Banner cho bài viết: ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1 NGỮ VĂN 11 - ĐỌC VB THÔNG TIN - KHÁM PHÁ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MĨ SƠN

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1 NGỮ VĂN 11 - ĐỌC VB THÔNG TIN - KHÁM PHÁ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MĨ SƠN

I. ĐỌC HIỂU ( 6 Điểm)

KHÁM PHÁ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MĨ SƠN

      ĐCSVN) - Mang ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật của vùng Đông Nam Á. Trước những giá trị nổi bật toàn cầu của một di sản văn hóa cần phải được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại, ngày 4/12/1999, Di tích này được Uỷ ban Văn hoá Khoa học Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá thế giới.

     Khu di tích Mỹ Sơn thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng tây nam. Di tích tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm ở tỉnh Quảng Nam, được khởi công từ thế kỷ IV bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân). 

 

Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm, hùng vĩ.

     Nơi đây, 70 công trình đền tháp kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của nền văn minh Chămpa, được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Borobudur (Indonesia), Pagan (Myanmar), Angkor Wat (Campuchia), là kết tinh của những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong suốt chiều dài 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII). Mặc dù bị thời gian và chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.

     Với lịch sử xây dựng và phát triển liên tục qua nhiều thế kỷ, các đền tháp thể hiện sự đa dạng các phong cách kiến trúc nhưng nhìn chung đều ở tư thế cao vút biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi Mêra, nơi cư ngụ của các vị thần và là trung tâm của vũ trụ. Những di tích của khu đền tháp Mỹ Sơn là những công trình quan trọng nhất của nền văn hóa Chămpa. Hầu hết các công trình được kết cấu bằng gạch nung với trụ đá và trang trí những phù điêu sa thạch thể hiện các giai thoại Ấn Độ. Minh chứng kỹ thuật của đền tháp là sự hiện hữu của các kỹ xảo Chăm trong khi sự biểu trưng của các họa tiết và biểu tượng của đền tháp ẩn chứa trong đó nội dung các giai đoạn chính trị và tôn giáo Chămpa.

       Trong số các dạng kiến trúc tháp Chăm, kiến trúc dạng quần thể thánh địa Mỹ Sơn là độc đáo và hiếm có. Được bố trí theo cụm, từ hai hoặc nhiều tháp. Có tường bao, sân, đường đi nối các tháp với nhau. Mỗi tháp có mỗi chức năng riêng. Tập trung thành từng nhóm, trong đó có đền thờ chính nằm ở giữa, mỗi nhóm đều được bao quanh bởi những bức tường khá dày cũng bằng gạch. Cửa chính của tháp chính phần lớn quay về hướng Đông (hướng về thần linh). Một vài tháp lớn chính có thêm cửa hướng Tây. Trước mặt đền thờ chính (Kalan) là một tháp cổng (Gopura) với cấu trúc nhỏ của hai cửa thông nhau: một cửa về hướng Đông, một cửa hướng vào đền chính, tiếp với tháp cổng thường là căn nhà dài (Mandapa) có mái lợp ngói, bên trong rộng rãi vốn là nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành các vũ điệu trong lễ cúng hiến cho thần linh.

                          (https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/kham-pha-di-san-van-hoa-the-gioi-my-son-637552.html)

Câu 1 (0,5 điểm): Theo văn bản, khu di tích Mỹ Sơn thuộc tỉnh nào của nước ta?

Câu 2 (1,0 điểm): Xác định kiểu văn bản và phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 3 (1,5 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của các yếu tố hình thức trong văn bản trên.

Câu 4 (1,5 điểm): Xác định cách trình bày dữ liệu, thông tin trong đoạn trích Trong số các dạng kiến trúc tháp Chăm, kiến trúc dạng quần thể thánh địa Mỹ Sơn là độc đáo và hiếm có.... nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành các vũ điệu trong lễ cúng hiến cho thần linh.. Chỉ ra hiệu quả của cách trình bày ấy.

Câu 5 (1,5 điểm): Em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Khu di tích Mỹ Sơn trước bối cảnh văn hóa hội nhập. Đề xuất hai giải pháp cụ thể góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa này.

II. VIẾT (4 điểm)

Viết bài văn nghị luận, phân tích, đánh giá đoạn trích trong truyện thơ Truyện Kiều (Nguyễn Du)

“Thương nhau xin nhớ lời nhau,

Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.

Chén đưa nhớ bữa hôm nay,

Chén mừng xin đợi ngày này năm sau!

Người lên ngựa kẻ chia bào1 ,

Rừng phong2 thu đã nhuốm màu quan san3 .

Dặm hồng4 bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

(Trích "Truyện Kiều", Nguyễn Du, NXB Văn học, 2018)

Chú thích:

1. Bào: áo. Thường trong khi li biệt, người ta hay nắm lấy áo nhau, tỏ tình quyến luyến. Chia bào tức là buông áo.

2. Phong: Một loại cây ở Trung Quốc, lá chia ra nhiều cành, gần giống lá cây thầu dầu ở bên ta, đến mùa thu thì sắc lá hoá đỏ.

3. Quan san: Quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở.

4. Dặm hồng: Dặm đường đi giữa bụi hồng. “Chinh” là đi đường xa, “an” là yên ngựa. Người ta thường dùng hai chữ “chinh an” để chỉ việc đi đường xa.

(Lược dẫn: Sau khi bị Sở Khanh lừa, Thuý Kiều phải sống kiếp của một cô gái lầu xanh. Sau đó, Kiều  đã được Thúc Sinh “chuộc" ra khỏi lầu xanh, và có một cuộc sống hạnh phúc. Sau một thời gian, Thúc Sinh chia tay Thuý Kiều về nhà gặp Hoạn Thư để thông báo chuyện giữa hai người.)

Đoạn thơ sau miêu tả cuộc chia tay trên, được trích từ dòng 1501 đến dòng 1526 trong Truyện Kiều (Nguyễn Du)

 

Nhận xét từ người dùng

SALE - 70% Shopee
-->