ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II NGỮ VĂN 10
- ĐỌC HIỂU (6 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
ÁO CŨ
Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.
Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn
Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim
Áo con có đường khâu tay mẹ vá
Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm.
Áo đã ở với con qua mùa qua tháng
Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương
Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới
Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn.
Hãy biết thương lấy những manh áo cũ
Để càng thương lấy mẹ của ta
Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống
Những gì trong năm tháng trôi qua…
1963, lớp 9H
(Áo cũ - Lưu Quang Vũ, Thơ tình, NXB Văn học, 2002)
Câu 1 (1 điểm): Xác đinh thể thơ của bài thơ.
Câu 2 (1 điểm): Xác định chủ thể trữ tình của văn bản.
Câu 3 (1 điểm): Tìm những từ ngữ miêu tả đặc điểm của áo cũ trong đoạn thơ:
Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay
Câu 4 (1,5 điểm): Xác định cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Câu 5 (1,5 điểm): Thông điệp ý nghĩa nhất đối với em sau khi đọc văn bản trên là gì? Vì sao?
-
VIẾT (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (400 – 600) từ thuyết phục người khác từ bỏ thói quen khoác lác
HƯỚNG DẪN CHẤM
- ĐỌC HIỂU
Câu 1 (1 điểm): Xác đinh thể thơ của bài thơ.
- Thể thơ tự do
Câu 2 (1 điểm): Xác định chủ thể trữ tình của văn bản.
- Chủ thể trữ tình xuất hiện trực tiếp qua đại từ nhân xưng “con”
Câu 3 (1 điểm): Tìm những từ ngữ miêu tả đặc điểm của áo cũ trong đoạn thơ:
Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay
- Trong đoạn thơ, những từ ngữ miêu tả hình ảnh chiếc áo cũ: áo cũ, ngắn, chỉ đứt, sờn màu, bạc vai.
Câu 4 (1,5 điểm):Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh bộc lộ tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình. Từ đó, nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Từ ngữ: thương áo cũ, thương kí ức, chẳng nỡ, vẫn quý, vẫn thương..
Hình ảnh: mẹ vá áo, áo cũ
+ Tình cảm yêu thương, trân quý chiếc áo mẹ cho. Xót xa khi thấy mẹ ngày càng già đi.
Câu 5 (1,5 điểm): Thông điệp ý nghĩa nhất đối với em sau khi đọc văn bản trên là gì? Vì sao?
- Học sinh tự rút ra thông điệp, lí giải phù hợp
- VIẾT
Mở bài:
- Nêu vấn đề: “thói quen khoác lác” rất cần được được chúng ta cùng xem xét, bàn luận.
Thân bài:
- Khái niệm thói quen khoác lác:
Khoác lác là hay khoe khoang, nói tâng bốc bản thân về thứ gì đó không có thật, chúng ta hay gọi là “nói phét”.
- Tác hại của thói quen khoác lác
+ Thói khoác lác sẽ khiến độ uy tín, danh dự của ta bị giảm sút, không còn ai muốn tin những lời mình thốt ra nữa. Lòng tin từ người khác cũng bị giảm đi từ đó trong công việc, học tập cơ hội để làm việc, thăng tiến cũng ít hơn.
+ Mọi người sẽ có ấn tượng, suy nghĩ không mấy tốt về con người chúng ta, các mối quan hệ có thể sẽ không bền vững hay phát triển được vì chữ “ tín” đã mất.
+ Trở thành nạn nhân của thói khoác lác của chính mình. Đã có nhiều vụ việc dở khóc dở cười chỉ vì tính khoác lác. Nhiều người thường “ chém” về bản thân như “ Nhà tôi có tiền”, “ tôi có quen ông nọ bà kia”,… cho tới khi được hỏi, được nhờ thì lại biến mất tăm hơi => bị chê bai, nguyền rủa, bóc mẽ…
- Lợi ích của việc từ bỏ thói quen khoác lác
- Bỏ được tính khoác lác, mọi người sẽ tín nhiệm ta mà vui vẻ hỗ trợ lẫn nhau từ công việc đến cuộc sống. Bản thân được thoải mái, không lo âu về những lời mình đã nói ra. Các mối quan hệ được bền vững, tương lai mở rộng.
- Giải pháp để khắc phục thói quen khoác lác
Để từ bỏ một thói không tốt thì cũng không thể nhanh chóng và dễ dàng vì vậy ta nên từ từ từng chút một.
+ Có thể đặt mục tiêu số lần nói khoác trong một ngày giảm đi theo thời gian. Chấp nhận trừng phạt bản thân sau mỗi lần khoác lác…
+ “Uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói”, học cách khiêm tốn, hạn chế dùng những lời nói hoa mỹ, sai sự thật để tâng bốc bản thân
+ Trước khi nói , bạn cần suy nghĩ đến hậu quả của những lời khoác lác và sự tổn hại uy tín, danh dự của bản thân.
Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề:
- Rút ra bài học cho bản thân: