Banner cho bài viết:GỢI Ý LÀM CẤU TỨ TRONG THƠ TRỮ TÌNH
Ôn tập Ngữ Văn 11

GỢI Ý LÀM CẤU TỨ TRONG THƠ TRỮ TÌNH

ĐỀ 1: LÁ ĐỎ - NGUYỄN ĐÌNH THI

Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn

Em vẫy cười đôi mắt trong.

(Trường Sơn, 12/1974)

(Trích từ “Tuyển tập thơ Việt Nam giai đoạn chống Mĩ cứu nước”, Nguyễn Đình Thi, NXB Hội nhà văn, 1999)

Nhận xét cấu tứ của bài thơ

- Cách triển khai mạch cảm xúc: Mở đầu bài thơ là khung cảnh gặp gỡ và cảm xúc ngỡ ngàng, hạnh phúc của tác giả khi gặp em gái tiền phương. Mạch cảm xúc của bài thơ được nối tiếp bởi khung cảnh chiến trường khốc liệt. Khép lại bài thơ là lời hứa hẹn, hy vọng gặp lại và nỗi nhớ của tác giả về vẻ đẹp đôi mắt trong của cô gái tiền phương.

- Cách tổ chức hình tượng: Xuyên suốt bài thơ là các hình ảnh liên quan đến thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến. Bài thơ đi từ hình ảnh “lá đỏ”, biểu tượng cho khung cảnh chiến trường đến hình ảnh “vai áo bạc quàng súng trường”, “bụi Trường Sơn”, ca ngợi vẻ đẹp của cô gái tiền phương. Khép lại bài thơ là hình ảnh “Sài Gòn”, “đôi mắt trong” để thể hiện niềm tin chiến thắng và nỗi nhớ của nhà thơ.

ĐỀ 2: CẢNH KHUYA - HỒ CHÍ MINH  

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà           

(Việt Bắc 1947)

Nhận xét cấu tứ của bài thơ:

- Cách triển khai mạch cảm xúc: Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ sự rung động, niềm say mê trước vẻ đẹp như tranh vẽ của cảnh rừng Việt Bắc đến sự lo lắng, thao thức chưa ngủ vì lo nghĩ đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc của chủ thể trữ tình.

- Cách tổ chức hình tượng: Từ vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên được chấm phá qua hình ảnh “tiếng suối trong” “trăng lồng cổ thụ” đến hình ảnh thi nhân trong đêm trăng sáng với những suy tư về vận mệnh của đất nước.

ĐỀ 3:  TỪ ẤY - TỐ HỮU

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ  

Mặt trời chân lý chói qua tim  

Hồn tôi là một vườn hoa lá  

Rất đậm hương và rộn tiếng chim...  

 

Tôi buộc lòng tôi với mọi người  

Để tình trang trải với trăm nơi  

Để hồn tôi với bao hồn khổ  

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

  

Tôi đã là con của vạn nhà  

Là em của vạn kiếp phôi pha  

Là anh của vạn đầu em nhỏ  

Không áo cơm, cù bất cù bơ... 

 

Nhận xét cấu tứ của bài thơ.

*Cách triển khai mạch cảm xúc: Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng cách mạng đến những chuyển biến nhận thức mới về lẽ sống, ý thức trách nhiệm trước cuộc đời, tấm lòng chan chứa yêu thương với những mảnh đời bất hạnh.

*Cách triển khai hình tượng

- Mở đầu bài thơ là những hình ảnh biểu trưng cho lí tưởng cách mạng “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “vườn hoa lá” để diễn tả những tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tâm hồn của nhà thơ. Tiếp đến là những hình ảnh thơ đại diện cho cộng đồng “khối đời”, “kiếp phôi pha”, “em nhỏ” để thể hiện những chuyển biến mới về ý thức trách nhiệm với cộng đồng, kết nối yêu thương với quần chúng nhân dân.

ĐỀ 4: TRÀNG GIANG - HUY CẬN

                        Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Nhận xét cấu tứ của văn bản

- Cách triển khai mạch cảm xúc: Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ nỗi buồn, cô đơn của chủ thể trữ tình trước khung cảnh thiên nhiên bao la rộng lớn đến nỗi khát khao được giao hòa gắn kết với con người, với cuộc đời. Khép lại bài thơ là tình yêu quê hương, đất nước.

- Cách tổ chức hình tượng: Từ khung cảnh thiên nhiên bao la, rộng lớn nhưng hiu quạnh qua các hình ảnh “sóng”, “con thuyền”, củi một cành khô”, “cồn nhỏ”, “chợ chiều”, “sông dài”, ‘trời rộng”, “bèo nối hàng”... đến hình ảnh thể hiện sự thiếu vắng hình bóng con người “chuyến đò ngang”, “cây cầu” để gửi gắm nỗi lòng buồn, sầu, cô đơn của thi nhân. Khép lại bài thơ là hình ảnh “không khói hoàng hôn” mang đầy dụng ý, khẳng định nỗi nhớ quê luôn thường trực trong tâm trí, không cần chịu sự tác động bởi yếu tố ngoại cảnh.