Banner cho bài viết: ĐỌC HIỂU TRUYỆN NGẮN MỘT ĐÁM CƯỚI - NAM CAO

ĐỌC HIỂU TRUYỆN NGẮN MỘT ĐÁM CƯỚI - NAM CAO

Đọc đoạn trích:

(Lược phần đầu: Dần là cô bé nghèo khổ, phải đi ở cho bà Chánh Liễu giàu có. Mẹ Dần chết vì ốm đau không kiêng khem bỏ lại bố Dần và hai em nhỏ. Dần trở về nhà để chăm em. Túng quẫn, bố Dần tính kế lên rừng kiếm ăn và gả Dần cho gia đình đã cho nhà Dần vay 20 đồng bạc để lo ma chay cho mẹ Dần. Sáng sớm, nghe lời bố, Dần xuống chợ mua cau, chè để chiều đón nhà chồng làm đám cưới đưa Dần về làm dâu. Xế chiều, mẹ chồng và chồng đến nhà Dần xin dâu. Bố Dần nghe những lời thưa chuyện nhẹ nhàng và khéo léo từ mẹ chồng Dần nhưng lòng đầy trĩu nặng…)

Rồi ông ngồi lử thử. Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người ta rước Dần đi. Ðêm hôm nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con . Nhà sẽ vắng ngắt vắng ngơ, chẳng khác gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông đã phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược... Chao ôi! Buồn biết mấy?...Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng: giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm bọc lấy nhau, bây giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương chúng nó quá... A thì ra ông phải đi nơi khác làm ăn, chẳng phải vì cớ gì khác mà chỉ vì Dần phải đi lấy chồng, Dần đi lấy chồng, không ai trông coi vườn đất, nhà cửa, con cái cho ông nữa... Ông buồn quá. Ông đáp lại những câu rất dài dòng của bà thông gia bằng những câu ngắn ngủn. Bà thông gia, trái lại nhiều lời lắm. Bà vui vẻ. Bà nói luôn. Bởi tài ăn nói của người ta, một đời mới có dịp dùng đến độ vài lần. Bà thì chỉ một lần thôi, bởi vì bà có mỗi một mống con trai. Lấy một con vợ cho con, có dễ đâu? Nhất là mình lại không có nhiều tiền. Công việc phải qua mấy mươi nấc, mấy mươi cầu. Chưa cưới được vợ về cho con, thì còn là đi lại mỏi chân, van ông lạy bà sái hàm răng... Công việc của bà, mười phần xong đến chín phần rồi. Còn một tý chút nữa mà thôi. Tội gì không ngọt ngào với người ta cho yên ổn cả. Người ta gả con gái, đã chẳng được gì thì cũng phải được lời nói mát lòng, mát ruột cho hả dạ...

Đến tối, đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai. Ông bố vợ đã tưởng không đi. Nhưng bà mẹ chồng cố mời. Vả lại nếu ông không đi, thì hai đứa bé cũng không thể đi mà Dần thì đang khóc lóc. Nếu chỉ có mình nó ra đi thì có lẽ nó cũng không chịu nốt. Ông đành kéo mấy cành rào lấp ngõ rồi đi vậy. 

Dần không chịu mặc cái áo dài của bà mẹ chồng đưa, thành thử lại chính bà khoác cái áo ấy trên vai. Dần mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần cồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt gần đến nách. Nó sụt sịt khóc, đi bên cạnh mẹ chồng. Chú rể dắt đứa em lớn của Dần. Còn thằng bé thì ông bố cõng. Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ...”

       (Một đám cưới*, Tuyển tập Nam Cao, NXB Văn học, 2015, tr.262 - 264)

(*) Truyện ngắn “Một đám cưới” được in trên “Tiểu thuyết thứ Bảy” (số 3, tháng 8-1944), tiêu biểu cho mảng truyện viết về đề tài người nông dân trước Cách mạng.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Cảnh đưa dâu khác thường của Dần được hiện lên qua những chi tiết nào? 

Câu 3 : Xác định và nêu ý nghĩa của việc sử dụng linh hoạt các điểm nhìn trong câu chuyện. 

Câu 4: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ.”

Câu 5: Qua đám cưới của Dần trong câu chuyện, anh/chị có suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám?

 

 

Gợi ý:

Câu 1: Tự sự 

Câu 2: Cảnh đưa dâu khác thường của Dần được hiện lên qua các chi tiết:

- Vẻn vẹn có sáu người. 

- Dần thì đang khóc lóc.

- Dần mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần cồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt gần đến nách. 

- Nó sụt sịt khóc; Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ...

Câu 3: - Đoạn trích sử dụng điểm nhìn:

+ điểm nhìn người kể chuyện (điểm nhìn bên ngoài)

+ điểm nhìn của nhân vật cha của Dần (điểm nhìn bên trong)

- Ý nghĩa của việc sử dụng linh hoạt các điểm nhìn: 

+ Giúp câu chuyện trở nên khách quan; lời kể sinh động, hấp dẫn.

+ Giúp người đọc hiểu rõ thế giới nội tâm của nhân vật; làm cho nhân vật hiện lên cụ thể, chân thực. 

Câu 4:

- Biện pháp tu từ: so sánh: Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ; từ so sánh “như”.

- Tác dụng:

+ Diễn tả cụ thể cảnh đoàn người rước dâu đưa Dần về nhà chồng: lủi thủi, lặng lẽ, âm thầm trong câm lặng, không một niềm vui, hạnh phúc trong ngày trọng đại của cuộc đời. Qua đó, thể hiện thái độ xót thương của tác giả trước phận đời nghèo khổ. 

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Câu 5:

Thân phận của người phụ nữ nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám:

- Thân phận thấp kém trong xã hội, cuộc sống vất vả, nghèo nàn, túng thiếu, khiến họ phải làm lụng, bươn trải từ sớm. 

- Họ có số phận bất hạnh, éo le, bị đẩy vào hoàn cảnh thê thảm bởi sự bất công của cái nghèo, cái đói mãi đeo bám.

Nhận xét từ người dùng

SALE - 70% Shopee