Banner cho bài viết:SOẠN VĂN 12  BÀI 3 - LỖI CÂU SAI LOGIC VÀ CÁCH SỬA -  BỘ CHÂN TRỜI SÁNG TẠO
Soạn Văn 12

SOẠN VĂN 12 BÀI 3 - LỖI CÂU SAI LOGIC VÀ CÁCH SỬA - BỘ CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

Câu 1 (trang 82 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Chỉ ra lỗi Logic trong các câu dưới đây và nêu cách sửa:

a. Trong truyện truyền kì nói chung và bài học này nói riêng, thế giới con người có sự kết nối với thế giới cõi âm.

b. Người viết đã lấy các ví dụ trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều để chứng minh cho nhận định này.

c. Em đã được học nhiều thể loại văn học như tiểu thuyết, kịch và các thể thơ khác.

d. Trong rạp chiếu phim chỉ còn lại hai người: một người cao, gầy và một người mặc áo trắng, quần xanh.

đ. Mặc dù đến muộn nhưng nó không kịp lên chiếc xe buýt cuối cùng.

e. Mẹ tôi muốn tôi trở thành một nhà trí thức hoặc một nhà khoa học.

ê. Vì quá đói, nó xúc từng muỗng nhai ngấu nghiến và mở hộp cơm trưa ra.

g. Thần Núi luôn là người chiến thắng nên sau các cuộc giao tranh, đền đài của ngài cũng có phần bị tổn hại.

h. Mặc dù sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng Lan lại là một cô gái xinh đẹp và rất giản dị.

Gợi ý:

a. Phân tích lỗi: Việc các thành phần đẳng lập (“truyện truyền kì” và “bài học này”) không có cùng phạm trù ngữ nghĩa khiến câu sai logic. “Truyện truyền kì” không phải cái chung, không thể bao gồm “bài học này”.

Cách sửa: Thêm từ ngữ để các thành phần đẳng lập cỏ quan hệ ngữ nghĩa tương hợp. Trong truyện truyền kì nói chung và truyện truyền kì ở bài học này nói riêng, thế giới con người có sự kết nối với thế giới cõi âm.

b. Phân tích lỗi: Việc các thành phần đẳng lập (“Nguyễn Trãi”, “Hồ Xuân Hương”, “Truyện Kiều”) không tương đồng về phạm trù ngữ nghĩa khiến cầu sai logic. Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương là tên tác giả trong khi Truyện Kiều là tên tác phẩm.

Cách sửa: Thêm bớt, thay đổi từ ngữ để các thành phần đẳng lập tương đồng về phạm trù ngữ nghĩa. Chẳng hạn: (1) Người viết đã lấy các ví dụ trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương Nguyễn Du để chứng minh cho nhận định này. Hoặc: (2) Người viết đã lấy các ví dụ trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều của Nguyễn Du để chứng minh cho nhận định này.

c. Phân tích lỗi: “Tiểu thuyết”, “kịch” và “các thể thơ khác” không cùng cấp độ (tiểu thuyết, kịch là các thể loại văn học, trong khi “các thể thơ khác” không như vậy). Việc các thành phần đẳng lập không tương đồng về phạm trù ngữ nghĩa khiến câu sai logic.

Cách sửa: Thay đổi từ ngữ (các thể thơ khác) cho phù hợp hơn. Em đã được học nhiều thể loại văn học như tiểu thuyết, kịch, thơ,...

d. Phân tích lỗi: Việc các thành phần đẳng lập (“một người cao, gầy”, “một người mặc áo trắng, quần xanh”) không có cùng phạm trù ngữ nghĩa khiến câu sai logic. Trong khi “một người cao, gầy” để cập đến hình dáng thì “một người mặc áo trắng quấn xanh” lại đề cập đến trang phục.

Cách sửa: Thay đổi từ ngữ để các thành phần đẳng lập tương đồng về phạm trù ngữ nghĩa. Chẳng hạn: (1) Trong rạp chiếu phim chỉ còn lại hai người: một người cao, gầy và một người thấp bé. (2) Trong rạp chiếu phim chỉ còn lại hai người: một người mặc váy đỏ và một người mặc áo trắng quần xanh.

đ. Phân tích lỗi: Câu sai logic do dùng sai cặp từ ngữ liên kết “mặc dù ... nhưng”.

Cách sửa: Thay đổi cặp từ ngữ liên kết. Vì đến muộn nên nó không kịp lên chiếc xe buýt cuối cùng.

e. Phân tích lỗi: “Nhà trí thức” bao gồm “nhà khoa học”, vì vậy, ở trong câu này, việc đặt hai cụm từ trong một cấu trúc chọn lựa “một nhà trí thức hoặc một nhà khoa học” là không hợp lí.

Cách sửa: Bỏ bớt từ ngữ. Chẳng hạn: (1) Mẹ tôi muốn tôi trở thành một nhà trí thức. (2) Mẹ tôi muốn tôi trở thành một nhà khoa học.

ê. Phân tích lỗi: Việc sắp xếp các hành động không theo một trật tự hợp lí dẫn đến câu sai logic.

Cách sửa: Sắp xếp các hành động theo một trật tự hợp lí. Vì quá đói, nó mở hộp cơm trưa ra, xúc từng muỗng nhai ngấu nghiến.

g. Phân tích lỗi: Câu sai logic do dùng sai từ ngữ liên kết “nên” (“Thần Núi luôn là người chiến thắng” không phải là nguyên nhân của “sau các cuộc giao tranh, đền đài của ngài cũng có phần bị tổn hại”).

Cách sửa: Thay đổi từ ngữ liên kết. Mặc dù Thần Núi luôn là người chiến thắng nhưng sau các cuộc giao tranh, đền đài của ngài cũng có phấn bị tổn hại.

h. Phân tích lỗi: Câu có quan hệ ngữ nghĩa giữa các vế không logic. Cụm từ “sinh ra trong một gia đình giàu có” và “là một cô gái xinh đẹp” không thể đặt trong một quan hệ tương phản như trong ngữ liệu đã cho với cặp từ ngữ liên kết “mặc dù ... nhưng”. Tuy nhiên, “sinh ra trong một gia đình giàu có” và “rất giản dị” thì lại có thể dùng cặp từ ngữ liên kết “mặc dù ... nhưng”.

Cách sửa: Bỏ bớt thông tin “là một cô gái xinh đẹp” hoặc “sinh ra trong một gia đình giàu có”. (l) Mặc dù sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng Lan lại rất giản dị. (2) Lan là một cô gái xinh đẹp và rất giản dị.