Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
CÓ MẸ TRONG CUỘC ĐỜI NÀY (trích)
Phong Điệp
[…] Ngày ba mươi Tết, là ngày gói trọn những bận rộn của mẹ trong suốt cả một năm. Mẹ trở dậy từ sáng sớm, tong tả đạp xe đi chợ. Chiếc xe đạp tự lắp trong thời bao cấp, không phanh không chuông, xích rão phanh chùng. […]
Nhưng sẽ khác với những phiên chợ hàng ngày, chiếc xe của ngày ba mươi Tết chất nặng nào miến; nào măng; nào su hào, cải bắp; nào giò; nào thịt, kèm thêm cả một bó hoa đủ mầu sắc. Cả năm đều tất bật, ngày ba mươi Tết mẹ càng tất bật hơn. Mẹ giữ vai trò “nhạc trưởng” - điều hành các công việc dọn dẹp nhà cửa, lau mạng nhện, sắp xếp lại nồi niêu bát đũa, kê lại bàn ghế. Mẹ luôn tay với đủ thứ việc phải làm: ngâm đồ xôi, ninh măng, luộc gà... Chúng con chỉ biết chạy vòng quanh chờ mẹ sai vặt, hoặc hong hóng nhìn ra ngoài ngõ, dõi theo gánh hoa tươi nườm nượp đổ về các ngả.
Có lẽ sẽ không bao giờ con quên được hương vị ngày ba mươi Tết của những ngày tháng ấy. Những ngày tháng mà cả năm cơm gạo mậu dịch đỏ quạch độn khoai lang. Hai chị em con hồn nhiên tranh nhau xới. Còn chút cháy đáy nồi mẹ lặng lẽ ngồi nhai. Bởi vậy trong trí tưởng của con, ngày Tết là đại tiệc, là niềm mơ ước của cả một năm khó khăn và nhọc nhằn. Bữa tiệc đó có hương vị của sự ấm áp, vui tươi và no đủ. Mùi ngây ngất của bánh chưng mới dỡ, mùi ngọt lịm của xôi gấc, mùi ngầy ngậy của món chân giò ninh măng... Cả năm thắt lưng buộc bụng, mẹ luôn muốn những ngày Tết, con mẹ được đủ đầy. Bữa cơm tất niên, chỉ nhìn con ăn mà mẹ đủ no.
Chiều ba mươi Tết, mẹ hối hả đun nước lá thơm giục cả nhà đi tắm. Nước lá thơm ngào ngạt năm gian nhà ngói. Mẹ xõa tóc sân sau, mùi lá thơm ngấm vào từng chân tóc. Con chơi sân trước, ngẩn ngơ hít hà mùi lá sả, lá mùi, hương bồ kết... thơm nồng nàn.
Đêm cuối năm, cả nhà ngồi bên chiếc đài bán dẫn chạy bằng pin tự chế, nghe cô phát thanh viên ngâm thơ xuân, chờ đến giây phút đồng hồ điểm mười hai tiếng. Nhưng chẳng bao giờ con chờ được đến thời khắc ấy. Con sẽ ngủ vùi trong lòng mẹ ấm êm, để đến một lúc đang giữa cơn mơ, mẹ hối hả lay gọi “giao thừa rồi con ơi!”.
Con chập chờn mở mắt. Trước mặt con là nụ cười sáng lấp lóa của mẹ. Mẹ ôm ghì lấy con, thì thầm bên tại “năm mới đến rồi con ạ”.
Mẹ chưa nói hết câu, tiếng pháo đã râm ran khắp xóm.
[…]
(Trích Có mẹ trong cuộc đời này, Phong Điệp, NXB Phụ nữ, 2018, tr. 72-74)
Câu 1. Xác định đề tài của đoạn trích.
Câu 2. Tác giả đã kể những gì về “sự tất bật của mẹ” trong ngày ba mươi Tết?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp cấu trúc trong đoạn sau: “Bữa tiệc đó có hương vị của sự ấm áp, vui tươi và no đủ. Mùi ngây ngất của bánh chưng mới dỡ, mùi ngọt lịm của xôi gấc, mùi ngầy ngậy của món chân giò ninh măng...”
Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với người mẹ được thể hiện qua đoạn trích.
Câu 5. Đoạn trích đem lại cho anh/chị những suy nghĩ gì về giá trị của hạnh phúc gia đình với mỗi người trong đời sống?
Gợi ý đáp án:
Câu 1: Đề tài của văn bản là: mẹ/ mẹ và ngày Tết/ ngày Tết có mẹ.
Câu 2: Tác giả đã kể ra những tất bật của mẹ trong ngày ba mươi Tết là:
+ Điều hành các công việc dọn dẹp nhà cửa, lau mạng nhện, sắp xếp lại nồi niêu bát đũa, kê lại bàn ghế.
+ Luôn tay với đủ thứ việc phải làm: ngâm đồ xôi, ninh măng, luộc gà...
Câu 3:
– Phép điệp cấu trúc: “mùi…của…”.
– Tác dụng:
+ Làm cho đoạn văn giàu hình ảnh, sinh động, tăng tính nhịp điệu, tăng sức gợi hình, gợi cảm xúc, tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
+ Nhấn mạnh những mùi vị mà con không thể nào quên của những món ăn trong bữa “đại tiệc” mà con mong ước những ngày thơ.
+ Qua đó, thấy được sự biết ơn của con dành cho mẹ và tình yêu của mẹ dành cho con.
Câu 4:
- Tình cảm của tác giả đối với người mẹ trong đoạn trích là:
+ Hân hoan, hạnh phúc khi được mẹ chăm nom.
+ Biết ơn những vất vả của mẹ.
+ Yêu thương, ấm áp khi ở bên mẹ.
- Nhận xét: đó là những tình cảm hết sức chân thành, sâu sắc xuất phát từ niềm kính yêu, trân trọng và biết ơn trước những điều mà mẹ dành con.
Câu 5: Giá trị của hạnh phúc gia đình đối với mỗi người:
+ Có giá trị vô cùng quan trọng và to lớn trong đời sống mỗi người.
+ Giúp con người ta biết quan tâm, yêu thương, trân trọng những người thân.
+ Mang đến cho ta cảm giác bình yên, gắn bó sâu đậm.
+ Là điều kiện để dưỡng nuôi những đức tính tốt đẹp của mỗi người.