Banner cho bài viết:ĐỀ ĐỌC HIỂU TẢN VĂN XÓM NÚI CHIỀU ĐÔNG - NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG
Ôn tập Ngữ Văn 11

ĐỀ ĐỌC HIỂU TẢN VĂN XÓM NÚI CHIỀU ĐÔNG - NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG

XÓM NÚI CHIỀU ĐÔNG - NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG

      Có phải mùa đông đã đến đỉnh trời? Có phải khói đốt đồng đã loãng ra thành sương mờ che lối về xóm cũ? Đàn trâu đi chậm hơn mọi khi, thi thoảng liếm vào vạt chiều buông bên mép cỏ. Nhà ai lưng núi khói mơ màng bay. Mấy cánh cò từ nơi nào xa lắc về trú lại trên chòm tre ngay bến nước.

     Hoàng hôn về bên kia đầm hoang. Cả cánh đồng đã ngả sang màu xám nhạt, vẽ lên trời một khoảng chênh chao. Tiếng vạc chao qua mái nhà nghe vừa xao xác, lẻ loi lại vừa như thắc thỏm, mong chờ gì đó. Tôi mong trời đừng tối, buổi chiều hãy kéo dài thật lâu, bởi tôi thích chìm đắm vào không gian bảng lảng có chút buồn vắng  chốn này.   

     Xóm núi của tôi đã có mùi thức ăn bay khắp các con ngõ. Có cả mùi dọc hành tươi bị đốt trên bếp lửa. Bọn trẻ con hay nướng dọc hành trên lửa, xoa nhẹ rồi tuốt hết phần diệp lục trong lòng cái ống dọc đó, chỉ giữ lại phần màng trắng bên ngoài, đưa lên miệng thổi phừn phựt, phừn phựt… Cái kèn môi làm từ dọc hành nghe khá vui tai. Nghề trồng hành tỏi đã có ngót vài trăm năm ở quê tôi nên cái mùi đặc trưng của thứ cây này nó đã in thành vệt đậm trong lòng mỗi người. Tiếng ai gọi gà ven chân núi giục người đi đường hãy về nhanh hơn với gia đình. Cậu bé nằm trên lưng trâu, mơ màng ngắm mấy cái diều lạc gió. Các chị các mẹ thu dọn đồ đạc ngoài đồng để bắt đầu trở về. Cảm giác thật bình yên.

     Làng tôi còn nhiều những rặng tre mọc trải dài theo con ngòi nhỏ và đường làng. Đó chính là tài sản quý, là linh hồn nuôi dưỡng bao tâm hồn trẻ thơ. Người làng vẫn dùng đũa tre, rổ rá tre, đội nón lá. Đơm, đó, bồng, đụt để kiếm cá cũng từ tre. Thời đại mà đồ nhựa, túi ni lông và rác công nghiệp xô tan hoang nhiều làng quê, thì làng tôi người ta vẫn bó rau, buộc hành tỏi bằng dây rơm, dây lạt tre. Chợ phiên, mỗi người bê cái rổ tre hay đôi quang gánh, cái làn để đựng đồ mang về. Nhiều người than phiền, quê còn lạc hậu lắm, chưa thấy văn minh.

     Tôi thì nghĩ khác, văn minh đánh giá ở hệ thống giao thông, điện đường trường trạm cập chuẩn mới, đánh giá ở đời sống người dân, ở số sách trong thư viện các nhà trường… Trẻ em được học hành và lớn lên no ấm. Văn minh không nằm ở sự tàn phá không gian làng quê, đừng ham bê tông mà chặt phá cây xanh để biến làng thành cái phố quê lạc lõng. Đừng nghĩ có mấy cái quán ka ra ô kê đèn xanh đỏ, mấy quán bia hơi nhậu tơi bời, mấy cái dịch vụ làm đẹp, quán chơi trò điện tử… là hiện đại, là theo kịp thời đại. Để có môi trường sống xanh, thân thiện dễ gì có tiền mà mua nổi. Vì thế, những người nông dân già như mẹ tôi, vẫn thở dài buồn xa xăm khi người ta bỏ ruộng hoang tàn để đi làm công nhân. Mẹ cứ lọ mọ cấy trồng mùa nào thức ấy để đồng ruộng đỡ côi cút, để có rau cỏ lạc đỗ cho các con cháu về mang ra thành phố. Mẹ bảo, tiền rất quý, nhưng nếu trông vào lương công nhân không cấy trồng gì, mọi thứ phải mua hết thì chẳng ăn thua. Bỏ hoang bờ xôi ruộng mật là có tội với cha ông, với đồng đất quê hương.

     Gió cuối chiều mang mùi cỏ cháy, mùi của rạ rơm trong bếp lửa chân đồi. Bóng tối như một vị thần đang bay trên nóc làng, thả xuống các mái ngói những thông điệp về đoàn tụ, quây quần. Mâm cơm tối ríu ran tiếng trẻ, hạnh phúc đời thường nở hoa trong mỗi ngôi nhà.

     Tôi đưa tay hứng nốt mấy giọt chiều còn sót lại bên mái hiên. Bông hoa hải đường rực đỏ gợi tôi nhớ về một thời yêu đương tươi trẻ. Mẹ giục tôi bật những ngọn điện ở sân lên. Chưa vội, tôi đứng đó chờ bóng chiều tan hẳn. Chợt thấy tóc mình bay có sợi đã ngả màu. Đúng là thời gian, vô hình vô ảnh mà ký thác đời người. Càng có tuổi, tôi càng yêu cái xóm núi của tôi hơn. Càng thấy mẹ có lý khi cả đời quanh quẩn với cây cối, ruộng vườn. Hạnh phúc không phải trên trời, nó ở ngay đây, ở những thứ bé nhỏ quanh mình, làm nên đời sống bình dị của mình.

     Buổi chiều đã đổ tràn vào lòng tôi một dòng chảy xiết…

                                    (https://vanvn.vn/xom-nui-chieu-dong-tan-van-nguyen-thi-mai-phuong/)

 

Câu 1: Xác định thể loại của văn bản.

Câu 2: Chỉ ra yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong đoạn văn. Phân tích tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó:

Xóm núi của tôi đã có mùi thức ăn bay khắp các con ngõ. Có cả mùi dọc hành tươi bị đốt trên bếp lửa. Bọn trẻ con hay nướng dọc hành trên lửa, xoa nhẹ rồi tuốt hết phần diệp lục trong lòng cái ống dọc đó, chỉ giữ lại phần màng trắng bên ngoài, đưa lên miệng thổi phừn phựt, phừn phựt… Cái kèn môi làm từ dọc hành nghe khá vui tai. Nghề trồng hành tỏi đã có ngót vài trăm năm ở quê tôi nên cái mùi đặc trưng của thứ cây này nó đã in thành vệt đậm trong lòng mỗi người. Tiếng ai gọi gà ven chân núi giục người đi đường hãy về nhanh hơn với gia đình. Cậu bé nằm trên lưng trâu, mơ màng ngắm mấy cái diều lạc gió. Các chị các mẹ thu dọn đồ đạc ngoài đồng để bắt đầu trở về. Cảm giác thật bình yên.

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau:

Làng tôi còn nhiều những rặng tre mọc trải dài theo con ngòi nhỏ và đường làng. Đó chính là tài sản quý, là linh hồn nuôi dưỡng bao tâm hồn trẻ thơ. Người làng vẫn dùng đũa tre, rổ rá tre, đội nón lá. Đơm, đó, bồng, đụt để kiếm cá cũng từ tre.

Câu 4: Nêu cảm hứng chủ đạo của văn bản? Căn cứ vào đâu em xác định như vậy?

Câu 5: Nhận xét cái tôi của tác giả.

Câu 6: Em có đồng tình với quan điểm Hạnh phúc không phải trên trời, nó ở ngay đây, ở những thứ bé nhỏ quanh mình, làm nên đời sống bình dị của mình. của tác giả không? Vì sao?