BÀI LUẬN HIỆN TƯỢNG XẢ RÁC TRONG SÂN TRƯỜNG VÀ KHU DÂN CƯ
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có tình trạng xả rác bừa bãi. Vấn nạn này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Là một học sinh, em hoàn toàn không đồng tình với hành vi xả rác bữa bài nơi công cộng, đặc biệt là ở trường học và khu vực dân cư.
Trước hết ta cần hiểu hiện tượng xả rác trong sân trường, khu dân cư là gì? Đây là hành vi vứt bỏ, thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định tại các khu vực trường học, khu dân cư. Tại các trường học, hình ảnh vỏ bánh kẹo, giấy vụn, chai nhựa, lon nước ngọt… vứt bừa bãi ở trong lớp, hành lang, sân trường không còn quá xa lạ. Ở khu dân cư, tình trạng còn đáng ngại hơn. Rác thải chất đống trên vỉa hè, lòng đường, thậm chí tràn xuống cả lòng kênh, ao hồ. Thực tế đáng báo động cho thấy, tình trạng xả rác bừa bãi đang diễn ra tràn lan ở khắp mọi nơi. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2022, mỗi ngày ở Việt Nam có tới 20.000 tấn rác thải bị thải ra môi trường mỗi ngày.
Tôi hoàn toàn không đồng tình với với hành vi này. Thứ nhất, đây là hành vi này thể hiện sự thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng. Nhiều học sinh vẫn thờ ơ, vô cảm trước vấn đề rác thải, cho rằng đó là việc của các cô chú lao công, một phần cũng do học sinh chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân với không gian trường học. Mặt khác do sự thiếu sót trong quá trình dạy dỗ của cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh nuông chiều con cái, không rèn cho học sinh thói quen tự lập, hay cũng bắt đầu từ chính thói quen xả rác bừa bãi từ bố mẹ. Tại khu dân cư cũng vậy, nhiều người ngang nhiên xả rác nơi công cộng, rồi tặc lưỡi chắc chắn có người thu gom. Họ chưa ý thức được trách nhiệm của mình với lá phổi xanh của trái đất.
Tiếp đến, hành vi xả ra nơi trường học, khu dân cư mang lại nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Các loại rác thải không được xử lý sẽ phân hủy, tạo ra các khí độc hại như metan, amoniac… gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây ra khoảng 1,7 triệu ca tử vong mỗi năm ở trẻ em dưới 5 tuổi. Một không gian học tập, không gian sống bị ô nhiễm, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thân của con người. Không chỉ vậy, trường học là nơi học sinh đến để lĩnh hội tri thức, học cách làm người, nhưng lại có những hành vi không tốt với môi trường, cho thấy văn hóa, lối sống của học sinh bị xuống cấp. Xả rác bừa bãi còn làm mất mỹ quan trường học, đô thị, ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước, cản trở phát triển du lịch.
Hiện tượng xả rác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đạo đức lối sống của con người, tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều cá nhân, tổ chức ngang nhiên xả rác thải ra môi trường. Những hành vi này cần phải lên án, tố cáo. Để giải quyết vấn nạn này, nhà trường và các tổ chức đoàn thể nên tổ chức các buổi sinh hoạt, hội thảo, diễn đàn để tuyên truyền, giáo dục về tác hại của việc xả rác bừa bãi và lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các môn học, hoạt động ngoại khóa. Ví dụ, trong môn Địa lý, giáo viên có thể lồng ghép các kiến thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; trong môn Sinh học, giáo viên có thể giới thiệu về các loài động vật, thực vật đang bị đe dọa bởi rác thải nhựa. Ngoài ra, việc phát động các phong trào thi đua như "Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp", "Khu phố văn minh",... cũng góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường sống xung quanh. Thực tế cho thấy, tại Singapore, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường được thực hiện từ rất sớm, ngay từ bậc mầm non. Kết quả là người dân Singapore có ý thức rất cao trong việc giữ gìn vệ sinh chung, đường phố luôn sạch sẽ. Cuối cùng, cần xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai danh tính các trường hợp vi phạm trên các phương tiện truyền thông để răn đe.
Xả rác bừa bãi là một vấn nạn nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó học sinh đóng vai trò quan trọng. Bằng những hành động nhỏ bé nhưng thiết thực, chúng ta có thể góp phần xây dựng một môi trường sống xanh – sạch – đẹp, một xã hội văn minh, hiện đại. “Hãy hành động vì một Việt Nam xanh, vì một tương lai bền vững”.