Banner cho bài viết: ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH 10 MÔN NGỮ VĂN NĂM 2025 - HỒ CHÍ MINH  - NHÀ CỦA VŨ QUẦN PHƯƠNG

ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH 10 MÔN NGỮ VĂN NĂM 2025 - HỒ CHÍ MINH - NHÀ CỦA VŨ QUẦN PHƯƠNG

ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH 10 MÔN NGỮ VĂN NĂM 2025 - HỒ CHÍ MINH (Đề 02

I. Đọc hiểu văn bản và viết đoạn văn nghị luận văn học (5 điểm)

Đọc văn bản sau:

NHÀ

Đôi khi nhà của người lại là những chân trời

Nhà của sông là biển

Nhà của hoa là ánh mắt nhìn hoa.

Đêm là nhà của giấc mơ

Giấc mơ che cho đời thực con người

Nhà của tình yêu là chính nó

Tình yêu không có gì chở che

Trái tim yêu đập ngoài lồng ngực

Vui hay đau, nó cứ trụi trần

Đừng nghĩ tình yêu ngủ trong trái tim

Nó không biết ngủ

Nó ở khoảng giữa hai trái tim

Khoảng giữa những trái tim

Nó là nhà của trái tim

Nó che chở cho người

Che chở những bầu trời

và đất

Nó là chỗ để con người sống được

Dù khổ đau, bom đạn, ung thư...

(Trích từ tập thơ Chỗ ấy sóng, NXB Hội nhà văn, 2007)

*Vũ Quần Phương sinh năm 1940, là nhà thơ hiện đại Việt Nam. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết phê bình văn học và dịch thuật. Năm 2007 ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1 (3 điểm)

        a. Xác định thể thơ của bài thơ.

        b. Liệt kê các hình ảnh được tác giả sử dụng để định nghĩa “nhà”.

        c. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ: Nó là chỗ để con người sống được/ Dù khổ đau, bom đạn, ung thư...

        d. Thông điệp sâu sắc nhất mà anh/chị rút ra từ bài thơ là gì?

Câu 2: (2,0 điểm): Viết đoạn (khoảng 200 chữ) phân tích chủ đề của bài thơ trong phần Đọc hiểu.

II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận xã hội (5,0 điểm)

       “Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh.

       Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm.

      Vậy cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự thương yêu nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mắt. Dù thế nào cũng không phải bằng sự buông xuôi. Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để biến “nhà” thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.

      Bạn của tôi ơi, tôi còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, cùng ngồi chung một chiếc ghế mây dưới tán mận trong vườn nhà, mẹ của bạn đã hát cho chúng ta nghe câu này:

       “Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà”

             (trích Ai qua là bao chốn xa…, Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân, PhuongNam Book, 2012)

Câu 1: (1 điểm) Xác định luận đề và luận điểm được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2: (4 điểm) 

Từ văn bản trên và từ những suy nghĩ riêng, em hãy viết bài văn nghị luận  bàn về giá trị tinh thần của “nhà” trong đời sống con người.

Đáp án sắp cập nhật ...

 

Nhận xét từ người dùng

SALE - 70% Shopee
-->