Banner cho bài viết:ĐỌC HIỂU TRUYỆN THƠ NÔM - THẠCH SANH
Ôn tập Ngữ Văn 11

ĐỌC HIỂU TRUYỆN THƠ NÔM - THẠCH SANH

TRUYỆN THƠ NÔM - THẠCH SANH

Đọc đoạn trích sau:

 Đàn kêu: Ai chém chằn tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: Ai chém xà vương,
Đem nàng công chúa triều đường về đây?
Đàn kêu: Hỡi Lý Thông mày,
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân,
Đàn kêu: Sao ở bất nhơn (1)
Biết ăn quả lại quên ơn người giồng!
Đàn kêu năn nỉ trong lòng,
Tiếng tơ tiếng trúc đều cùng như du.
Đàn kêu: Trách Hán, quên Hồ
Trách Tần quên Sở, trách Ngô quên Tề.
Đàn kêu thấu đến cung phi,
Trách nàng công chúa vậy thì sai ngoa!
Nàng đương rầu rĩ mặt hoa,
Tiếng đàn lừng lẫy như là oán ân.
Khác nào như cỏ phùng xuân(2)
Cười cười, nói nói trước sân trình bày.
Rằng:“Đàn ai gảy đâu đây?
Xin cha đòi lại ngày rày cho tôi.”
Viện vương nghe nói phút cười,
Trong lòng hớn hở mừng vui nào tày,
Rằng:“Từ phải nạn đến nay
Làm sao con cứ chẳng hay nói mà?
Làm cho chua xót lòng cha
Cầu trời khấn Phật, kể đà hết hơi,
Hay là nghe tiếng đàn người
Thì con phải nói khúc nhôi(3) cha tường.”
Nàng nghe bày tỏ mọi đường,
Rằng:“Người đàn ấy thực chàng cứu tôi.
Dưới hang đã ngỏ một nhời,(4)
Rằng về loan phượng kết đôi duyên vàng.(5)
Lý Thông bạc ác phũ phàng,
Cửa hang lấp lại tìm đường tranh công.
Vì con lâu chẳng thấy chồng,
Trong lòng luống những giận lòng câm đi.”
               (Tổng tập văn học Việt Nam, tập 10, tr 930 - 932, NXB Khoa học xã hội)
Chú thích:

  1. Phùng xuân: gặp mùa xuân
  2. Bất nhơn: bất nhân
  3. Khúc nhôi: nỗi niềm, sự tình thầm kín, khó nói ra
  4. Một nhời: một lời
  5. Loan phượng: chim loan chim phượng sánh đôi với nhau, ý chỉ kết duyên vợ chồng

     Vị trí đoạn trích: Ở trong ngục Thạch Sanh đem đàn ra gẩy, kì lạ thay tiếng đàn của chàng thánh thót vạch tội Lý Thông ăn ở bất nhân và trách nàng công chúa không giữ lời ước hẹn. Công chúa Quỳnh Nga nghe thấy tự nhiên khỏi bệnh và bày tỏ nỗi oan của chàng với nhà vua.
     Tóm tắt truyện thơ Thạch Sanh: Vợ chồng già Thạch Nghĩa làm nghề đốn củi, sống nhân đức nhưng không có con. Ngọc Hoàng thương tình cho Thái tử xuống đầu thai. Cha mẹ mất, Thạch Sanh sống côi cút bên gốc đa. Năm mười ba tuổi được tiên ông xuống trần dạy cho võ nghệ, phép thuật.
     Lý Thông thấy Thạch Sanh tài giỏi lại dễ tin người nên ngỏ ý kết nghĩa anh em. Lúc ấy trong vùng có một con chằn tinh hung hăng, mỗi năm dân làng phải nộp cho nó một chàng trai trẻ thì mới yên ổn. Năm ấy đến lượt Lý Thông, nhưng Lý Thông lại lừa Thạch Sanh đi thay. Đến miếu, Thạch Sanh giết chết chằn tin, chặt đầu mang về. Thấy vậy, Lý Thông lừa cướp công, bảo Thạch Sanh trốn nhanh vào rừng vì đã giết vật báu của vua. Lý Thông vào triều dâng công, được phong chức, sống giàu sang.
     Bấy giờ, công chúa Quỳnh Nga bị đại bàng tinh bắt đi. Vua hứa gả con gái và truyền ngôi cho Lý Thông nếu cứu được công chúa. Lý Thông tìm đến Thạch Sanh, dỗ dành, lừa chàng đi cứu công chúa. Khi xuống hang, Thạch Sanh cứu được công chúa, ra hiệu cho Lý Thông kéo nàng lên. Công chúa bình an, Lý Thông bèn lấy đá đóng lại cửa hang. Ở dưới hang, Thạch Sanh giết chết được đại bàng tinh, cứu hoàng tử của vua Thủy Tề. Báo ân chàng, vua Thủy Tề tặng một chiếc đàn theo ước nguyện của Thạch Sanh.
     Công chúa được cứu nhưng vì uất hận mà hóa câm. Bấy giờ, hồn chằn tinh và đại bàng tinh bàn kế hãm hại Thạch Sanh. Thạch Sanh bị bắt vào tù vì tội ăn cắp bạc của vua. Trong tù, Thạch Sanh lấy đàn thần ra gẩy, tiếng đàn khiến cho công chúa nói cười trở lại và minh oan cho Thạch Sanh.
     Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, nhưng trên đường về quê Lý Thông bị sét đánh chết, hóa kiếp thành bọ hung. Nhà vua truyền ngôi cho Thạch Sanh, từ đó Thạch Sanh cùng công chúa sống hạnh phúc trong cảnh đất nước thanh bình.

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Đoạn trích trên được thuật lại theo ngôi kể nào? Dựa vào đâu để em khẳng định như vây?

Câu 2: Liệt kê các lời thoại của nhân vật và cho biết tác dụng.

Câu 3: Xác định nội dung của đoạn trích.

Câu 4: Dấu hiệu nào trong đoạn trích trên cho thấy đây là một truyện thơ dân gian.

Câu 5: Qua đoạn trích, em rút ra được thông điệp gì?