Banner cho bài viết: “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng” (M.Gorki)

“Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng” (M.Gorki)

 “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng” (M.Gorki)

Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

Bài làm

Trong cuốn sách “Những con chim bay lạc”, Rabinddranat từng quan niệm: “Ngọn gió nhà thơ băng qua rừng, băng qua biển để tìm ra tiếng nói của riêng mình”. Để tìm ra và khẳng định tên tuổi mình trên thương trường giấy bút, nhà văn đều phải trải qua những thử thách cam go, vất vả. Nhưng thành quả cho quá trình khổ luyện ấy là dấu ấn phong cách được lưu lại muôn đời, không thể trộn lẫn, không thể quên trong lòng độc giả. Có lẽ đây là món quà quý giá bậc nhất cho bất cứ ai đặt chân vào lĩnh vực nghệ thuật. Vậy nên, M.Gorki đã đặt ra yêu cầu với người cầm bút: “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng”.

“Nghệ sĩ” là người khai sinh ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực. “Những ấn tượng chủ quan” mà họ phải “biết khai thác” chính là cảm nhận, tình cảm, cách đánh giá, nhìn nhận của riêng nghệ sĩ trước sự kiện cuộc sống, không bắt chước, lặp lại người khác. Nhưng “ấn tượng” ấy còn phải mang “giá trị khái quát” nghĩa là nó không chỉ xuất phát từ cảm nhận chủ quan nhà văn mà còn phải có sức tổng quát, tái hiện cả hiện thực rộng lớn, thực trạng chung của xã hội. Những điều này đều được tác giả gửi gắm vào nội dung tác phẩm. Tuy nhiên cũng cần “biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng”, tức là nhà văn đồng thời phải biết chuyển hóa những khám phá, cảm nhận của mình bằng cách sáng tạo hình thức nghệ thuật hấp dẫn, đặc biệt. Như vậy, câu nói của M.Gorki đã đặt ra yêu cầu cần thiết với người nghệ sĩ. Khi bước chân vào nghệ thuật, nghệ sĩ trước tiên phải có khả năng sáng tạo, cảm quan không trộn lẫn người khác để phản ánh hiện thực một cách riêng, giàu tính khái quát, cũng như có thể chuyển tải nội dung qua một hình thức mới lạ, phù hợp.

M.Gorki đã đưa ra nhận định đúng đắn, xác đáng, trở thành tiêu chuẩn cho mỗi người cầm bút. Vốn dĩ văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống rộng lớn, đây là kho tài liệu cho nghệ sĩ học hỏi, tìm kiếm tư liệu, cảm hứng. Nhưng sáng tác nghệ thuật thuộc về cá nhân từng người, hiện thực đến với mội nhà văn lại có ấn tượng khác nhau. Mỗi người với một mối quan tâm, sở thích, trải nghiệm riêng lại tìm kiếm cảm hứng ở một khía cạnh riêng của hiện thực. Cho nên, nhà văn sáng tác chính là để giải tỏa thế giới nội tâm riêng mình trong mối quan hệ với hiện thực. Hơn nữa yêu cầu đặt ra cho lao động nghệ thuật là sáng tạo. Sáng tác là quá trình lao động cá thể, không phải sản xuất theo dây chuyền cho ra hàng loạt sản phẩm giống nhau. Người nghệ sĩ phải là người ý thức sâu sắc cho mình sự sáng tạo, không được phép lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. Và: “Đối với nhà văn cũng như họa sĩ, phong cách không phải vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn” (Marcel Proust). Muốn có được sự sáng tạo, nghệ sĩ trước tiên phải có cái nhìn sáng tạo, “ấn tượng riêng” về cuộc sống. Họ phải khám phá được giữa hiện thực trù phú ấy vẫn còn mảnh đất mới lạ nào đó chưa ai đặt chân, hoặc thậm chí ở ngay mảnh đất quen thuộc vẫn có những góc khuất chưa ai để ý tới, phải cất lên xúc cảm riêng không trộn lẫn. Tuy nhiên, cái “ấn tượng riêng” ấy không nên là những gì quá nhỏ bé, vụn vặt. Nó cần “có giá trị khái quát”, biểu tượng, đặc trưng cho hiện thực đương thời. Bởi xét đến cùng, dù sáng tạo đến đâu cũng là để cho bạn đọc nhìn thấy bản chất hiện thực cuộc sống. Từ đó, giúp độc giả có cách nhìn nhận sâu sắc hơn về xã hội, đặt ra những suy ngẫm về cuộc đời và trách nhiệm với thực tại mình đang sống. Hình thức nghệ thuật trang viết cũng cần chau truốt, đổi mới. Hình thức có độc đáo, mới lạ mới có thể thu hút sự quan tâm từ độc giả ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Vì vậy, để khẳng định tài nghệ sáng tác, người cầm bút phải ý thức rõ cho mình sự sáng tạo, từ quá trình cảm nhận, đánh giá hiện thực cho đến truyền tải nó qua trang viết.

Mỗi tác phẩm văn học có thể coi như “một tia lửa không lặp lại” của chính người viết, cũng như của một nền văn học. Tác phẩm sống lâu bền, lưu giữ trong tâm trí bạn đọc bởi nó chứa đựng những giá trị riêng biệt, là “ấn tượng chủ quan” mang tính “khái quát”, được chuyển tải qua “hình thức riêng” của nghệ sĩ. Có lẽ vậy mà cuốn tiểu thuyết “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich đã chiếm trọn tình cảm bạn đọc, xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Văn chương năm 2015. Tác phẩm thể hiện “ấn tượng chủ quan” của nhà văn về cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Xô Viết chống lại Đức quốc xã và phe đồng minh trong thế chiến thứ hai, nhưng là chiến tranh được nhìn dưới góc độ của người phụ nữ ra trận, qua đó khái quát lên hiện thực tàn khốc của cuộc chiến, bày tỏ khát vọng sống, hòa bình của nhân loại. Truyện cũng chọn được hình thức biểu đạt riêng, không trộn lẫn.

Điều làm nên sức hấp dẫn lớn lao nhất cho “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là “ấn tượng chủ quan” của nhà văn về hiện thực chiến tranh. Nhìn lại lịch sử với vị trí của một con người sống ở thời hiện tại, bà tìm hiểu, phản ánh chiến tranh dân tộc mình qua lăng kính người phụ nữ trực tiếp ra chiến trường. Hay nói cách khác, đây không phải câu chuyện chiến tranh về những đấng anh hùng, nam nhi đại trượng phu, mà là câu chuyện về những người phụ nữ bình thường như bao cô gái khác, sẵn sàng ra chiến trường vì tình yêu Tổ quốc. Với góc nhìn như vậy, chiến tranh hiện lên hoàn toàn mới lạ, khác hẳn các tác phẩm từng xuất hiện trước đó. Svetlama Alexievich viết về những cô gái xả thân nơi tiền tuyến, “họ mười bảy mười tám tuổi, phần đông vừa ra trường, nhiều lắm được một hay hai năm đại học. Dẫu sao động cơ của họ là gì? Cảm xúc của họ thế nào? Bao giờ tôi cũng chỉ được nghe một câu trả lời: “Chúng tôi sẵn sàng chết cho Tổ quốc! Chúng tôi đã được nuôi dạy như thế”. Những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, tưởng chừng như không thể làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm ở chiến tuyến, song họ vẫn quyết định ra đi, mặc dù họ còn nhiều lạ lẫm. Họ phải hi sinh nhiều thứ, nhan sắc, tuổi trẻ, sức khỏe,… “Người ta cắt tóc họ như con trai. Bao giờ cũng là chuyện cái bím tóc dài bỏ lại trên căn nhà bẩn thỉu của phòng tuyển quân. Người ta mặc cho họ những bộ quân phục may cho đàn ông (…) Người ta vội vàng dạy họ cách sử dụng một khẩu tiểu liên, một khẩu súng máy, một khẩu cácbin bắn chính xác. Ném bom và đặt mìn. Họ thuần thục tất cả nhiệm vụ quân sự, thậm chí đó là những thứ chỉ dành cho con trai”. Trong con mắt của họ, chiến tranh cũng có “màu sắc và mùi khác”. Họ đi dưới những hàng cây, thu nhặt các xác chết, họ sẽ hạnh phúc biết bao nếu đó là một người bị thương chứ không phải một người chết. “Anh ấy đau đớn, anh ấy mỉm cười, vì anh còn sống. Và vì vườn cây đang ra hoa”. Một cô gái ra đi trước phát súng đầu tiên của kẻ thù, ngay lúc ấy “những con sếu bay qua trên trời. Chúng kêu vang. Mọi người ngửng đầu lên, và cô ấy, cô ấy mở mắt. Cô nhìn: “Tiếc quá…” Rồi cô ngưng nói và mỉm cười với chúng tôi: “Không thể thế được, mình sắp chết ư? Và thế là hết…” Cuộc chiến dưới con mắt người phụ nữ có lẽ đã xóa bớt đi cái cứng nhắc, căng thẳng, mà xuất hiện cả những khoảnh khắc thật dịu dàng, mơ mộng, chứa chan niềm tin, khát vọng. Và với con mắt tinh tường, nhà văn người Belarus đã tìm thấy ở các cô gái những nét đặc sắc trong tâm hồn họ. Là phái nữ ra chiến trường, họ vẫn là chính họ, “giành giữ lãnh địa bên trong của họ”. Vào mùa xuân, các cô mang về một cành cây con cắm trong nước, như nhìn vào đó mà tiếp thêm cho mình sức sống, họ luôn chú ý giữ nụ cười nhiều nhất có thể. Họ cũng muốn được làm đẹp, được đeo hoa tai, làm tóc, làm mi…nhưng môi trường kỉ luật quân đội không cho phép họ làm vậy, họ đành tiếc nuối gửi gắm mong muốn ấy vào khoảnh khắc riêng tư nhất của mình, thậm chí là ngậm ngùi hi sinh. Cũng chính vì phái nữ tham gia tiền tuyến nên sức sát thương lên họ lớn hơn bao giờ hết, chính từ đây sự thật về chiến tranh-điều chưa ai nhận thấy đã được phơi bày hết thảy. Người phụ nữ ra trận cũng là lúc cái bản năng giới tính của họ bị giới hạn, họ hành quân giữa những ngày kinh nguyệt mà không có một vật dụng gì bảo vệ, có người đã bị bắn chết khi đang gột mình ở một con sông vì không muốn để mọi người nhìn thấy “chuyện xấu hổ”. Lại có người rơi vào tình huống oái oăm khi nhận được lời đề nghị từ một thương binh nam được cởi áo cho ngắm đôi ngực đàn bà, chỉ bởi anh ta đã lâu không nhìn thấy vợ. Nỗi xấu hổ sau đó trở thành nỗi day dứt khi một giờ sau trở lại, người thương binh đã chết. Cảm quan riêng của nhà văn còn nhìn thấy cái tàn khốc chiến tranh để lại, tạo thành những vết ám ảnh hằn sâu trong tâm trí người lính nữ. Có người sợ cái chết, sợ mùi máu, “nó bám theo tôi khắp nơi. Tôi giặt quần áo, tôi nấu ăn, nó vẫn ở đấy...Có ai đó cho tôi một chiếc áo sơ mi nữ màu đỏ, thời thiếu vải ấy là của hiếm. Nhưng tôi không bao giờ mặc vì màu cúa nó khiến tôi buồn nôn”. Và khi nhìn thấy thịt gia cầm, người cựu binh thấy nó “cũng trắng như thịt người”, “mùa hè đến, là tôi có cảm giác chiến tranh sắp nổ ra. Khi mọi thứ bị mặt trời nung nóng lên: cây cối, nhà cửa, nhựa đường, tất cả những cái ấy tỏa một thứ mùi, đối với tôi tất cả đều mùi máu. Tôi có thể ăn hay uống bất cứ thứ gì, không thể xua đi được cái mùi ấy! Ngay những tấm trải giường sạch, khi tôi dọn giường, đối với tôi, ngay cả những tấm trải giường ấy cũng có mùi máu…”. Họ còn phải hứng chịu những định kiến, ái ngại từ nhiều người xung quanh về vấn đề lập gia đình. Có thể nói, chiến tranh quốc gia kết thúc cũng là lúc họ phải chiến đấu với cuộc chiến khác, cuộc chiến chống lại bệnh tật, tuổi già, thành kiến, và nỗi ám ảnh…Đó là cuộc chiến để hàn gắn lại những tổn thương, nhưng giành chiến thắng không phải điều dễ dàng. Svetlana Alexievich viết về điều ấy để thấy được đằng sau hào quang của chiến thắng, của người anh hùng còn là những góc khuất mà người ta chưa nhìn thấu hết. Bà tố cáo cái bỉ ổi, phi lí của chiến tranh, hậu quả nặng nề nó kéo dài dai dẳng không chấm dứt. Bà đồng thời cũng cất lên tiếng nói khát vọng hòa bình thông qua ước vọng của những nữ cựu binh Xô Viết. Khi chiến tranh nổ ra, các cô gái luôn mơ về hòa bình, tình yêu thương: “Ôi! Các cậu ơi, miễn là chúng mình sống được cho đến khi đó. Người ta sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu sau chiến tranh! Cuộc sống của họ có được khi đó sẽ hạnh phúc và đẹp đẽ biết bao! Con người sau bao nhiêu đau khổ sẽ biết thương xót nhau. Họ sẽ thương yêu nhau. Nhân loại sẽ thay đổi”. Bước ra khỏi cuộc chiến, họ ám ảnh cái chết chóc, tang thương, trở nên căm thù những món đồ chơi vũ khí mà người ta vốn bán rất chạy như máy bay, xe tăng, vì họ hiểu rất rõ về những thứ vũ khí ấy, chúng là thủ phạm gây nên cái chết cho con người, nó quá tàn nhẫn. Khi đất nước hòa bình, họ mong muốn người ta nhìn nhận đúng về cuộc chiến, thấy hết cái tàn khốc của nó, chứ không phải khơi lên trong lòng người tinh thần ham chiến, quyết tranh giành, đấu đá lẫn nhau. Con người cần hiểu sự sống quý giá đến nhường nào. Bằng “ấn tượng riêng chủ quan của mình”, Svetlana Alexievich thể hiện khám phá mới mẻ của mình về  hiện thực cuộc sống. Bà nhận thấy chiến tranh còn nhiều góc khuất, còn nhiều bi thương không thể hóa giải. Đây là cách nhìn của một con người thời hậu chiến, soi xét quá khứ một cách toàn diện hơn, nó khác với các nhà văn trong thời chiến, luôn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng một cách hết mực, như Ostrovski với “Thép đã tôi thế đấy” đã ca ngợi Palven-đại diện cho lớp thanh niên sẵn sàng đi theo lí tưởng Đảng Cộng sản nước Nga Xô Viết với cái nhìn sử thi của bất cứ nền văn học cách mạng nào. Nhưng ở đây Svetlana Alexievich đã có sự gặp gỡ nhiều nhà văn cùng thời, mà tiêu biểu là Sô-lô-khốp, đã dám thẳng thắn đi sâu vào những mất mát chiến tranh để lại. Song nếu như Sô-lô-khốp nhìn vào số phận những đứa trẻ thì Svetlana Alexievich lại thấy được bi kịch của người phụ nữ từng tham gia chiến đấu. Chính nét riêng này đã giúp bà tạo được dấu ấn cho tác phẩm, khiến người đọc bất ngờ trước hiện thực được phản ánh.

Không dừng lại ở tái hiện cuộc sống theo cách cảm, cách nhìn của riêng mình, nữ nhà văn còn từ đó khái quát lên một tầm tư tưởng cao hơn thế. Bà đã cho thấy toàn bộ cái thảm khốc của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đối với Liên bang Xô Viết nói riêng và toàn thế giới nói chung. Bà đã tố cáo cái xấu xa, tàn nhẫn của chiến tranh. Qua đó, nhà văn muốn gửi tới độc giả bức thông điệp khát vọng về tự do, hòa bình. Điều đó thể hiện qua chính chi tiết cuối cùng của tiểu thuyết, mỗi khi nhìn lên bầu trời, người cựu binh cảm thấy sợ nó, nhưng cũng chính ở đó luôn xuất hiện “những con quạ châu Âu đã bình an bay qua trên đó…Chim chóc đã chóng quên chiến tranh”. Cánh chim bay qua bầu trời gợi liên tưởng đến cuộc sống bình yên, không còn khói bom, lửa đạn. Thế giới đã đi qua chiến tranh, đã tìm thấy màu xanh hòa bình của nó, nhưng trong mắt những người từng tham gia chiến trường, họ sống giữa thời bình mà kí ức chiến tranh vẫn ám ảnh mãi mãi. Bầu trời hòa bình ấy như một món quà cho sự hi sinh của họ, thỏa mãn ước nguyện năm xưa của họ. Và cũng chính bầu trời ấy là lời nhắc cho thế hệ về sau biết trân trọng sự sống, biết quý trọng sự tự do, hạnh phúc, hòa bình.

“Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”(Lêônit Lêônốp). Cuốn tiểu thuyết danh giá “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” đồng thời cũng chính là “một phát minh về hình thức”. Tác giả đã sử dụng nhiều trường đoạn dẫn mang tính điện ảnh; lựa chọn lối viết mới mẻ khi đan cài rất nhiều lời kể trực tiếp từ các cựu binh nữ do chính mình phỏng vấn, hòa cùng với lời văn, lời dẫn dắt của riêng mình. Vậy nên, tác phẩm vừa có sự kết nối giữa tác giả và những người phụ nữ bước ra từ cuộc chiến, vừa mang hơi thở của một cuốn phim tài liệu, in đậm phong cách của một nhà báo điều tra.

Có thể nói, tài năng sáng tác của một nhà báo-nhà văn như Svetlana Alexievich đã góp phần làm nên thành công cho cuốn tiểu thuyết danh giá này. Sự sáng tạo, dấu ấn riêng đã tạo nên chiều sâu cho một tác phẩm, đưa bạn đọc đến với vùng đất mới để mở rộng tầm mắt trước hiện thực.

Chế Lan Viên từng đặt câu hỏi:

     “Có nên chăng

       Ta nói mãi cái truyền thống, cái ngàn năm

       Đến nỗi bó tay chẳng làm gì được nữa?”

Câu hỏi có lẽ đã để lại day dứt trong lòng nhiều người cầm bút, vì không thể cứ nói mãi những “cái truyền thống, cái ngàn năm” theo lối mòn nữa, mà cần có sự sáng tạo, đổi mới. Nhưng sáng tạo không có nghĩa là tạo ra những gì kì quái, khó hiểu, nó cần mang tính nhân văn, hướng đến lợi ích chung của cộng đồng. Câu nói của đại văn hào M.Gorki đã thực sự đặt ra bài học lớn đối với giới văn nghệ sĩ. Khi chấp nhận dấn thân vào nghệ thuật đồng nghĩa việc dấn thân với thử thách, phải sáng tạo không ngừng, tìm được lối đi, “ấn tượng” riêng cho mình. Để sự sáng tạo trở nên thành công, trước tiên anh phải ngụp lặn, trải nghiệm với đới, tạo cho mình cái nhãn quan đúng đắn, sâu sắc, sau đó mới là khám phá điều mới lạ, chưa ai tìm thấy. Nghệ sĩ phải hình thành cho mình hệ tư tưởng đúng đắn, phổ quát toàn nhân loại, đồng thời cũng phải có tài năng trong sáng tạo hình thức nghệ thuật. Tác phẩm sẽ chết nếu như không có bạn đọc. Vì thế, người đọc với vai trò đồng sáng tạo với nhà văn cần biết trân trọng công sức của họ, đón nhận tác phẩm với tất cả lòng nhiệt thành, thấy được cái mới của trang viết, từ đó học hỏi, mở rộng tầm mắt mình trước cuộc sống.

“Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình” (Lã Nguyên). Họ có quyền được lựa chọn điều mình quan tâm, phản ánh. Và trên hết dù viết về điều gì họ cũng đều lưu lại đó “ấn tượng” chủ quan “có giá trị khái quát” đi cùng với hình thức riêng biệt, độc đáo.

                  (Bài viết của học sinh lớp 12 chuyên Văn)

Nguồn: Nhóm tác giả Nguyễn Thanh Xuân, Phan Thị Thu Hiền, Trần Thị Thanh                                                                        

  Trường THPT Chuyên Hùng Vương Phú Thọ

Nhận xét từ người dùng

SALE - 70% Shopee
-->