I. ĐỌC (6 điểm)
Đọc văn bản sau:
CUỐI MÙA NHAN SẮC - Nguyễn Ngọc Tư
[…]
Nhà Buổi chiều nằm ở tận cùng con hẻm Cây còng. Hẻm cụt. Nhà toàn người già, là chỗ trú ngụ cho những nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ hát bội một thời vang bóng. Tính ra, chỉ có ông già Chín Vũ là vô danh tiểu tốt. Nhưng ông là một trong những người sáng lập ra nhà Buổi chiều, tự ông còn đặt tên cho nó. Hỏi sao không gọi là Hoàng hôn hay Chạng vạng gì đại loại vậy, ông bảo, buổi chiều còn nắng, người nghệ sĩ còn có ý nghĩa sống trên đời. Nhà Buổi chiều nghèo, chi phí dựa vào kinh phí từ trên quận, từ lòng hảo tâm của bà con gần xa, cơm bữa nhiều ơi là nhiều rau mà ít xịu thịt. Vậy mà ai nấy đều vui, bởi cuộc sống trước đây của họ còn nghèo hơn, nghèo không thể tả, nghèo rớt mồng tơi. Người ở chùa, người bán vé số, người ngủ công viên, người hát rong, ít ai có nhà để về. Sum họp ở Buổi chiều, có khổ một tí mà còn được hát. Nghệ sĩ mà, miễn được hát, miễn hát mà có người nghe là sướng rồi.
Ðể kiếm chút đỉnh tiền phụ thêm thịt cá cho bữa ăn, ông già Chín đi bán vé số, vừa có tiền vừa tìm tung tích của anh chị em đang còn lưu lạc. Ðào Hồng lại gánh chè đi tận hang cùng ngõ ngách. Thấy mọi người ái ngại, đào Hồng bảo: “Cứ để em làm, em với anh Chín còn trẻ, còn sức khỏe…” Nói trẻ là trẻ ở trong nhà Buổi Chiều chớ ông Chín Vũ đã bảy mươi, đào Hồng cũng sáu mươi bốn. Buổi sáng, ông Chín gánh gánh chè đưa đào Hồng ra đầu hẻm, dừng dưới gốc cây còng già cóc già kiết, già tới mức nó hổng thèm trổ hoa nữa. Ông già trao đòn gánh lại cho bà, rồi đứng tần ngần nhìn bóng bà xa dần trên đại lộ, tiếng rao chè buổi sớm nghe ngọt lịm, vút cao. Sau lưng bà, còn thấy mấy tờ giấy gói bánh mì ố màu nước cà bay xà quần trên đường rồi sẵn gió đi tao tác. Ông già tạt vô quán càfê chú Tư Bụng, kêu: “Mấy đứa bưng cho tao năm trăm đồng trà nóng coi”. Có người hỏi, sao bữa nay không uống càfê, ông Chín Vũ cười cười, lắc đầu, cười tiếp với cái vẻ không muốn nói mà thèm nói quá trời đi:
– Ðể dành tiền mua cho cổ chai dầu thơm.
Ông già trịnh trọng thì thào. Cả quán rộ lên cười:
– Già mà còn yêu.
– Mắc yêu thì yêu – ông già cự lại, vẻ mặt sương sương không giận gì ai – Bây thì biết gì, tình xưa đó, mà mình thương người ta mà người ta đâu có thương mình.
Cạn bình trà, ông già dằn tờ giấy bạc năm trăm dưới đít ly đứng lên xếp ghế lại ngay ngắn, từ tốn rút trong túi ra xấp vé số dày, trước khi đi ông quay đầu lại:
– Tối nay lại chỗ tao coi cải lương, nghe bây.
– Tối nay tuồng gì, chú Chín?
– Lữ Bố hí Ðiêu Thuyền.
– Í tuồng đó hát rồi. Hát Nửa đời hương phấn đi.
– Bây nói sao tao chiều vậy, mà tuồng đó tao có nhớ miếng nào đâu.
– Chú cần gì nhớ, chú toàn đóng vai quân sĩ với người hầu không à. Có hát hò gì đâu.
Ông già cười khà khà, quay đi, cái lưng cong cong gù gù từ từ mịt mù.
[….]
(In trong Giao thừa, Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ, 2022)
Trả lời câu hỏi:
Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong văn bản ?
Câu 2. Căn nhà trong hẻm cụt có tên gọi là gì?
Câu 3. Ông già tạt vô quán càfê chú Tư Bụng, kêu: “Mấy đứa bưng cho tao năm trăm đồng trà nóng coi”. Việc đan xen giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật ở câu văn trên có tác dụng gì?
Câu 4. Xác định cảm hứng chủ đạo của văn bản?
Câu 5. Anh/ chị rút ra bài học gì từ cách ứng xử của các nhân vật trong đoạn trích?
Câu 6. Từ nội dung văn bản, anh/chị có suy nghĩ gì về cuộc đời người nghệ sĩ sau ánh đèn sân khấu?
Gợi ý:
Câu 1: Người kể chuyện trong văn bản trên thuộc ngôi kể thứ ba.
Câu 2: Căn nhà trong hẻm cụt có tên “Nhà buổi chiều”
Câu 3: Tác dụng: Giúp cho lời kể không đơn điệu và tăng tính chân thực của sự việc. Thể hiện được tính cách nhân vật.
Câu 4: Cảm hứng chủ đạo:
- Cảm thông cuộc sống khó khăn, vất vả của những nghệ sĩ cải lương, hát bội.
- Khâm phục lối sống đậm tình nghĩa, hết mình vì nghiệp cầm ca.
Câu 5: biết yêu thương, quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác; sống có tình có nghĩa
Câu 6: Có nghệ sĩ sống cuộc sống bình dị; Có nghệ sĩ phải vật lộn với thăng trầm của cuộc sống,…
II. VIẾT (4 điểm)
Anh chị hãy viết một bài văn nghị luận bàn về những điều cần làm để giữ gìn bản tính lương thiện trong mỗi người.