Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ sau đây:
Có khi nào
Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu...
(Có khi nào, Bùi Minh Quốc, 100 bài thơ tình chọn lọc, NXB Giáo dục, 1993)
Chú thích: Nhà thơ Bùi Minh Quốc quê ở Mỹ Ðức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Trong chiến tranh, ông tham gia lực lượng Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (khu 5), chiến đấu tại các chiến trường Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 1967 đến 1975 với bút danh là Dương Hương Ly. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ, Tổng Biên tập Tạp chí Ðất Quảng tại Quảng Nam - Ðà Nẵng, người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Ðồng. Nhà thơ Bùi Minh Quốc được biết đến với bài thơ nổi tiếng "Bài thơ về hạnh phúc" mà ông viết về vợ ông, nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, người đã bị lính Đại Hàn bắn chết vào năm 1969. Ngoài ra, ông còn được biết đến với bài thơ tình "Có khi nào", bài thơ được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ 20.
GỢI Ý:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Cảm xúc bao trùm, xuyên suốt toàn bài thơ: Những luyến tiếc khi vô tình bỏ lỡ người ta mong chờ
- Cấu tứ bài thơ:
+ Cả bài thơ là một câu hỏi chứa đầy những suy tư
+ Mượn tình huống thường gặp trong đời sống: vô tình đi lướt qua nhau, tác giả triết lí về những hối tiếc trong cuộc đời khi lỡ đánh rơi những tình cảm đáng quý
- Hệ thống hình ảnh: Đường đời tấp nập, hai người đi lướt qua nhau, một tâm hồn ta đã đợi từ lâu
+ Đường đời tấp nập là hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng, khái quát lớn. Đó không phải là những con đường thật mà chính là đường đời, là những ngã rẽ, là những giai đoạn, khoảnh khắc trong cuộc đời mỗi người
+ Ta đi lướt qua nhau cũng không phải hình ảnh thực mà mang nghĩa tượng trưng: Đó là những lúc ta gặp người mà không hiểu người, không sống sâu để thấu hết tâm tư, cõi lòng của người
+ Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu: Đó chính là những người ta cần, là những người đồng điệu với ta, cùng tần số tâm hồn với ta
=> Những luyến tiếc khiến ta muốn sống sâu, sống trọn vẹn với mọi người xung quanh ta, để thấu hiểu nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn,…
- Đánh giá chung: Bài thơ ngắn nhưng chất chứa ý tình sâu xa
+ Chất triết lí ẩn trong vẻ đẹp trữ tình sâu lắng
+ Cấu tứ lạ chứa trong một câu hỏi trăn trở, day dứt
+ Hệ thống hình ảnh giàu tính tượng trưng
=> So sánh với thơ Puskin:
Chẳng ai hiểu vì đâu
Đường đời chia hai ngả
Chẳng ai có lỗi cả
Chỉ vô tình mà thôi
(Vô tình)
Puskin gói lại trong một mối tình, còn trong bài thơ trên, tác giả nâng lên thành triết lí sống sâu, sống trọn vẹn với mọi người quanh mình.
* Khẳng định lại sự độc đáo và ý nghĩa của bài thơ