Banner cho bài viết: GIỚI THIỆU MỘT CUỐN SÁCH YÊU THÍCH - TIỂU THUYẾT ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM CỦA ĐOÀN GIỎI

GIỚI THIỆU MỘT CUỐN SÁCH YÊU THÍCH - TIỂU THUYẾT ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM CỦA ĐOÀN GIỎI

GIỚI THIỆU MỘT CUỐN SÁCH YÊU THÍCH - TIỂU THUYẾT ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM CỦA ĐOÀN GIỎI

Văn học là nhân học, là tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống. Vì vậy qua mỗi tác phẩm văn học, ta hiểu thêm về cuộc sống, bồi đắp cho tâm hồn nhiều lối sống tích cực. Đối với em, tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi được xem là một cuốn sách đáng để đọc nhất. Bởi nó giúp em hiểu thêm về vẻ đẹp thiên nhiên cũng như lối sống nghĩa tình của con người Nam Bộ.

Truyện kể về cậu bé An, sinh ra trong một gia đình thành thị, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược gia đình An phải đi tản cư. Trong một lần mải chơi, giặc tấn công bất ngờ, An lạc mất cha mẹ. Lúc đi tìm cha mẹ, An được dì Tư Béo nhận làm chạy quán. Được một thời gian, quán của dì Tư bị đốt vì liên quan đến bọn Việt gian, An tiếp tục trở thành trẻ lưu lạc. May mắn thay, An được vợ chồng ông Hai cưu mang và nhận làm con nuôi. Dù cuộc sống nghèo đói nhưng An lại có những trải nghiệm quý giá bên cha mẹ nuôi và người anh tên Cò.

Qua hành trình trải nghiệm của An khi đến vùng đất Nam Bộ, người đọc như hòa vào bức tranh thiên nhiên hoang sơ, trù phú, hữu tình với bạt ngàn cánh đồng mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài. Không chỉ miêu tả cụ thể, đặc sắc vẻ đẹp hoang sơ của những vùng đất mới, tác giả còn khắc họa rõ nét sự chất phác, hiền lành, đôn hậu, trọng nghĩa nhưng cũng không kém phần anh dũng của những người con chân lấm tay bùn nơi đây. Kết thúc câu chuyện  khung cảnh người dân đứng lên đấu tranh trên tay phất cao lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu chống giặc ngoại xâm đã thể hiện một tinh thần cao đẹp, một ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm của người dân Nam Bộ. Dưới góc nhìn trẻ thơ, nhà văn Đoàn Giỏi đã gián tiếp liên tiếng phê phán chiến tranh. Dẫu tác phẩm không miêu tả quá kĩ khung cảnh chiến tranh nhưng qua số phận của những con người như ông Hai, Võ Tòng và hành trình lưu lạc của cậu bé An vẫn đủ cho ta thấy sự mất mát, chia li, nỗi buồn của con người trong chiến tranh.

Truyện không chỉ có nội dung độc đáo mà con để lại nhiều ấn tượng về hình thức nghệ thuật. Lối hành văn độc đáo, ngôn ngữ mang đậm màu sắc địa phương Nam Bộ qua phương ngữ “tía”, “má”, “mụ”, “chịu chơi”... và ngôn ngữ giàu tính tạo hình, nhiều biện pháp tu từ độc đáo để khắc họa con người và thiên nhiên vùng đất Nam Bộ. Người kể chuyện ngôi thứ nhất, qua nhân vật tôi “An” góp phần làm cho câu chuyện trở nên chân thật, mang lại cho người đọc một trải nghiệm thú vị khi dõi theo bước chân của An qua từng hành trình. Hơn hết điểm ấn tượng nhất của tác phẩm là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nhân vật An được xây dựng theo hành trình trưởng thành, từ một đứa trẻ ngân thơ, yếu đuối thành một cậu bé kiên cường, am hiểu cuộc sống của con người Nam Bộ. Bên cạnh đó các nhân vật như má nuôi, tía nuôi, thằng Cò, chú Võ Tòng cũng được khắc họa một cách rõ nét, chân chất, đậm chất nghĩa tình của người dân Nam Bộ.

Tóm lại, tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” xứng đáng là một tác phẩm kinh điển của người dân Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Chính nhờ tác phẩm mà người đọc trên khắp mọi miền Tổ Quốc hiểu rõ hơn về vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi đây và lối viết văn chất phác, xao xuyến lòng người của nhà văn Đoàn Giỏi. Cùng với không khí hân hoan, cả nước đang chuẩn bị chào đón ngày lễ 30/4, việc giới thiệu tiểu thuyết này cũng là cách để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến nhà văn Đoàn Giỏi.

 

Nhận xét từ người dùng

SALE - 70% Shopee