Banner cho bài viết:VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CHỦ ĐỀ VÀ  NGHỆ THUẬT CỦA BÀI THƠ XUÂN VỀ (CHU MINH KHÔI) - Chương trình mới

VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CHỦ ĐỀ VÀ NGHỆ THUẬT CỦA BÀI THƠ XUÂN VỀ (CHU MINH KHÔI) - Chương trình mới

  Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ “Xuân về” (Chu Minh Khôi).

Gợi ý: 

      Thơ là nơi gửi gắm những tâm tư, nỗi niềm, sự rung cảm của thi sĩ trước cuộc đời. Qua mỗi tác phẩm, nhà thơ và bạn đọc như tìm thấy được sự đồng điệu trong tâm hồn. Điều này được thấy rõ qua thi phẩm Xuân về của Chu Minh Khôi. Bài thơ là sự rung động, nỗi lòng của thi sĩ trước cảnh sắc thiên nhiên và vẻ đẹp của con người lúc xuân sang qua một số hình thức nghệ thuật độc đáo:

Trời mới ửng lên nắng trạng nguyên

...

Em có sang tìm ta tối nay?

     Điểm đặc sắc của tác phẩm trước hết phải kể đến cách xây dựng chủ đề: Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người lúc xuân về. Nhắc đến khung cảnh mùa xuân, ta dễ dàng bắt gặp trong nhiều thi phẩm như Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương, Chiều xuân của Anh Thơ, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử... Tuy nhiên trong bài thơ Xuân về, Chu Minh Khôi vẫn mang đến cho độc giả một cái nhìn mới lạ về khung cảnh mùa xuân qua cách cảm nhận, quan sát đầy tinh tế, lãng mạn. Khung cảnh thiên nhiên mang trong mình tất cả sự trong trẻo, tinh khôi, tràn đầy sức sống. Đan xen trong bức tranh thiên nhiên đó là dáng vẻ duyên dáng, vui tươi của các cô thôn nữ, cảnh chợ Tết đông vui, nhà nhà sửa soạn chuẩn bị đón xuân về. Và đặc biệt là tâm trạng háo hức, ngóng trông, chờ đợi đêm văn nghệ liên hoan của thi nhân. Qua vẻ đẹp của bức tranh lúc xuân sang, ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, sự giao hòa với vạn vật, và sự trân trọng nâng niu những vẻ đẹp bình dị của thi sĩ.

     Bên cạnh đó, nét độc đáo của tác phẩm còn là cách xây dựng các hình thức nghệ thuật, từ cách trau chuốt, gọt dũa ngôn từ đến việc chọn lựa các hình ảnh thơ, gieo vần, ngắt nhịp. Mở đầu bài thơ là khung cảnh mùa xuân tươi vui, rộn rã:

Trời mới ửng lên nắng trạng nguyên

Tiếng chim thả chữ xuống vòm hiên

Tháng giêng khép mắt cười e ấp

Lộc biếc mọc răng khểnh nõn duyên. 

       Với biện pháp tu từ nhân hóa đầy độc đáo “tiếng chim thả chữ”, “tháng giêng khép mắt”, “lộc biếc mọc răng” thi nhân đã thực sự mang đến cho người đọc một ấn tượng. Cảnh vật mang dáng vẻ của con người, vừa vui tươi, tràn đầy sức sống nhưng cũng không kém phần e ấp, kín đáo.Thi sĩ Xuân Diệu từng viết “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, để khẳng định con người là trung tâm, là thước đo cho vẻ đẹp của thiên nhiên. Ở đây, Chu Minh Khôi cũng vậy, mượn những nét đẹp duyên dáng, e ấp của con người để khắc họa cho vẻ đẹp đầu xuân. Bên cạnh đó, cách miêu tả bầu trời cũng đầy thú vị, không phải là cách nói nắng mới lên, nắng chang chang mà là nắng trạng nguyên. Nắng trạng nguyên có thể hiểu là nắng mới ửng lên, chứa đựng sự tinh khôi trong trẻo lúc bình minh ló rạng. Tác giả khéo léo kết hợp nắng ban mai với âm thanh của tiếng chim, lộc biếc đâm chồi nảy lộc để tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng cho mùa xuân ở thôn quê..

       Tiếp nối mạch cảm xúc của bài thơ là khung cảnh sinh hoạt cuộc sống con người:

Chợ Tết gặp phiên đông thật đông

Đào phai chúm chím khóe môi hồng

Dăm ba thôn nữ về qua ngõ

Cười vỡ khoảng trời ngọc bích trong.

      Chợ Tết - một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc, qua cách miêu tả của thi nhân, chợ Tết hiện ra thật đông đúc náo nhiệt qua cách nói “đông thật đông”. Ấn tượng trong phiên chợ của thi nhân là hình ảnh đào phai chúm chím, một lần nữa thi nhân lại lấy vẻ đẹp của người “môi hồng” để tô vẽ cho thiên nhiên. Khép lại khổ thơ là sự giao hòa trong bức tranh xuân, hình ảnh cô thôn nữ cười rạng rỡ trong nền trời trong xanh ngọc bích như một sự tô vẽ nên một khung cảnh làng quê yên bình.

     Bức tranh xuân còn được khơi gợi qua những liên tưởng đầy độc đáo của thi nhân: 

Đã thấy hơi xuân trong gió may

Vương trên mái lá tiễn đông gầy

Nhà ai vừa quét tường vôi trắng

Thỏ thẻ bên thềm hoa cúc lay. 

       Cũng giống như bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh, cảnh sắc thu về được tái hiện qua sự ngỡ ngàng, bất ngờ của thi sĩ, trong bài thơ Xuân về, Chu Minh Khôi cũng tái hiện lại sự ngỡ ngàng qua những tín hiệu lúc xuân về. Cách liên tưởng đầy tinh tế qua biện pháp tu từ nhân hóa “hơi xuân vương trên mái lá tiễn đông gầy”. Thi nhân không chỉ quan sát cảnh vật mà còn cảm nhận được sự chuyển biến trong cái lạnh cuối đông đầu xuân, hơi ấm đầu xuân trộn lẫn trong gió may làm vơi bớt đi cái lạnh của mùa đông. Không những thế, thi nhân miêu tả cảnh nhà nhà sửa soạn đón xuân “quét tường vôi trắng” cũng là cách để báo hiệu hiệu xuân về. Biện pháp tu từ đảo ngữ “thỏ thẻ” để nhấn mạnh sự nhỏ bé, dễ thương của những bông cúc điểm xuyến trên khung nền trắng tinh khôi của ngôi nhà.
      Nếu như ba khổ thơ trên là bức tranh thiên nhiên mùa xuân và cảnh sinh hoạt của con người thì khép lại bài thơ là tâm trạng ngóng trông của thi sĩ:

Mòn đợi mưa xuân phơi phới bay

Dáng mơ thôn nữ ngấm men say

Văn nghệ chi đoàn xuân đã hẹn

Em có sang tìm ta tối nay? 

      Cách nói “mòn đợi” như tái hiện được sự ngóng trông, đợi chờ của thi nhân để đón nhận những khoảnh khắc xuân về. Thi nhân ngóng trông một làn mưa xuân phơi phới mang lại sự tươi mát cho khoảnh khắc đầu xuân. Bên cạnh đó, thi nhân còn dành một tình cảm đặc biệt cho cô thôn nữ, hay cũng chính người con gái mà ông hằng mong nhớ. Hình ảnh cô thôn nữ “ngấm men say” tạo sự liên tưởng cho người đọc. Liệu rằng cô thôn nữ say men rượu hay say men tình? Khép lại bài thơ là dòng suy nghĩ của thi nhân về khung cảnh đêm liên hoa văn nghệ. Câu hỏi tu từ “Em có sang tìm ta tối nay?” bày tỏ được sự lo lắng, ngóng chờ, ao ước được gặp gỡ người con gái mình thương. Một tình yêu rất đỗi trong sáng, bình dị được tái hiện qua từng con chữ, xen lẫn trong khung cảnh trời xuân, ta như hiểu thêm về sự rung động, những khoảng lặng trong tâm hồn thi sĩ về hạnh phúc lứa đôi.

     Với thể thơ 7 chữ, gieo vần chân: nguyên - hiên - duyên; đông - hồng - trong; may- gầy- lay - bay - sau - nay, nhịp: 4/3 đã góp phần tạo nên sự liên kết, hài hòa, nhịp nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc. Đồng thời tạo nên nhịp điệu khoan thai, chậm rãi cho bài thơ. Chủ thể trữ tình được xuất hiện trực tiếp qua đại từ nhân xưng “ta” cũng là cách để thi sĩ bày tỏ nỗi lòng của mình, tình yêu đối với thiên nhiên và cuộc sống con người lúc xuân sang.

       Thơ ca là hiện thân cho cái đẹp, qua bài thơ Xuân về của Chu Minh Khôi, người đọc được chiêm ngưỡng cái đẹp từ bức tranh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của con người lúc xuân về và cái đẹp trong cách chọn lọc ngôn từ và hình ảnh thơ. Và hơn hết, qua bài thơ ta như bồi đắp cho tâm hồn mình một tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước, trân trọng những điều bình dị xung quanh ta.

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
Giảm giá - 50% Tết 2025