Banner cho bài viết:SỰ VẬN ĐỘNG TỪ CÁI TÔI TRỮ TÌNH ĐẾN CÁI TA TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN
HỌC SINH GIỎI

SỰ VẬN ĐỘNG TỪ CÁI TÔI TRỮ TÌNH ĐẾN CÁI TA TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN

 SỰ VẬN ĐỘNG TỪ CÁI TÔI TRỮ TÌNH ĐẾN CÁI TA TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN.

1. Nguyên nhân dẫn tới sự chuyển biến từ cái tôi đến cái ta trong thơ Chế Lan Viên

      Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Ðình, Hồ Chủ Tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ách nô lệ bị đập tan, con người Việt Nam được giải phóng, bừng lên một niềm hạnh phúc lớn lao đến thiêng liêng, như kết quả tất yếu từ khát vọng tự do và quyết tâm cứu nước của cả dân tộc.

     Từ năm 1945 đến năm 1975, trên đất nước ta diễn ra nhiều sự kiện lớn lao: Cuộc chiến tranh giải phóng dân tôc vô cùng ác liệt kéo dài 30 năm, công cuộc xây dựng cuộc sống mới, con người ở miền Bắc,... Những sự kiện đó đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần, trong đó có văn học nghệ thuật.

     Dưới sự lãnh đạo và quan tâm giúp đỡ thường xuyên của Ðảng. Thông qua hoạt động của các tổ chức văn nghệ, Ðảng đã đề ra chủ trương chính sách tích cực, giúp chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc; phát động các cuộc thi để kích thích phong trào sáng tác, phát hiện tài năng mới; động viên văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế,...

     Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy sự vận động và chuyển biến từ cái tôi đến cái ta trong thơ Chế Lan Viên, nhưng nhân tố quan trong nhất đó Bác Hồ. Trong bài thơ Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi đã nói lên điều này.

“Người đánh thức tương lai đã về kia, Bác hôn lên hòn đất 
Nghe trong tay trở dậy những thành đồng 
Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc 
……………….

Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc 
Thành một nhành hoa mát mắt cho đời 
Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp 
Ta biết trong đời ta Bác đã đến rồi

     Hay trong bài  Hai câu hỏi  Đã đánh dấu sự chuyển biến từ “thung lũng đau thương” đến “cánh đồng vui”. Nếu như trong Điêu tàn, câu hỏi bản thể “Ta là ai ?” thì sau cách mạng đã được Chế Lan Viên chuyển thành “ Ta vì ai ?”

“ Ta vì ai ? Như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt

Ta vì ai? Khẽ xoay chiều gió bấc

Bàn tay người thắp triệu hồi xanh”

        Đó là những nguyên nhân làm nên sự chuyển từ cái tôi cá nhân đến cái ta trong thơ Chế Lan Viên.

2. Biểu hiện của sự vận động từ cái tôi sang cái ta

     Theo PGS.TS Đoàn Trọng Huy, sau cách mạng 1945 thì tư duy thơ Chế Lan Viên có sự chuyển biến ghê gớm: “Tư duy thơ chuyển biến như một sự đảo lộn ghê gớm. Tư duy hướng nội khép kín của thơ lãng mạn trước kia chuyển thành tư duy hướng ngoại. Đây cũng là xu hướng thịnh hành của thơ nói chung trong thời gian dài của nền văn học đậm chất sử thi. Từ kiểu trữ tình nhập vai (1945 - 1954) đã vươn tới những hình tượng lớn mang tính lịch sử - thời đại (đặc biệt từ 1965 - 1975). Tâm hồn nhà thơ không còn bị bó hẹp, quẩn quanh - Chủ quan đã thâm nhập, hoà hợp khách quan, hướng nội đã chuyển hướng ngoại. Hồn thơ hướng thẳng vào những vấn đề trung tâm xã hội, dân tộc và thời đại, chiếu vào đời sống thực tại với muôn nghìn diễn biến sôi động, phức tạp, đi vào nhân dân, quần chúng với nghìn triệu số phận, cuộc đời. Những rung động chính trị, thời sự đã trở thành rung động chủ yếu. Chế Lan Viên cũng là nhà thơ có thiên hướng khái quát mạnh như Tố Hữu, do đó thơ mang nhiều chất xã hội- Đó là sự chuyển biến của quan điểm sáng tác: từ biểu hiện cái tôi đến phản ánh cái ta.”

 2.1. Sự chuyển biến từ cảm hứng cái tôi cá nhân đến cảm hứng công dân, cộng đồng

     Đi vào đời sống kháng chiến chống Pháp của dân tộc, Chế Lan Viên đã thoát khỏi cái thế giới hư ảo để trở về cuộc đời thực, hòa hợp với mọi người “Phá cô đơn ta hòa hợp với người”. Chính vì thế, hình ảnh thơ Chế Lan Viên lúc này không còn là hình ảnh rùng rợn của thế giới đầy hồn ma, bóng quỷ, mà là hình ảnh của cuộc sống kháng chiến với nhiều gian khổ, mất mát, hi sinh.

     Gửi các Anh - mở đầu cái tôi trữ tình cách mạng trong thơ Chế Lan Viên. Đây là tập thơ thứ hai của Chế Lan Viên. Tập thơ này được viết từ năm 1950 – 1954. Toàn bộ tập thơ gồm 15 bài. Nó ra đời đã đánh dấu bước biến chuyển trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên. Từ chỗ là một nhà thơ lãng mạn thoát ly hiện thực, giờ đây ông đã trở thành một chiến sĩ say sưa trên mặt trận văn hóa, phục vụ kháng chiến. Tập thơ này đã đánh dấu sự chuyển biến từ con người phi chính trị, cô đơn, buồn chán, siêu thoát trở thành con người chính trị, hướng tới ca ngợi cuộc sống con người.

Bài thơ Chào mừng sáng tác năm 1950 là bài mở đầu tập thơ kháng chiến của Chế Lan Viên.

                         “Việt Nam khổ đau

                           Việt Nam anh dũng

Việt Nam giữa những ngày nguyên tử vẫn

 xông lên hàng đầu với gậy tầm vông

                            Việt Nam ngày nay đã ra đứng

 trước thế giới, đứng trước mọi người.”

     Nếu như trong Điêu tàn, ông là nhà thơ phi chính trị, chối bỏ thực tại thì đến bài thơ này đã đánh giấu sự chuyển biến rõ rệt. Ông say sưa ca ngợi đất nước, bài thơ đầy niềm tự hào dân tộc

      Đó còn là tình yêu thương vô hạn của nhà thơ đối với mọi tầng lớp nhân dân. Ông thương cho các anh dân công, các anh bộ đội phải chịu sự khổ cực, thiếu thốn, gian lao. Bày tỏ tấm lòng đau đớn, tiếc thương và sự biết ơn vô hạn đối với họ.

Thương anh dân công / Mặt veo sắc hồng

Máu vàng ký ninh / Núi đá vách đứng

Gánh bom gập người / Thương anh bộ đội

Dạn dày lính cũ

     Trong tập thơ Gửi các Anh, bên cạnh những tình cảm với dân tộc, ca ngợi đất nước, cuộc sống thì ta còn bắt gặp một tiếng nói sục sôi căm thù trước tội ác của kẻ thù.

“Chém cha thằng Pháp mưu sâu

Đổ bao xương máu đồng bào xứ trong

Lúa tao bay cướp giữa đồng

Người tao bay trói, bay còng dắt đi

Đốt bao xóm chợ, làng quê

Sống đau, chết khổ cũng vì tụi”

     Trong Điêu tàn, Chế Lan Viên cũng nói lên nỗi đau mất nước. Tuy nhiên ông không hề tìm ra những giải pháp để giúp đất nước thoát khỏi cảnh nô lệ mà ông lại tìm đến những cái đã mất của quá khứ lụy tàn, thậm chí thoát ly thực tại. Nhưng đến giai đoạn này ông hăng say đi theo cách mạng, ông trực diện đánh vào kẻ thù bằng những vần thơ tràn đầy khí thế dân tộc.

     Đi vào đời sống kháng chiến chống Pháp của dân tộc, Chế Lan Viên đã thoát khỏi cái thế giới hư ảo để trở về cuộc đời thực. Chính vì thế, hình ảnh thơ Chế Lan Viên lúc này không còn là hình ảnh rùng rợn, kinh dị mà là hình ảnh của cuộc sống kháng chiến với nhiều gian khổ, mất mát, hi sinh của dân tộc trong cuộc chiến. Đó là hình ảnh cuộc sống nơi núi rừng Trường Sơn, với những “đá chởm tai mèo”, “trăng rừng chon von”, hay hình ảnh cuộc sống bình dị, vất vả với “miếng ngon cơm muối / bát canh rau rừng”, “mồ hôi nắng xối”, “mưa dài đường sên”... đó là những hình ảnh rất đỗi bình dị trong đời sống kháng chiến như : “cái giếng, vườn rau, căn nhà nho nhỏ” “nhánh vải đỏ”, “bó lúa hương”. Chính  những hình ảnh đó đã thấy được sự chuyển biến rõ nét trong thơ Chế lan Viên.

      Cho dù ở thời gian này Chế Lan Viên sáng tác không nhiều, chỉ với 15 bài thơ, nhưng thực sự ông đã sáng tạo được nhiều hình ảnh thơ chân thật, sinh động, đậm đà tình quê hương đất nước. Dù chưa thực sự làm nổi bật nên một phong cách thơ, nhưng tập thơ Gửi các anh đã đánh dấu bước biến chuyển trong sự nghiệp sáng tác của ông, từ cái đau buồn đến cái tươi vui, từ cái tôi đến cái ta.

     Bước sang giai đoạn 1954 – 1975 cái ta trong thơ Chế Lan Viên có sự đậm nét hơn, đánh bước trưởng thành của người thanh niên theo lý tưởng cách mạng, khát khao xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu như “Từ ấy” là tập thơ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và con đường thơ khi đến với Đảng của Tố Hữu thì tập thơ “Ánh sáng và phù sa” đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn của Chế Lan Viên. Nhà thơ đã tìm ra ánh sáng của Đảng và phù sa của cánh đồng vui trên hành trình tìm với nhân dân.

Niềm tự hào về Tổ Quốc và Đảng

     Chế Lan Viên nhận ra rằng Đảng luôn là kim chỉ nam dẫn đường cho công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ Quốc. Đảng có một vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn, vì thế ông luôn biết ơn và ca ngợi Đảng.

“Những năm Đảng ta có con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa

Nhìn thấu vận mệnh nghìn năm sau cho Tổ quốc”

                                               ( Con mắt Bạch Đằng - con mắt Đống Đa)

     Và đặc biệt khi được bước vào hàng ngũ của Đảng, ông nói “quản lý những tháp đổ, những nấm mồ, còn nhường địa hạt tình yêu cho anh Lưu Trọng Lư, cho anh Xuân Diệu. Nhưng theo Đảng là trở lại với đời, với nhân dân, với sự sống, không đến với tình yêu sao được”. Ông tôn vinh, đề cao vai trò của Đảng:

“Ngày vào Đảng, đất trời như đổi khác

Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt

Đá sỏi, cây cằn, sao bỗng thấy thiêng liêng?”

                                                            (Kết nạp Đảng trên quê mẹ)

     Bên cạnh ca ngợi Đảng, hình ảnh hình ảnh Tổ Quốc hiện lên trong thơ Chế Lan Viên hiện lên với một vẻ đẹp hùng tráng huy hoàng diễm lệ.

“Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?

Chưa đâu và ngay cả trong những ngày đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc.

Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn

Khi Nguyễn Huệ cưỡi  voi vào cửa Bắc

H ưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Bằng.”

                                                       (T ổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?)

      Nói về đất nước, nhà thơ viết lên những dòng thơ tinh thế, thắm đợm hơi thở dân tộc:

“ Ta đã yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ, bát ngát câu Kiều, bờ tre, mái rạ...

Mái đình cong cong như bàn tay em gái giữa đêm chèo

Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả

Cái đôn hậu nhân tình trong nét chạm chùa Keo...

                                            (Thời sự hè 72- Bình luận)

  Nhà thơ tự hào, kiêu hãnh về đất nước, về những thành quả mà dân tộc đạt được, ông viết :

Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng
Ta mọc dậy trước mắt nghìn nhân loại
Hai tiếng Việt Nam đồng nghĩa với anh hùng.”
( Thời sự hè 72, bình luận )

   Bên cạnh cảm hứng ca ngợi Đảng, đất nước, thì ông luôn lo lắng cho vận mệnh của đất nước, ông lo cho cảnh dân tộc sống trong nghèo đói, không có cái để ăn, để mặc.

“Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ      

Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi.”

        Ông lo lắng cho tương lai của đất nước:

“Rồi cờ sẽ ra sao?

Tiếng hát sẽ ra sao?

Nụ cười sẽ ra sao?

Ơi độc lập!”

(Người đi tìm hình của nước)

     Sau cách mạng tháng tám, thơ của Chế Lan Viên phần lớn mang cảm hứng ca ngợi, ông ca ngợi đảng, ca ngợi Bác, đất nước, nhân dân, ông tìm thấy niềm tin yêu vào cuộc sống. Nếu trong Điêu tàn, nhà thơ thường có xu hướng thoát ly, chạy trốn thực tại, thì đến giai đoạn này ông luôn tìm cách để cải tạo thực tại, làm cho thực tại ngày càng tốt hơn. Đó là một bước chuyển mình rõ rệt nhất trong thơ Chế Lan Viên trước và sau cách mạng.

2.2. Từ cái tôi chán nản thực tại đến cái ta nồng nàn yêu nước, sẵn sàng hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng

     Trước cách mạng, Chế Lan Viên phủ nhận thực tại một cách gay gắt, mọi thứ tồn tại trên cõi đời đều mang lại cho ông những khổ đau, chán nản “Với tôi tất cả đều vô nghĩa / Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”, thì sau cách mạng Chế Lan Viên đã có bước chuyển mình từ “thung lũng đau thương sang cánh đồng vui”. Bước sang giai đoạn này ông như tìm thấy niềm tin về cuộc sống, ông ra sức ca ngợi đất nước, ca ngợi đảng, Bác Hồ. Thể hiện lòng yêu Tổ quốc nồng nàn tha thiết và tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.

Ôi Tổ Quốc ! Ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng

Ôi Tổ Quốc ! Nếu cần ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông.”

                                         (Sao chiến thắng)

     Bằng nghệ thuật so sánh, Chế Lan Viên ví lòng yêu Tổ quốc của mình như yêu máu thịt, yêu mẹ cha, yêu vợ, chồng. Máu thịt là bản thân, yêu bản thân mình  là điều tất yếu trong bản thân mỗi con người. Mẹ cha, vợ chồng là gia đình, yêu gia đình là đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc. Và đặc biệt sử dụng biện pháp điệp cụm từ: Ôi Tổ quốc, Ôi Tổ quốc, nhằm nhấn mạnh rõ tình yêu Tổ quốc nồng nàn, dâng trào không kìm nén nổi, nhà thơ bật lên tiếng gọi thiết tha, sâu lắng bộc lộ niềm tự hào cao cả, thiêng liêng về Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, anh hùng. Nhà thơ nguyện chết cho gia đình, cộng đồng, làng xóm, quê hương, chết cho Tổ quốc, giang sơn. Đó là tinh thần sẵn sàng xả thân "quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh".

     Càng đến với cuộc sống thì những vần thơ của Chế Lan Viên càng chan chứa niềm tin yêu cuộc sống:

“Tôi yêu quá cuộc đời như con đẻ
Như đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng
Tôi nối với bạn bè như với bể
Cả lòng tôi là một giải sông Hồng.”
( Chim lượn trăm vòng )

     “Cuộc đời” ở đây là cuộc đời khi có Đảng ra đời, có cách mạng. Tình yêu với cuộc đời cũng là tình yêu với Đảng, với đất nước, với nhân dân. Hai câu thơ đầu nhà thơ sử dụng thủ pháp so sánh kép, khi nhà thơ nói yêu cuộc đời “như con đẻ” là đã tự so sánh tình yêu của mình với tình mẫu tử thiêng liêng, như vậy tình yêu cuộc đời là một tình yêu bao la, rộng lớn và bền chặt như tình mẫu tử vậy. Còn tình yêu được ví như “đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng” là thứ tình yêu son sắt, say mê, nồng nhiệt. Khi ông ý thức được tình yêu cuộc sống, yêu đất nước nó gắn với những tình cảm ruột thịt của ông, thì tình cảm ấy càng thiêng liêng, đáng trân trọng.

     Không chỉ nói lên tình yêu đất nước tha thiết của chính bản thân mình, ông còn động viên, khuyến khích mọi người hãy yêu và bảo vệ đất nước của mình.

Hãy yêu! Hãy yêu! Hãy yêu và bảo vệ

Mây nước, cửa nhà, văn học, ngôn ngữ

Một đảo vắng Hồn Ngư còn chớp bể

Một rặng núi Kỳ Sơn từng lắm lúc mưa nguồn”

“Khi tôi muốn thơ tôi thành hầm chông giết giặc

Thành một nhành mai mát mắt cho đời.”

     Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên chũ nghĩa xã hội trong khi miền Nam vẫn đang phải đối diện với lũ bán nước và cướp nước, thì ông ra sức động viên miền Bắc ra sức chi viện cho Miền Nam.

Yêu tổ quốc là điều không thể giấu

Nam đổ máu, Bắc lòng ta tiếp máu

Thịt xương ta ai có thể chia miền”

                                                           (Con mắt Bạch Đằng – Con mắt Đống Đa).

     Khi viết về đất nước của ông bao giờ cũng chan chứa một tình cảm thiêng liêng, máu thịt, dù không trực tiếp cầm súng đánh giặc, nhưng ông lấy vần thơ của mình để cùng chiến sĩ góp phần đuổi xa tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.

Cho tôi sinh ra những ngày diệt Mỹ

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy

Bên những chiến sĩ đuổi xa tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”

     Nhà thơ thấy được bản chất thâm độc, tàn bạo, vạch trần âm mưu và tội ác của những lũ bán nước, cướp nước. Ông coi chúng là bọn chó điên, bọn thú điên, bắt được thì phải treo chúng lên cành cây để chúng đền tội.

“Bắt lấy con chó điên trong dinh Độc Lập!
Bắt lấy con thú điên trong dinh Độc Lập!

Bắt cả tớ thầy treo lên cành cây
Thằng Diệm chết. Thằng Mỹ thì cút ngay”

     Tiểu kết: Bước sang giai đoạn 1950 đến 1975 thì thơ Chế Lan Viên không còn là cái tôi cá nhân mà có sự chuyển biến sang cái ta, một cái ta luôn ca ngợi Đảng, ca ngợi đất nước, sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

  1. TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Vũ Tuấn Anh (2003), Chế Lan Viên - về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh.  
  2. Vũ Tuấn Anh (2009), Chế Lan Viên – Tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục.
  3. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (2000), Văn học Việt Nam (1900-1945), Nxb Giáo dục.
  4. Nguyễn Lâm Điền (2001), Đặc trưng nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
  5. Hà Minh Đức (2001), “Chế Lan Viên – Nghĩ về cuộc sống, nghĩ về thơ”, Tạp chí Nhà văn, (8), tr.96-102
  6.   Hà Minh Đức (2010), “Di cảo thơ những vần thơ thiêng nặng nghĩa tình”, Tạp chí Thơ, (7), tr.32-41.
  7.   Nguyễn Hoàng Minh Hà (2000), Giọng điệu thơ Chế Lan Viên, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
  8.   Hồ Thế Hà (1999), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.  
  9. Hồ Thế Hà (2015), Thơ và thơ Việt Nam hiện đại, Trường Đại học khoa học Huế.