I. ĐỌC HIỂU
ĐẤT QUÊ TA MÊNH MÔNG - Bùi Minh Quốc
Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh1.
Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh
Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
Hầm mẹ giăng như lũy như thành
Che chở mỗi bước chân con bước
Đất quê ta mênh mông
Quân thù không xâm hết được
Lòng mẹ rộng vô cùng
Đủ giấu cả sư đoàn2 dưới đất
Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Viết Nam…
Chú thích
1 Năm canh: là cách tính giờ trong một đêm của người xưa. Đồng hồ ban đêm được người xưa tính từ 7h00’ tối hôm trước đến 5h00’ sáng hôm sau. Một giờ được đặt là hai giờ. Theo cách tính này sẽ có năm giờ tương ứng với năm canh. (Nghĩa của câu thơ này tức là mẹ thức suốt đêm để đào hầm phục vụ cho kháng chiến mà không hề ngơi nghỉ)
2 Sư đoàn: là một đơn vị quân đội, thường bao gồm từ 10.000 đến 25.000 binh sĩ, có quy mô tương đối lớn trong quân đội, nhỏ hơn quân đoàn, lớn hơn trung đoàn.
Đọc văn bản “Đất quê ta mênh mông” và thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Xác định thể thơ của bài thơ trên.
Câu 2: Xác định chủ thể trữ tình của bài thơ.
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của cách ngắt nhịp, gieo vần trong bài thơ trên.
Câu 4: Xác định chủ đề bài thơ. Chủ đề đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật nào?
Câu 5. Chỉ ra biểu hiện và nêu tác dụng của phép tu từ đối lập được sử dụng trong hai câu thơ:
Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Câu 6. Anh chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai dòng thơ sau:
Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Viết Nam…
Câu 7. Thông điệp mà anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì? Vì sao chọn thông điệp đó?
II. LÀM VĂN
Viết 1 bài văn nghị luận trình bày cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:
Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh1.
Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh
Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
Hầm mẹ giăng như lũy như thành
Che chở mỗi bước chân con bước
(Trích “Đất quê ta mênh mông – Bùi Minh Quốc)