QUÀ MUỘN
(Tóm lược: Ba mẹ ly hôn, nhân vật tôi và em Thu phải mỗi người sống một nơi. Tôi luôn than trách mẹ vì nghĩ mẹ yêu em Thu hơn. Để hiểu được lời mẹ nói, nhân vật tôi phải trải một thời gian dài với quá trình chung sống với người dì ghẻ chỉ hơn có 8 tuổi. Từ chỗ không tìm được điểm chung và sự yêu thương đến chỗ cảm thông chia sẻ cho người dì ghẻ, nhân vật tôi thay đổi cách đối xử khi dì ghẻ đẻ em bé mà “tôi” thấy sao nó giống Thu – cô em gái yếu ớt cùng cha cùng mẹ đến vậy)
Sau bao ngày tháng, giờ đây tôi bỗng nhớ mẹ và em Thu đến cồn cào. Tôi nhớ hồi đó tôi hay giành đồ chơi với Thu và nó chẳng biết làm gì hơn là khóc ư ử….
Tôi chưa bao giờ quan tâm đến em Thu – Ba đã khiến tôi nhận ra điều này! Tôi ẵm bồng bé Bi, ru nó ngủ, may áo búp bê, mua đồ chơi cho nó. Tôi muốn làm thật nhiều cho bé để chuộc lại sự vô tâm đối với em Thu. Nhưng bé Bi là bé Bi, em Thu là em Thu và tôi bật khóc mỗi khi nhớ mẹ. Tôi lục mấy phong thư cũ, tìm địa chỉ của mẹ nhưng vô ích, con dấu ngoài phong bì với hai chữ Nha Trang lạnh lùng chẳng nói được gì hơn. Nha Trang trở thành một địa danh ám ảnh.
Giấy báo tôi thi đậu á khoa Đại Học Y Thành phố Hồ Chí Minh gởi về nhà. Ba mở tiệc mừng ngay ngày hôm sau. Tiếng cụng ly của khách khứa chúc mừng tương lai tôi vọng vào phòng khiến dì run vai lặng khóc. Tôi bồng bé Bi lên, bé nhìn tôi bằng đôi mắt lờ đờ rồi mệt mỏi ngả cổ trên vai tôi.
– Mai mốt Linh đi học…ở đây một mình…dì biết làm sao? – Dì nói nho nhỏ, thống khổ, tuyệt vọng, cô đơn. Dì già sọm như đã bốn mươi.
Tôi cắn nghiêm môi lại. Mẹ cũng đã từng thấy khổ tuyệt vọng và cô đơn như vậy. Mà hồi đó, tôi còn quá nhỏ để biết chia sẻ.
[…]
Thật là bất ngờ, tôi gặp mẹ ngay ngày đầu tiên đến trường Đại học. Trong phút giây, tôi và mẹ đứng lặng nhìn nhau. Mẹ già đi nhiều, tóc lốm đốm bạc. – Sao mẹ…đứng ở đây? Tôi ấp úng hỏi một câu ngu ngơ.
– Mẹ đợi con! – Giọng mẹ khàn khàn.
– Sao mẹ…không viết thư cho con?
– Biết ba con lấy vợ nên mẹ thôi không gởi. Mẹ ngại ba nghĩ rằng mẹ quấy rầy hạnh phúc của ba con.
– Mẹ ngại…ngại…Mẹ không nhớ đến con thì có! – Tôi dằn dỗi, như ngày xưa mỗi lần mẹ mua quà cho em Thu.
– Linh! – Mẹ dịu dàng gọi tên tôi – mẹ luôn hỏi thăm về con. Con có thấy là mẹ đang đứng đây không? Từ khi biết con đậu trường này, ngày nào mẹ cũng đến đây đợi.
Hai mẹ con mà phải đợi chừng đó năm tháng để gặp nhau ở một nơi xa lạ. Tôi gục đầu trên vai mẹ, bật khóc.
– Con về Nha Trang tìm mẹ…mẹ ơi!
– Hồi đó mẹ đưa em về Nha Trang với hy vọng khí hậu biển sẽ tốt hơn cho em con. Rồi nghe nói ở thành phố có nhiều bác sĩ giỏi nên mẹ đưa em về đây.
– Em Thu…sao rồi mẹ? – Tôi hồi hộp hỏi.
– Em con mất rồi! – Nước mắt mẹ rơi trên tóc tôi – Em con không ý thức được nguy hiểm nên đút tay vào ổ điện.
Đột nhiên tôi thấy nhẹ nhõm, nỗi nhẹ nhõm tàn nhẫn, kỳ quặc và đau đớn. Mẹ nghẹn ngào:
– Chết có lúc là giải thoát phải không con?
Nỗi đau trong mắt mẹ khiến cổ tôi cứng lại.
Tôi có thêm một đứa em trai, vì mẹ đã có chồng. Chồng của mẹ là một bác sĩ khoa tâm thần. Thật khó chịu khi biết mẹ có chồng. Việc mẹ có chồng khác hẳn việc ba có vợ! Không thể giải thích được vì sao lại như vậy.
Tôi cố tạo một vẻ mặt vô tư khi gặp cậu bé. Nó có khuôn mặt tròn và sóng mũi thanh tú của mẹ. Rồi khi đối diện với ông bác sĩ, tôi nhận ra đôi mắt nó là bản sao của đôi mắt ông.
Câu chào ngập ngừng trên môi, rồi tôi bật ra “Chào bác”.
Ông đáp lại câu chào của tôi bằng một nụ cười.
Ông đưa mẹ và tôi ra mộ em Thu. Ngôi mộ xây theo một kiểu là lạ, ngồ ngộ. Những viên đá hoa đủ màu đắp quanh mộ như những món đồ chơi bày ra bừa bãi. – Với dáng mộ này, bác mong em của cháu có được tuổi thơ ở thế giới bên kia – Ông nói bằng một giọng ấm áp, ân cần.
Tôi hình dung một cuộc sống có ông, mẹ, em Thu và đứa em tôi mới gặp. Thật khó mà hình dung được cuộc sống đó ra sao. Tuy nhiên, tôi hiểu ông rất yêu mẹ tôi. Vì yêu mẹ nên ông đã tặng cho em tôi tuổi thơ, dẫu muộn màng. Cũng như tôi thân thiện với dì vì nhớ mẹ, và nựng nịu vỗ về bé Bi vì tình yêu muộn màng dành cho em Thu.
Tôi chợt hiểu ra một điều cơ bản của cuộc sống. Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn.
(Nguyên Hương, Trích Những truyện hay viết cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng)
Thực hiện yêu cầu:
Câu 1. Xác định ngôi kể của truyện ngắn Quà muộn.
Câu 2. Nhân vật tôi gặp lại mẹ trong hoàn cảnh nào?
Câu 3. Qua sự thay đổi của nhân vật tôi sau khi gặp mẹ, anh/chị thấy nhân vật tôi là người thế nào?
Câu 4. Nhận xét nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tôi của nhà văn Nguyên Hương.
Câu 5. Anh/chị có đồng ý với quan điểm của nhân vật tôi ở cuối truyện Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn? Vì sao?
Gợi ý:
Câu 1. Xác định ngôi kể của truyện ngắn Quà muộn.
Trả lời
– Ngôi kể thứ nhất – tôi.
Câu 2. Nhân vật tôi trong Quà muộn.gặp lại mẹ trong hoàn cảnh nào?
Trả lời
– Nhân vật tôi gặp lại mẹ trong hoàn cảnh:
+ Bố mẹ đã li hôn khá lâu, nhân vật tôi ở với bố còn em gái ở với mẹ.
+ Nhân vật tôi luôn trách mẹ vì yêu em hơn yêu mình, từ đó không liên lạc với nhau.
+ Khi nhân vật tôi đỗ đại học Y, nhập trường, gặp mẹ đứng đợi ở cổng trường.
Câu 3. Qua sự thay đổi của nhân vật tôi trong văn bản Quà muộn. sau khi gặp mẹ, anh/chị thấy nhân vật tôi là người thế nào?
Trả lời
– Sự thay đổi của nhân vật tôi sau khi gặp mẹ:
+ Xóa bỏ được những hiểu lầm về mẹ;
+ Yêu thương mẹ, thương em;
+ Hiểu được và chấp nhận tình cảm của dượng dành cho mẹ.
– Qua đó, em thấy nhân vật tối là người: người nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, nhân hậu.
Câu 4. Nhận xét nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tôi trong văn bản Quà muộn của nhà văn Nguyên Hương.
Trả lời
Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tôi:
+ Sử dụng ngôi kể thứ nhất để nhân vật tôi tự bộc lộ cảm xúc, tình cảm.
+ Đưa nhân vật vào các tình tiết hấp dẫn của câu chuyện, để từ đó nhân vật được trược tiếp bộc lộ tình cảm - cảm xúc, quan điểm và suy nghĩ của bản thân.
- Việc sử dụng nghệ thuật để miêu tả nội tâm nhân vật tôi đã giúp tác giả phần nào nhìn thấu được thế giới bên trong của nhân vật này. Hơn hết bằng chính nghệ thuật đó , tác giả đã xây dựng nên một nhân vật tôi chân thực, gần gũi với cuộc sống.
Câu 5. Anh/chị có đồng ý với quan điểm của nhân vật tôi ở cuối truyện Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn? Vì sao?
Trả lời
Em đồng ý với quan điểm của nhân vật tôi ở cuối truyện Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn vì:
- Yêu thương là cội nguồn của tất cả những suy nghĩ, hành động tích cực.
- Yêu thương là cách để lắng nghe, thấu hiểu chính mình và người xung quanh.