Phân tích chủ đề và một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong bài thơ Nam Quốc Sơn Hà (Chương trình mới )

PHÂN TÍCH CHỦ ĐỀ VÀ MỘT SỐ NÉT ĐẶC SẮC VỀ HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG BÀI THƠ NAM QUỐC SƠN HÀ (Chương trình mới) 

NAM QUỐC SƠN HÀ

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lại xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Dịch nghĩa:

SÔNG NÚI NƯỚC NAM

Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành trên sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám đến xâm phạm?
Hãy chờ xem, chúng bay nhất định sẽ chuốc lấy bại vong!

MỞ BÀI:

Yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ bao đời nay, biết bao nhiêu thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. Trong họ là một ý chí chiến đấu kiên cương, một niềm tin vững chắc về hòa bình của đất nước. Điều này được phản án rõ qua những áng văn chương. Ấn tượng nhất là bài thơ Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt). Qua một số hình thức nghệ thuật độc đáo, bài thơ đã mang đến cho người một ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc.

THÂN BÀI:

Bài thơ Nam quốc sơn hà gắn liền với một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc. Tương truyền năm 1077 quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy sang xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt đem quân chặn đánh giặc trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, bỗng một đêm, tại đền thờ hai anh em Trương Hống và Trương Hát cất lên giọng ngâm bài thơ này. Khi bài thơ thần này vang lên vào thời điểm đêm khuya, lại được vọng ra từ một ngôi đền thiêng liêng, cho nên đã làm cho quân Tống vô cùng khiếp sợ, chúng đã vô cùng hoảng loạn, cũng nhờ điều này mà quân dân ta dành được chiến thắng lẫy lừng.

      Trước hết, điểm độc đáo của tác phẩm là cách xây dựng chủ đề: khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước và nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, tác phẩm đã vang lên như một bản hùng ca bất diệt về lòng tự tôn dân tộc. Bài thơ là lời tuyên bố đanh thép về chủ quyền, lãnh thổ của nước Đại Việt qua hành động xưng “Đế”, đặt ngang hàng với phương Bắc. Không chỉ dừng lại ở đó, bài thơ còn là lời cảnh cáo đến quân giặc và khẳng định một niềm tin tuyệt đối vào sự thắng lợi của quân và dân ta. Xét theo hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì đây là chủ đề khá mới mới mẻ, thể hiện rõ tinh thần yêu nước của dân ta, nó xứng đáng được xem là bài thơ đặt nền móng cho nền văn học yêu nước của dân tộc.

Tiếp đến về hình thức nghệ thuật, Nam quốc sơn hà là một bài thơ mang đặc trưng của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường. Với bố cục theo kiểu khai - thừa - chuyển - hợp, gồm bốn câu, mỗi câu bảy chữ, bài thơ thực sự ngắn ngọn, hàm sức nhưng vẫn đủ sức để truyền tải thông điệp ý nghĩa.

Về nghệ thuật sử dụng ngôn từ, ngôn từ trong bài thơ được trau chuốt gọt dũa, hàm súc, tạo nên một sức thuyết phục lớn. Ngay trong hai câu thơ mở đầu: Nam quốc sơn hà Nam đế cư,/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, tác giả sử dụng từ “đế” để nhấn mạnh vị thế dân tộc và sự ngang hàng của vua nước Nam với vua nước phương Bắc. Hay trong cách sử dụng từ “Thiên thư” để khẳng định rõ một sự hiển nhiên, một chân lí mà không ai có thể phủ nhận. Tính hàm súc của ngôn ngữ còn được thể hiện trong hai câu cuối . Câu thơ "Như hà nghịch lỗ lại xâm phạm?" mang tính chất chất vấn, tạo sự đối thoại với kẻ thù, đồng thời thể hiện thái độ phẫn nộ trước hành động xâm lược. Câu kết "Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!" là một lời cảnh cáo dứt khoát, thể hiện sự tự tin vào chiến thắng và niềm tin vào chính nghĩa. Như vậy có thể thấy, chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, bài thơ như một lời tuyên bố ngắn gọn về độc lập và ý thức bảo vệ lãnh thổ của dân tộc.

Về nghệ thuật gieo vần, ngắt nhịp, niêm, bài thơ tuân thủ luật của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Bài thơ chỉ hiệp theo một vần duy nhất ở các câu 1, 2 và 4 (cư - thư- hư), kết hợp với cách ngắt nhịp 4/3 tạo nên một âm điệu chậm rãi, trang nghiêm cho bài thơ. Chữ thứ hai của câu 1 là “trắc” niêm với chữ thứ 2 của câu 4 cũng là “trắc”, chữ thứ hai của câu 2 là “bằng” niêm với chữ thứ hai của câu 3 cũng là “bằng” đã tạo nên sự hài hòa, nhịp nhàng cho bài thơ.

KẾT BÀI:

Bài thơ không chỉ mang giá trị lịch sử quan trọng, mà còn là một biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, và niềm tin vững chắc vào chính nghĩa. Chính vì vậy, “Nam quốc sơn hà” vẫn luôn là một tác phẩm vang vọng trong lòng mỗi thế hệ người Việt, nhắc nhở chúng ta về ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc, một bài học vượt thời gian.

 

Nhận xét từ người dùng

Chatbot Icon
Trợ Lý Văn Học ×
SALE - 70% Shopee