Banner cho bài viết:SOẠN VĂN 12 GIỮ GÌN VÀ PHÁT TRIỂN TIẾNG VIỆT - CHÂN TRỜI SÁNG TẠO
Soạn Văn 12

SOẠN VĂN 12 GIỮ GÌN VÀ PHÁT TRIỂN TIẾNG VIỆT - CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

BÀI 6: TRONG THẾ GIỚI CỦA GIẤC MƠ

GIỮ GÌN VÀ PHÁT TRIỂN TIẾNG VIỆT

Câu 1 (trang 13 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Màu xanh được miêu tả trong các đoạn thơ có gì đặc biệt?

Gợi ý: 

a. Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cao nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

(Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ)

b. Ta còn em một màu xanh thời gian

Một màu xám hư vô

Chợt nhòe

Chợt hiện

(Phan Vũ, Hà Nội - Phố)

c. Trời thì xanh như rút ruột mà xanh

Cây thì biếc như vặn mình mà biếc

(Thi Hoàng, Ở giữa cây và nền trời)

d. Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

 Tiếng Việt có các màu xanh ở đủ mọi mức độ và sắc thái: xanh biếc, xanh rờn, xanh rì, xanh thắm, xanh xao, xanh lè, xanh lét,… Mặc dù trong vốn ngôn ngữ của dân tộc, từ ngữ chỉ màu xanh đã rất phong phú nhưng qua ngòi bút của các nhà thơ, chúng ta lại thấy màu xanh hiện ra với nhiều sắc độ mới mẻ, rất độc đáo.

Gợi ý: 

a. Trong câu thơ Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc, chúng ta có thể hình dung về màu xanh mơn mởn của khu vườn và màu xanh ở đây được so sánh với “ngọc”. Lưu ý cách diễn đạt “xanh như ngọc” giàu hình ảnh, có sức biểu cảm hơn so với “xanh ngọc”.

b. Ta còn em một màu xanh thời gian

Trong dòng thơ trên, màu xanh trên hiện ra với một sắc thái mới, rất đặc biệt, được thể hiện qua cách kết hợp từ ngữ độc đáo: “màu xanh” + “thời gian”.

c. Trời thì xanh như rút ruột mà xanh 

Cây thì biếc như vặn mình mà biếc 

Trong hai dòng thơ trên, màu xanh hiện ra với sắc độ đậm đặc, được thể hiện qua cách diễn đạt vô cùng đặc biệt, giàu cảm xúc: xanh như rút ruột mà xanh, biếc như vặn mình mà biếc.

d. Trong ngữ liệu đã cho, màu xanh được miêu tả cũng rất đặc biệt. Đó là màu xanh non của thảm cỏ trải dài đến tận chân trời.

Câu 2 (trang 13 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Trong tiếng Việt có những từ ngữ được cấu tạo theo mô hình: ngân hàng + X (như ngân hàng đề thi,...). Hãy tìm thêm những từ ngữ được cấu tạo theo mô hình này.

Gợi ý: 

- Những từ ngữ được cấu tạo theo mô hình ngân hàng + X: ngân hàng máu, ngân hàng tế bào gốc,…

Câu 3 (trang 13 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Cho câu sau:

Nê-pan (Nepal) có 8 ngọn núi cao nhất thế giới, nổi tiếng với các vùng ngoại ô, công viên quốc gia, những cánh rừng tuyệt đẹp, phù hợp với hoạt động thám hiểm, du lịch, đi bộ đường dài (trekking).

(Minh Huyền, Nê-pan cấm du khách trekking một mình, https://tuoitr.vn/nepal-cam-du-khach-trekking-mot-minh-202303141316296.htm)

a. Vì sao người viết lại sử dụng từ trekking mà không phải là một từ ngữ tiếng Việt có nghĩa tương đương trong tiêu đề và bài viết?

b. Tìm thêm những từ ngữ tiếng nước người trong lĩnh vực du lịch.

c. Theo bạn, việc sử dụng những từ ngữ tiếng nước ngoài này có ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hay không? Vì sao bạn nhận xét như vậy?

Gợi ý: 

a. Sở dĩ người viết sử dụng từ trekking trong tiêu đề và bài viết là vì trong tiếng Việt, không có từ có nghĩa tương đương. Trong ngữ liệu, người viết đã sử dụng một cụm từ dài hoạt động thám hiểm, du lịch, đi bộ đường dài để nói về trekking.

b. Chúng ta có thể gặp những từ ngữ tiếng nước ngoài như vậy trong lĩnh vực du lịch: homestay, farmstay, hiking,…

c. Đây là các từ ngữ chưa có từ ngữ tiếng Việt tương đương (chúng ta sẽ phải dùng một cụm từ dài để giải thích các khái niệm này), vì vậy, việc tiếp nhận những yếu tố mới có thể giúp diễn tả chính xác những khái niệm mới. Bên cạnh đó, cần phân biệt trường hợp này với trường hợp trộn lẫn tiếng Việt và tiếng nước ngoài khi nói/ viết và trường hợp sử dụng các từ ngữ tiếng nước ngoài khi đã có từ ngữ tiếng Việt tương đương.

Câu 4 (trang 14 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Vì sao có nhiều từ ngữ tiếng nước ngoài (như album, email, file,…) được người Việt ưa dùng trong nhiều bối cảnh giao tiếp, trong khi vẫn có giải pháp thay thế (ví dụ: dùng tập ảnh thay cho album, thư điện tử thay cho email, tập tin thay cho file)?

Gợi ý: 

Có nhiều từ ngữ tiếng nước ngoài (như album, email, file,...) được người Việt ưa dùng trong nhiều bối cảnh giao tiếp, trong khi vẫn có giải pháp thay thế (ví dụ: dùng tập ảnh thay cho album, thư điện tử thay cho email, tập tin thay cho file). Nguyên nhân là các từ ngữ tiếng nước ngoài này đã trở nên thông dụng, có tính chất quốc tế và dần trở thành một bộ phận trong ngôn ngữ của người Việt (được ghi vào từ điển tiếng Việt). 

Câu 5 (trang 14 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Xác định ý nghĩa của từ ngữ được in đậm trong các trường hợp sau. Trong các trường hợp này, trường hợp nào từ ngữ được dùng theo nghĩa mới?

a. Nơi đây, vào mùa đông lạnh giá, các dòng sông đóng băng và những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng.

b. Đây là nguyên nhân chính khiến cho thị trường bất động sản đóng băng.

Gợi ý: 

a. đóng băng: (nước) kết đọng lại thành tảng lớn ở những nơi có khí hậu rất lạnh.

b. đóng băng: ở trạng thái ngừng hẳn lại, không tiến triển, không hoạt động được do chịu sự tác động nào đó.

Trong hai trường hợp đã cho, trường hợp b từ ngữ được dùng theo nghĩa mới.

Câu 6 (trang 14 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chỉ ra sự độc đáo trong cách kết hợp từ ngữ ở đoạn trích sau (chú ý các cụm từ/ câu được in đậm):

tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

(Thanh Thảo, Đàn ghi ta của Lor-ca)

Gợi ý: 

Tiếng ghi ta là âm thanh nhưng ở đây được tác giả hình dung như một vật thể có màu sắc (tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh biết mấy), có hình khối (tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan); được hình dung như một cơ thể sống có thể chảy máu (tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy), có thể chôn cất (không ai chôn cất tiếng đàn),… Những cách kết hợp từ ngữ trong đoạn thơ rất độc đáo, làm tăng sức biểu cảm và giàu sức gợi hình cho VB.