MÙA ĐÔNG TRÊN VÙNG CAO - NGUYỄN PHƯƠNG ĐÔNG
Đọc văn bản sau:
Tiếng gà gáy sáng, phong cảnh núi rừng vẫn chìm trong sương mù đặc quánh, bầu trời trĩu nặng âm u, cảnh sắc trầm mặc yên tĩnh. Người bộ hành cách nhau vài mét đã không thấy rõ mặt. Sương phủ trắng núi rừng mịt mù, sương ùa vào nhà, quấn lấy người đi đường. Những chiếc xe tải, xe khách chở hàng đi chậm rãi như bò trên đường dốc quanh co, ngoằn ngoèo.
Các loại đèn pha, đèn gầm được bật sáng để đảm bảo cho chuyến đi an toàn. Thỉnh thoảng có những tốp người đi làm dãy sớm, trên lưng đeo gùi, dao, hái… Khuôn mặt bịt kín mít để tránh cái giá lạnh tê tái của miền rừng núi. Những bước đi lọc cọc của những chú trâu, ngựa thồ hàng nghe thật vui tai. Chúng được chăm sóc chu đáo nên rất to, khỏe, lực lưỡng, khoác trên mình chúng là những tấm chăn sui để giữ ấm cho mùa đông giá lạnh. Xa xa những nếp nhà ẩn hiện mờ ảo, chỉ có ánh lửa hồng trong bếp nhà ai len lỏi giữa trời đông giá buốt của núi rừng Tây Bắc.
Đến gần trưa, bầu trời cao và nhẹ hơn. Những mảng mây và sương mù tan dần. Núi rừng, làng bản hiện rõ trong thung lũng xanh. Mọi hoạt động nơi đây trở nên sôi động hơn. Những nếp nhà sàn của bà con dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao quây quần, tụ hợp thành bản, làng. Những nếp nhà được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, tranh tre nhưng rất đẹp và thoáng mát, nay được che kín, căn nhà trở nên ấm áp hơn. Hai bên thung lũng hiện rõ những nương lúa, nương ngô, khoai, sắn… Sương tan để lại màu xanh tươi non sen lẫn sắc màu áo quần, xiêm mũ rực rỡ của bà con các dân tộc đi làm nương. Thỉnh thoảng các bà, các chị lại cất lên giọng hát ru, xen lẫn tiếng cười đùa rôm rả làm cho cảnh sắc núi rừng vùng núi cao thêm sinh động.
Những thửa ruộng bậc thang, đồi chè nối tiếp nhau dàn trải tít tắp bờ xa. Những trang trại, phát triển quy mô rộng lớn. Hai bên đường đi bát ngát vườn mai, vườn đào… đang chuẩn bị nở hoa. Nụ xinh chúm chím, mầm lộc đang vươn chồi xanh tươi nõn nà, báo hiệu mùa xuân đang tới.
Giữa bản là khu hành chính cùng với ngôi trường tiểu học được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Bầy trẻ thơ ríu rít vui đùa trong giờ ra chơi. Các già làng trong bản đốt đống lửa to giữa sân nhà sưởi ấm cả không gian giá lạnh. Mùi sắn, khoai nướng chín thơm nức lòng. Một cảm giác ngất ngây trước cảnh đẹp hùng vĩ và độc đáo của núi rừng Tây Bắc mà ta không thể quên đó là những món ẩm thực như thắng cố, nậm pịa và nhiều loại cây trái … thơm lừng.
Chúng ta không thể quên những phiên chợ vùng cao, bao chàng trai, cô gái xuống chợ tình thành đôi. Đặc biệt là các mặt hàng thổ cẩm được thêu dệt thủ công của bà con các dân tộc, nét hoa văn, màu sắc đa dạng, độc đáo, bắt mắt. Khách du lịch rất thích, mỗi người đều mua một vài thứ làm kỷ niệm cho chuyến đi. Đứng trên đỉnh dốc phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh núi rừng, trời mây non nước thật tuyệt đẹp, phong cảnh như một thiên đường phù vân, đưa ta lạc vào cõi tiên. Được chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây, ta cảm nhận sâu sắc hơn về sự giàu đẹp, nên thơ của đất nước, về cuộc sống đổi mới ấm no, hạnh phúc của bà con các dân tộc vùng cao Tây Bắc đang đổi thay theo đà phát triển của đất nước.
Đến với vùng cao Tây Bắc phong cảnh hữu tình, mê hoặc lòng người, với những danh lam thắng cảnh, lòng hiếu khách của bà con các dân tộc làm ta mê say, thêm yêu đất nước. Hòa Bình là niềm tự hào của sự đoàn kết các dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh tươi đẹp. Cái giá lạnh của núi rừng vùng cao cho ta thêm thi vị về cuộc sống nét riêng, lạ, đặc trưng của miền sơn cước "Khi đi để nhớ, khi về để thương”.
https://www.baohoabinh.com.vn/235/113889/Mua-dong-tren-vung-cao-.htm
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1: Xác định thể loại của văn bản.
Câu 2: Xác định chủ đề của văn bản. Căn cứ vào đâu để xác định chủ đề.
Câu 3: Chỉ ra một câu hoặc đoạn văn có sử dụng yếu tố miêu tả. Nêu tác dụng của yếu tố đó trong văn bản.
Câu 4: Xác định ít nhất một đặc điểm của ngôn ngữ văn học được thể hiện trong đoạn văn sau. Và cho biết căn cứ vào đâu em xác định như vậy.
Câu 5: Xác định và chỉ ra cách giải thích nghĩa của từ “hữu tình”.
Câu 6: Nhận xét cái tôi của tác giả.
Câu 7: Tác giả cho rằng “Cái giá lạnh của núi rừng vùng cao cho ta thêm thi vị về cuộc sống nét riêng, lạ, đặc trưng của miền sơn cước "Khi đi để nhớ, khi về để thương”, em có đồng ý với quan điểm đó không? Vì sao?
GỢI Ý ĐÁP ÁN:
Câu 1: Xác định thể loại của văn bản.
- Tản văn
Câu 2: Xác định chủ đề của văn bản. Căn cứ vào đâu để xác định chủ đề.
- Chủ đề: Vẻ đẹp nên thơ hữu tình và cuộc sống mới của các dân tộc vùng cao Tây Bắc.
- Căn cứ vào:
+ Nhan đề của văn bản
+ Các chi tiết tác giả kể, miêu tả lại vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt của con người trên Tây Bắc
+ Các câu văn bộc lộ cảm xúc của tác giải: vùng cao Tây Bắc phong cảnh hữu tình, mê hoặc lòng người, với những danh lam thắng cảnh, lòng hiếu khách của bà con các dân tộc làm ta mê say, thêm yêu đất nước; Một cảm giác ngất ngây trước cảnh đẹp hùng vĩ và độc đáo của núi rừng Tây Bắc mà ta không thể quên đó là những món ẩm thực như thắng cố, nậm pịa và nhiều loại cây trái … thơm lừng; Khi đi để nhớ, khi về để thương.
Câu 3: Chỉ ra một câu hoặc đoạn văn có sử dụng yếu tố miêu tả. Nêu tác dụng của yếu tố đó trong văn bản.
- Đoạn văn có sử dụng yếu tố miêu tả: Những thửa ruộng bậc thang, đồi chè nối tiếp nhau dàn trải tít tắp bờ xa. Những trang trại, phát triển quy mô rộng lớn. Hai bên đường đi bát ngát vườn mai, vườn đào… đang chuẩn bị nở hoa. Nụ xinh chúm chím, mầm lộc đang vươn chồi xanh tươi nõn nà, báo hiệu mùa xuân đang tới.
- Tác dụng: Giúp làm rõ những thay đổi, phát triển và sự trù phú của thiên nhiên, vẻ đẹp nên thơ hữu tình của vùng cao Tây Bắc lúc Đông sang.
Câu 4: Xác định ít nhất một đặc điểm của ngôn ngữ văn học được thể hiện trong đoạn văn sau. Và cho biết căn cứ vào đâu em xác định như vậy.
Đến với vùng cao Tây Bắc phong cảnh hữu tình, mê hoặc lòng người, với những danh lam thắng cảnh, lòng hiếu khách của bà con các dân tộc làm ta mê say, thêm yêu đất nước. Hòa Bình là niềm tự hào của sự đoàn kết các dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh tươi đẹp. Cái giá lạnh của núi rừng vùng cao cho ta thêm thi vị về cuộc sống nét riêng, lạ, đặc trưng của miền sơn cước "Khi đi để nhớ, khi về để thương”.
- Đặc điểm ngôn ngữ văn học được thể hiện trong đoạn văn trên:Tính biểu cảm, truyền cảm.
+ Căn cứ vào cách tác giả bộc lộ tình cảm, cảm xúc say đắm, tự hào dành cho vùng cao Tây Bắc, qua các từ ngữ bộc lộ cảm xúc, tình cảm như: mê say, thêm yêu đất nước; thêm thi vị về cuộc sống nét riêng, lạ;Khi đi để nhớ, khi về để thương.
+ Căn cứ vào các biện pháp tu từ liệt kê: “danh lam thắng cảnh, lòng hiếu khách của bà con đã bày tỏ được tình cảm của tác giả.
Câu 5: Xác định và chỉ ra cách giải thích nghĩa của từ “hữu tình”.
- Hữu tình: hữu:có; tình: tình cảm => hữu tình : có tình cảm, tình ý: => Cách giải giải thích nghĩa của từ: giải thích nghĩa của từng thành tố cấu tạo nên từ.
- Hữu tình: một cảm giác gần gũi, thân mật (đối với con người), một vẻ đẹp hấp dẫn, gợi cảm, nên thơ (đối với thiên nhiên) => Cách giải giải thích nghĩa của từ: Phân tích nội dung nghĩa của từ.
Câu 6: Nhận xét cái tôi của tác giả.
- Cái tôi yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước. Cái tôi tinh tế, trân trọng những điều bình dị của quê hương.
Câu 7: Tác giả cho rằng “Cái giá lạnh của núi rừng vùng cao cho ta thêm thi vị về cuộc sống nét riêng, lạ, đặc trưng của miền sơn cước "Khi đi để nhớ, khi về để thương”, em có đồng ý với quan điểm đó không? Vì sao?