toàn khác với các nhà thơ mới. Nếu các nhà thơ mới giải quyết nỗi buồn, nỗi sầu bằng cách “ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diêu…” thì Bích Khê đã giải quyết nỗi buồn, nỗi sầu bằng cách tìm đến cái đẹp, cái đẹp của thiên nhiên và của giai nhân. Có thể thấy, cảm xúc chủ đạo trong thơ Bích Khê rất lạ, rất độc đáo. Với tư duy nghệ thuật độc đáo, cảm xúc trong thơ Bích Khê nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực: thiên nhiên đã được hình tượng hóa qua dáng hình, qua vẻ đẹp của người thiếu nữ, và tất nhiên, kể cả qua khoái cảm  xác thịt. Nếu thiên nhiên giúp cho Bích Khê mở lòng để đến với thi ca, thì vẻ đẹp của người thiếu nữ giúp cho cảm xúc của Bích Khê được thăng hoa, thăng hoa đến lạ kì:

                        "Hai vú nàng, hai vú nàng! Chao ôi

                        Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng

                        Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động

                        Tôi run run hãm lại cánh hồn si.."

                                                            (Tranh lõa thể)

Cả bức tranh lõa thể “lồ lộ” hiện ra khiến cho thi sĩ vừa run run, vừa đê mê chới với, vừa miên man ngây dại.

Không nằm ngoài qui luật của thi ca, khi đau thương và bất hạnh đến tột cùng, thi nhân thường kết tụ đau thương và bất hạnh đó, biến nó thành cái đẹp cho đời. Bích Khê cũng thế. Bích Khê đã khám phá cuộc đời từ cái nhìn của chết chóc và bệnh tật. Do đó, mặc dù không nói trực tiếp nhưng ta vẫn thấy cái chết và bệnh tật luôn thường trực trong thơ của ông. Nhưng dù có nói đến chết chóc và bệnh tật, Bích Khê không bao giờ đưa người đọc đến cảm giác đau thương và ão não:

Ta những muốn sầu thương thôi biểu lộ,

Sắc trong màu, màu trong sắc, hân hoan…

Ta những muốn mùa đông nhường lại chỗ

Nhạc gây hương, hương gây nhạc, lan man…

Ta những muốn màn đen về cõi mộ

Cả không gian là bể sáng tràn lan…

(Đồ mi hoa)

Mắc phải căn bệnh thuộc “tứ chứng nan y” thời đó, Bích Khê biết mình sẽ sớm lìa bỏ cõi đời. Nhưng đời thơ của ông không cho phép đời người chết đi một cách hoang phí. Vì vậy, dù luôn sống trong những chuỗi ngày bị giày vò bởi bệnh tật, Bích Khê vẫn tìm trong đó những giây phút khoái cảm nhất của đời người. Thơ Bích Khê rất phong phú và đa dạng về đề tài, nhưng có thể thấy độc đáo nhất vẫn là ba đề tài viết về thiên nhiên, về giai nhân, về thế giới của cái chết và bệnh tật. Đó cũng chính là lý do khiến cho Bích Khê tìm đến, gia nhập và trở thành thành viên trung thành nhất của Trường thơ Loạn Bình Định, và cũng đương nhiên là một “người lạ mặt” của thi ca đương thời. Bài thơ "Tranh loã thể" thốt ra như dòng chảy cảm xúc, tình yêu dành cho cái đẹp cảu BÍch Khê, một vẻ đẹp chẳng cần che đậy, giả dối mà đẹp một cách trần trụi, mạnh mẽ đúng như Hàn Mặc Tử đã nhận xét: “Một bông hoa lạ nở hương, một thứ hương quí trọng, thơm đủ mọi mùi phước lộc…Ta có thể sánh văn thơ Bích Khê như đóa hoa thần dị ấy”

Cuối cùng, ở tuyệt phẩm "Xa cách" của Xuân Diệu, người đọc lại bắt gặp những dòng cảm xúc mãnh liệt dạt dào mà vẫn rất đỗi nhẹ nhàng, tha thiết trong tình yêu nam nữ. Một tâm trạng rực cháy nhưng cũng đầy hỗn loạn của người đang yêu. Đó là một cảm xúc rất tự nhiên, một đề tài muôn thuở của thơ ca nhưng cũng được khai thác ở một khía cạnh gần gũi. Bài thơ bắt đầu và cũng bắt ý hết sức tự nhiên từ sự xa cách trong tình yêu, xa cách giữa “anh” và “em”, xa cách về cả thể xác và tâm hồn. Mạch cảm xúc bắt đầu từ đó:

“Có một bận em ngồi xa anh quá,

Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.

Em xích gần thêm một chút: anh hờn.

Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.

Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã

Đến kề anh, và mơn trớn: "em đây!".

Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay.

Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.”

Đây à lời tâm sự trải lòng của người con trai, của “anh” trước người con gái mình yêu. Họ ngồi cạnh nhau trong một buổi hò hẹn, ai cũng thấy như thế đã là gần gũi, nhưng người trong cuộc “anh” lại không thấy như vậy. Khoảng cách rõ ràng được rút ngắn lại mà ai cũng cảm nhận được nhưng “anh” vẫn “hờn” vẫn “giận”, dù cho em có ngọt ngào “em đây” “anh” cũng vẫn “buồn ngay” vẫn nghĩ “thế vẫn còn xa lắm”. Dường như những gần gũi về thể xác vẫn là chưa đủ, dường như yêu mà vẫn đầy nghi hoặc. Xuân Diệu đã mang đến một triết lí tình yêu rất đúng, yêu là nghi hoặc là tham lam, nếu như không yêu thì đã chẳng như vậy. Với một người con trai tính chiếm hữu, sở hữu lại càng mãnh liệt nên không những mong ở gần người mình yêu mà còn mong được chiếm hữu được hòa quyện vào nhau làm một. Ngay từ những dòng thơ đầu tiên Xuân Diệu đã mang đến một cảm xúc tình yêu vô cùng mãnh liệt. Không là hai “vũ trụ chứa đầy bí mật” như Xuân Diệu thì cũng là “đại dương to lớn mênh mông”  khó lòng so sét thấu hiểu. Cho nên khát khao chiếm hữu cả những suy tư của người mình yêu vẫn không ngừng nghỉ dù ở bất kì thời đại nào.  

Lí giải cho khát khao hòa làm một của mình, nhân vật trữ tình “anh” tự nghĩ về chính mình, hiểu được bản thân mình cũng chứa đầy những bí mật:

“Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất,

Quá khứ anh, anh không nhắc cùng em.

Linh hồn ta u ẩn tựa ban đêm,

Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.

Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,

Anh muốn vào dò xét giấc em mơ.

Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,

Cũng như em giấu những điều quá thực..”

Đan xen trong những cảm xúc tình yêu mãnh liệt vẫ luôn là sự “nghi hoài”, “ghen bóng ghen gió”, dường như trở thành bản chất, là gia vị không thể thiếu của tình yêu. Chính bản thân nhà thơ cũng phải khát khao, cũng phải mong chờ nhiều mới có thể thành thật viết nên những cảm xúc như vậy. Xuân Diệu rất biết cách đẩy những cảm xúc lên cao trào, nhưng khát khao nghi hoặc trong tình yêu đến mức “anh” muốn đi vào cả trong giấc mơ “em”, đi vào cả trong cõi vô thực để hiểu em nghĩ gì, khi vô thức em có lừa dối “anh”. Nhân vật trữ tình không hề ngại ngần giấu đi sự ích kỉ của bản thân mà mãnh liệt thừa nhận sự chiếm hữu. Nhưng rõ ràng, nhờ những điều “giấu em”, “giấu anh” đó mà tình yêu trở nên thú vị hơn khi cả hai đều trở nên có sức hút cả hai ta cùng khao khát hiểu thấu được nhau, cùng hờn giận, cùng ghen tuông.

Khi những cảm xúc đã thăng hoa, màu yêu đương ngập trong mắt kẻ tình si, khi những lí giải vẫn chẳng thể hóa giải thì những khát khao gần gũi, hòa quyện vẫn nghiễm nhiên lên ngôi. “Anh” lại trở về với những cảm xúc, khát vọng trần trụi:

“Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!

Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!

Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!

Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!

Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt”

Câu thơ ngắn vừa như lời van xin lại vừa như yêu cầu bắt buộc “em” không được phép từ chối “anh”. Những đòi hỏi của “anh” về tình yêu nào đâu quá xa vời, “anh” chỉ mong hai cơ thể quấn quýt đan lồng thậm chí hòa quyện vào nhau, có thể trần trụi quá nhưng đó hoàn toàn là những khao khát rất thực, rất đời thường mà có lẽ chỉ có ông hoàng thơ tình - Xuân Diệu mới đủ can đảm để nói ra. “Đôi đầu”, “đôi ngực”, “đôi mát tóc ngắn dài”, “cánh tay”, “đôi vai”, “sóng mắt”, cặp môi”,…mỗi bộ phận cơ thể đều có đôi có cặp nhưng không hề tách rời mà đang ngày một gần gũi hòa vào nhau chẳng còn kẽ hở. Bằng cách liệt kê một loạt nhưng cặp bộ phận cơ thể ta có thể hình dung ngày một rõ hơn ngọn lửa tình đang rực cháy trong trái tim người con trai. Một ẩn dụ chuyển đồi cảm giác khá thú vị khi nhân vật trữ tình đang say trong sự giao thoa của hai “vũ trụ” và cảm nhận được từng tế bào của tình yêu.

Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:

"Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!".

Trong men say của tình ái, khi tình yêu thăng hoa “anh” vẫn đầy nghi hoặc. Có lẽ khát khao của cả đoạn tình yêu này đó chính là được “gần em” “gần em thêm”,…dù gần em bao nhiêu đi chăng nữa anh vẫn thấy “thế vẫn còn xa lắm” thế vẫn là chưa đủ. Ai cũng thấy được sự tham lam trong tình yêu của “anh” nhưng ai đã từng yêu hoặc đang yêu sẽ đồng cảm cùng trường cảm xúc này của Xuân Diệu. Bởi chỉ khi yêu thật nhiều, thật say đắm mới có những khát khao dục vọng bình thường mà sâu sắc đến vậy. Nhờ ông hoàng thơ tình mà những cảm xúc khi yêu được hình dung rõ ràng chân thực hơn bao giờ hết, Xuân Diệu say trong chính cuộc tình của mình, còn người đọc cũng nhuốm hơi men mà say sưa những vần thơ của Xuân Diệu, chẳng nỡ rời bước khỏi “khu vườn tình ái” muôn điệu cảm xúc ấy.

Quả thực, dù chân thành, mộc mạc hay mãnh liệt, trần trụi hay buồn thương thì tình cảm, cảm xúc, yếu tố "tình" trong thơ đã mang đến vẻ đẹp sống động như có hồn cho thơ, khơi dậy trong lòng bạn đọc thế giới nội tâm phong phú muôn màu.

Ý kiến trên rất đúng đắn và sâu sắc khi bàn về đặc trưng cảy thơ ca. Điều này không chỉ có ý nghĩa với người sáng tác mà còn với cả người tiếp nhận. "Hình", "ý", "tình" trong bài thơ là ba yếu tố không thể tách rời mà phải kết hợp hài hoà, thống nhất tạp thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh đẹp từ hình thức đến nội dung. Hơn thế nữa, từ "thấy" đến "nghĩ" đến "rung động" là quá trình hình thành của tác phẩm thơ và cũng là hành trình đáng thức người đọc. Nhà thơ phải có tài và tâm mới làm nên sự sống cho tác phẩm và đồng thời, độc giả cũng phải mở lòng mình để cảm nhận cái hay, cái đẹp của thi phẩm trên cả hai phương diện này

Sự thống nhất giữa "hình", "ý", "tình" trong ba bài thơ "Thăng Long thành hoài cổ" (Bà Huyện Thanh Quan), "Tranh loã thể"(Bích Khê),  "Xa cách" (Xuân Diệu) có sức lay động sâu xa, thắp lên tình yêu văn học trong tâm hồn mỗi người, hướng bạn đọc đến gần hơn với thế giới chân - thiện - mĩ. Chúng ta càng thêm tin tưởng và đề cao tài năng sáng tạovà tấm lòng của các nhà thơ. Chính họ đã chắt lọc những dòng nhựa tinh tuý của cuộc sống để làm đẹp cho người, cho đời.

                                           (Bài viết của học sinh lớp 11 chuyên Văn)

Nguồn: Nhóm tác giả Nguyễn Thanh Xuân, Phan Thị Thu Hiền, Trần Thị Thanh                                                                         

 Trường THPT Chuyên Hùng Vương Phú Thọ

 

 

Nhận xét từ người dùng

SALE - 70% Shopee