Banner cho bài viết:ĐỌC HIỂU TRUYỆN THƠ TRUYỆN KIỀU - NGUYỄN DU (Trích đoạn Kiều gặp gỡ Kim Trọng)
Ôn tập Ngữ Văn 11

ĐỌC HIỂU TRUYỆN THƠ TRUYỆN KIỀU - NGUYỄN DU (Trích đoạn Kiều gặp gỡ Kim Trọng)

Đọc đoạn trích sau: 

Nẻo xa mới tỏ mặt người,

Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.

Hài văn lần bước dặm xanh (1),

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao (2).

Chàng Vương quen mặt ra chào,

Hai kiều e lệ nép vào cành hoa.

Nguyên người quanh quất đâu xa,

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh (3).

Nền phú hậu bậc tài danh (4),

Văn chương nết đất thông minh tính trời (5).

Phong tư tài mạo tót vời (6),

Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa (7).

[...]

Bóng hồng(8) nhác thấy nẻo xa,

Xuân lan thu cúc(9) mặn mà cả hai.

Người quốc sắc(10) kẻ thiên tài(11)

Tình trong như đã mặt ngoài còn e.

(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải,

NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, 1991)

Đoạn trích nằm trong phần Gặp gỡ (từ câu 141 đến câu 152): Nhân tiết Thanh minh, Thúy Kiều cùng hai em du xuân. Ở đây, nàng gặp Kim Trọng.

Chú thích:

(1) Hài văn: giày có thêu những đường vân nổi; dặm xanh: lối đi trên bãi cỏ xanh.

(2) Cây quỳnh cành dao: quỳnh và dao là hai giống cây cảnh thường được trồng cùng nhau. Ở đây ý nói Kim Trọng bước đi thì cảnh vật xung quanh như bừng lên vẻ đẹp hài hòa, tươi sáng.

(3) Nhà trâm anh: nhà quyền quý.

(4) Nền phú hậu: nền nếp gia đình giàu có; bậc tài danh: người tài giỏi, nổi tiếng.

(5) Văn chương nết đất: theo quan niệm xưa, một người tài năng đặc biệt (tài văn chương) là do linh khí, tổ tiên hun đúc nên; thông minh tính trời: tính thông minh do trời phú.

(6) Phong tư: dáng điệu, phong thái; tài mạo: vẻ mặt thông minh; tót vời: hơn hết thảy, tột đỉnh.

(7) Vào trong phong nhã: chỉ tính cách phong lưu, tao nhã; ra ngoài hào hoa: chỉ việc giao tiếp rộng rãi, ứng xử lịch sự, hào hiệp.

(8) Bóng hồng: chỉ người con gái

(9) Xuân lan thu cúc: ý nói hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân mỗi người có một vẻ đẹp riêng (như hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu).

(10) Người quốc sắc: người có sắc đẹp nổi tiếng trong cả nước, chỉ Thúy Kiều.

(11) Kẻ thiên tài: người có tài năng đặc biệt được trời phú cho, chỉ Kim Trọng.

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Xác định các sự kiện được kể trên đoạn trích?

Câu 2: Đoạn trích trên được thuật lại theo ngôi kể nào? Dựa vào đâu để bạn khẳng định như vây?

Câu 3: Liệt kê từ ngữ trong đoạn thơ miêu tả vẻ đẹp và phong thái của Kim Trọng?

Câu 4: Đoạn thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật nào nổi bật để miêu tả sắc đẹp và phẩm chất của Kim Trọng và hai chị em Thúy Kiều?

Câu 5: "Người quốc sắc kẻ thiên tài, tình trong như đã mặt ngoài còn e" thể hiện thái độ và tình cảm của Kim Trọng và Thúy Kiều trong lần gặp gỡ đầu tiên như thế nào?

Câu 6: Trong văn học Việt Nam, hình tượng "quốc sắc thiên tài" thường được dùng để miêu tả những cặp đôi hoàn hảo. Em có thể kể tên một cặp đôi tương tự trong một tác phẩm khác và so sánh với Kim Trọng – Thúy Kiều?

Câu 7: Dấu hiệu nào trong đoạn trích cho biết đây là truyện thơ Nôm bác học.