Banner cho bài viết:ĐỀ THI NGỮ VĂN 11 HỌC KÌ 2 NĂM 2024 - NHỮNG NGÔI SAO HÌNH QUANG GÁNH
Ôn tập Ngữ Văn 11

ĐỀ THI NGỮ VĂN 11 HỌC KÌ 2 NĂM 2024 - NHỮNG NGÔI SAO HÌNH QUANG GÁNH

I. ĐỌC HIỂU (6 ĐIỂM)

Đọc ngữ liệu sau:
NHỮNG NGÔI SAO HÌNH QUANG GÁNH

Họ gánh về cho tôi mùa ổi mùa xoài mùa mận

Mùa sen mùa cốm trên vai

Cả nắng ban mai cả hoàng hôn tím

Ngày đi rưng rưng đôi dép lê

 

[...] Họ gánh về cổng tôi bao mùa trinh nguyên, những mùa

tôi sẽ quên nếu thiếu họ

Hương nhãn Hưng Yên vừa vào mùa, sen Tây Hồ vừa nở,

cốm làng Vòng vừa trăn trở những hạt xanh

Họ gánh tặng tôi ngọn gió mát lành đồng quê

Nơi mẹ và con và chồng họ đứng chờ

Nơi những cơn mơ
Vùng vằng khát

 

Tôi văng vẳng nghe họ hát
“Khó thời đòn gánh đè vai
Lần hồi nuôi mẹ mặc ai chê cười [1]”

 

Những ngôi sao của tôi

Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận

Vô danh giữa đời thường

Dẫu đôi lúc đặt vào mắt tôi bao tia nhìn mang hình dấu hỏi.

    (Trích Những ngôi sao hình quang gánh, Nguyễn Phan Quế Mai, NXB Hội nhà văn, 2011, tr.18)

Chú thích: Nguyễn Phan Quế Mai (1973), quê Ninh Bình. Các sáng tác của Nguyễn Phan Quế Mai đóng vai trò là cầu nối văn chương Việt Nam và thế giới, tiếng nói cho hòa bình, bình đẳng.

- Bài thơ Những ngôi sao hình quang gánh đạt giải nhất cuộc thi viết về Hà Nội.

  1.  Ca dao

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định chủ thể trữ trình của văn bản.

Câu 2 (1,0 điểm): Hình ảnh “những ngôi sao” ở khổ thơ cuối để chỉ ai? Nêu cảm hứng chủ đạo của văn bản trên.

Câu 3 (1,5 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong khổ thơ sau:

Họ gánh về cổng tôi bao mùa trinh nguyên, những mùa

tôi sẽ quên nếu thiếu họ

Hương nhãn Hưng Yên vừa vào mùa, sen Tây Hồ vừa nở,

cốm làng Vòng vừa trăn trở những hạt xanh

Câu 4 (1,5 điểm): Nhận xét về cấu tứ của bài thơ (thể hiện qua cách triển khai mạch cảm xúc và tổ chức hình tượng trong bài thơ).

Câu 5 (1,5 điểm): Từ nội dung văn bản, em có suy nghĩ gì về ý nghĩa của sự cảm thông, thấu hiểu trong cuộc sống? (Trả lời khoảng 5 - 7 dòng)

II. LÀM VĂN (4 ĐIỂM)

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật trong bài thơ Những ngôi sao hình quang gánh của Nguyễn Phan Quế Mai.

 

HƯỚNG DẪN CHẤM NGỮ VĂN 11

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1:

- Chủ thể trữ tình trực tiếp qua đại từ nhân xưng “Tôi”

Câu 2:

 - Hình ảnh “những ngôi sao” ở khổ thơ cuối: chỉ những người bán hàng rong.

- Cảm hứng chủ đạo: Sự đồng cảm, biết ơn của tác giả đối với thân phận của những người gánh hàng rong.

Câu 3:

- Biện pháp tu từ liệt kê: Hương nhãn Hưng Yên, sen Tây Hồ, cốm làng Vòng. Tác dụng: Diễn tả đầy đủ/ tạo nên sự phong phú, đa dạng về những thức quà mang hương vị quê hương trên đôi quang gánh. Tạo ấn tượng mạnh về hình ảnh và cảm xúc cho người đọc.

- Điệp từ “họ”: Nhấn mạnh sự trân trọng, biết ơn của tác giả dành cho những người gánh hàng rong. Tạo sự liên kết hài hòa, nhịp nhàng.

Câu 4:

- Cách triển khai mạch cảm xúc: Từ sự biết ơn, trân trọng những thức quà trên đôi quang gánh đến sự đồng cảm, thấu hiểu, suy tư, trăn trở về cuộc sống mưu sinh vất vả của những người gánh hàng rong.

- Cách tổ chức hình tượng trong bài thơ: Đi từ hình tượng đôi quang gánh với những thức quà bình dị, mang hương vị quê hương “ổi, xoài, mận, cốm, nắng ban mai, hoàng hôn tím, nhãn Hưng Yên, sen Tây Hồ, đồng quê...” đến hình tượng “những ngôi sao” - biểu tưởng cho cái đẹp của những số phận vô danh.

Câu 5:

- Gợi ý: Sự đồng cảm, thấu hiểu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống.

+ Khi biết đồng cảm, thấu hiểu ta sẽ biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác từ đó giúp con người biết yêu thương và sống trách nhiệm với cộng đồng.

+ Giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có thêm sức mạnh, niềm tin trong cuộc sống.

+ Tạo nên sự gắn kết giữa người và người, giúp xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân văn hơn.

II. LÀM VĂN

Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận (tên tác phẩm, tác giả, khái quát nội dung, ý nghĩa của tác phẩm hoặc nêu định hướng của bài viết)

Thân bài

 Phân tích, đánh giá đặc sắc về nội dung của bài thơ:

- Thân phận, vẻ đẹp của những người gánh hàng rong:

+ Lam lũ, vất vả, thiếu thốn, mang gánh nặng gia đình

+ Tần tảo, giàu đức hi sinh

- Giá trị của những món hàng trên đôi quang gánh:

+ Là món quà bình dị của quê hương, tinh hoa đất Bắc

+ Khơi gợi lại kí ức tuổi thơ, mùi vị của quê nhà.

- Cảm xúc, tình cảm của chủ thể trữ tình:

+ Đồng cảm, thấu hiểu.

+ Trăn trở, suy tư trước số phận hẩm hiu, vô danh giữa đời thường.

+ Trân trọng, biết ơn, xem những người gánh hàng rong là những ngôi sao trên bầu trời.

- Thông điệp của tác phẩm: Trân trọng, biết ơn những con người vô danh, cống hiến thầm lặng.

Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về nghệ thuật:

- Nhan đề: một hình ảnh thơ giàu sức gợi.

- Thể thơ: Tự do, câu thơ viết theo lối ngắt dòng giúp tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc, tình cảm.

- Ngôn ngữ: bình dị, gần gũi, sử dụng nhiều biện pháp tu từ: liệt kê, điệp từ, so sánh, đảo ngữ, lấy chất liệu từ văn học dân gian (ca dao)...

- Hình ảnh thơ bình dị, mang hương sắc quê nhà.

- Hình tượng Những ngôi sao thể hiện rõ được chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

- Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, nhịp thơ ngắt quãng sáng tạo, cấu tứ bài thơ độc đáo.

Kết bài:

Khẳng định giá trị của tác phẩm hoặc nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân người đọc.