Banner cho bài viết: ĐỌC HIỂU BÀI THƠ KHÔNG CÓ GÌ TỰ ĐẾN ĐÂU CON - NGUYỄN ĐĂNG TẤN

ĐỌC HIỂU BÀI THƠ KHÔNG CÓ GÌ TỰ ĐẾN ĐÂU CON - NGUYỄN ĐĂNG TẤN

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

KHÔNG CÓ GÌ TỰ ĐẾN ĐÂU CON

(1) Không có gì tự đến đâu con        

Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa           

Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa

Mùa bội thu trải một nắng hai sương.              

 

(2) Không có gì tự đến, dẫu bình thường.  
Phải bằng cả đôi tay và nghị lực
Như con chim suốt ngày chọn hạt
Năm tháng bao dung nhưng khắc nghiệt lạ kỳ.

 

3) Dẫu bây giờ bố mẹ - đôi khi
Có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi.
Có roi vọt khi con hư và dối
Thương yêu con đâu đồng nghĩa với chiều.

 

 (4) Đường con đi dài rộng rất nhiều
Năm tháng nụ xanh giữ cây vươn thẳng

Trời xanh đấy nhưng chẳng bao giờ lặng
Chỉ có con mới nâng nổi chính mình.

(5) Chẳng có gì tự đến – Hãy đinh ninh.

(Không có gì tự đến đâu con, Nguyễn Đăng Tấn, Lời ru vầng trăng,

            NXB Lao Động, 2000, Trang 42)

* Chú thích:

- Nguyễn Đăng Tấn là một nhà báo, một nhà thơ với phong cách thơ bình dị nhưng giàu chất triết lí, thể hiện những suy ngẫm, trăn trở về tình yêu thương, về lẽ sống của con người.

- Bài thơ Không có gì tự đến đâu con, được nhà thơ Nguyễn Đăng Tấn viết tặng con là Nguyễn Đăng Tiến vào khoảng năm 1995, khi Tiến đang học lớp 3. Bài thơ được in trong tập thơ “Lời ru vầng trăng”, xuất bản năm 2000.

Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra những hình ảnh cho thấy “không có gì tự đến” trong đoạn thơ:

Câu 3 . Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ

Không có gì tự đến dẫu bình thường.

Phải bằng cả bàn tay và nghị lực

Như con chim suốt ngày chọn hạt.

Câu 4 . Em hãy nêu ý nghĩa của câu thơ cuối:

                       Chẳng có gì tự đến – Hãy đinh ninh.

Câu 5 . Từ suy ngẫm của tác giả trong khổ thơ thứ ba, em hãy rút ra bài học cho bản thân.

 

Gợi ý: 

Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong văn bản trên.

- Tự do

Câu 2. Chỉ ra những hình ảnh cho thấy “không có gì tự đến” trong đoạn thơ:

Không có gì tự đến đâu con.

Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa

Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa.

Mùa bội thu phải một nắng hai sương,

-Những hình ảnh cho thấy “không có gì tự đến” trong đoạn thơ:

+ Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa

+ Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa.

+ Mùa bội thu phải một nắng hai sương,

Câu 3 . Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ

Không có gì tự đến dẫu bình thường.

Phải bằng cả bàn tay và nghị lực

Như con chim suốt ngày chọn hạt.

 

 - So sánh việc con người nỗ lực tự mình làm ra thành quả như con chim suốt ngày chọn hạt.

- Hiệu quả:

 + Quá trình chọn hạt của con chim tỉ mỉ, chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại như quá trình làm ra thành quả của con người. Nó khó khăn nhọc nhằn đòi hỏi con người phải có sự kiên trì, nỗ lực mới tự mình tạo ra giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.

+ Câu thơ sinh động, gợi hình, biểu cảm.

Câu 4 . Em hãy nêu ý nghĩa của câu thơ cuối:

                       Chẳng có gì tự đến – Hãy đinh ninh.

Có thể hiểu: 

- Khẳng định chắc chắn về việc con người mới quyết định những điều đến với mình.

- Qua đó nhấn mạnh vai trò của bản thân mỗi người trong cuộc đời của chính mình.

Câu 5 . Từ suy ngẫm của tác giả trong khổ thơ thứ ba, em hãy rút ra bài học cho bản thân.

+ Tình yêu thương mà bố mẹ dành cho con cái là bao la, cao quý.

+ Trong cuộc sống, đôi khi, những cung bậc cảm xúc khác nhau của bố mẹ dành cho con, hay thậm chí cả đòn roi cũng là biểu hiện của tình yêu thương, sự quan tâm dạy dỗ.

+ Là con cái, đừng bao giờ đòi hỏi sự nuông chiều của bố mẹ; nuông chiều không thể là thước đo của tình yêu thương.

+ Ngay từ khi còn nhỏ, người con hãy biết cách bộc lộ tình yêu thương, lòng kính trọng và hiếu thảo với cha mẹ, thể hiện ngay từ lời ăn tiếng nói hằng ngày, từ những cử chỉ yêu thương và hành động giúp đỡ bố mẹ việc nhà; hỏi han, săn sóc bố mẹ khi ốm đau…

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
SALE - 70% Shopee