Banner cho bài viết:SOẠN VĂN 12 BÀI 2 - HAI ĐỨA TRẺ - THẠCH LAM
Soạn Văn 12

SOẠN VĂN 12 BÀI 2 - HAI ĐỨA TRẺ - THẠCH LAM

BÀI 2: NHỮNG Ô CỬA NHÌN RA CUỘC SỐNG

Văn bản HAI ĐỨA TRẺ - Thạch Lam

Câu 1 (trang 46 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Tóm tắt nội dung câu chuyện được kể và chỉ ra đặc điểm về cách xây dựng cốt truyện trong Hai đứa trẻ.

Gợi ý:  Tóm tắt nội dung câu chuyện:

Liên và An xuất thân trong một gia đình công chức khá giả ở Hà Nội.

– Khi gia cảnh sa sút, hai chị em theo cha mẹ về sống ở một phố huyện nghèo và được mẹ giao cho trông coi một cửa hàng tạp hoá nhỏ.

– Khi chiều xuống, Liên và An dọn cửa hàng. Liên cảm thấy lòng buồn man mác trước cảnh chiều tàn.

– Đêm xuống, chị em Liên lặng lẽ quan sát cuộc sống u buồn nơi phố huyện, xúc động và xót xa trước cuộc sống của các em bé nghèo, mẹ con chị Tí, gia đình bác xẩm, bà cụ Thi, bác phở Siêu,...

– Đến khuya, chị em Liên cố thức để chờ chuyến tàu đêm từ Hà Nội. Chuyến tàu gợi nhớ những kỉ niệm về tuổi thơ sung túc, tươi đẹp.

– Khi con tàu đi khuất, phố huyện lại chìm trong bóng tối.

– Hai đứa trẻ cũng chìm vào giấc ngủ.

Câu 2 (trang 46 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Bức tranh phố huyện đã được tác giả miêu tả theo trình tự nào và có đặc điểm gì? Làm rõ ý nghĩa của việc miêu tả bức tranh ấy trong văn bản.

Gợi ý:

– Bức tranh phố huyện được miêu tả theo trình tự thời gian: Khi chiều về à Khi đêm xuống à Về khuya (khi đoàn tàu đêm đến và đi qua).

- Ý nghĩa:

+  Bức tranh phố huyện với những chi tiết, hình ảnh đối lập (bóng tối ánh sáng, tĩnh lặng huyên náo, trầm mặc biến động, dài lâu – khoảnh khắc, hiện tại quá khứ): gợi tả cuộc sống tối tăm, lay lắt, lụi tàn và những ước mơ thầm kín không bao giờ tắt của những kiếp người nghèo khổ. Dù bị bóng tối của đói nghèo bủa vây, họ vẫn luôn nuôi dưỡng khát vọng đổi đời, vươn ra ánh sáng.

+ Bức tranh hiện lên qua đôi mắt của hai đứa trẻ vốn đã trải qua một tuổi thơ sung túc, cho thấy sự ngây thơ, nhân hậu thuần khiết của hai đứa trẻ (Trước cảnh vật mòn mỏi tiêu điều, tâm hồn nhạy cảm của Liên cảm thấy một nỗi buồn man mác; trước những cảnh đời nghèo khổ, tối tăm, Liên động lòng, xót xa, thương cảm). Dù sống trong đói nghèo, nhưng tình yêu thương chưa bao giờ tắt nơi phố huyện.

Câu 3 (trang 46 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Xác định ngôi kể, điểm nhìn trong văn bản và cho biết tác dụng của ngôi kể, điểm nhìn ấy trong việc khắc họa nhân vật, thể hiện chủ đề, cảm hứng của tác phẩm.

Gợi ý:

– Ngôi kể: ngôi thứ ba; điểm nhìn: ngôi thứ ba hạn tri (từ nhân vật Liên).

– Tác dụng: (1) giúp các sự kiện, chi tiết trong truyện hiện lên qua cái nhìn của nhân vật Liên một cách chân thật và đầy cảm xúc; (2) giúp thể hiện rõ tính cách và tâm hồn Liên: ngây thơ, thuần hậu và trong sáng, nhân hậu và thấu cảm với những cảnh đời nghèo khổ, tinh tế và nhạy cảm trước mọi biến động của cảnh vật; (3) duy trì sự khách quan tương đối của lời kể.

Câu 4 (trang 46 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Nêu và phân tích ý nghĩa:

a. Một số câu văn, đoạn văn sử dụng kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm.

b. Một số hình ảnh, chi tiết xuất hiện nhiều lần trong văn bản.

Gợi ý:

a. Một số câu văn, đoạn văn có kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm và phân tích ý nghĩa:

Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen;… nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.

– An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông … về quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí.

– Qua khe lá của cành bàng ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa rụng xuống vai Liên khe khẽ... Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu.

 – Những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn Liên và hình ảnh của thế giới quanh mình mờ đi trong mắt chị … mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối.

Ý nghĩa: Sự kết hợp nhiều yếu tố trong một câu/ đoạn khiến cho diễn biến sự kiện và hành động mờ đi, nhường chỗ cho diễn biến tâm lí và cảm xúc của nhân vật.

b. Một số hình ảnh, chi tiết xuất hiện nhiều lần trong VB:

Tiếng trống: “Tiếng trống thu khôngtrên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều”, “Trống cầm canhở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn, khô khan, không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối”, “chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn”.

Sự tĩnh lặng: “Mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng”, “Nhưng bây giờ họ đóng cửa cả rồi, cũng im lặng tối đen như ngoài phố”, “và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”.

Bóng tối: “Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve”, “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần”, “những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối”, “Trời nhá nhem tối”, “cụ đi lần vào bóng tối”, “Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”, “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng”, “Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh”.

Ánh đèn: “Đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn Hoa Kì leo lét trong nhà ông Cửu và đèn dây sáng xanh trong hiệu khách”, “ngọn đèn con của chị Tí và cái bếp lửa của bác Siêu chiếu sáng một vùng đất cát”, “ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ”,…

Ý nghĩa:

Sự đối lập của chuỗi hình ảnh tượng trưng cho sự đối lập giữa một bên là cuộc sống vật vờ, tối tăm, tù túng của người dân nghèo phố huyện và một bên là những khao khát, ước mơ vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

– Hình ảnh đoàn tàu mang thứ ánh sáng rực rỡ và âm thanh huyên náo nhất trong câu chuyện, nhưng cũng là thứ ánh sáng và âm thanh không thuộc về phố huyện nghèo mà nhanh chóng, vội vã đến và đi trong phút chốc. Nó như là biểu tượng cho một Hà Nội lộng lẫy; cho quá khứ lung linh của Liên và An; cho một ước mơ, khao khát của hai chị em về tương lai.

Câu 5 (trang 46 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Theo bạn, truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam được viết theo phong cách sáng tác nào? Dựa vào đâu để bạn khẳng định như vậy?

Gợi ý:

 Hai đứa trẻ vừa được viết theo phong cách lãng mạn, vừa được viết theo phong cách hiện thực vì có những căn cứ sau:

– Đề tài và cảm hứng: Thạch Lam vừa miêu tả khách quan hình ảnh cuộc đời của những người dân phố huyện lầm than, vừa thể hiện hình ảnh cuộc đời của những người dân phố huyện với cái nhìn và cách cảm nhận mang tính chủ quan, thể hiện thế giới nội tâm và những cảm xúc trong trẻo, trắc ẩn của Liên.

– Cách tổ chức hình ảnh, chi tiết, nhân vật: có những hình ảnh rực rỡ, bay bổng đại diện cho ước mơ, khát vọng như đoàn tàu đêm; có cả những hình ảnh chân thực, điển hình cho những cảnh đời có thực như hàng nước chị Tí, bà cụ Thi hơi điên, những đứa trẻ nghèo,…

Câu 7 (trang 46 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Tìm hiểu thêm về các tác giả sáng tác theo phong các lãng mạn, phong cách hiện thực trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 và hoàn tất bảng bằng cách đánh dấu xác định phong cách sáng tác của tác phẩm, tác giả trong văn bản (làm vào vở) và lí giải:

Gợi ý:

Tên tác giả

Tên tác phẩm

Phong cách

lãng mạn

Phong cách

hiện thực

Thạch Lam

Dưới bóng hoàng lan, Nắng trong vườn,...

x

 

Vũ Trọng Phụng

Số đỏ, Giông tố,...

 

x

Nam Cao

Lão Hạc, Chí Phèo,...

 

x