BÀI VĂN PHÂN TÍCH NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN BỒNG CHANH ĐỎ - ĐỖ CHU
Văn học là nhân học, qua mỗi tác phẩm văn học ta hiểu thêm về lẽ sống, hoàn thiện bản thân. Bằng những hình nghệ thuật độc đáo, truyện ngắn Bồng chanh đỏ của Đỗ Chu là một bức tranh truyệt đẹp về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên.
Truyện Bồng chanh đỏ kể về hai anh em chú bé Hoài vốn yêu thích loài chim bồng chanh đỏ ở đầm nước quê hương nên đã tìm cách bắt chúng về nuôi. Vừa bắt xong, anh Hiền quyết định trả chú chim về lại tổ để vợ chồng chú có cuộc sống tự do. Ban đầu nhân vật tôi không cam tâm nhưng sau cũng hiểu và đồng thuận với quyết định của anh Hiền.
Điểm đặc sắc của tác phẩm trước hết là cách xây dựng một chủ đề độc đáo: tình yêu thương và sự tôn trọng quyền sống tự do đối với loài vật. Khai thác chủ đề này, nhà văn Đỗ Chu đã gợi mở một góc nhìn đa chiều về cách ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên. Đã từ lâu con người luôn kiêu hãnh xem mình là trung tâm của thế giới, là tinh hoa của muôn loài và việc chinh phục tự nhiên được coi là mục đích vĩ đại nhằm khẳng định sức mạnh và địa vị của mình trong vũ trụ. Vậy nên, nhà văn Đỗ Chu đã giúp nhìn nhận về thiên nhiên với góc nhìn của sự yêu thương, thấu hiểu. Điều này được thể hiện qua sự chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ tình cảm của hai anh em Hiền và Hoài. Ban đầu cả hai anh em đều rất khao khát có được chú chim bồng chanh đỏ để nuôi nhưng khi bắt được rồi thì Hiền lại thả nó về tự nhiên. Dẫu nhân vật Hoài lúc đầu cảm thấy tức giận vì để lỡ mất cơ hội nuôi chú chim, nhưng sau này cậu bé cũng đã hiểu được giá trị của sự tự do và cầu mong điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình bồng chanh. Từ tình yêu thương và sự quý trọng tự do, sự sống của muôn loài được gởi gắm trong tác phẩm, em như hiểu thêm về cách ứng xử với thiên nhiên. Chúng ta phải biết yêu quý, sử dụng thiên nhiên đúng cách để cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn.
Một tác phẩm hai không đơn thuần là khắc họa nội dung mà còn thể hiện ở cách khai thác các hình thức nghệ thuật. Trước hết, ngôi kể thứ nhất đã tạo nên một cách nhìn chủ quan, nhiều cảm xúc, suy nghĩ chân thực của một chú bé nông thôn tinh nghịch, nhân hậu, biết nhận lỗi và sửa sai. Với ngôi kể này, người đọc như hóa thân vào nhân vật Hoài tham gia vào hành trình chinh phục chú bồng chanh và thả chúng về tự do với một cảm xúc hồi hộp và đầy thấu cảm, hạnh phúc trước sự nhân ái, bao dung của hai anh em.
Tiếp đó, tác giả khá thành công trong việc xây dựng nhân vật. Thật tài tình khi chọn hai anh em Hoài, Hiền là những đứa trẻ mới lớn, mang trong mình sự khám phá, khát khao chinh phục. Nhưng cuối cùng lại để người đọc bất ngờ trước sự trưởng thành của hai cậu bé. Để tô vẽ hai nhân vật này, tác giả không chú trọng miêu tả ngoại hình mà đi sâu khắc họa hành động và thế giới nội tâm của nhân vật. Từ cảm xúc háo hức, sự chiếm hữu cá nhân cho tới sự hạnh phúc khi thấy đôi bồng chanh lại được ở bên nhau không chỉ giúp ta hiểu được sự hồn nhiên, cũng như sự quan tâm, yêu thương của hai anh em dành cho bồng chanh.
Cuối cùng là chi tiết nghệ thuật. Nếu thơ chạm vào trái tim người đọc là những dòng cảm xúc thì truyện đánh thức nhận thức ở người đọc lại là chi tiết nghệ thuật. Trong truyện ngắn Bồng chanh đỏ, chi tiết ấn tượng nhất, để lại nhiều ý nghĩa nhất là dòng suy nghĩ của Hoài ở cuối truyện “Bông chanh, bông chanh ơi, hãy yên tâm mà trở về đâm này. Chúng tao yêu mày và ở đây mày cũng đỡ vất vả.” Chi tiết này góp phần thể hiện rõ được tính cách, phẩm chất của nhân vật hoài, cũng như là vai trò trò tác động, giúp Hoài hiểu được giá trị tự do của nhân vật Hiền. Đồng thời, cũng góp phần làm rõ chủ đề của truyện.
Với giọng văn nhẹ nhàng, nhiều tình tiết bất ngờ, truyện ngắn Bồng chanh đỏ đã lay động trái tim độc giả. Câu chuyện không chỉ là bài học về cách ứng xử với thiên nhiên mà còn là bài học là lòng nhân ái, biết từ bỏ sở thích, đam mê của mình để cuộc sống muôn màu hơn. Qua câu chuyện, em biết yêu và bảo vệ sự tự do của muôn loài.