I. ĐỌC HIỂU
NGỤ NGÔN CỦA MỖI NGÀY - ĐỖ TRUNG QUÂN
“Ngồi cùng trang giấy nhỏ
Tôi đi học mỗi ngày
Tôi học cây xương rồng
Trời xanh cùng nắng bão
Tôi học trong nụ hồng
Màu hoa chừng rỏ máu
Tôi học lời ngọn gió
Chẳng bao giờ vu vơ
Tôi học lời của biển
Đừng hạn hẹp bến bờ
Tôi học lời con trẻ
Về thế giới sạch trong
Tôi học lời già cả
Về cuộc sống vô cùng....”
(Trích Ngụ ngôn của mỗi ngày - Đỗ Trung Quân)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1 : Xác định phương thức biểu đạt chính và thể thơ của bài thơ.
Câu 2: Xác định chủ thể trữ tình của bài thơ.
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đươc sử dụng trong đoạn thơ sau:
“Tôi học cây xương rồng
Trời xanh cùng nắng bão
Tôi học trong nụ hồng
Màu hoa chừng rỏ máu”
Câu 4: Xác định chủ đề bài thơ. Chủ đề đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật nào?
Câu 5: Theo anh/chị, bài thơ gửi đến người đọc thông điệp gì?
II. LÀM VĂN
Đề bài: Phân tích hai khổ thơ sau trong bài “ Ngụ ngôn của mỗi ngày”của tác giả Đỗ Trung Quân
“Tôi học lời ngọn gió
Chẳng bao giờ vu vơ
Tôi học lời của biển
Đừng hạn hẹp bến bờ
Tôi học lời con trẻ
Về thế giới sạch trong
Tôi học lời già cả
Về cuộc sống vô cùng....”
Tiểu dẫn :
Đỗ Trung Quân sinh ngày 19-1-1955 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông là một nghệ sĩ đa tài vừa là nhà thơ, nhà báo, MC trong một số chương trình âm nhạc, diễn viên... Ông sáng tác thành công giai đoạn sau 1975. Những bài thơ của ông dù viết về đề tài nào cũng luôn mang nét dung dị, mộc mạc, chứa chan tình yêu cuộc sống, con người thiết tha, nồng hậu.
Bài thơ “Ngụ ngôn của mỗi ngày” của tác giả Đỗ Trung Quân được in trong tập thơ Cỏ hoa cần gặp, Nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế (1991). Bài thơ gồm 5 khổ thơ, trong đó hai khổ trên ở vị trí thứ 3 và 4.