Đọc văn bản và trả lời những câu hỏi sau:
RAU CÀNG CUA (BÙI QUANG MINH)
Ký ức với tôi là những khoảnh khắc trong trẻo như ánh ban mai đang lăn trên mái tóc của cô bé cạnh nhà. Tôi may mắn khi cả tuổi thơ tuy nghèo khổ nhưng đủ đầy hơi ấm của mẹ và nét trượng nghĩa từ bố. Trong vô vàn những điều ấm áp của ngày xưa đó có lẽ điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là cây Rau Càng Cua.
Hồi nhỏ xíu. Tôi là một cậu bé con tròn ỉn với đôi gò má phúm phím đầu chẻ bảy ba cổ điển và thích ngắm mưa rơi. Sau mỗi trận mưa nhìn ra chậu kiểng sẽ thấy từng đụm từng đụm rau càng cua con lúm phúm nhô lên. Thoạt đầu chỉ nhỏ li ti với hai lá mầm hình trái tim. Vậy mà chỉ độ tuần sau là chúng đã tầm 5cm và cứng cáp thấy rõ. Phần đầu có một cái vòi nhỏ vươn mình ra và bao bọc là những chiếc hạt nhỏ xinh.
Bố tôi nói chính những cái hạt nhỏ đó khi rớt xuống đất sẽ là xuất phát điểm của những cây con mới. Mà cũng lạ đời! Hễ thấy bụi cây nào um tùm xum xuê một chút ta tách ra mấy góc mang ghim đi trồng ở chỗ khác thì cứ xìu xìu không có sức sống. Vậy mà cứ để “cây dại sống đời cây dại” thì cây sống mãnh liệt lắm! Không những mọc từ đất thịt mà còn mọc ra từ đít chậu kẹt tường hay chỗ nào ẩm ướt một chút thì sức sống bỗng rạo rực. Cây bung bung từng đọt từng thân mập ú. Làm gì thì làm đến chừng ngó bộ thấy chúng đã xum xuê ngoài vườn tôi thường lon ton cắp rổ ra thu hoạch. Bố nói khi thu hoạch không nên nhổ cả gốc cây lẫn chùm rễ vì sẽ làm chết cây những lần sau không còn để hái. Thu hoạch thì nên dùng dao bén hay ngón tay bấm ngang thân, chỉ lấy phần non phần già giữ lại gầy tiếp cho những đợt sau. Tận hưởng thiên nhiên nhưng không tận diệt nó! […]
Những năm bao cấp khốn khổ hầu như nhà nào cũng thiếu đói. Rau Xà Lách người ta cũng bán đầy ngoài chợ chứng tỏ nó không quá đắt vậy mà có bữa nhà tôi còn không có tiền để mua. Vậy là nhà lại chọn rau Càng Cua để thay cho Xà Lách. Lấy rau này trộn giấm chua ngọt rắc tí đậu phộng rang lên trên. Vậy là cả nhà đã quây quần cùng nhau trong buổi chiều mưa rả rít. Nồi cơm nóng, tộ cá rô kho tiêu cay nồng và thau càng cua trộn chua ngọt. Đời còn gì sung sướng bằng… Thời thế nổi trôi – cuộc đời có những bước ngoặt đến ngỡ ngàng. Giờ mấy món cùn cùn lại nối đuôi nhau vào nhà hàng. Đi cùng con trai đi dự một đám cưới sang trọng. Bé nó chỉ vào menu trên bàn ý hỏi sao lại có món Càng Cua dầu giấm thịt bò “Bố! Cái cây xanh lè xanh lét này nhà mình mọc đầy…có ăn bao giờ đâu Bố?”. Thiệt tình thì tôi cũng không biết cắt nghĩa như thế nào cho bé hiểu. Có lẽ đến một lúc nào đó cái gu ẩm thực của người đã thay đổi. Có lúc thèm đến quay quắt những món bình dân như thế này!
Mấy bữa nay nắng rát cả mặt thèm lắm một cơn mưa dại để thổi mát lòng người cùng cảnh vật. Ngó ra ngoài vườn thấy mấy nhúm Rau Càng Cua cũng thiếu nước dẫn đến héo queo. Tôi lại lăng xa lăng xăng xách vài gàu nước ra tưới. Con trai nhìn theo ngơ ngác hỏi: Bố ơi! Bố trồng rau xanh lè xanh lét này để bán lại cho nhà hàng ạ? Tự nhiên thấy cổ họng đắng chát. Ôi! Cuộc sống có những điều gần gũi mà mãi chúng mình đã lãng quên …
(Nguồn: https://tanvanhay.vn/)
Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Theo văn bản, bố của tác giả đã dặn dò những gì khi thu hoạch rau càng cua?
Câu 3. Chỉ ra yếu tố tự sự, yếu tố trữ tình và tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố trong đoạn văn sau: “Những năm bao cấp khốn khổ hầu như nhà nào cũng thiếu đói. Rau Xà Lách người ta cũng bán đầy ngoài chợ chứng tỏ nó không quá đắt vậy mà có bữa nhà tôi còn không có tiền để mua. Vậy là nhà lại chọn rau Càng Cua để thay cho Xà Lách. Lấy rau này trộn giấm chua ngọt rắc tí đậu phộng rang lên trên. Vậy là cả nhà đã quây quần cùng nhau trong buổi chiều mưa rả rít. Nồi cơm nóng, tộ cá rô kho tiêu cay nồng và thau càng cua trộn chua ngọt. Đời còn gì sung sướng bằng…”
Câu 4. Xác định cảm hứng chủ đạo của văn bản của văn bản.
Câu 5. Em hiểu như thế nào về câu nói của bố tác giả: “Tận hưởng thiên nhiên nhưng không tận diệt nó!”?
Câu 6. Nhận xét cái tôi của tác giả. Em rút ra được bài học gì sau khi đọc văn bản trên.