Đọc văn bản sau:
Vòm nhà thờ cao nghi ngút khói
Tiếng đàn oóc vang trầm
Dàn đồng ca khóc than
Hoa hồng rụng trên bàn như máu úa
Tôi không tin
Lỗ đinh trong tay tượng Chúa
Chúa của tôi ngồi ở bên đường
Ngủ gục trên nắp hầm trú ẩn
Chúa của tôi bom thiêu cháy xém
Chúa của tôi hát xẩm trên tàu điện
Chúa của tôi bới gạch vụn tìm con
Chúa của tôi đêm nay lang thang
Không cửa không nhà vật vờ đói rét
Tôi lớn lên giữa thời bạo ngược
Biết trông đợi gì biết tin tưởng vào đâu.
Giê-su
Tình thương không thể ngăn tội ác
Đêm nay kẻ giết người
Ngồi quanh bàn ăn mừng Chúa ra đời
Đêm nay những vĩ nhân nâng cốc
Cò kè mặc cả với nhau.
Nói cho các người biết:
Tôi không quên gì đâu
Tôi nhớ hết và tôi không tha thứ
Phố nghèo hút gió
Dưới vòm cây run rẩy tối đen
Tôi thì thầm lời cầu nguyện của mình
Sao cho máu đừng chảy nữa
Sao cho người lính trở về
Lũ trẻ ngủ ngon
Cái chết không cắt ngang giấc ngủ
Nguyện cho phố tôi
Không ai phải quanh năm túng đói
Không còn ai bị mỏi mòn sỉ nhục
Nguyện cho kẻ ốm mau lành
Nguyện cho người tôi thương không phải khóc
Nguyện cho lòng tôi đừng sợ hãi
Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu.
Đêm Nô-en 1972
(Cầu nguyện (trích), Lưu Quang Vũ - thơ tình, NXB Văn học, 2002)
Chú thích:
1. Tác giả: Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) quê gốc ở Quảng Nam, sinh tại Phú Thọ. Anh làm thơ từ thuở học cấp ba, rời ghế trường trung học, vào bộ đội anh viết nhiều hơn và bắt đầu đăng báo. Nhà thơ đã trải qua những năm tháng lao đao ngay ở tuổi thanh niên, chiến tranh đang ở thời kỳ ác liệt, cuộc sống khó khăn,... Tình cảnh đó đã được diễn đạt chân thành bằng một nghệ thuật thơ thuần chín, trong khoảng hai năm 1971, 1972. Giai đoạn này thơ Lưu Quang Vũ có rất nhiều suy tư, chiêm nghiệm.
2. Tác phẩm Cầu nguyện nằm trong tập Di cảo (2008), được sáng tác trong thời điểm chiến tranh ác liệt, miền Bắc bị bắn phá dữ dội, với trận bom dội Điện Biên Phủ trên không bắt đầu từ 16 giờ 30 phút ngày 14 tháng 12 năm 1972.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn văn bản trên?
Câu 2. Văn bản trên có sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào?
Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn trích trên?
Câu 4: Anh/ chị hiểu như thế nào về những câu thơ sau:
Chúa của tôi ngồi ở bên đường
Ngủ gục trên nắp hầm trú ẩn
Chúa của tôi bom thiêu cháy xém
Chúa của tôi hát xẩm trên tàu điện
Chúa của tôi bới gạch vụn tìm con
Chúa của tôi đêm nay lang thang
Không cửa không nhà vật vờ đói rét
Câu 5. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến Tình thương không thể ngăn tội ác không? Vì sao?
Câu 6: Giá trị tư tưởng của bài thơ Cầu nguyện mang lại cho anh/chị thông điệp gì cho cuộc sống hôm nay? Lí giải bằng một đoạn văn ngắn khoảng 5 – 7 dòng.
Gợi ý:
Câu 1: Thể thơ tự do
Câu 2: Kết hợp các phương thức biểu đạt: biểu cảm, miêu tả, tự sự
Câu 3: Nội dung chính của đoạn trích:
- Lấy cảm xúc từ đêm giáng sinh, về Chúa
- Nhà thơ đã thể hiện những đau thương xót xa khi kẻ thù bạo ngược đã dày xéo nhân dân và đất nước mình
- Nhà thơ cầu nguyện cho sự yên bình cho mọi người, tâm nguyện về lòng dũng cảm của mình trước kẻ thù, nguyện giữ tình thương yêu với con người.
Câu 4:
- Với nhà thơ, chúa không ở đâu xa mà chúa chính là những con người bằng da, bằng thịt, là những người lính, người dân đang phải chịu đau khổ, đói rét và chết chóc đau thương/ Chính tội ác của kẻ thù đã “hành xác” những con người thân thương ấy.
- Câu thơ vì thế vừa có ý tưởng táo bạo, bất ngờ, vừa sống động, chân thực, đã thể hiện sự cảm phục, tình thương, nỗi xót xa vô tận của nhà thơ.
Câu 5:
- Đồng tình” Có những tội ác không thể cảm hóa, phải dùng đến bạo lực như tội ác của giặc xâm lược...
- Không đồng tình: Có những tội ác có thể dùng tình thương để cảm hóa như con người vì nông nổi hoặc do hoàn cảnh mới rơi vào sa ngã.