I. ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Đọc văn bản sau:
ĐI TRONG HƯƠNG TRÀM
HOÀI VŨ
Em gửi gì trong gió trong mây
Ðể sáng nay lên Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp nơi mây hương toả bay!
Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay màu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?
Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao…
(Tuyển tập thơ Việt Nam, (giai đoạn chống Mỹ cứu nước), NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1999).
Câu 1: Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ Đi trong hương tràm là ai? Vì sao anh/ chị xác định như vậy.
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc trong khổ thơ sau:
Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Anh vẫn có bóng em, giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh ngát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao
Câu 4: Phân tích ý nghĩa tượng trưng của hình ảnh “hương tràm” trong bài thơ.
Câu 5: Từ cảm xúc của nhân vật trữ tình anh, anh/ chị có đồng ý với ý kiến “Tình yêu đôi lứa luôn gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước” không? Vì sao.
II. VIẾT (6 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên qua cảm nhận của nhân vật trữ tình anh trong văn bản.
Câu 2 (4 điểm): Từ góc nhìn của người trẻ, anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về xu hướng chạy theo trào lưu của giới trẻ trên các nền tảng mạng xã hội.
Tài liệu miễn phí - khi sao chép vui lòng dẫn nguồn: https://hocvancungricky.com/