ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN 2025 - THỜI GIAN LÀM BÀI 120 PHÚT
I. ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Đọc văn bản sau:
TẠ
Ngày ra trận
Tóc tôi còn để chỏm
Nay trở về
Đầu đã hoa râm...
Sau cuộc trường chinh ba mươi năm
Quỳ rạp trán xuống đất làng
Con tạ...
Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao!
Con tạ ơn cha
Đã yêu đằm thắm mẹ con
Con tạ ơn mẹ
Đã sinh con đúng lúc
Con tạ trời
Tạ đất
Đã mưa thuận gió hoà đêm mẹ lên giường sinh
Con tạ bà mụ vườn
Tạ lưỡi liềm cùn cắt rốn
Đã đỡ con ra đời
Vẹn toàn, sung sức...
Con tạ
Manh chiếu rách con nằm
Con tạ
Bát cơm nghèo mẹ con ăn
Con tạ
Câu dân ca mẹ con hát....
Tất cả thành sữa ngọt
Nuôi con ngày trứng nước...
Để hôm nay con được sống
Được lớn khôn...
Được chiến đấu hết mình
Vì tự do của Tổ Quốc
Được ca hát hết mình
Tổ Quốc thành thơ!
(Phùng Quán - Tạp chí Sông Hương, số 28, T.11&12-1987)
Chú thích: Nhà thơ Phùng Quán (1932 -1995) quê ở Thừa Thiên –Huế. Phùng Quán có những tác phẩm nổi tiếng ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, bút kí, thơ, trường ca. Cuộc đời thăng trầm của ông đã để lại những trang viết thấm đẫm máu lính trận và nhọc nhằn hơi thở mưu sinh. Những bài thơ của ông như được chiết ra từ nỗi đau của quê hương trong chiến tranh cùng sự lầm than của kiếp người nhưng vượt lên tất cả là tình yêu đất nước luôn bỏng cháy trong trái tim của một cựu binh. “Tạ” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Phùng Quán.
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1 : Nêu căn cứ để xác định thể thơ trong bài thơ.
Câu 2 : Xác định chủ thể trữ tình của bài thơ.
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc trong đoạn thơ sau.
Câu 4: Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Câu 5: Thông điệp có ý nghĩa với em từ bài thơ trên?
II. VIẾT (6 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), phân tích, đánh giá chủ đề của bài thơ ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4 điểm): Từ góc nhìn của người trẻ, anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về sự cần thiết của lòng biết ơn trong cuộc sống.
GỢI Ý ĐÁP ÁN:
Câu 1 : Nêu căn cứ để xác định thể thơ trong bài thơ.
- Tự do. Căn cứ vào số chữ trên một dòng thơ không đều nhau.
Câu 2 : Xác định chủ thể trữ tình của bài thơ.
- Chủ thể trữ tình trực tiếp qua đại từ nhân xưng “tôi, con”
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc trong đoạn thơ sau.
“Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao!”
- Biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc (“Không … nào không…”)
- Tác dụng:
+ Khẳng định những gian lao, mất mát, đau thương bao trùm quê hương
+ Nhấn mạnh nỗi xót xa, thương cảm, tình yêu của nhân vật trữ tình với làng quê và lòng biết ơn vô hạn trước sự cống hiến hi sinh của bao anh hùng đã ngã xuống bảo vệ quê hương.
+ Tạo giọng điệu, âm hưởng tha thiết, tăng tính liên kết, giàu sức gợi hình, gợi cảm…
Câu 4: Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
- Cảm hứng chủ đạo: lòng biết ơn đối với quê hương, cha mẹ, những điều bình dị đã nuôi dưỡng và hun đúc nên tâm hồn, lý tưởng của người chiến sĩ trong hành trình bảo vệ Tổ quốc.
Câu 5: Thông điệp có ý nghĩa với em từ bài thơ trên?
- Thông điệp:
+ Lòng biết ơn đối với cha mẹ
+ Lòng biết ơn với quê hương
+ Lòng biết ơn với những điều giản dị, thiêng liêng; với cuộc sống nghèo khó mà ngọt ngào tình nghĩa đã nuôi mình khôn lớn, trưởng thành.
+ Lí tưởng được sống hết mình, được chiến đấu cho tự do của Tổ quốc.
Để lại bình luận