Rèn kĩ năng viết đoạn văn 200 chữ về thể loại thơ

ĐOẠN VĂN

Thể loại thơ:

Dạng 1: Phân tích, đánh giá chủ đề

Câu luận điểm: Bài thơ A của thi sĩ B đã để lại trong lòng người đọc một dư vị khó phai về chủ đề C

Câu triển khai:

+Phân tích: Câu chủ đề được thể hiện như thế nào? Bám sát vào phân tích rõ từ khóa đã xác định ở chủ đề. (Ví dụ chủ đề là Say mê trước vẻ đẹp trầm lắng, yên bình của xứ Huế  => phân tích sự trầm lắng, yên bình qua những từ ngữ/ hình ảnh/ câu thơ nào - trích rõ để phân tích?

+ Đánh giá: 

+ Chủ đề này mới không, nếu cũ thì có gì đặc sắc? Có mang lại một góc nhìn mới mẻ/ đa chiều gì không?

+ So với các bài thơ cùng chủ đề, bài thơ trên đề có gì độc đáo - lưu ý so sánh mục đích để chỉ ra điểm giống/ khác và nổi bật bài viết trên đề.

- Từ góc nhìn/ cảm xúc của thi nhân, tôi như thấu hiểu thêm về..... (bài học)

 

Đoạn mẫu:

Bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc một dư vị khó phai về chủ đề: Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của con người lúc thu sang. Viết về mùa thu, thi sĩ Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc một góc nhìn đầy mới mẻ trước khoảnh khắc thu sang. Để khắc họa vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, thi nhân cũng khai thác các hình ảnh đặc trưng cho mùa thu “liễu, hoa lá, trăng, mây, cánh chim”, tuy nhiên cảnh vật lại mang trong mình một nỗi buồn bâng khuâng khó tả, cảnh vật nhuốm màu ảm đạm, chia li. Phải chăng chủ thể trữ tình đang có nỗi niềm tâm sự? Quả đúng như vậy, Nguyễn Du từng nói “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”, cảnh vật trong bài thơ mang dáng vẻ buồn, u uất của con người. Bức tranh thiên nhiên chiều thu được thi nhân quan sát một cách tỉ mỉ, tinh tế, sử dụng nhiều giác quan để cảm nhận sự chuyển giao của đất trời. Điều này ta cũng thấy rõ trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh. Cả hai bài thơ cùng khai thác chủ đề vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên lúc thu sang. Tuy nhiên bài thơ Sang thu lại gửi gắm triết lí nhân sinh “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”, khi con người trải qua nhiều biến động của cuộc đời thì họ không còn cảm thấy bất ngờ, sợ hãi. Còn bài thơ Đây mùa thu tới lại gửi gắm nỗi niềm, tâm sự của người thiếu nữ trước thời khắc thu về. Nhìn chung, qua cách xây dựng chủ để, ta thấu hiểu được tình yêu thiên nhiên, sự giao hòa với cảnh vật, cũng như nỗi niềm tâm sự của thi nhân trước khoảnh khắc thu sang.

Đoạn mẫu: ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CHỦ ĐỀ BÀI THƠ CÂY TRONG VƯỜN THÁNG BA CỦA LÊ THÀNH NGHỊ 

Bài thơ "Cây trong vườn tháng ba" của Lê Thành Nghị để lại trong lòng người đọc một cảm xúc sâu lắng về vẻ đẹp thiên nhiên và những suy tư về tuổi trẻ. Hình ảnh khu vườn tháng ba hiện lên tươi mới, tràn đầy sức sống qua các hình ảnh lá non, trái xanh, vệt nắng non... Bức tranh thiên nhiên được thể hiện rất tinh tế, với những liên tưởng độc đáo như "chiều mượn gió", "rung nắng", và "cây run như trước buổi hẹn hò". Tuy nhiên, ẩn dưới vẻ đẹp ấy là nỗi trăn trở sâu sắc về dòng chảy không ngừng của thời gian. Câu thơ "Không còn trẻ mà lá thì quá mướt" vang lên như một tiếng thở dài, khi con người nhận thức rõ sự hữu hạn của tuổi trẻ trong khi thiên nhiên tiếp tục vĩnh cửu. Từ những suy ngẫm về thời gian và tuổi trẻ, thi nhân gửi gắm một triết lý nhân sinh sâu sắc: "Điều ao ước. Dù lâu. Rồi sẽ đến". Dẫu tuổi trẻ ngắn ngủi và qua đi nhanh chóng, nhưng nếu ta biết sống với ước mơ và khát vọng, cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn, như tháng giêng bận rộn với hoa, tháng ba trĩu nặng trái cây. Qua đó, bài thơ không chỉ khắc họa vẻ đẹp của khu vườn tháng ba mà còn thể hiện sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Từ quy luật tuần hoàn của thiên nhiên, tác giả liên tưởng đến chu kỳ sống của con người. Vạn vật sinh sôi, con người có hy vọng và khát vọng thì cuộc sống sẽ đơm hoa kết trái, một thông điệp sâu sắc mà thi nhân gửi gắm qua bài thơ.

 

Dạng 2: Phân tích, đánh giá nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ

Bài thơ A của thi sĩ B mang đến cho người đọc một dư vị khó phai về cách tổ chức các hình thức nghệ thuật.

Trước hết về cách chọn lọc ngôn từ: làm rõ các biện pháp tu từ, từ láy... => nhận xét chung về ngôn ngữ. (Ngôn ngữ trong bài thơ không chỉ đẹp mà còn giàu nhạc tính, góp phần truyền tải tinh tế cảm xúc của thi nhân.)

Tiếp đến, hình ảnh thơ cũng thể hiện được sự tài hoa của thi sĩ: tìm các hình ảnh thơ để phân tích, hạn chế chọn lại những thứ đã viết ở ngôn ngữ

Cuối cùng, về cách chọn thể thơ (...), gieo vần (...), ngắt nhịp (..) đã tạo nên một giai điệu gì? (nhẹ nhàng, sâu lắng) về điều gì? của chủ thể trữ tình.

 Câu kết: Nhìn chung cái hay của bài thơ không phải là sự cầu kì, thách đố người đọc qua những con chữ mà là sự chân thành, đầy xúc cảm để từ đó lay động trái tim người đọc về (BÀI HỌC)

 

Dạng 3: Phân tích, đánh giá một đoạn thơ

Bài thơ A của thi sĩ B mang đến cho người đọc một dư vị khó phai về (nội dung khái quát) qua các hình thức nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt được thể hiện rõ qua đoạn thơ:

(trích thơ)

Lưu ý chỗ này viết sát vào lề: Phân tích, đánh giá đoạn thơ, đi từ nghệ thuật đến nội dung:

=> Rút ra được cảm xúc của chủ thể trữ tình => Bài học

 

Dạng 4: Phân tích, đánh giá cảm xúc của nhân vật trữ tình

Câu luận điểm: Bài thơ A của thi sĩ B mang đến cho người đọc một dư vị khó phai về (tình cảm, cảm xúc gì về điều gì) của nhân vật trữ tình.

- Đề này muốn làm được thì cần xác định rõ được bài thơ đang viết về điều gì? Viết về điều đó nhà thơ có cảm xúc, tình cảm gì? TRÍCH vài từ ngữ, hình ảnh, câu thơ để phân tích.

- Đánh giá cảm xúc, tình cảm: Ví dụ: Đây là một cảm xúc chân thành, xuất phát từ sâu trong trái tim của một con người xa quê/ trăn trở về những giá trị trong cuộc sống....

- Bài học

Bài mẫu:

      Bài thơ “Thôi đừng trách mùa thu” của Trần Nhuận Minh chất chứa một tình cảm nhớ nhung, hoài niệm về những năm tháng tuổi học trò của nhân vật trữ tình. Xuyên suốt bài thơ là lời nhắn nhủ chính mình “thôi đừng” quên lãng, để từ đó mở ra những hoài niệm quá khứ tươi đẹp. Tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện qua các hình ảnh “sân trường, cây phượng, tà áo, gió heo may, sách giáo khoa, thầy cô, tấm bảng xanh...” Qua các hình ảnh thơ, ta như thấy được trong lòng nhân vật trữ tình một khao khát muốn quay trở lại tuổi học trò để sống với những kỉ niệm bên bạn bè, thầy cô, cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu. Khép lại bài thơ là cách nói đầy ví von, mái trường xưa như bóng mẹ như một sự khẳng định đầy chắc chắn mái trường xưa luôn yêu thương, che chở, dạy dỗ ta nên người, mở đường, dẫn lối bước vào tương lai. Như vậy có thể thấy rằng, tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình có sự phát triển qua từng khổ thơ. Ba khổ thơ đầu là nỗi nhớ nhung, hoài niệm, khổ thơ cuối là sự biết ơn, trân trọng những người đã nâng đỡ, dìu dắt ta trưởng thành. Từ tình cảm của nhân vật trữ tình, là một học sinh đang tận hưởng khoảng thời gian đẹp nhất của đời người, em thêm phần trân trọng, không để tuổi học trò của mình lãng phí vào những điều vô bổ.

 

Dạng 5: Phân tích, đánh giá một hình ảnh thơ qua cảm nhận về nhân vật trữ tình

Câu luận điểm: Bài thơ A của thi sĩ B mang đến cho người đọc một dư vị khó phai về cách xây dựng hình ảnh (ghi rõ hình ảnh)

+ Phải hiểu rằng đây là hình ảnh trung tâm, xuyên suốt bài thơ vậy nên phân tích hình ảnh này cần lưu ý đến nội dung bài thơ để hiểu.

+ Xây dựng hình ảnh này, nhà thơ có dụng ý gì không (bài học nhân sinh, bày tỏ tình cảm...?)

+ Qua hình ảnh, rút ra bài học gì?

 

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
SALE - 70% Shopee