Đề thi cuối học kì 1 Ngữ Văn 10 Chân Trời Sáng Tạo

ĐỀ BÀI

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

NHÃ NHẠC - ÂM NHẠC CUNG ĐÌNH VIỆT NAM

      Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của nghi lễ cung đình Việt Nam với hàng trăm nghi lễ khác nhau hằng năm. Tuy nhiên, vai trò của Nhã nhạc không chỉ giới hạn ở việc hòa nhạc phục vụ các nghi lễ.

     Nhã nhạc, có ý nghĩa "âm nhạc tao nhã", ra đời từ thế kỷ thứ XV đến giữa thế kỷ XX, là thể loại âm nhạc được trình diễn trong cung đình Việt Nam vào các cuộc tế, lễ gắn với các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ tang hoặc những dịp đón tiếp chính thức.

     Nhã nhạc xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc dưới thời nhà Chu (thế kỷ VI - III TCN). Về sau, Nhã nhạc được lan tỏa sang các nước láng giềng như: Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Tuy được xem là tài sản chung nhưng nhã nhạc của mỗi nước đều có điểm riêng biệt. Ở Việt Nam, Nhã nhạc bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XV, nhưng phải đến thời kỳ nhà Nguyễn mới phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ uyên bác. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng và phát triển Nhã nhạc, và loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại.

    Đặc trưng của Nhạc cung đình là tính bao trùm đối với tất cả các bộ môn âm nhạc khác, từ Lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu), nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu, mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản, v.v. của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời. Các buổi trình diễn Nhã nhạc thường huy động rất nhiều diễn viên ca múa và xiêm y phong phú với những trang trí lộng lẫy và tinh tế.

[…]

Nguy cơ và thách thức:

    Trong thế kỷ XX, Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là sự sụp đổ của chính quyền phong kiến và nhiều thập kỷ chiến tranh, đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của Nhã nhạc. Bối cảnh và chức năng xã hội truyền thống của Nhã nhạc cũng đã bị mất đi. Mặc dầu vậy, cùng với những sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và trung ương, và các cơ quan, tổ chức nước ngoài, những nhạc công duy nhất còn sống đã lao động cật lực với mong muốn khôi phục và mang lại cho Nhã nhạc một sức sống mới. Một số bài bản Nhã nhạc đã được phục hồi trong các nghi lễ tôn giáo và đã và đang trở thành nguồn cảm hứng cho nhạc đương đại Việt Nam.

Kế hoạch hành động:

    Đây là một bộ môn âm nhạc vô cùng tinh vi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của nó. Theo các nhà nghiên cứu, Nhã nhạc cần phải được dựng lại một cách trung thực các dàn Đại Nhạc, Nhã nhạc như ngày xưa, từ nhạc cụ, trang phục nhạc công đến phong cách biểu diễn qua việc tiến hành điều tra các giá trị văn hóa liên quan đến Âm nhạc cung đình Huế, xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh công tác tư liệu hóa qua sách vở, ảnh, phim, băng nhạc, đĩa hát, v.v., đặc biệt là công tác tư liệu hóa từ những nghệ nhân, nhân chứng còn sống còn hiểu biết về âm nhạc cung đình qua việc kịp thời thu băng, chụp hình, quay phim những diễn xuất giai điệu, ca từ mà họ trình bày. Bên cạnh đó, cần xây dựng một chế độ tôn vinh và đãi ngộ thích đáng đối với các nghệ nhân nhằm khuyến khích việc truyền nghề lại cho các thế hệ kế tiếp.
              (GS.TS. Trần Văn Khê - Theo Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2 (1,0 điểm): Theo tác giả, đặc trưng của Nhạc cung đình là gì?

Câu 3 (1,0 điểm): Xác định mục đích và quan điểm của người viết thể hiện trong đoạn trích trên.

Câu 4 (1,5 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của nhan đề, sa-pô, phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản trên?

Câu 5 (2,0 điểm): Em có đồng tình với kế hoạch hành động trong phần cuối văn bản của tác giả bài viết không? Vì sao? Ngoài kế hoạch hành động của tác giả, em hãy đề xuất thêm một số hành động cụ thể để góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Nhã nhạc cung đình Huế trong bối cảnh văn hóa hội nhập.

II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Em hãy viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ sau:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.


Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây...

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

(Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)

---HẾT---

Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:  .......................................................... Số báo danh:  ...................

Chữ ký của cán bộ coi thi: ..............................................................................................

 

HƯỚNG DẪN CHẤM NGỮ VĂN 10 – HỌC KÌ I NĂM HỌC 2022 – 2023

Phần/

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

5,0

1

Phương thức biểu đạt chính: Thuyết minh

 

0,5

2

Đặc trưng của Nhạc cung đình là tính bao trùm đối với tất cả các bộ môn âm nhạc khác.

1,0

 

3

 

 

 

 

Mục đích: Giới thiệu, cung cấp thông tin về âm nhạc cung đình, từ đó tác động đến nhận thức của người đọc về đối tượng được đề cập đến.

Quan điểm: Vừa giới thiệu thông tin một cách khách quan, vừa thể hiện niềm tự hào, trân trọng đối với di sản văn hóa âm nhạc cung đình.

Lưu ý: Mỗi ý 0,5 điểm  

1,0

4

- Nhan đề: Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam. Tác dụng: Nhan đề thường giúp người đọc xác định chủ đề, khái quát thông tin chính của văn bản.

- Sa-pô: Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của nghi lễ cung đình Việt Nam với hàng trăm nghi lễ khác nhau hằng năm. Tuy nhiên, vai trò của Nhã nhạc không chỉ giới hạn ở việc hòa nhạc phục vụ các nghi lễ. Tác dụng: giới thiệu khái quát nội dung của văn bản, giúp người đọc định hướng nội dung văn bản, tạo được sự thú vị và kích thích người đọc .

- Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hai hình ảnh. Tác dụng: giúp người đọc có cái nhìn cụ thể và trực quan hơn về loại hình di sản văn hóa Nhã nhạc cung đình Huế.

Lưu ý: Mỗi ý 0,5 điểm (chỉ ra 0,25, tác dụng 0,25)

 

 

1,5

5

Em có đồng tình với kế hoạch hành động trong phần cuối văn bản của tác giả bài viết không? Vì sao?

- Đồng tình? Vì các hành động này đều thiết thực, có thể ứng dụng vào thực tiễn, góp phần gìn giữ, phát huy di sản âm nhạc cung đình.

- Học sinh đề xuất một số hành động (Chấp nhận các hành động mang tính khả thi...)

+ Tuyên truyền, tổ chức nhiều cuộc thi liên quan đến âm nhạc cung đình

+ Tích hợp vào chương trình giảng dạy ....vvv

Lưu ý: Đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần 0,25, giải thích 0,75. Đề xuất hành động (2 hành động cụ thể được 1,0 điểm). Chấp nhận cách diễn đạt hợp lý của học sinh.

2,0

II

LÀM VĂN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Em hãy viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét về đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ sau:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
[...]

(Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)

 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

- Phân tích, đánh giá chủ đề, hình thức nghệ thuật trong bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử.

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 

Mở bài: 

- Giới thiệu bài thơ (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...)

- Nêu nội dung khái quát cần phân tích đánh giá

- Trích thơ

 

 

0,5

Thân bài:

u Xác định chủ đề, phân tích đánh giá chủ để của bài thơ

- Chủ đề: Bức tranh mùa xuân đẹp, xanh tươi, đầy sức sống và nỗi nhớ nhung khắc khoải, da diết của chủ thể trữ tình về một thế giới tươi đẹp giờ chỉ còn trong kí ức.

- Đánh giá chủ đề: Học sinh dựa vào vốn hiểu biết để đưa ra những quan điểm cá nhân về đánh giá chủ đề (Có thể gợi ý: sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại, hoặc so sánh với bài thơ có cùng đề tài, chủ đề để thấy được sự độc đáo riêng của bài Mùa xuân chín)

u Phân tích, đánh giá tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ:

Khung cảnh mùa xuân:
- Hình ảnh thơ gợi hình gợi cảm: “làn nắng ửng”, “khói mơ tan”, “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”, “bóng xuân sang”, “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”, “mùa xuân chín”...
- Biện pháp tu từ:

+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "bóng xuân sang".

+ Đảo ngữ, nhân hóa “Sột soạt gió trêu tà áo biếc” với từ láy “sột soạt” để miêu tả âm thanh của gió thổi tình tứ, trêu đùa tà áo biếc.
- Nhịp thơ có sự thay đổi linh hoạt.

+ Khổ 1: Cùng là nhịp 4/3, nhưng với cách sử dụng dấu hai chấm ( :) và dấu chấm (.) giữa dòng khiến nhịp thơ như đột ngột sững lại. Những cụm từ "khói mơ tan" và "bóng xuân sang" đứng tách hẳn thành nhịp riêng gây ấn tượng về hình ảnh những làn khói nhẹ đang tan dần và mùa xuân đang bước sang.

+ Khổ 2: Chủ yếu cách ngắt nhịp 4/3 (câu 1,2,3), xen lẫn cách ngắt nhịp 2/2/3 (câu 3)

+ Khổ 3: 4/3 (câu 1, 4), 2/2/3 (câu 2,3)

+ Khổ 4: 2/2/3 (câu 1,2,3), 4/3 (câu 4), ấu phẩy (câu 1,3) tạo điểm nhấn cho nhịp điệu, nhấn mạnh cho đối tượng khách xa và chị ấy.

 Cách gieo vần chân, vần lưng linh hoạt, tự do tạo không khí phóng khoáng cho bức tranh thiên nhiên rực rõ sắc xuân.
=> Khung cảnh của một mùa xuân đang vào giai đoạn đẹp nhất, rực rỡ và căng tràn sức sống.
- Con người đang độ tuổi xuân rực rỡ:
- Hình ảnh thơ giàu sức gợi: “tà áo biếc”, “ba cô thôn nữ hát trên đồi”, “đám xuân xanh”, “tiếng ca vắt vẻo”, “khách xa”, “chị ấy”.

- Biện pháp tu từ:

+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: tiếng ca vắt vẻo, âm thanh được gợi tả qua hình ảnh vắt vẻo - trạng thái của sự vật ở vị trí trên cao nhưng không có chỗ dựa vững chắc, chỉ được vắt ngang qua một cái gì đó… hoặc ở trạng thái buông thỏng từ trên cao xuống.

+ So sánh: tiếng ca hổn hển như lời của nước mây thể hiện tiếng hát rạo rực, vút bay cao thành lời của nước mây
- Nhịp thơ cũng có sự thay đổi linh hoạt để phù hợp với tâm trạng buồn, nuối tiếc của nhân vật trữ tình.
=> Trong khung cảnh mùa xuân, con người hiện lên với tiếng ca trong trẻo, ngây thơ.
Tâm trạng của nhân vật trữ tình:
- Câu hỏi tu từ: "- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"
- Hệ thống từ láy: "Hổn hển", "thầm thĩ", "chang chang", "bâng khuâng".
=> Thể hiện nỗi nhớ quê, khát khao giao cảm với người, với đời.

 

 

0,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết bài:

- Khẳng định lại một cách khái quát những đặc sắc về nghệ thuật và nét độc đáo về chủ đề của bài thơ.

- Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nhận sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm

0,5

 

2

d. Chính tả

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5

TỔNG ĐIỂM

10,0

 

 

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
SALE - 70% Shopee