I. ĐỌC HIỂU (4 điểm
Đọc văn bản sau:
TỐI BA MƯƠI (THẠCH LAM)
(Lược một đoạn: Huệ và Liên là hai cô gái làng chơi không về quê ăn Tết. Tối ba mươi, Liên đi sắm Tết. Trở về, cô giục Huệ bày cỗ ra cúng giao thừa)
Huệ không đáp, đi đến cửa sổ, tì trán vào cửa kính nhìn xuống đường. Mưa bụi vẫn bay tơi tả, hình như ở bóng tối khắp nơi dồn lại quãng phố hẹp này. Trên hè ướt át và nhớp nháp bùn, không một bóng người qua lại. Cái vắng lạnh như mênh mông ra tận đâu đâu ở khắp cả các phố Hà Nội đêm nay. Huệ tưởng đến những căn nhà ấm cúng và sáng đèn, then cửa cài chặt, mọi người trong nhà đang tấp nập sửa soạn đón năm mới trong sự thân mật của gia đình. Chỉ có hai chị em nàng xa cửa, xa nhà. Nhưng nàng còn nhà đâu nữa mà về? Mẹ chết rồi, cha đi lấy vợ khác không biết ở đâu. Đã bẩy, tám năm nay, nàng không về đến làng. Những người quen thuộc còn ai không? Huệ nghĩ đến lại thương hại cho Liên, em họ nàng. Liên còn cha mẹ, nhưng Liên không dám về. Hai người sống cái đời trụy lạc ở Hà Nội từ lúc bỏ nhà ra đi. Hôm nay, ngày cuối năm sum họp hai người ở căn buồng này, trong một cảnh ăn Tết lạnh lẽo.
Huệ nhắm mắt lại. Vì trông mưa bụi hay vì nàng khóc thật? Hình như có chút nước mắt vừa rơm rớm ở mi nàng. Huệ chớp khẽ rồi nhớ đến cuộc đời mình, lúc trẻ thơ, lúc còn con gái, ở nhà quê. Một buổi sáng mồng một Tết, - nàng không nhớ rõ là tết năm nào, nhưng đã lâu lắm rồi thì phải - nàng mặc áo mới đứng trên thềm nhìn mấy bông hoa đào nở ở trước vườn. Tại sao nàng lại chỉ nhớ rõ có cái cảnh ấy? Huệ không biết, nàng chỉ mang máng cảm giác một sự gì trong mát, tươi non... Khác hẳn bây giờ. Tâm hồn Huệ u ám và nặng trĩu xuống.
Bỗng Huệ giật mình quay lại; Liên vỗ vai nàng, cười:
- Nghĩ gì mà thần người ra thế? Phải vui vẻ lên một tí chứ! Sắp giao thừa rồi đây này.
Huệ theo Liên đi vào và gật đầu.
- Thôi, cúng đi. Chị sửa soạn xong chưa?
Trên chiếc bàn rửa mặt đầy vết bẩn, Liên đã đặt đĩa cam quít, cái bánh chưng và thếp vàng. Mấy gói lạp xường và giò cũng để ngay bên. Các đồ cúng nghèo nàn bỗng bầy lộ ra trước mắt hai người. Huệ tìm lấy thẻ hương. Nàng quay lại hỏi Liên:
- Chị có mua gạo không?
- Có, gạo đây. Nhưng đổ vào cái gì bây giờ?
Hai chị em nhìn quanh gian buồng, nghĩ ngợi. Liên bỗng reo lên:
- Đổ vào cái cốc này này. Phải đấy, rất là...
Nàng im bặt dừng lại. Hình ảnh ô uế vừa đến trí nàng. Cái cốc bẩn ở góc tường, mà cả đến những khách làng chơi cũng không thèm dùng đến, nàng định dùng làm bát hương cúng tổ tiên! Liên cúi mặt xuống, rồi đưa mắt lên trông Huệ; hai người thoáng nhìn nhau. Liên biết rằng những ý nghĩ ấy cũng vừa mới đến trong trí bạn.
Huệ cất tiếng nói trước, thản nhiên như không có gì:
- Hay cắm trên cái chai này... Không! Cắm trên tường này cũng được, mày nhỉ.
Liên không dám trả lời, sẽ gật đầu.
Nàng đến cạnh giường lật đệm lên lấy bao diêm.
Nhưng giật mình nàng quay lại: có tiếng người gõ cửa buồng.
- Ai đấy?
- Tôi. Cô mở cửa cho tôi với.
Hai chị em luống cuống nhìn các đồ cúng trên bàn. Hai người muốn cất dọn hết, nhưng chắc không kịp. Nhanh trí, Huệ đứng dựa bên bàn che khuất đi, trong lúc Liên ra mở cửa. Người bồi "săm" ngó đầu vào.
- À, bác Tâm. Hỏi gì thế?
- Tôi gửi cô giữ hộ chiếc chìa khóa.
- Bác về đằng nhà bây giờ à?
Anh bồi "săm" tươi cười:
- Vâng, phải về ăn Tết chứ. Thôi, cô làm ơn trông hộ nhà nhé. Giờ này cũng chẳng có ai đến nữa mà sợ.
Liên thấy đằng sau, tiếng Huệ đáp:
- Đêm nay thì còn ma nào đến. Bác cứ về.
Người bồi sắp bước đi, lại quay lại:
- À chút nữa quên, tôi xin chúc mừng trước hai cô nhé! Chúc hai cô sang năm mới được... được...
Người bồi ấp úng, không biết nói thêm gì. Liên vội đỡ lời, cám ơn, rồi đóng cửa buồng lại. Một lát, tiếng cánh cổng sắt dưới nhà rít lên trong yên lặng lạnh lùng.
Giờ chỉ còn hai chị em trong căn nhà. Gian buồng bỗng trở nên rộng rãi quá chừng: một cái lạnh thấm thía đến tâm hồn. Ngoài đường trời hẳn còn mưa, mưa buồn rầu và âm thầm trong tối. Trong gian buồng, ẩm ướt tăng thêm. Liên và Huệ đưa mắt nhìn mọi vật chung quanh. Cái giường sắt lạnh, đệm và gối hoen bẩn, cái thau gỉ, cái bô, và cái bàn rửa mặt gỗ đã mọt... Đó là khung cảnh của cuộc đời trụy lạc đã từ lâu... Huệ đứng dậy hỏi bạn để cho tan sự yên lặng:
- Chị đã thắp hương chưa?
Liên cũng tự nhiên gọi Huệ là chị:
- Chưa. Chị thắp đi. Bao diêm ở bên cạnh đĩa ấy.
Khói hương lên thẳng rồi tỏa ra mùi thơm ngát đem lại cho hai nàng kỷ niệm những ngày cúng giỗ ở nhà, khi hai chị em còn là những cô gái trong sạch và ngây thơ.
- Sắp đến mười hai giờ rồi đấy, Liên nhỉ?
- Có lẽ đến rồi. Năm mới!
Huệ đặt lại các đĩa trên bàn, xếp vàng cho ngay ngắn. Nàng quay lại bảo Liên:
- Chị ra khấn đi.
Liên tiến đến trước bàn thờ, đứng yên.
- Em biết khấn làm sao bây giờ?
Nàng bỗng nấc lên, rung động cả vai rồi gục xuống ghế, tay ấp mặt. Những giọt nước mắt nóng chảy tràn mi mắt, nàng không giữ được; Liên cảm thấy một nỗi tủi cực mênh mang tràn ngập cả người, một nỗi thương tiếc vô hạn; tất cả thân thể nàng lướt hiện qua trước mắt với những ước mong tuổi trẻ, những thất vọng chán chường.
Huệ nhìn Liên rồi nhẹ nhàng đến gần, buồn rầu vỗ vai bạn:
- Liên, khóc làm gì nữa, buồn lắm.
Tiếng nàng cũng cảm động nghẹn ngào. Dưới bàn tay thân mật của bạn, Liên càng nức nở. Hai chị em giờ này cảm thấy trơ trọi quá. Liên ngửng mặt lên nhìn Huệ, cố gượng một nụ cười héo hắt:
- Chị cũng khóc đấy ư?
Huệ gục xuống vai bạn, không trả lời. Nước mắt cũng ứ lên rồi lặng lẽ dào ra má. Nàng quàng tay ôm hết sức chặt lấy Liên.
Tiếng pháo giao thừa bỗng nổi vang gần đấy rồi từ nhà nọ sang nhà kia lan rộng mãi vào đêm tối. Liên nói sẽ như thì thầm:
- Giao thừa.
Huệ không trả lời. Hai chị em nép vào nhau, yên lặng.
(Sợi tóc, Thạch Lam, NXB Đời nay, Hà Nội, 1942)
Trả lời các câu hỏi.
Câu 1: Xác định người kể chuyện và điểm nhìn của đoạn trích trên.
Câu 2: Số phận của hai chị em Liên, Huệ được thể hiện như thế nào trong văn bản?
Câu 3: Nêu chủ đề của đoạn trích trên.
Câu 4: Theo em, dụng ý của tác giả khi sử dụng không gian, thời gian vào thời khắc tối ba mươi là gì?
Câu 5: Có ý kiến cho rằng, truyện ngắn Tối ba mươi đã thể hiện đặc trưng truyện không có cốt truyện của nhà văn Thạch Lam. Em có đồng ý không? Vì sao?
II. VIẾT (6 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4 điểm): Từ góc nhìn của người trẻ, anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn vai trò của sự thấu hiểu trong cuộc sống.
Tài liệu miễn phí - khi sao chép vui lòng dẫn nguồn: https://hocvancungricky.com/