I. ĐỌC HIỂU (6 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ THĂNG HOA CÙNG THỜI GIAN
TTXVN - Năm 2023 đánh dấu chặng đường 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Suốt chặng đường đó, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng những người làm công tác văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công Nhã nhạc cung đình Huế đã không ngừng nghỉ bảo tồn, phát huy di sản.
Chặng đường di sản
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Di sản Cố đô, Ký ức và Trao truyền”. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Khác với ca trù phát sinh từ dân gian rồi vào cung đình, Nhã nhạc có quá trình hình thành, lan tỏa trái ngược và được UNESCO đánh giá là loại hình âm nhạc duy nhất đạt tới tầm vóc quốc gia trong các thể loại nhạc cổ truyền.
Nhã nhạc cung đình xuất hiện vào những năm đầu của triều Lý (1010 - 1225). Tuy nhiên, phải đến thời Nguyễn (1802 - 1945), loại hình âm nhạc này mới thực sự phát triển rực rỡ. Âm nhạc của Nhã nhạc cung đình tao nhã, thiêng liêng thường dùng trình diễn trong các dịp đại lễ trang nghiêm của triều đình, cúng tế thần linh và không thể thiếu dưới triều đại bấy giờ. Từ đây, Nhã nhạc gắn liền với cung đình Huế và phát triển theo mô thức quy phạm đúng chuẩn, bài bản với hàng trăm nhạc chương. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, Nhã nhạc cung đình Huế đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
Từ năm 1992, công tác bảo tồn Nhã nhạc cung đình được triển khai và dần được thế giới biết đến. Năm 1994, UNESCO tổ chức Hội nghị quốc tế các chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể tại Thừa Thiên - Huế. Tại đây, một chương trình quốc gia khôi phục và nghiên cứu Nhã nhạc cung đình Huế được đệ trình UNESCO. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa và Thông tin cùng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lập hồ sơ ứng cử cấp quốc gia Nhã nhạc Huế - Nhạc Cung đình Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của thế giới.
Giáo sư Trần Văn Khê là người đã có nhiều đóng góp trong việc đưa Nhã nhạc cung đình Huế (âm nhạc cung đình Việt Nam) đệ trình UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Không chỉ góp phần hoàn thiện bộ hồ sơ đệ trình, sinh thời, giáo sư còn ghi dấu khi trực tiếp giới thiệu, chơi nhạc cụ truyền thống trước các bạn bè quốc tế.
Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (từ năm 2008 gọi là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) và là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận. Từ đây, Việt Nam có chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị loại hình âm nhạc này.
https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/nha-nhac-cung-dinh-hue-thang-hoa-cung-thoi-gian/20037.html
Câu 1 (0,5 điểm): Theo tác giả, ai là người đã có nhiều đóng góp trong việc đưa Nhã nhạc cung đình Huế đệ trình UNESCO?
Câu 2 (1,0 điểm): Xác định kiểu văn bản và phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 3 (1,5 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của các yếu tố hình thức trong văn bản trên.
Câu 4 (1,5 điểm): Xác định cách trình bày dữ liệu, thông tin của văn bản. Chỉ ra hiệu quả của cách trình bày ấy.
Câu 5 (1,5 điểm): Em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Nhã nhạc cung đình Huế trước bối cảnh văn hóa hội nhập. Đề xuất hai giải pháp cụ thể góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa này.
II. LÀM VĂN (4 ĐIỂM)
Em hãy viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật trong trích đoạn truyện thơ Thạch Sanh:
Đàn kêu: Ai chém chằn tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: Ai chém xà vương,
Đem nàng công chúa triều đường về đây?
Đàn kêu: Hỡi Lý Thông mày,
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân,
Đàn kêu: Sao ở bất nhơn (1)
Biết ăn quả lại quên ơn người giồng!
Đàn kêu năn nỉ trong lòng,
Tiếng tơ tiếng trúc đều cùng như du.
Đàn kêu: Trách Hán, quên Hồ
Trách Tần quên Sở, trách Ngô quên Tề.
Đàn kêu thấu đến cung phi,
Trách nàng công chúa vậy thì sai ngoa!
Nàng đương rầu rĩ mặt hoa,
Tiếng đàn lừng lẫy như là oán ân.
Khác nào như cỏ phùng xuân(2)
Cười cười, nói nói trước sân trình bày.
Rằng:“Đàn ai gảy đâu đây?
Xin cha đòi lại ngày rày cho tôi.”
Viện vương nghe nói phút cười,
Trong lòng hớn hở mừng vui nào tày,
Rằng:“Từ phải nạn đến nay
Làm sao con cứ chẳng hay nói mà?
Làm cho chua xót lòng cha
Cầu trời khấn Phật, kể đà hết hơi,
Hay là nghe tiếng đàn người
Thì con phải nói khúc nhôi(3) cha tường.”
Nàng nghe bày tỏ mọi đường,
Rằng:“Người đàn ấy thực chàng cứu tôi.
Dưới hang đã ngỏ một nhời,(4)
Rằng về loan phượng kết đôi duyên vàng.(5)
Lý Thông bạc ác phũ phàng,
Cửa hang lấp lại tìm đường tranh công.
Vì con lâu chẳng thấy chồng,
Trong lòng luống những giận lòng câm đi.”
(Tổng tập văn học Việt Nam, tập 10, tr 930 - 932, NXB Khoa học xã hội)
Chú thích:
-
Phùng xuân: gặp mùa xuân
-
Bất nhơn: bất nhân
-
Khúc nhôi: nỗi niềm, sự tình thầm kín, khó nói ra
-
Một nhời: một lời
-
Loan phượng: chim loan chim phượng sánh đôi với nhau, ý chỉ kết duyên vợ chồng
Vị trí đoạn trích: Ở trong ngục Thạch Sanh đem đàn ra gẩy, kì lạ thay tiếng đàn của chàng thánh thót vạch tội Lý Thông ăn ở bất nhân và trách nàng công chúa không giữ lời ước hẹn. Công chúa Quỳnh Nga nghe thấy tự nhiên khỏi bệnh và bày tỏ nỗi oan của chàng với nhà vua.
Tóm tắt truyện thơ Thạch Sanh: Vợ chồng già Thạch Nghĩa làm nghề đốn củi, sống nhân đức nhưng không có con. Ngọc Hoàng thương tình cho Thái tử xuống đầu thai. Cha mẹ mất, Thạch Sanh sống côi cút bên gốc đa. Năm mười ba tuổi được tiên ông xuống trần dạy cho võ nghệ, phép thuật.
Lý Thông thấy Thạch Sanh tài giỏi lại dễ tin người nên ngỏ ý kết nghĩa anh em. Lúc ấy trong vùng có một con chằn tinh hung hăng, mỗi năm dân làng phải nộp cho nó một chàng trai trẻ thì mới yên ổn. Năm ấy đến lượt Lý Thông, nhưng Lý Thông lại lừa Thạch Sanh đi thay. Đến miếu, Thạch Sanh giết chết chằn tin, chặt đầu mang về. Thấy vậy, Lý Thông lừa cướp công, bảo Thạch Sanh trốn nhanh vào rừng vì đã giết vật báu của vua. Lý Thông vào triều dâng công, được phong chức, sống giàu sang.
Bấy giờ, công chúa Quỳnh Nga bị đại bàng tinh bắt đi. Vua hứa gả con gái và truyền ngôi cho Lý Thông nếu cứu được công chúa. Lý Thông tìm đến Thạch Sanh, dỗ dành, lừa chàng đi cứu công chúa. Khi xuống hang, Thạch Sanh cứu được công chúa, ra hiệu cho Lý Thông kéo nàng lên. Công chúa bình an, Lý Thông bèn lấy đá đóng lại cửa hang. Ở dưới hang, Thạch Sanh giết chết được đại bàng tinh, cứu hoàng tử của vua Thủy Tề. Báo ân chàng, vua Thủy Tề tặng một chiếc đàn theo ước nguyện của Thạch Sanh.
Công chúa được cứu nhưng vì uất hận mà hóa câm. Bấy giờ, hồn chằn tinh và đại bàng tinh bàn kế hãm hại Thạch Sanh. Thạch Sanh bị bắt vào tù vì tội ăn cắp bạc của vua. Trong tù, Thạch Sanh lấy đàn thần ra gẩy, tiếng đàn khiến cho công chúa nói cười trở lại và minh oan cho Thạch Sanh.
Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, nhưng trên đường về quê Lý Thông bị sét đánh chết, hóa kiếp thành bọ hung. Nhà vua truyền ngôi cho Thạch Sanh, từ đó Thạch Sanh cùng công chúa sống hạnh phúc trong cảnh đất nước thanh bình.
HƯỚNG ĐẪN CHẤM:
Câu 1:
- Người đã có nhiều đóng góp trong việc đưa Nhã nhạc cung đình Huế đệ trình UNESCO: Giáo sư Trần Văn Khê
Câu 2:
- Kiểu loại văn bản: Văn bản thông tin
- Phương thức biểu đạt chính: Thuyết minh
Câu 3:
- Nhan đề: Nhã nhạc cung đình Huế thăng hoa cùng thời gian
+ Góp làm nổi bật nội dung chính, giúp người đọc có cơ sở định hướng, tiếp nhận nội dung của VB
- Hình ảnh: Biểu diễn Nhã nhạc cung đình
+ Minh hoạ trực quan
+ Làm cho thông tin của VB trở nên cụ thể, rõ ràng, sinh động, dễ hiểu, dễ hình dung hơn với người đọc
- Chú thích bên dưới hình ảnh: Biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN
+ Bổ sung thông tin cho hình ảnh.
Câu 4:
- Dữ liệu, thông tin của văn bản được trình bày theo trình tự thời gian:
+ 1010 - 1225: Nhã nhạc cung đình Huế xuất hiện
+ 1802 - 1945: Nhã nhạc cung đình Huế phát triển rực rỡ
+ 1945: Nhã nhạc cung đình Huế đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
+ 1992: Công tác bảo tồn Nhã nhạc cung đình được triển khai và dần được thế giới biết đến.
+ 1994: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lập hồ sơ ứng cử cấp quốc gia Nhã nhạc Huế đệ trình UNESCO.
+ 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
+ 2008: Nhã nhạc cung đình Huế được gọi là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Hiệu quả: Làm rõ được quá trình hình thành, phát triển và trở thành Di sản văn hóa của Nhã nhạc cung đình Huế. Tăng tính khách quan, tin cậy cho văn bản.
Câu 5:
- Học sinh trình bày quan điểm cá nhân
- Đề xuất hai giải pháp
+ Đẩy mạnh công tác truyền thông: qua sách, báo, mạng xã hội....
+ Có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với các nghệ nhân nhằm khuyến khích việc truyền nghề lại cho các thế hệ kế tiếp.
II. LÀM VĂN
Mở bài: Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận
Thân bài:
Đặc sắc về nội dung
+ Ca ngợi hình tượng nhân vật Thạch Sanh, đề cao phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động.
+ Ngợi ca tấm lòng thủy chung của công chúa Quỳnh Nga.
+ Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội.
+ Răn dạy con người về thiện - ác, nhân - quả.
Đặc sắc về nghệ thuật
- Yếu tố kì ảo: tiếng đàn của Thạch Sanh
- Cốt truyện: Theo mô hình nhân quả, mượn cốt truyện dân gian (truyện cổ tích Thạch Sanh),
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập: Nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.
+ Thạch Sanh thường đại diện cho kiểu người thật thà, dũng cảm.
+ Lý Thông là đại diện cho người xấu xa, tham lam, gian trá.
- Ngôn ngữ giản dị, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, được viết bằng chữ Nôm, có sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình.
- Thể thơ lục bát quen thuộc dễ nghe dễ đọc, dễ thuộc.