Banner cho bài viết:KẾT CẤU TỰ SỰ VÀ NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC THỜI GIAN, KHÔNG GIAN TRONG TIỂU THUYẾT KẺ TRỘM SÁCH
ĐẠI HỌC

KẾT CẤU TỰ SỰ VÀ NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC THỜI GIAN, KHÔNG GIAN TRONG TIỂU THUYẾT KẺ TRỘM SÁCH

 KẾT CẤU TỰ SỰ VÀ NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC THỜI GIAN, KHÔNG GIAN TRONG TIỂU THUYẾT KẺ TRỘM SÁCH

1.Kết cấu

1.1.Lý thuyết về kết cấu 

Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử chủ biên định nghĩa “Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm”. Kết cấu có vai trò quan trọng trong tổ chức văn bản của một tác phẩm. “Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Kết cấu là phương tiện tất yếu và cơ bản của khái quát nghệ thuật. Kết cấu đảm nhận các chức năng rất đa dạng: bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng các tác phẩm, triển khai trình bày hấp dẫn cốt truyện, cấu trúc hợp lí hệ thống tính cách, tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả, tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mĩ [2, tr.156]

Theo giáo trình Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên thì kết cấu là ―sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định. [1, tr.143].  

Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật. ―Kết cấu đảm nhiệm các chức năng rất đa dạng: bộc lộ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, cấu trúc hợp lý hệ thống, tính cách, tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả, tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mỹ [1, tr. 156 - 157].   

Như vậy, kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm, tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm.

Trong văn học, có nhiều kết cấu khác nhau: kết cấu chương hồi, kết cấu tương phản, kết cấu vòng tròn, kết cấu lồng ghép, kết cấu bỏ ngõ, kết cấu tâm lý, kết cấu đơn tuyến, kết cấu đa tuyến,…

1.2. Kết cấu trong tiểu thuyết “ Kẻ trộm sách”

1.2.1.Kết cấu lồng ghép trong tiểu thuyết “ Kẻ trộm sách”

Sự lồng ghép trong tác phẩm “ Kẻ trộm sách” rất phức tạp, vừa có thư trong tiểu thuyết, vừa đan xen nhiều câu chuyện khác nhau trong cùng một tiểu thuyết. Có thể rút ra công thức kết cấu riêng cho “ Kẻ trộm sách” như sau: Ngoài câu chuyện của người kể chuyện, tiểu thuyết “ Kẻ trộm sách” gồm 5 bức thư + 2 câu chuyện của hai nhân vật: Liesel và Max .

1.2.2.Thư trong tiểu thuyết

Thư từ không đơn giản chỉ là một phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ viết mà bản thân nó còn chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật. Vì thế, người ta vận dụng nhiều thư từ vào trong tác phẩm văn học. Trong tác phẩm văn học, đặc biệt là trong truyện ngắn và tiểu thuyết, thư từ được sử dụng như một mô típ nghệ thuật. Trong tiểu thuyết “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách – một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam - cũng đã sử dụng những bức thư của Tố Tâm làm trung tâm của cốt truyện, làm đầu mối cho những sự kiện, là công cụ để thổ lộ tình cảm.

Đến  với  tiểu thuyết “ Kẻ trộm sách”, bức thư cũng được sử dụng khá nhiều nhằm để  để bộc lộ tình cảm của nhân vật với nhau, tính cách nhân vật cũng được bộc lộ một cách rõ nét.

Thư của Rudy giử cho Liesel:

Gửi đồ con lợn

 Cậu vẫn vô dụng trong môn bóng đá như lần trước chúng ta chơi cùng nhau chứ? Tớ hy vọng là thế . Điều đó có nghĩa là tớ có thể chạy vượt qua cậu lần nữa như Jesse Owens ở kỳ thế vận hội…”[103]. Bức thư này nó đánh dấu cho sự khởi đầu tình bạn của Liesel và Rudy.

Hay là bức thư Liesel viết thư gửi cho người mẹ ruột của nó, nói lên khát khao của cô bé gái 10 tuổi được nói cho mẹ nó biết nó vẫn sống tốt “ Nó đã mất ba giờ đồng hồ và sáu bản nháp để hoàn chỉnh lá thư. Trong thư nó kể cho mẹ nghe tất cả về Molching, về bố nuôi của nó, và cây đàn xếp của ông, cái cung cách lạ lùng nhưng chân thật của Rudy Steiner và những thành tích của Rosa Hubermann. Con bé không quên giải thích cho mẹ rằng nó cảm thấy tự hào thế nào khi giờ đây nó có thể đọc và viết một chút.”[105].

Trước khi tự tử, Michael đã viết cho người mẹ yêu quý của mình Holtzapfel một bức thư:

“ Mẹ yêu quý.

Liệu mẹ có thể tha thứ cho con được không: Con không thể chịu nỗi nữa. Con đi gặp Robert đây.  Con không quan tâm đến mấy điều khốn kiếp mà lũ người theo Đạo Thiên chúa nói về việc tự tử. Hẳn phải có một chỗ ở trên Thiên Đàng cho những người đã ở nơi mà con đã từng ở. Có thể mẹ sẽ nghĩ con không yêu mẹ vì những điều con đã làm, nhưng con yêu mẹ.

Michael của mẹ.”[525]. Michael tìm đến cái chết bởi anh không thể nào chịu nổi cảnh lương tâm bị cắn rứt vì anh nghĩ anh đã quá ích kỷ khi bỏ lại mẹ một mình trong căn nhà dưới tiếng còi báo động sắp có vụ đánh bom để chạy đến tầng hầm. “ Ở góc xa của căn hầm trú ẩn, Michael đang gập người lại và run lẩy bẩy. “ Lẽ ra tôi phải ở lại” anh nói, “ lẽ ra tôi phải ở lại” [509].Tuy nhiên một lát sau thì mẹ anh cũng được người ta đã đưa tới tầng hầm, nhưng cái cảm giác tội lỗi đó nó ám ảnh khiến anh không thể nào ngủ được“ Đứa bé gái nhận ra rằng anh đã không ngủ, rằng mỗi đêm đối với anh như một ly thuốc độc”[524] và anh đã quyết định tìm đến cái chết.

Bức thư của Ilsa Hermann – vợ của Quốc Trưởng , viết cho Liesel về những điều bà thấy và giấu kín về những vụ trộm sách của Liesel.

Liesel thân mến.

Ta biết cháu thấy ta đáng thương hại và đáng tởm, nhưng ta phải nói cho cháu biết rằng ta không ngu ngốc đến nỗi không nhìn thấy dấu chân của cháu trong thư phòng. Khi ta nhận thấy quyển sách đầu tiên đã bị lấy đi, ta chỉ nghĩ rằng có lẽ ta đã để nó ở đâu đó, nhưng sau khi ta nhìn thấy vết chân trên sàn nhà loang lổ ánh đèn. Thì ta đã mỉm cười….

Cuối cung, ta hy vọng cháu sẽ tìm thấy quyển từ điển này có ích khi cháu đọc những quyển sách ăn trộm của mình.

                                                    Thân mến.

                                                      Ilsa Hermann.”[390].

Trong tác phẩm cũng có những bức thư nó không chỉ dùng để bộc lộ tình cảm mà còn có tác dụng phát triển cốt truyện, đó là bức thư của Liesel gửi cho bà Thị Trưởng “Như bà có thể thấy, cháu đã ở lại trong thư phòng bà và đã phá hỏng một trong những cuốn sách của bà. Cháu đã giận giữ cũng như sợ hãi và cháu muốn giết những từ ngữ. Cháu đã ăn cắp đồ của bà và bây giờ cháu lại còn phá hỏng tài sản của bà nữa. Cháu xin lỗi, để tự trừng phạt mình, cháu nghĩ rằng cháu không thể đến đây nữa. Cháu xin lỗi. Để tự trừng phạt mình, cháu nghĩ rằng cháu sẽ không đến đây nữa…..Bà đã là một người bạn của cháu cho dù cháu đã làm bà tổn thương, ngay cả khi cháu là một người không thể chịu đựng được . Và cháu nghĩ bây giờ cháu sẽ để cho bà yên. Cháu xin lỗi vì tất cả.

Cảm ơn bà một lần nữa.

                                                           Liesel Meminger. ” [543] Chính nhờ bức thư gửi bà Hermann – Vợ Thị Trưởng mà Lisel  được vợ Thị Trưởng tặng một cuốn sổ để nó ghi chép, tự viết lại câu chuyện của nó. Bởi bà nhận thấy khả năng viết lách của con bé qua bức thư, bà cũng nhận thấy được mình không thể tạo cơ hội cho con bé không thể đến nhà mình ăn trộm sách mãi, nó sẽ bị phát hiện bởi Thị Trưởng. Và cũng chính cuốn sổ ghi chép mà vợ Thị Trưởng cho, mà con bé bắt đầu viết câu chuyện của chính mình. Đồng thời nhờ việc con bé đang sửa lại những dòng chữ trong câu chuyện dưới tầng hầm mà con bé thoát chết khỏi vụ đánh bom bất ngờ của quân Đồng Minh. Theo lời thuật lại của Thần Chết – Người kể chuyện, thì chính câu chuyện của kẻ trộm sách là cơ sở, nền tảng cho Thần Chết viết lại câu chuyện của chính mình.

 Qua đó ta thấy được những bức thư có tác dụng nghệ thuật rất lớn. Nó không chỉ dùng để bộc lộ tình cảm mà còn là chi tiết để phát triển cốt truyện. Tạo nên sự độc đáo, tránh được sự đơn điệu cho tác phẩm.

1.2.3.Kết cấu truyện lồng truyện

        Kiểu kết cấu truyện lồng truyện ( kết cấu lồng khung) này được sử dụng khá nhiều trong văn học hiện đại. Trong “ Kẻ trộm sách” thì ta thấy được nhiều câu chuyện được lồng vào nhau, một câu chuyện của thần chết, một câu chuyện của kẻ trộm sách – Liesel, và một câu chuyện do Max tự viết ra, được thuật lại bởi thần chết. Câu chuyện thứ  nhất với nhan đề “ Người lay từ ngữ – một bộ sưu tập nhỏ những suy nghĩ cho Liesel Meminger ” do chính một người Do Thái là Max viết ra để tặng Liesel. Mở đầu cuốn sách là lời của Max dành cho kẻ trộm sách “ Liesel – Anh gần như đã viết vội câu chuyện này ra. Anh nghĩ là có thể em đã quá lớn cho một câu chuyện như vậy, nhưng cũng có thể không ai quá lớn ở đây cả. Anh đã nghĩ về em và những quyển sách và từ ngữ của em và câu chuyện lạ lùng này đã nảy ra trong đầu anh. Anh hy vọng em có thể tìm thấy cái gì đó có ích từ nó.” [467].  Lật sang những trang tiếp theo thì đây là một bản vẽ phác thảo và những câu chuyện, và những bức tranh có lời chú thích bên dưới, tất cả chúng được lồng ghép vào nhau, nó làm nên một cuộc đời trong giấy của chính bản thân Max và cả thằng người tuyết mà Max cùng gia đình Liesel làm và những giấc mơ liên quan đến Stuttgart, nước Đức, Quốc Trưởng và những ký ức về gia đình của Max cũng xuất hiện, và đặc biệt là Liesel được Max miêu tả như một người lay chuyển từ ngữ. Câu chuyện của Max nó vừa xen lẫn yếu tố hiện thực và yếu tố lãng mạn, chứ không đậm chất hiện thực như của liesel và thần chết. “ Đó là một câu chuyện ngụ ngôn hay cổ tích gì đó. Liesel không chắc chuyện gì” [ 467]. Câu chuyện kể về một hạt giống ( tượng trưng cho những từ ngữ) được Liesel gieo trồng và trở thành một cái cấy rất lớn. Và kẻ lay từ ngữ ( Liesel) đã trèo lên đó. Quốc Trưởng cho người chặt cái cây nhưng vô ích “ Một trăm chín mươi sáu người lính cũng không thể làm cái cây của người lay từ ngữ tổn hại một chút nào”[472] và kẻ lay từ ngữ có thể sống trên đó rất lâu “ Tuyết rơi. Mưa rơi. Xuân rồi hạ rồi thu rồi đông. Người lay từ ngữ vẫn ở trên ngọn cây.[472] Một hôm thì có một người thanh niên [Max] đến và trèo lên cây gặp kẻ lay từ ngữ, khi họ nhìn nhau và nói chuyện đủ rồi họ quyết định leo xuống, nhưng khi họ leo xuống thì cái cây đột nhiên bị đổ. “ Người ta không thể tin vào mắt mình, và ngay cả cái khoảnh khắc mà người lay từ ngữ và người thanh niên nọ đặt chân lên thế giới dưới chân mình, thì cuối cùng tên thân cây xuất hiện những vết rìu. Những vết chém xuất hiện. Khe hở hiện ra trên thân cây, và mặt đất bắt đầu run rẩy.”[475]

Câu chuyện thứ hai đó là câu chuyện mà Liesel tự viết ra để kể về cuộc đời mình và bố mẹ, Rudy, Max, thậm chí nó còn chép lại quyển Người lay từ ngữ và  cuốn Người đứng trên nhìn xuống…được thuật lại bởi thần chết với nhan đề “Kẻ trộm sách” và đó cũng là nhan đề mà tác giả đặt cho cuốn sách.  Câu chuyện này được viết do sự khuyên nhủ của vợ Thị Trưởng, bởi bà nhận thấy khát khao được đọc sách, và khả năng viết lách của con bé  – Bà  là người chứng kiến con bé ăn trộm sách trong đống lửa khi Hitler đã mở ra một chiến dịch đốt sách rầm rộ và có quy mô bậc nhất trong lịch sử, nhằm xóa đi tất cả những tư tưởng tân tiến của nhân loại, và hướng người dân Đức đi theo con đường do chính quyền đặt ra, đồng thời cũng là người mở cách của sổ để cho Liese vào ăn trộm sách của nhà mình và chính bà là người  đã giúp kẻ trộm sách tự viết nên cuốn sách của mình. Cũng chính nhờ viết lại câu chuyện của mình mà Liesel đã thoát chết trong vụ đánh bom bất ngờ của quân đồng minh, vì con bé đang ở dưới hầm để đọc cuốn sách do chính mình viết ra. Sau vụ đánh bom, trong lúc đi tìm bố mẹ, Liesel đã đánh rơi cuốn sách, và thần chết đã nhặt lấy cuốn sách đó.“ Quyển “ Kẻ trộm sách”  bị giẫm lên nhiều lần và sau cùng được nhặt lên mà không thèm nhìn đến một lần, rồi bị quẳng lên một xe chở rác. Ngay trước khi cái xe chạy đi, tôi đã nhanh chóng trèo lên trên mà cầm lấy nó trên tay mình…”[560]. Đến khi Liesel già, và chết ở ngoại ô thành phố Sydney thì thần chết đến rước linh hồn của Liesel đi và trả lại cho bà ấy cuốn sách đó. “ Tôi đặt bà ta xuống, chúng tôi đi dọc theo đại lộ Anzac, đoạn gần sân bóng đá, rồi tôi rút ra từ trong túi áo mình một quyển sách màu đen bám đầy bụi. Bà ấy tỏ vẻ kinh ngạc, bà nắm chặt quyển sách trong tay và hỏi, “ Có thực đây là quyển sách đó không?”. Tôi gật đầu.[568].

          Câu chuyện của Liesel cũng khá dài, nó được bắt đầu bằng sự  kiện đứa em trai nó chết trên chuyến tàu “ Tôi đã cố lờ nó đi, nhưng tôi biết tất cả chuyện này đều bắt đầu với đoàn tàu, tuyết và đứa em trai ho hen của tôi. Ngày đó tôi đã ăn trộm cuốn sách đầu tiên của mình. Đó là một cuốn sách hướng dẫn đào phu huyệt, và tôi đã ăn trộm nó khi đang trên đường tới phố Thiên Đàng…”[547]

        Và những công lao to lớn của ông Hans trong việc dạy nó đọc sách, và tình thương của ông đối với đồng loại của mình được Liesel kể lại một cách chi tiết “Bạn sẽ không nghĩ thế đâu, nó viết, “Nhưng trường lớp chẳng giúp được gì nhiều trong việc tôi biết đọc. Mà người đó chính là bố. Người ta cho rằng ông không được khôn ngoan lắm, đúng là ông đọc không được nhanh, nhưng tôi sẽ sớm biết rằng chính những từ ngữ và chữ viết đã cứu sống ông một lần. Hay ít nhất là, những từ ngữ và một người đã dạy ông chơi đàn xếp”

“Mùa hè năm ấy là một khởi đầu mới, một kết thúc mới. Khi nhìn lại tôi vẫn thấy đôi tay trơn tuột đầy sân của mình và tiếng bước chân của Bố bước đi trên phố Munich, và tôi biết rằng một khoảng khắc nhỏ của mùa hè 1942 chỉ thuộc về một người mà thôi. Liệu còn ai trên đời này có thể sơn cho người ta với giá nữa điếu thuốc lá cơ chứ? Người đó là Bố, đó là một việc rất thường và tôi yêu quý ông biết bao.”[374]

Kết thúc câu chuyện của mình Liesel viết “ Tôi ghét những từ ngữ và tôi đã yêu chúng, và tôi hy vọng rằng mình đã viết chúng ra một cách đúng đắn.”[549].

Các câu chuyện trong  tác phẩm không hoàn toàn tách rời mà có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau : Câu chuyện của Max là cơ sở, nền tàng cho Liesel viết câu chuyện của mình, còn câu chuyện của Liesel lại là cơ sở để cho Thần Chết –người kể chuyện – kể lại cho bạn đọc nghe. Các câu chuyện được lồng ghép vào nhau tạo nên một cốt truyện khá phức tap, người đọc phải vừa đọc, vừa chiêm nghiệm mới hiểu hết tầng sâu ý nghĩa của tác phẩm.

2.Thời gian

2.1. Lý thuyết thời gian trần thuật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì thời gian nghệ thuật là “ Hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật. Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác…tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh.[2, 272-273]

Theo Trần Đình Sử “Thời gian trần thuật (thời gian tự sự - narrative time) chính là thời gian của người kể, của sự kể. Nó có mở đầu và kết thúc, do đó là một thời gian hữu hạn, nó có tốc độ và nhịp điệu riêng do người kể có thể kể nhanh hay chậm, có nghĩa là có thể lướt hay là tỉ mỷ dừng lại miêu tả chi tiết. Khi nào diễn tả khái quát thì thời gian lướt nhanh, khi nào sa vào miêu tả chi tiết thì thời gian như dừng lại.Do nó có tính đảo ngược cho nên nó có thể sắp xếp lại trật tự thời gian của sự việc vào trật tự trước sau của nó. Nó có thể đem cái xảy ra sau kể trước và ngược lại đem cái xảy ra trước kể sau. Thời gian trần thuật luôn mang tính hiện tại.[4, 87]

Thời gian trần thuật là một hiện tượng nghệ thuật, chỉ có trong sác tác nghệ thuật, bởi nó tạo ra cảm giác thời gian và dòng thời gian trong tâm hồn người đọc. [4, 88]

Theo G.Genette, thời gian trần thuật có 4 hình thức.

+ Tỉnh lược : Thời gian được trần thuật rất dài, nhưng thời gian trần thật lại bỏ qua, thời gian trần thuật gần như bỏ không.

+ Lược thuật : là lược kể trong một câu ngắn, một đoạn thời gian dài

+ Cảnh tượng: kể lại các cuộc đối thoại, thời gian gần như bằng thời gian thực tế khi tiến hành đối thoại.

+ Dừng lại: tức là khi nhà văn tiến hành miêu tả chân dung hay phong cảnh, môi trường, lúc này thời gian trần thuật dừng lại bằng không.[4, 88

2.2.Thời gian trần thuật trong “Kẻ trộm sách”

2.2.1.Thời gian tuyến tính từ quá khứ đến hiện tại với nhiều biến hóa

Thời gian trong tiểu thuyết hiện đại, nó thường gắn với sự kiện, gắn với cuộc đời nhân vật, gắn với tâm lý nhân vật, gắn với những nỗi đau in sâu vào trong lòng họ. Thời gian chủ yếu là thời gian tuyến tính, tuy nhiên nó có nhiều biến hóa, xuất hiện sự đồng hiện thời gian và tĩnh lược thời gian, có lúc nhanh, lúc chậm. Thời gian ở tiểu thuyết không nhất thiết phải kéo dài hàng chục năm, dù chỉ vài ngày cũng có thể làm thành một tiểu thuyết. Thời gian trong tiểu thuyết đôi khi còn có những khoảng trống, ở những khoảng trống đó người đọc có cơ hội suy nghĩ về nhân vật, về những sự kiện có thể xảy ra, đó là sự hấp dẫn của văn học hiện đại.

Tiểu thuyết “ Kẻ trộm sách ” được xây dựng trong thời gian tuyến tính gắn với cuộc đời của cô bé Liesel, từ khi Liesel bước lên chuyến tàu để đến thành phố Thiên Đàng nhận ba mẹ nuôi mới “ Đó là vào ngày tháng Giêng năm 1939. Nó chín tuổi và sắp sửa lên mười” [27], và kết thúc câu chuyện khi Liesel chết “ Tôi nên nói cho bạn biết rằng, kẻ trộm sách vừa mới qua đời ngày hôm … Bà ấy qua đời ở ngoại ô Sydney. Số nhà bốn mươi lăm -  giống với căn hầm tránh bom của gia đình Fiedler – và bầu trời khi ấy có màu xanh đẹp nhất của buổi chiều.[562]. Khoảng thời gian đó, người trần thuật đã kể cho thời gian vận động tuyến tính một chiều từ quá khứ đến hiện tại nhưng có những biến hóa khá linh hoạt. Tác giả đã lấy thời gian quá khứ làm bối cảnh để phát triển tình tiết sự kiện tác phẩm, những khúc mắc, nỗi đau  từ quá khứ trở thành ám ảnh cho nhân vật. Quá khứ là bộ xương tỏa ra cành nhánh là nỗi buồn, mất mát, day dứt, đau khổ, dằn dặt không thể nào giải đáp. Chính lẽ đó thời gian quá khứ trong tác phẩm trở thành biểu tượng: biểu tượng cho nỗi đau và sự ám ảnh. Theo dòng hồi ức đầy xáo trộn, ngắt quãng của người kể chuyện, câu chuyện sẽ diễn ra không theo mạch thẳng của thời gian vật lý mà luôn có sự đảo lộn, xoay chiều giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự kiện này và sự kiện kia tạo cảm giác cuộc sống được dựng nên trong tác phẩm dường như bộn bề hơn, sâu sắc hơn, hỗn loạn hơn.  Trong tác phẩm dường như thời gian quá khứ không được nhắc đến một cách trực tiếp, diễn biến đều đặn, nối tiếp nhau, mà thông qua hồi ức của nhân vật. Sự hiện diện ngầm gián tiếp đã tạo nên chiều sâu cho tác phẩm. Thời gian quá khứ được nhắc đến lướt qua chương đầu tiên ngay từ khi nhân vật còn ngây thơ. Mở đầu tác phẩm là khúc dạo của quá khứ được thông qua lời kể đầy xót xa, đau đớn  của người trần thuật. Kẻ trộm sách và em trai Werner của nó đang trên tàu hỏa đến Munich, nơi cả hai được bàn giao cho bố mẹ nuôi của chúng, thì em trai của nó bị chết sau  một cơn ho giữ dội vọt ra. Em trai nó chết lúc chỉ mới sáu tuổi. “ Với một mắt mở, mắt kia vẫn mơ màng, kẻ trộm sách còn biết với cái tên Liesel  Meminger – có thể thấy rõ rằng đứa em trai Werner của nó đang nằm nghiêng sang một bên và đã chết. Đôi mắt xanh của thằng bé nhìn trừng trừng xuống sàn nhà. Nhìn vào cõi vô định”[27]

Những ám ảnh về quá khứ đã trở thành mấu chốt của sự đỗ vỡ, nó luôn tồn tại trong tâm trí của nhân vật. Liesel thường xuyên mơ về em trai đã chết của mình. Mỗi tối, Liesel đều gặp ác mộng.

Gương mặt của em trai nó.

Đang nhìn chằm chằm xuống sàn tàu hỏa.

Nó thức dậy trong tình trạng đang quẫy đạp trên giường của mình, la hét, và chết đuối trong đống vải trai giường”[43]

Những lúc đau khổ, dằn vặt, Liesel lại nhớ về em trai và mẹ nó, nhớ về một ký ức buồn, ký ức của cái chết, của sự chia li. Khi kẻ trộm sách vào thư phòng của ngài thị trưởng, những tù ngữ trên những cuốn sách khiến nó nhớ lại quá khứ của nó. “Nó đã nhìn thấy em trai nó chết với một mắt mở, mắt kia còn mơ màng. Nó đã nói lời vĩnh biệt mẹ nó và hình dung ra cảnh bà chờ đợi trong cô quạnh một đoàn tàu đưa người ta tới sự quên lãng.”[541]

Ngay cả những giây phút cuối đời, Liesel vẫn nghĩ về người em trai của mình. “ Giữa những cuộc đời ấy, được thắp lên như những chiếc đèn lồng là Hans và Rosa Hubermann, em trai bà, cậu bé có mái tóc vĩnh viễn một màu vàng chanh.”

Không chỉ Liesel mà Max – Một người Do Thái cũng có một quá khứ đáng buồn, đáng day dứt. Khi Đức Quốc Xã tiến hành “bài trừ” người Do Thái, chúng tiến hành lục soát để bắt những người Do Thái vô tội. Khi một tên Quốc Xã vào nhà Max, mẹ anh  và các thành viên trong gia đình yêu cầu Max chạy trốn, thì Max đã chạy trốn không một cái nhìn từ biệt, bỏ lại gia đình khi họ phải đương đầu với Đức Quốc Xã “ Khi anh bị đẩy ra ngoài bởi những thành viên còn lại của gia đình mình. Thì có một cảm giác nhẹ nhõm quay cuồng bên trong anh như một hành động đồi bại” …” Giá như anh đã quay lại để nhìn một lần cuối gia đình khi anh bỏ ngôi nhà ấy mà đi, thì cảm giác tội lỗi sẽ không đè nặng đến anh thế. Anh không nói một lời từ biệt nào với họ cả. Không có lấy một cái nhìn cuối cùng.” [250]. Khi anh chạy trốn được bọn Đức Quốc Xã thì nỗi ám ảnh của khoảnh khắc đó, khiến Max dằn dặt, day dứt suốt đời, anh cho rằng cái cuộc sống trốn chạy, cực khổ, dựa dẫm vào Hanns, Rosa, đó là cái giá anh phải trả cho hành động của mình.“ Cái giá phải trả là cảm giác tội lỗi và sự xấu hổ” [222]. Anh luôn tự dày vò bản thân mình “  Anh thật quá ích kỷ . Khi anh nói điều đó, anh dùng cẳng tay để che mặt mình lại. Bỏ mọi người lại đằng sau… sự buồn phiền và u sầu được tát lên gương mặt anh”[231]

        Sống ở hiện tại nhưng nhân vật luôn ngoảnh lại quá khứ để day dứt ám ảnh giằng xé. Sự đồng hiện thời gian làm cho mọi khoảnh khắc đan xen nhau, hòa lẫn vào nhau dồn nén nhân vật có những lúc đến nghẹt thở. Bên cạnh đó sự đồng hiện thời gian còn làm cho mạch cảm xúc của nhân vật có những bước đứt đoạn, nhảy cóc từ hiện tại đến quá khứ một cách vô lý ở bên ngoài những hợp lý trong chiều sâu tư tưởng.

Thời gian quá khứ còn là cơ sở để cho cốt truyện được phát triển, để người đọc hiểu lý do tại sao gia đình Hans lại chấp nhận cho Max- một người Do Thái-  ẩn náu trong nhà dưới sự truy lùng của Đức Quốc xã. Thần chết đã đưa người đọc trở về quá khứ của Hans lúc còn trẻ, khi ông đi tham gia chiến tranh đã được một người bạn Do Thái là Erik Vandenburg giúp đỡ,  đề xuất để được ở lại doanh trại viết thư với lý do anh là người chữ đẹp nhất, nhưng thực tế chữ anh không đẹp lắm. “Nói cho nhẹ nhàng nhất thì kỹ năng viết của anh khá lơ tơ mơ. Nhưng ông nghĩ rằng mình đã gặp may. Ông viết những lá thư một cách nắn nót nhất có thể. Trong khi những người lính còn lại ra chiến trường. Không ai  trong số họ quay về cả. Đó là lần đầu tiên mà Hans Humermann thoát khỏi tôi. Cuộc đại chiến”[189].Nhờ được ở lại viết thư mà Hans đã thoát chết. Mà người bạn Do Thái ấy lại là cha của Max, khi chiến tranh  kết thúc, để đáp lại ân tình đó thì Hans đã đến nhà người bạn đó và nói sẽ sẵn sàng giúp đỡ mẹ con Max, cho nên khi Hitler tiến hành cuộc  bài trừ Do Thái, Max đã tìm đến nhà Hans và được gia đình Hans giúp đỡ. Chính vì giúp đỡ Max mà gia đình phải sống trong sự nơm nớp lo sợ.

2.2.2.Thời gian gắn liền với sự kiện và có nhảy cóc về thời gian

Thời gian gắn liền với sự kiện

Thời gian trong “ Kẻ trộm sách” nó gắn liền với những sự kiện của cuộc đời nhân vật, và các sự kiện của diễn biến chiến tranh.

Đó là vào tháng giêng năm 1939. Nó chín tuổi, sắp sửa lên mười. Em trai nó đã chết.” [27]. Mở đầu câu chuyện là một mốc thời gian đánh giấu một sự kiện đáng buồn của  cuộc đời Liesel, nó phải thấy cảnh em nó chết trên chuyến tàu vì một cơn ho dữ dội. Và cũng chính cái lúc em trai nó mất thì nó bắt đầu sự nghiệp ăn trộm sách của mình.“ Quyển sách lấy trộm đầu tiên: 13 tháng Giêng, 1939. Quyển sách lấy trộm thứ hai : 20 tháng 4 năm 1940.” [92]

 “ Một nửa năm 1939 đã trôi qua, chỉ còn sáu tháng nữa là tròn ba mươi năm Max lẫn trốn, họ đã quyết định thực hiện một hướng hành động mới. Họ xem xét mảnh giấy mà mẹ anh đã đưa cho khi anh ra đi bỏ lại gia đình”[206]. Khoảng thời gian này đánh dấu sự kiện Max quyết định đến nhà Hans một người bạn của cha mình lúc tham gia chiến tranh để xin ẩn trú khỏi sự truy đuổi của Đức Quốc xã. Và cũng là lúc gia đình Hans và sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì trong nhà có một tên Do Thái.

Ngày 24 tháng bảy, 6:03 phút sáng” [523], khoảng thời gian này nó đánh dấu sự kiện tự vẫn của Michael Holtzapfel khi anh đã không thể nào vượt qua nỗi day dứt của bản thân khi bỏ lại mẹ trong vụ đánh bom.

“ Tối ngày 7 tháng 10 năm 1943”, tất cả đều chết trong vụ đánh bom bất ngờ của quân Đồng Minh, chỉ có một mình Liesel sống sót bởi vì nó đang đọc sách dưới hầm.

Mỗi sự kiện quan trọng với cuộc đời nhân vật và trong việc phát triển tình tiết cốt truyện đều được đánh dấu bằng những mốc thời gian rõ ràng nhằm giúp người đọc dễ nắm bắt câu chuyện, đồng thời nó tạo thêm tính tin cậy cho tác phẩm.

Nhảy cóc và sự dồn nén về thời gian

Cùng với sự vận động tuyến tính từ thời gian quá khứ đến hiện tại, từ khi Liesel bước lên chuyến tàu để đến thành phố Thiên Đàng nhận ba mẹ nuôi mới “ Đó là vào ngày tháng Giêng năm 1939. Nó chín tuổi và sắp sửa lên mười” [27], và kết thúc câu chuyện khi Liesel chết “ Tôi nên nói cho bạn biết rằng, kẻ trộm sách vừa mới qua đời ngày hôm … Bà ấy qua đời ở ngoại ô Sydney. Số nhà bốn mươi lăm -  giống với căn hầm tránh bom của gia đình Fiedler – và bầu trời khi ấy có màu xanh đẹp nhất của buổi chiều.[562]. Khoảng thời gian nó không liền mạch mà có sự nhảy cóc về thời gian. Trong khoảng thời gian từ năm 1939 – Năm mở đầu của câu chuyện cũng như mở đầu cuộc đời mới của Liesel, cho đến năm 1943, trong khoảng thời gian đó tác giả miêu tả rất kỹ, từng chi tiết, sự kiện, hành động, tính cách, cuộc sống của nhân vật. Nhưng từ khoảng thời gian 1943 đến cái lúc thần chết đến rước linh hồn của Liesel đi khi bà đã già thì tác giả chỉ tóm tắt khoảng thời gian đó trong một câu ngắn “ Bà ấy qua đời ở ngoại ô Sydney. Số nhà bốn mươi lăm -  giống với căn hầm tránh bom của gia đình Fiedler”. “ Trong những nhỡn ảnh cuối cùng, bà nhìn thấy ba đứa con của mình, cháu của mình, chồng bà và một bản danh sách dài những cuộc đời đã hòa trộn với cuộc đời bà.” [562.]

Trong khoảng thời gian từ năm 1939 cho đến năm 1943 cũng có những bước dồn nén và tĩnh lược với khoảng cách không đều. Sự nhảy cóc và lược bỏ thể hiện qua các cụm từ tĩnh lược“ Một thời gian sau” , “Ba ngày sau” , “Trong hai năm kế tiếp”, “ Suốt chín mươi bảy ngày đầu tiên khi Hans Hubermann về nhà vào tháng tư năm 1943, tất cả đều ổn.”[521].  Và các cụm từ thể hiện sự dồn nén, thời gian được tính từng dây từng phút như “ Sau vài phút”, “ vài tiếng đồng hồ sau”, “ Mỗi phút, mỗi giờ trôi qua con bé đều canh cánh một nỗi lo lắng, hay nói chính xác hơn là sự hoang tưởng”. “ Mười giây tiếp theo trong cuộc đời của Liesel Meminger” [556]. Trong tác phẩm những lúc mà nhân vật độc thoại nội tâm, suy nghĩ, và sự kiện Liesel chứng kiến em trai nó chết, sự kiện một tên Đức Quốc Xã vào lục soát gia đình Liesel và đặc biệt lúc Liesel chứng kiến cảnh hoang tàn, tất cả người thân đều chết sau vụ đánh bom thì thời gian dường như bị dồn nén lại, để người đọc thấy được rõ hơn những bi kịch mà con người phải gánh chịu trong cái xã hội đen tối của nước Đức trong những năm tháng chiến tranh thế giới thứ 2.

  Nhịp điệu  trần thuật

Nhịp điệu trần thuật là một nội dung trong lý thuyết về tự sự nói chung. Nhịp điệu trần thuật liên quan tới vấn đề kết cấu văn bản ngôn từ. Kết cấu văn bản cùng với kết cấu hình tượng làm cho việc kể chuyện phải đạt được yêu cầu tạo hình và biểu hiện, để có khả năng tái hiện bức tranh đời sống và thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả một cách tối đa [5, 110]

Nhịp điệu trần thuật trước tiên thể hiện qua tốc độ trần thuật. Trong một tác phẩm, nhịp điệu trần thuật có thể lúc chậm rãi, đều đều, lúc nhanh chóng, gấp gáp. Nhịp điệu trần thuật còn phụ thuộc vào thể loại và phương thức trần thuật. Với mỗi thể loại tự sự, mỗi tác phẩm, tác giả lại có những cách xử lý nhịp điệu chậm này một cách khác nhau với những đặc trưng thẩm mỹ riêng phù hợp với nội dung tự sự.

 Nhịp điệu trần thuật còn liên quan tới việc tổ chức các yếu tố thời gian. Đó là việc xử lý mối liên hệ giữa thời gian thực tế và thời gian trần thuật. Thời gian thực tế diễn ra theo tuyến tính, theo trình tự, liên tục, đều đặn. Thời gian trần thuật có chỗ đảo trình tự, đứt đoạn, trình bày song song, lúc nhanh lúc chậm, có lúc dừng lại, đi vào một mạch rẽ nào đó.

Nhịp điệu trong tiểu thuyết “ Kẻ trộm sách” nó thay đổi theo diễn biến của cốt truyện, có lúc được kể với nhịp điệu rất nhanh, có lúc được kể rất chậm.Tuy nhiên nhịp kể chậm rãi được sử dụng nhiều trong tác phẩm khi tác giả miêu tả những dòng suy nghĩ miên man, độc thoại của nhân vật thì thời gian kể được kéo căng ra, chỉ trong một thời gian ngắn mà bao nhiêu cảm xúc, suy tư của nhân vật hiện về. Đó là những khoảnh khắc kể lại em trai Liesel chết, những đêm Liesel gặp ác mộng, ông Hans dạy cho Liesel biết đọc, cũng như là hành trình trộm sách của Liesel, che dấu một tên Do Thái dưới hầm của gia đình Hans trước sự kiểm tra của Đức Quốc Xã thì người kể chuyện kể với một nhịp độ rất chậm, nó làm kéo dài thời gian trần thuật. Đặc biệt là khoảnh khắc Liesel chứng kiến những xác chết của người thân sau vụ đánh bom của quân Đồng Minh. Trong một khoảng thời gian ngắn, từ khi Liesel được cứu khỏi căn hầm đến lúc được  những người đàn ông thuộc đơn vị LSE mang đi, thì được tác giả kể rất kĩ từ hành động, suy nghĩ, cho đến cảm xúc của Liesel với một nhịp kể chậm rãi, càng làm nên sự tàn khốc của chiến tranh, nỗi đau đớn mà con người phải gánh chịu trước hiện thực cuộc sống chiến tranh tàn nhẫn.

Nhịp kể cũng có lúc rất nhanh, chỉ được tóm gọn trong vài câu ngắn.

Suốt chín mươi bảy ngày đầu tiên sau khi Hans Hubermann về nhà vào tháng tư năm 1943, tất cả đều ổn.[521]

“Nửa đầu năm 1941, khi Liesel tiếp tục thực hiện công việc che giấu Max Vandenburg, ăn trộm những tờ báo và chửi thẳng vào mặt ông thị trưởng. Thì Rudy đang trải qua cuộc đời mới của chính nó ở trung tâm thiếu niên Hitler.”[283]

Trong khoảng thời gian 1943 đến cái lúc thần chết đến rước linh hồn của Liesel đi khi bà đã già thì tác giả chỉ tóm tắt khoảng thời gian đó trong một câu ngắn “ Bà ấy qua đời ở ngoại ô Sydney. Số nhà bốn mươi lăm -  giống với căn hầm tránh bom của gia đình Fiedler”.Những khoảng trống này sẽ tạo ra những “nếp gấp” thời gian vô hình, đẩy truyện kể vận động nhanh hơn về phía trước.

3. Không gian

3.1. Lý thuyết về không gian trần thuật

Theo từ điển văn học, không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện  tính chỉnh thể của nó… Không gian nghệ thuật chẵng những cho ta thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn thấy quan niệm về thời gian, chiều sâu cảm thụ thời gian hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo, cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật.[2, 135]

Không gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới nghệ thuật là thế giới của cái nhìn và mang ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra từ một điểm nhìn, cách nhìn. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện quan niệm nhất định về cuộc sống. Do đó, không thể đồng nhất không gian trong tác phẩm văn học với không gian địa lí, không gian vật lí được.  Không gian nghệ thuật là mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí, số phận mình ở trong đó. Không gian nghệ thuật gắn liền với quan niệm về con người và góp phần biểu hiện cho quan niệm ấy. Trong tác phẩm ta thường bắt gặp hình ảnh ngôi nhà, dòng sông… nhưng bản thân các sự vật đó chưa hẳn đã là không gian nghệ thuật, nó chỉ được xem là không gian nghệ thuật khi bản thân nó là một hình thức ngầm ẩn bên trong của hình tượng nghệ thuật nhằm biểu hiện mô hình thế gới của con người.

Không gian là nơi để nhân vật hoạt động, bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Nó không chỉ tái hiện hiện thực, mà còn thể hiện thế giới khách quan, tư tưởng thẩm mỹ, tình cảm, ý đồ của nhà văn.

3.2. Không gian trong kẻ trộm sách

 3.2.1. Không gian thành phố Thiên Đàng

Đến với Zusak không gian không phải là một bối cảnh nên thơ trong thơ Hàm Mặc Tử , thiên nhiên đẹp hùng vĩ như trong tùy bút người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, mà là không gian của chiến tranh, của sự chết chóc, cảnh Thần Chết đến rước những linh hồn. Tiêu biểu cho không gian trong  “kẻ trộm sách” là không gian thành phố Thiên Đàng, đây là một không gian thu nhỏ của nước Đức trong thời chiến tranh thế giới thứ 2. “ Thiên Đàng ” một cái tên ta cứ ngỡ như người dân sống ở nơi đây sẽ được sống sung sướng, hạnh phúc, nhưng thực sự không phải như cái tên người ta gán ghép cho nó “Dù người đã đặt tên cho con phố này là phố thiên đàng có là ai đi chăng nữa thì hẳn gã ta có một khiếu mỉa mai rất sắc sảo. Không phải vì con phố ấy là một địa ngục trần gian. Không phải thế đâu, nhưng chắc chắn nó cũng chắc chắn không phải thiên đàng gì ráo.”[32]. Khi tác phẩm mới bắt đầu mở ra với những trang sách đầu tiên thì không gian phố Thiên Đàng là một không gian mơ ước, một nơi sẽ mang lại những hứa hẹn những hạnh phúc cho Liesel và đứa em trai của nó như mẹ đẻ của nó thầm ao ước khi giao hai chị em Liesel cho hai vợ chồng trên phố Thiên Đàng. Tuy nhiên càng lật giở những trang sách thì phố Thiên Đàng càng lộ ra cái vẻ nghèo nàn, u ám, tràn đầy sự chết chóc.

            “Những tòa nhà, hầu hết là những căn hộ nhỏ và hộ chung cư, như được gián dính lại với nhau và đượm vẻ bồn chồn, lo lắng. Tuyết dày đặc và trả khắp nơi như một tấm thảm, chỉ có bê tông, những cây trơ trụi lá tựa như giá treo mũ. Và một không gian xám xịt.” 

“ Nhìn chung, đó là một con phố đầy rẫy những kẻ nghèo khổ, mặc cho sự trỗi dậy rõ rệt về mặt kinh tế của nước Đức dưới thời Hitler. Những dãy phố nghèo vẫn còn tồn tại”[53]

 Gia đình Hubermann sống tại một trong những ngôi nhà hộp nhỏ xíu trên phố thiên đàng, vài gian phòng, một căn bếp và một nhà xí dùng chung với các nhà hàng xóm. Mái nhà phẳng, và ngôi nhà có một căn hầm nông choèn để chứa các đồ đạc linh tinh.[39]

Không chỉ sống trong cảnh nghèo nàn mà những con người nơi đây họ phải đối mặt với cái chết, những vụ đánh bom “ Bên ngoài, tiếng còi hú lên với những ngôi nhà và người ta bắt đầu chạy túa ra, tập tễnh và chùn bước lại khi bước ra khỏi nhà mình. Màn đêm chỉ việc đứng đó và quan sát. Có vài người quan sát ngược lại nó, cố gắng tìm kiếm dấu vết của những chiếc máy bay pháo hạm khi chúng lướt ngang dọc trên bầu trời. Phố Thiên Đàng là một đám rước của những con người lộn xộn, tất cả đều đánh vật với những món đồ quý giá của mình”[393].

Tuy nhiên trong không gian phố Thiên Đàng, Liesel – một đứa bé gái 10 tuổi lại cảm thấy hạnh phúc bởi khi tới phố Thiên Đàng nó được tới trường, được kết bạn với Rudy, dưới sự yêu thương dạy dỗ của ông Hans nó đã biết đọc, biết viết, những thứ đó con bé sẽ không bao giờ có được khi nó ở với mẹ đẻ, vì bà ấy quá nghèo.

 3.2.2.Không gian tâm trạng

Bên cạnh tái hiện các không gian bối cảnh và không gian sự kiện, Markus Zusak còn tạo ra không gian tâm lý qua tâm trạng của các nhân vật. Đây là kiểu không gian thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật. Đó có thể là những dòng hồi ức, những niềm vui, nỗi buồn, những ước mơ, những ám ảnh, băn khoăn được miêu tả trong tác phẩm.  Kiểu không gian này tồn tại trong ký ức, hồi tưởng, với những tâm trạng vui buồn, những giấc mơ, những ám ảnh của nhân vật. Không gian tâm trạng  giúp người đọc nhận rõ hơn về tính cách và tâm trạng của nhân vật.

Các nhân vật sống trong thực tại nhưng luôn có sự vận động trong chiều sâu tâm tưởng. Ngay từ đầu tác phẩm, Hitler đã xuất hiện trong giấc mơ của Liesel, ông đang dùng cái ngôn ngữ của mình để thống trị nước Đức “ Trước khi thức dậy, kẻ trộm sách đã mơ về ngài Quốc trưởng, tức là Adolf Hitler. Trong mơ, nó thấy mình được tham dự một buổi mít tinh có ngài đọc diễn văn và đang ngắm nghía cái phần màu sọ trắng hếu trên mái tóc và bộ ria mét đen kit, vuông chằn chặt của ngài. Nó lắng nghe một cách mãn nguyện dòng thác ngôn ngữ xối xả tuôn ra từ miệng ngài. Những câu nói của ngài bừng lên trong ánh đèn.[27]”. Phải chăng chính giấc mơ  này, Liesel nhận ra sức mạnh của từ ngữ, khát khao chiếm lĩnh nó, khiến cho liesel làm nên sự nghiệp lẫy lừng của mình – Đi ăn trộm sách.

Khi em trai của Liesel chết trên chuyến tàu đến nhận bố mẹ nuôi mới ở phố Thiên Đàng, thì mỗi tối Liesel đều gặp ác mộng, nó đều mơ đến cảnh em trai nó chết.

Mỗi tối, Liesel đều gặp ác mộng.

Gương mặt của em trai nó.

Đang nhìn chằm chằm xuống sàn tàu hỏa.

Nó thức dậy trong tình trạng đang quẫy đạp trên giường của mình, la hét, và chết đuối trong đống vải trải giường”[43]

Khi kẻ trộm sách vào thư phòng của ngài thị trưởng, những từ ngữ trên những cuốn sách khiến nó nhớ lại quá khứ của nó. “ Nó đã nhìn thấy em trai nó chết với một mắt mở, mắt kia còn mơ màng. Nó đã nói lời vĩnh biệt mẹ nó và hình dung ra cảnh bà chờ đợi trong cô quạnh một đoàn tàu đưa người ta tới sựu quên lãng. Một người đàn bà bện bằng dây điện đã nằm xuống, tiếng thét của bà tràn ngập trên con đường cho tới khi nó ngả sang hai bên vỉa hè như một đồng xu đăng lăn và thiếu sức đẩy. Một người đàn ông trẻ đã bị treo cổ bởi sợi dây thừng được bện từ tuyết ở Stalingrad. Con bé đã quan sát người phi công lái máy bay ném bom chết trong một cỗ quan tài bằng kim loại. Nó đã nhìn thấy một người đàn ông Do Thái, người đã hai lần đưa cho nó những trang sách đẹp đẽ nhất đời nó, diễu hành tới trại tập trung. Và giữa tất cả những ảo ảnh ấy, nó nhìn thấy Quốc Trưởng, đang gào thét những từ ngữ của ông ta và chuyền chúng ra xung quanh” [542-543]

Khi Max nằm yên bất động, cả gia đình đang lo lắng với cái xác đó nếu anh ấy chết, thì Liesel lại chìm đắm trong giấc mơ. “ Hầu như tất cả đều giống vẫn như cũ. Đoàn tàu cũng chạy với vận tốc ấy. Em trai nó ho khù khụ. Lần này, Liesel không thể thấy khuôn mặt thằng bé đang nhìn chằm chằm xuống sàn tàu hỏa. Con bé chầm chậm rướn người tới trước. Đôi tay nó nhè nhàng nâng cơ thể em trai nó lên, từ chỗ cằm thằng bé và trước nó là gương mặt  của Max Vanderburg, đang mở mắt trừng trừng.[348].

Cũng giống như Liesel, Max – Một người Do Thái cũng luôn day dứt, đau khổ cho việc làm của mình . Khi Đức Quốc Xã tiến hành “bài trừ” người Do Thái, chúng tiến hành lục soát để bắt những người Do Thái vô tội. Khi một tên Quốc Xã vào nhà Max, mẹ anh và các thành viên trong gia đình yêu cầu Max chạy trốn, thì Max đã chạy trốn không một cái nhìn từ biệt, bỏ lại gia đình khi họ phải đương đầu với Đức Quốc Xã “ Khi anh bị đẩy ra ngoài bởi những thành viên còn lại của gia đình mình. Thì có một cảm giác nhẹ nhõm quay cuồng bên trong anh như một hành động đồi bại” …” Giá như anh đã quay lại để nhìn một lần cuối gia đình khi anh bỏ ngôi nhà ấy mà đi, thì cảm giác tội lỗi sẽ không đè nặng đến anh thế. Anh không nói một lời từ biệt nào với họ cả. Không có lấy một cái nhìn cuối cùng.” [250]. Cũng chính mà mỗi đêm nỗi ám ảnh đó nó cứ hiện về trong tâm trí của anh trong những giấc mơ.

 “ Đứa bé gái : “ Hãy nói cho em biết. Anh đã mơ thấy gì thế.”

Người Do Thái :  “ … Anh nhìn thấy mình đang quay lại và nói lời tạm biệt.”

Đứa bé gái : “ Em cũng có cơn ác mộng.”

Người Do Thái : Em mơ thấy gì.”

Đứa bé gái : Một đoàn tàu, và đưa em trai đã chết của em.” [311]

Đây là không gian chiếm tỉ lệ không nhiều trong tác phẩm nhưng nó có dụng ý nghệ thuật rất lớn, nó tạo nên cho tác phẩm khai thác đủ độ sâu bên trong tâm lý của nhân vật, và cũng chính những giấc mơ đã gắn kết kẻ trộm sách với người cha nuôi của mình “ Có lẽ điều duy nhất tốt đẹp xảy ra đến từ những cơn ác mộng ấy, là đã mang Hans Hubermann, người bố mới của con bé, vào trong phòng – để dỗ dành nó, để yêu thương nó. Đêm nào ông ấy cũng đến và ngồi bên cạnh nó. Những đêm đầu, ông chỉ đơn giản là có mặt ở đó – sự có mặt của một người lạ để xua tan nỗi cô đơn. Vài đêm sau, ông bắt đầu thì thầm vào tai nó, “ Suỵt, bố ở ngay đây rồi, không sao đâu. Sau ba tuần ông giữ lấy con bé” [43]. Và cũng chính những giấc mơ của Liesel mà ông Hans đã thấy cuốn sách ăn trộm đầu tiên – Hướng dẫn đào phu huyệt - của kẻ trộm sách giấu dưới dường, từ đó thì ông Hans bắt đầu dạy con bé đọc, chiếm lĩnh những từ ngữ trong cuốn sách và khi nó bắt đầu thích thú với những từ ngữ thì nó bắt đầu sự nghiệp ăn trộm lẫy lừng của mình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hà Minh Đức ( Chủ Biên) (1999), Lý luận văn học, NXB Giáo dục.
  2. Lê Bá Hán ( Chủ biên)  (2010), Từ điển văn học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Thuấn (2014) “ Bài giảng tác phẩm và thể loại văn học” ,Trường ĐHSP Huế.
  4. Trần Đình Sử (1998), Những công trình lý luận và phê bình văn học (tập 2), NXB Giao dục.
  5. Trần Đình Sử , Lý luận văn học (tập 2) – Tác phẩm và thể loại văn bản, NXB ĐHSP.
  6. Markus Zusak ( Cao Xuân Việt Khương dịch) (2015), Kẻ trộm sách, NXB Trẻ.