Banner cho bài viết:NGHIÊN CỨU VĂN HỌC NHÌN TỪ LÍ THUYẾT GIỚI
ĐẠI HỌC

NGHIÊN CỨU VĂN HỌC NHÌN TỪ LÍ THUYẾT GIỚI

NGHIÊN CỨU VĂN HỌC NHÌN TỪ LÍ THUYẾT GIỚI

1. Lý thuyết giới

1.1. Khái niệm giới

     Thuật ngữ giới được sử dụng rộng rãi trong phong trào phụ nữ ở các nước phương Tây vào cuối những năm 60 và ở nước ta vào những năm 80 của thế kỉ XX. Khái niệm giới khi đưa vào Việt Nam nhanh chóng trở nên phổ biến trong các công trình nghiên cứu về giới nữ, nam nữ bình quyền. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều người đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm giới và giới tính.

     Trong công trình Giáo trình xã hội học về giới, Hoàng Bá Thịnh đã đưa ra khái niệm về giới như sau:“Khái niệm giới không chỉ đề cập đến nam và nữ mà cả về mối quan hệ giữa nam và nữ. Trong mối quan hệ ấy có sự phân biệt về vai trò, trách nhiệm, hành vi hoặc sự mong đợi xã hội này phù hợp với đặc điểm văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo; vì thế nó luôn biến đổi theo các giai đoạn lịch sử và có khác biệt giữa các cộng đồng, xã hội.”(Hoàng Bá Thịnh, 2008, tr.42). Đồng thời tác giả cũng cho rằng: “Giới không đồng nhất với phụ nữ mà được xem là cả nữ giới và nam giới cùng với những mối quan hệ tương tác của họ.(Hoàng Bá Thịnh, 2008, tr.41).

     Tác giả Lê Thị Quý trong công trình Giáo trình xã hội học giới cũng có một cái nhìn tương đối đầy đủ về vấn đề giới “Giới là một thuật ngữ xã hội học bắt nguồn từ môn Nhân loại học nghiên cứu về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quy định cho nam và nữ, bao gồm việc phân chia lao động, các kiểu phân chia, các nguồn và lợi ích. Giới đề cập đến các quy tắc tiêu chuẩn theo nhóm tập thể chứ không theo thực tế cá nhân. Vai trò giới được xác định theo văn hóa, không theo khía cạnh sinh học và có thể thay đổi theo thời gian, theo xã hội và các vùng địa lý khác nhau. Khi mới sinh ra, chúng ta không có sẵn đặc tính giới. Những đặc tính giới mà chúng ta có được là do chúng ta học được từ gia đình, xã hội và nền văn hóa của chúng ta.” (Lê Thị Lê Thị Quý, 2010, tr34). Cũng giống như nhà nghiên cứu Hoàng Bá Thịnh, Lê Thị Quý cho rằng “Giới không ám chỉ khái niệm giới nam hoặc giới nữ với tư cách cá nhân mà nói tới quan hệ xã hội giữa nam giới và phụ nữ (Tính tập thể). Quan hệ này thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh kinh tế, xã hội.” (Lê Thị Quý, 2010, tr35).

     Như vậy từ các định nghĩa của những nhà nghiên cứu đầu ngành Xã hội học, chúng tôi đi đến cách hiểu về giới như sau: Giới là một khái niệm đề cập đến hành vi ứng xử, vị trí, vai trò, sự kỳ vọng liên quan đến giới nam và giới nữ trong tất cả các mối quan hệ. Giới không bao giờ là vấn đề riêng của phụ nữ. Đồng thời cũng không phải là vấn đề nữ quyền. Nhắc đến giới tức là đề cập đến mối quan hệ giữa giới nam và giới nữ. Bởi trong xã hội, giới này là một phần không thể thiếu của giới kia, nó không thể tồn tại độc lập mà luôn là một mối quan hệ tương trợ.

Sự khác biệt giữa giới tính và giới

Giới

Giới tính

- Là một thuật ngữ Xã hội học, bắt nguồn từ môn Nhân loại học.

- Là một thuật ngữ khoa học, bắt nguồn từ môn Sinh vật học.

- Chỉ sự khác biệt giữa giới nam và giới nữ từ góc độ xã hội (vị trí, vai trò, hành vi, nhận thức...).

- Chỉ sự khác biệt giữa giới nam và giới nữ từ góc độ sinh học (cấu tạo nhiễm sắc thể hormone, chức năng sinh học...).

- Da dạng.

- Đồng nhất.

- Thay đổi theo thời gian, không gian. Luôn biến đổi cùng với xã hội và các yếu tố xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán...(tính thay đổi).

- Khi sinh ra con người đã có những đặc điểm giới tính và những đặc điểm này tồn tại trong suốt cuộc đời (tính bất biến).

- Tuân theo quy luật xã hội.

- Tuân theo quy luật tự nhiên.

1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến giới

     Trong phạm vi đề mục này, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề giới ở Việt Nam.

Bình diện sinh học

     Sự khác biệt về những bình diện sinh học của giới nam và giới nữ được xem là một trong những nhân tố chi phối đến giới. Thực tế cho thấy nhiều người vẫn tin rằng sự khác biệt về mặt sinh học như chức năng sinh sản, cấu tạo cơ thể có ảnh hưởng rất nhiều đến việc định hình vị trí, vai trò, hành vi ứng xử và phân công lao động liên quan đến giới nam và giới nữ trong xã hội. Giới nam đã lợi dụng những ưu thế này để xác lập lên cái gọi là chế độ nam quyền nhằm đàn áp, thống trị nữ giới qua nhiều thời đại.

     Xem xét về phương diện chức năng sinh sản thì giới nam có tinh hoàn, tinh trùng; nữ giới có buồng trứng, dạ con, có thể mang thai. Trên phương diện cấu tạo nhiễm sắc thể, hormone thì hình dáng bên ngoài và giọng nói khác nhau. Nữ giới thường có thân hình mảnh mai, ngực cao, hông rộng..., giọng nhẹ nhàng; còn giới nam thường có bề ngoài cao lớn, xương to, vai rộng..., giọng trầm. Dựa vào hai phương diện này, người ta quy định vai trò sinh sản, nuôi dưỡng, chăm sóc, quán xuyến việc gia đình là bổn phận của giới nữ; những công việc nặng nhọc ngoài xã hội là bổn phận của giới nam.

     Ngoài ra, nhiều người dựa vào sự chênh lệch về trọng lượng bộ não của hai giới: Nữ: 1,3kg; Nam: 1,45kg để gắn sự thông minh, nhanh nhẹn cho nam giới, sự thấp kém cho nữ giới “Kích thước bộ não của phụ nữ nhỏ được sử dụng để giải thích cho sự kém thông minh khi so sánh với nam giới, và quan điểm dùng để lý giải cho việc giải thích nam giới phù hợp hơn và có cơ hội tốt hơn trong giáo dục” (Hoàng Bá Thịnh, 2008, tr46). Theo các nhà khoa học, kích thước não bộ của giới nam lớn hơn giới nữ nhưng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự chênh lệch về khả năng tri nhận của hai giới. Não bộ của giới nam lớn hơn để tương đương với kích thước cơ thể của họ.

     Qua việc đưa ra những điểm khác biệt trên bình diện sinh học, chúng tôi chấp thuận sự khác biệt này có ảnh hưởng đến vị trí, vai trò, hành vi ứng xử và phân công lao động trong xã hội của cả hai giới. Tuy nhiên không thể dùng những điểm khác biệt này để biện minh cho sự bất bình đẳng, sự thống trị của nam giới. Bởi cái chúng ta gọi là nam tính hay nữ tính không phải do bẩm sinh mà có. Sự hung hăng, mạnh mẽ, lý trí, vô tâm, ít bộc lộ tình cảm...ở giới nam và sự ngoan ngoãn, mềm yếu, tình cảm, thích bộc lộ cảm xúc, phụ thuộc... ở nữ giới là do quá trình học tập, ảnh hưởng từ môi trường sống. Dễ dàng để tìm thấy một người con trai có những đặc điểm, tính cách như con gái và ngược lại. Như vậy có thể khẳng định, ưu thế sinh học của giới nam đã cho phép họ có được những lợi thế trong phân công lao động xã hội nhưng không thể dùng sự khác biệt này để biện minh cho năng lực và vai trò của hai giới trong xã hội.

Chế độ mẫu hệ và nền văn hóa trọng mẫu của người Việt

     Chế độ mẫu hệ xuất hiện trong thời kỳ nguyên thủy khi cuộc sống của con người được tổ chức theo kiểu bầy đàn, loại hình kinh tế săn bắn hái lượm, hình thái hôn nhân theo kiểu quần hôn, con cái sinh ra không nhận diện được cha mình là ai cho nên người giữ vai trò chăm sóc, nuôi dưỡng trở thành người có vị trí cao nhất trong bộ lạc. Con cái sinh ra thường mang họ mẹ, được hưởng các quyền mà người mẹ ban cho. Dù người phụ nữ có vị thế cao trong gia đình và xã hội nhưng chưa có sự mâu thuẫn, bất bình đẳng giữa hai giới. Điều này xuất phát từ việc phân chia lao động rõ ràng: nam giới đi ra ngoài tìm kiếm lương thực, nữ giới chăm lo các công việc trong gia đình; mặt khác chưa có sự dư thừa về của cải vật chất nên không nảy sinh ý thức chiếm hữu.

      Vào thời kỳ đồ đá, sự phân công lao động giữa giới nam và nữ tương đối công bằng. Đàn ông thường làm các công việc như săn bắn, đánh cá, hái lượm còn đàn bà thì tham gia vào các công việc gia đình như chăm sóc con cái, dệt vải, làm đồ gốm, làm vườn. Có thể nói, trong giai đoạn này phụ nữ đóng một vai trò khá quan trọng trong đời sống kinh tế. Tuy nhiên khi con người bắt đầu phát minh ra những công cụ lao động mới như đồng và sắt cũng là lúc đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử về sự thất bại của nữ giới, vai trò của phụ nữ bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Chế độ tư hữu là chủ nô và chủ đất, lúc này đàn bà cũng trở thành vật sở hữu của đàn ông. Như Engels từng khẳng định “Và theo Engels, việc chuyển từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền là “một thất bại lịch sử lớn của nữ giới” (Lê Thị Quý, 2010, tr56).

     Chế độ mẫu hệ chỉ tồn tại được trong một thời gian ngắn song không hoàn toàn biến mất. Khi người đàn ông lên nắm tất cả mọi quyền lợi thì chế độ mẫu hệ không biến mất hoàn toàn mà vẫn còn một số tàn dư. Dẫn theo cuốn Đạo mẫu Việt Nam Tập 1 của Ngô Đức Thịnh, tàn dư của chế độ mẫu hệ được biểu hiện rõ trên các bình diện: “truyện dân gian, tín ngưỡng thờ cúng, quan hệ hôn nhân, gia đình, quan hệ làng xã. Người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng “vai trò và vị trí hết sức to lớn của người phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc” (Ngô Đức Thịnh, 2008, tr.27). Khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, tín ngưỡng dân gian thờ mẫu, thờ nữ thần của người Việt rất phong phú. Ở Bắc Bộ thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, Nguyên Phi Ỷ Lan, thánh mẫu Liễu Hạnh, Tứ vị Thánh nương, Mẹ Thánh Gióng, Mẫu Thượng Ngàn.... Ở Trung Bộ thờ Tứ vị Thánh Nương, Bà Ngũ Hành, Mẫu thần Thiên Y A Na, Po Inư Nưgar... Ở Nam Bộ thờ Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu... Từ tín ngưỡng dân gian này đã tạo nên một hệ thống truyện kể dân gian về các vị Thánh Mẫu ăn sâu vào tâm thức người Việt về những vẻ đẹp của người phụ nữ.

     Mặt khác, tín ngưỡng thờ Mẫu còn được xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Với tín ngưỡng phồn thực, một tín ngưỡng sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người thì người phụ nữ khá được xem trọng. Bởi theo người xưa quan niệm người phụ nữ là biểu tượng của sự sinh sản, cho nên người ta thờ Mẫu đề cầu mong cho sự sinh sôi, tươi tốt, nảy nở của hoa màu và con người. Chính vì điều đó, người phụ nữ thường gắn liền với các biểu tượng mang tính linh thiêng: Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa…nữ thần mặt trời, nữ thần mây, mưa, sấm, chớp…

     Nền văn hóa mẫu hệ ảnh hưởng rõ rệt đến việc coi trọng vị trí, vai trò, tôn thờ người phụ nữ trong xã hội. Ngày nay vẫn còn một số câu ca dao, tục ngữ phản ánh chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, “Nhất vợ nhì trời”, “Con dại cái mang”, “Đức hiền tại mẫu”, “Phúc đức tại mẫu”, “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”, “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “Ba đồng một mớ đàn ông,/Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha./Ba trăm một vị đàn bà, /Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi ....

     Như vậy, nền văn hóa mẫu hệ và văn hóa trọng mẫu của người Việt có ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề giới. Trong chế độ mẫu hệ dù người phụ nữ có nhiều quyền lợi hơn, nhưng nhìn chung ở hai giới vẫn tạo nên một mối quan hệ bình đẳng. Khi chế độ phụ hệ lên ngôi, phụ nữ bị đẩy xuống hàng thứ yếu, thì nền văn hóa trọng mẫu lại trở thành bệ đỡ tinh thần cho giới nữ.

Học thuyết Nho giáo

     Vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc bối cảnh xã hội Trung Quốc trong tình trạng loạn lạc, chính vậy cần những chính sách, chủ trương để xác lập kỉ cương, trật tự đất nước. Từ đó học thuyết Nho giáo ra đời. Với quan điểm xây dựng một xã hội lý tưởng, Nho giáo chủ trương tạo dựng một xã hội ổn định, có nề nếp, có đạo đức, có sự phân biệt đẳng cấp rõ ràng qua một số lý thuyết cơ bản như “Tam cương, Ngũ thường”, “Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ.” Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận mặt hạn chế của học thuyết này. Đó là kéo dài ranh giới giữa nam và nữ, tạo nên sự chênh lệch, bất bình đẳng trong xã hội. Hàng loạt tấn bi kịch của người phụ nữ được hiện hữu bởi các quan niệm, các định kiến khắt khe, thiếu nhân văn. Đặc biệt là thuyết “Tam tòng tứ đức” và tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”. Đối với Nho giáo xã hội được phân biệt rạch ròi ba kiểu người Thánh nhân, Quân tử và Tiểu nhân “Thánh nhân là những người vĩ đại; Quân tử là những người tuân thủ các quy chuẩn, đạo đức của Nho giáo, được xã hội tôn trọng, ca ngợi; Tiểu nhân là những người không thực hành đúng theo quy chuẩn của Nho giáo, bị khinh miệt. Nho giáo coi phụ nữ ngang hàng với tiểu nhân, là loại bị khinh miệt, không đáng đếm xỉa trong xã hội.” (Lê Thị Quý, 2010, tr137).

     Để xác lập những giá trị, cũng như sự bất bình đẳng giới trong Nho giáo, Trương Tửu trong cuốn Kinh thi Việt Nam đã đưa ra bảng thống kê giá trị của Nho giáo:

      “  1. Tôn trọng quyền đàn ông và áp chế đàn bà (Thuyết nam ngoại nữ nội, nam nữ hữu biệt, nam nữ bất đồng tịch).

  1. Tôn trọng quyền chồng và đàn áp quyền vợ (Thuyết tam tòng, sự trinh tiết, cấm cải giá, luật thất xuất)
  2. Tôn trọng quyền cha và đoạt mấy quyền con (Đạo hiếu, thuyết nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên)
  3. Tôn trọng lý tính và bài trừ tình cảm cùng bản năng (Thuyết “quân tử và tiểu nhân”- thuyết quả dục) (Trương Tửu, 2018, tr56).

     Với cách thống kê bảng giá trị của Nho giáo, chúng tôi nhận thấy giá trị cốt lõi của Nho giáo là ủng hộ quyền lợi của đàn ông và hạ thấp người phụ nữ. Tuy nhiên với tinh thần tiếp thu học thuyết Nho giáo để bình định đất nước, thì so với Trung Quốc các quan niệm về người phụ nữ ít khắt khe, tiêu cực hơn.

     Nhìn chung, học thuyết Nho giáo có ảnh hưởng nhiều vị trí, vai trò, phân công lao động của giới nam và giới nữ trong xã hội. Nó như một công cụ đắc lực để giáo hóa người phụ nữ, bảo vệ mọi quyền lợi cho giới nam. Giới nam luôn được đề cao, được học hành, thi cử, được tham gia vào các công việc của xã hội, còn vị trí, vai trò của nữ giới luôn ở hàng thứ yếu, không thể vượt thoát khỏi khuôn khổ của cuộc sống gia đình.

Lịch sử dựng nước và giữ nước

     Trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, đặc biệt là đối diện với âm mưu xâm lược của kẻ thù thì mỗi người dân đất Việt đều phát huy hết năng lực vốn có của mình để đứng lên bảo vệ đất nước. Và phụ nữ cũng không nằm ngoài quy luật vận hành ấy. Mở đầu cho lịch sử giữ nước của dân tộc là hình ảnh hai chị em bà Trưng cưỡi voi đi đánh giặc. Dưới sự cai trị khắc nghiệt của nhà Hán, chồng của Trưng Trắc là Thị Sách đã bí mật liên kết với các thủ lĩnh ở mọi miền đất nước nổi dậy đấu tranh. Cuộc khởi nghĩa kéo dài chưa được bao lâu thì Thị Sách bị giết hại. Và cũng từ đây, mùa xuân năm 40, Trưng Trắc cùng em gái của mình là Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn, nay thuộc Hà Nội. Có thể nói hai chị em bà Trưng được xem là những nữ anh hùng chiến đấu đầu tiên của lịch sử dân tộc nước nhà và cũng là người phụ nữ đầu tiên lên ngôi nữ vương sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Đại Việt sử ký toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ vương. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi đã đánh dấu được vai trò, vị trí của người phụ nữ trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Nó như một sự khẳng định, tuyên bố rằng: không chỉ có giới nam mới mang lại những chiến tích vẻ vang cho dân tộc mà ngay cả giới nữ, những người được gán ghép cho cái gọi là chân yếu tay mềm cũng có thế kiến tạo ra những giá trị vẻ vang cho nước nhà. Tuy chỉ cai trị trong ba năm nhưng thực sự đây như là một cột mốc bản lề khẳng định những giá trị vĩnh hằng của nữ giới. Và cũng thật vinh quang và tự hào rằng khi dân tộc Việt có phụ nữ khởi đầu cho những trang sử hào hùng của dân tộc.

     Tiếp nối cho lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, năm 248 người con gái họ Triệu - Triệu Thị Trinh cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt trực tiếp lãnh đạo nghĩa quân chống lại sự xâm lược của quân Đông Ngô. Khi anh trai mất, bà được nghĩa quân tôn lên làm chủ soái. Cuộc khởi nghĩa kéo dài gần ba năm, nghĩa quân đã nhiều lần làm cho kẻ địch phải khiếp sợ, hình ảnh bà Triệu đẹp đẽ, kỳ vĩ cưỡi voi trong bộ áo giáp vẫn còn in đậm trong tâm thức của người dân đất Việt. Cuộc khởi nghĩa không chỉ làm lung lay ý chí bành trướng xâm lược của nhà Ngô, khẳng định ý thức độc lập chủ quyền mà con tiếp tục chứng minh cho vai trò đặc biệt của giới nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

     Vào thời Bắc thuộc, Nho giáo du nhập vào Việt Nam, kéo theo đó là sự lệ thuộc, bị khinh rẻ, xem thường đối với phụ nữ. Hầu như những hoạt động chính trị xã hội, họ không được can thiệp, chuyện chinh chiến là của đàn ông, hoặc nếu có được lập công thì cũng ít khi được các sử gia ghi chép lại. Khi đất nước bắt đầu các cuộc chiến chống Pháp, chống Mĩ thì cùng với nam giới người phụ nữ chứng tỏ được vai trò trọng yếu của mình. Nhiều người phụ nữ trực tiếp tham gia vào trận chiến, ngày đêm hành quân ra trận. Số còn lại thì tăng gia sản xuất, đảm bảo cho bộ đội ăn no đánh thắng quân thù. Họ bắt đầu tham gia các lớp học “Diệt giặc đói”, “Diệt giặc dốt”. Sự cố gắng, nỗ lực của họ đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đánh đuổi được giặc ngoại xâm.

     Nói tóm lại, trong những năm tháng chống đánh đuổi giặc ngoại xâm, những tấm gương sáng ngời trong các cuộc chiến có ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề giới. Nó chứng minh được rằng, không chỉ nam giới mà nữ giới cũng có đủ năng lực, trí tuệ để đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ đất nước. Tấm gương về Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu trở thành niềm tự hào cho cả dân tộc và cũng là một điểm tựa vững chãi cho giới nữ.

     Ngoài bốn nhân tố trên, các bình diện như điều kiện tự nhiên, sinh thái, môi trường xã hội và giáo dục gia đình cũng tạo nên sự chênh lệc về vị trí, vai trò, hành vi của cả hai giới trong các mối quan hệ.

     Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu các nhân tố chi phối đến vấn đề giới, chúng tôi đi đến kết luận: Giới không tự nhiên mà có, giới hình thành và phát triển gắn liền với tâm thức của thời đại. Bình đẳng giữa giới nam và giới nữ sẽ được xác lập khi hạn chế được việc lợi dụng những ưu thế sinh học để kiến tạo những giá trị cho nam giới; loại bỏ những định kiến phi nhân của Nho giáo khi nói về phụ nữ và nhận thức lại những đóng góp trực tiếp, gián tiếp của giới nữ trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

2. Nghiên cứu văn học nhìn từ góc độ giới 

     Nghiên cứu văn học nhìn từ góc độ giới là một hướng tiếp cận tác phẩm văn học dựa vào những khuôn mẫu giới, kỳ vọng giới của xã hội có ảnh hưởng đến vị trí, vai trò, hành vi ứng xử của giới nam và giới nữ trong các mối quan hệ. Đây là một hướng tiếp cận không chỉ xem xét phụ nữ hay nam giới một cách riêng lẻ mà quan tâm đến mối quan hệ giữa hai giới này để từ đó có cách đánh giá khách quan, đa chiều. Hướng nghiên cứu này dựa trên thành quả của xã hội học, văn hóa học, tâm lý học.

     Hướng nghiên cứu này cũng không hoàn toàn đồng nhất với hướng nghiên cứu nhìn từ lý thuyết nữ quyền. Theo Hoàng Bá Thịnh “Nếu hiểu một cách nôm na nhất, thì “nữ quyền” - một từ Hán Việt - là quyền của phụ nữ, còn biểu hiện đầy đủ nhất thì đó là “đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ” với niềm tin dựa trên nguyên tắc cho rằng phụ nữ phải có các quyền và cơ may trong cuộc sống như nam giới. (Hoàng Bá Thịnh, 2008, tr101). Như vậy lý thuyết nữ quyền có thể hiểu là một lý thuyết đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của giới nữ. Văn học nữ quyền là một trào lưu văn học nhằm mục đích đấu tranh cho phụ nữ, vì người phụ nữ mà cất lên tiếng nói bênh vực, bảo vệ nhân quyền. Qua đó có thể thấy rằng, lý thuyết giới có biên độ rộng hơn lý thuyết nữ quyền, vấn đề về phụ nữ bởi đó là sự tương quan của cả hai giới chứ không đơn thuần là giới nữ.

     Thuật ngữ giới được sử dụng ở nước ta vào những năm 80 của thế kỉ XX, tuy nhiên việc nghiên cứu văn học nhìn từ góc độ giới chỉ phổ biến vào những năm gần đây. Dù lý thuyết giới chưa được sử dụng trực tiếp nhưng vào đầu thế kỉ XX vấn đề giới được nhiều người quan tâm từ nhiều góc độ văn học, văn hóa học, tâm lí học, xã hội học...Một số nhà tiên phong về vấn đề nữ giới ở Việt Nam như Sương Nguyệt Anh, Đạm Phương nữ sử, Đặng Văn Bảy, Phan Khôi... Mỗi bài viết đều là một tư tưởng tiến bộ về nhận thức đối với giới nữ. Hướng đến thức tỉnh nữ giới, khiến cho nữ giới nhận thức được vai trò của bản thân trong xã hội.

     Trong những cái tên vừa đề cập, theo chúng tôi Phan Khôi là người có nhiều đóng góp lớn ở phương diện này. Không chỉ mang lại những tư tưởng tiến bộ trên bình diện văn hóa mà còn cả văn học. Với tư cách là chủ của hai tờ tuần báo: Tờ tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn từ giữa năm 1929 đến 1932 và Tờ tuần báo Phụ nữ thời đàm tại Hà Nội từ cuối năm 1933 đến 1934, Phan Khôi cùng với các thành viên trong hai tờ tuần báo đã có những bài viết, bài thảo luận khá sôi nổi về vấn đề phụ nữ, đặc biệt là thực trạng bất bình đẳng giới. Trong các bài viết, Phan Khôi đã bày tỏ thái độ, quan điểm cá nhân trước những ứng xử liên quan đến giới nữ. Để tăng tính chân thật cho bài viết, ông thường lồng ghép những câu chuyện về những hủ tục lạc hậu, “liệt truyện” về các nhân vật nữ trong quá khứ. Bên cạnh đó, Phan Khôi còn mượn tục ngữ, ca dao làm cứ liệu để phác họa diện mạo sinh hoạt của phụ nữ Việt xưa.

     Trong bài giới thiệu Học giả Phan Khôi với “Vấn đề phụ nữ”, Lại Nguyên Ân cho rằng: “Phan Khôi là nhà ngôn luận có những đóng góp đáng kể trong việc nêu ra và đề xuất những cải cách, đổi mới trong xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX xung quanh vấn đề phụ nữ; ông là một trong những tác gia Việt Nam có sự quan tâm sâu rộng nhất đến đề tài phụ nữ, không chỉ dưới góc độ xã hội mà còn cả dưới góc độ văn hóa, văn học. Nói gọn lại, Phan Khôi là một trong những tác gia Việt Nam đầu tiên tiếp cận tư tưởng nữ quyền một cách hệ thống và có sức thuyết phục cao” (Lại Nguyên Ân, 2018, tr8). Lại Nguyên Ân còn nhấn mạnh vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu văn học với nữ tính “Phan Khôi cũng là một trong những nhà văn học sử Việt Nam đầu tiên khơi thảo và giới thuyết các phạm trù “văn học với nữ tính”, văn học của tác giả nữ. (Lại Nguyên Ân, 2018, tr15). Trong bài viết Theo tục ngữ phong dao, xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta, Phan Khôi đã dựa trên cứ liệu là tục ngữ, phong dao để làm rõ các quan niệm chung của xã hội đối với phụ nữ; vấn đề hôn nhân của đàn bà con gái; sự khó khăn, vất vả của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình; vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ. Chỉ với 60 trang, Phan Khôi đã mang đến cho độc giả một cái nhìn toàn vẹn về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Đồng thời thể hiện rõ những quan niệm của người viết về nguyên nhân của trọng nam khinh nữ “Cái thuyết “nam tôn nữ ty”, cái thói “trọng nam khinh nữ” là do về sau đàn ông ỷ mạnh ăn hiếp đàn bà mà bày đặt ra, chớ vốn không phải là luật tự nhiên” (Lại Nguyên Ân, 2018, tr464). Ngoài ra, tác giả cũng làm rõ được nguyên nhân nữ giới tự chì chiết giới của mình “Tiếc thay vì cái chế độ gia đình ép buộc, làm cho nó không nảy nở ra được mà lại tiêu mòn lần đi. Người con gái bị ép ấy về sau trở nên làm mẹ, thì cũng hùa theo chế độ ấy của đàn ông bày ra mà ép con mình nữa. Cái cuộc trả thù xuống ấy cứ nối nhau mãi đời nọ sang đời kia, không ngày nào dứt (Lại Nguyên Ân, 2018, tr472). Như vậy, có thể thấy Phan Khôi là một trong những người khởi đầu, tiên phong cho việc nghiên cứu vấn đề về phụ nữ trong văn học. Dù chưa có nhiều bài viết, nhưng hệ thống các quan điểm về người phụ nữ của ông có ảnh hưởng sâu sắc đối với các nhà nghiên cứu sau này.

     Chưa lấy lý thuyết giới làm điểm tựa, nhưng đầu những năm XX nhiều công trình nghiên cứu văn học dân gian (nhất là thể loại tục ngữ, ca dao, dân ca) và văn học viết cũng đã đề cập khá nhiều về vấn đề giới. Khi nói về người phụ nữ thì thường gắn liền với thân phận bi kịch, chịu nhiều ấm ức, thua thiệt trong gia đình và xã hội. Còn khi nói về nam giới thì thường gắn liền với khát vọng lập thân, lập danh. Trong đó, giới nữ trở thành một đối tượng nghiên cứu cơ bản nhất.

     Gần đây vấn đề nữ giới trong văn học cũng thu hút khá nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. Một mặt nó xuất phát từ sự nở rộ của các cây bút nữ, mặt khác là sự thu hút của hướng tiếp cận văn học nhìn từ lý thuyết phê bình nữ quyền, lý thuyết giới. Một số công trình tiêu biểu như:

- Năm 2011, Luận văn thạc sĩ Vấn đề nữ quyền trong sáng tác của Y Ban của Trần Thu Hà, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên

- Năm 2013, Luận án tiến sĩ Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) của Nguyễn Thị Thanh Xuân, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện khoa học xã hội.

- Năm 2013, Luận văn thạc sĩ Vấn đề giới trong tiểu thuyết của Thùy Dương của Trương Thị Thuận, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên

- Năm 2019, Luận án tiến sĩ Thơ nữ Việt Nam 1986 - 2015 nhìn từ lý thuyết giới của Hồ Tiểu Ngọc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

- Năm 2020, Luận án tiến sĩ Tiểu thuyết các nhà văn nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến 2010 từ góc nhìn nữ quyền của Nguyễn Thị Ngân, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

- Năm 2020, Luận án tiến sĩ Truyện ngắn nữ việt nam 2000 – 2015 từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền của Lê Thị Thanh Xuân, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

- Năm 2022, Luận án tiến sĩ Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX dưới góc độ giới, của Vũ Thị Thu Hường, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện khoa học xã hội.  

...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lại Nguyên Ân. (2018). Phan Khôi vấn đề phụ nữ ở nước ta. NXB Phụ nữ.

Hoàng Bá Thịnh. (2008). Giáo trình Xã hội học về giới. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngô Đức Thịnh. (1996). Đạo mẫu Việt Nam. Tập 1. NXB Tôn giáo. 

Ngô Đức Thịnh. (1996). Đạo mẫu Việt Nam. Tập 2. NXB Tôn giáo. 

Trương Tửu. (2018). Kinh thi Việt Nam. NXB Tri thức.

Lê Thị Quý. (2010). Giáo trình xã hội học giới. NXB Giáo dục Việt Nam.