TÊN ĐỀ TÀI TIỂU LUẬN
TRUYỆN NGẮN KHÁCH SẠN CÁNH ĐỒNG DIỀU CỦA MẠC CAN NHÌN TỪ LÍ THUYẾT LOẠI HÌNH
CHUYÊN NGÀNH VĂN HỌC VIỆT NAM
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2
4. Phương pháp nghiên cứu 2
5. Đóng góp của tiểu luận 2
NỘI DUNG 3
CHƯƠNG 1: LÝ THUYẾT CHUNG VỀ LOẠI HÌNH TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
1.1. Khái niệm tương tác thể loại
1.2. Truyện ngắn và sự tương tác trong thể loại truyện ngắn
1.3. Loại hình “truyện ngắn – tiểu thuyết hóa” 5
CHƯƠNG 2: ĐẶC TRƯNG CỦA LOẠI HÌNH “TRUYỆN NGẮN - TIỂU THUYẾT HÓA” TRONG TÁC PHẨM KHÁCH SẠN CÁNH ĐỒNG DIỀU CỦA MẠC CAN 7
2.1. Cốt truyện 7
2.1.1. Chức năng phân tích, lí giải đời sống của cốt truyện 7
2.1.2. Cái hằng ngày là chất liệu cơ bản trong xây dựng cốt truyện 8
2.1.3. Nguyên tắc “mơ hồ hóa” trong xây dựng cốt truyện 9
2.2. Nhân vật 11
2.2.1. Nhân vật – “Con người chưa biết hết” và “không trùng khít với chính nó” 11
2.2.2. Tăng cường độc thoại nội tâm và chi tiết tâm lí trong xây dựng nhân vật. 12
2.2.3. Nguyên tắc kết hợp các mặt đối lập trong xây dựng nhân vật. 13
2.3. Trần thuật 14
2.3.1. Chức năng phân tích, triết luận về đời sống của trần thuật. 14
2.3.2. Sự đa dạng của lời trần thuật, điểm nhìn và giọng điệu trần thuật. 15
2.3.3. Nguyên tắc đối thoại trong trần thuật 18
KẾT LUẬN 20
TÀI LIỆU THAM KHẢO 21
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Cuộc sống luôn có sự vận động, biến đổi không ngừng và văn học cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Trước yêu cầu cấp bách của thời đại, văn học sau 1986 đã có nhiều bước ngoặt chuyển mình, nhất là ở thể loại văn xuôi tự sự. Nếu mỗi thể loại thường được định sẵn cho một giới hạn, một góc nhìn, một quan niệm về đời sống thì hiện tượng tương tác thể loại sẽ góp phần xóa bỏ khuôn khổ ấy, giúp mở rộng chiều kích trong việc phản ánh hiện thực và con người.
Truyện ngắn thường được gán ghép với tên gọi “một lát cắt của cuộc sống”, “món mì ăn liền”, giờ đây thể loại này đã nỗ lực vượt thoát khỏi cái khuôn khổ chật hẹp để thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của độc giả và của chính người cầm bút. Sự năng động của thể loại này thể hiện rất rõ thông qua sự giao thoa với thể loại tiểu thuyết để tạo nên loại hình truyện ngắn mới “truyện ngắn – tiểu thuyết hóa”. Việc “nhìn” sang thể loại tiểu thuyết đã góp phần mở rộng dung lượng tối đa, đồng thời thể hiện tinh thần dân chủ, sự nỗ lực cách tân của thể loại truyện ngắn. Ngoài ra truyện ngắn còn tương tác với các thể loại như thơ, kịch, huyền thoại, sử thi để tạo nên loại hình truyện ngắn mới.
Loại hình “truyện ngắn – tiểu thuyết hóa” này thực sự đã mang lại tiếng vang lớn cho nhiều nhà văn khắp mọi miền Tổ quốc. Nhưng chúng tôi thực sự ấn tượng nhất nhà văn Mạc Can. Ông được nhắc đến với tư cách là “nhà văn trẻ” ở độ tuổi 65. Chỉ sau một thời gian ngắn bước vào nghề văn, ông đã tự định hình được một phong cách viết truyện độc đáo bằng sự tự nhiên và kinh nghiệm của một con người phải lăn lộn với cuộc đời khi còn thơ ấu. Dù là một nhà văn không được học qua nhiều trường lớp nhưng thực sự phải nói Mạc Can là một nhà văn có ý thức cách tân, nhất là việc làm mở nhòe đi ranh giới thể loại. Nếu tiểu thuyết của ông luôn có xu hướng cô đọng, hàm súc thì truyện ngắn lại theo chiều hướng mở rộng dung lượng về nội dung phản ánh cũng như số lượng câu chữ. Cảm mến trước sự đa tài của nghệ sĩ, nhà văn Mạc Can chúng tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài “Truyện ngắn Khách sạn Cánh Đồng Diều của Mạc Can nhìn từ lí thuyết loại hình”
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
Bài tiểu luận này đi sâu vào việc chứng minh đặc trưng truyện ngắn chịu sự chi phối trực tiếp của tư duy tiểu thuyết.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu sự tương tác giữa thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết trong tác phẩm Khách sạn Cánh Đồng Diều trên ba phương diện: Cốt truyện, nhân vật, trần thuật.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp hệ thống. Ngoài ra chúng tôi đặc biệt quan tâm đến phương pháp loại hình để phân loại các loại hình truyện ngắn và chứng minh vì sao tác phẩm Khách sạn Cánh Đồng Diều được xem là “truyện ngắn - tiểu thuyết hóa”
5. Đóng góp của tiểu luận
Tiểu luận đóng góp một phần nhỏ trong nghiên cứu văn học dưới góc nhìn tương tác thể loại, cũng như việc đọc và nghiên cứu truyện ngắn của Mạc Can.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: LÝ THUYẾT CHUNG VỀ LOẠI HÌNH TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
1.1. Khái niệm tương tác thể loại
Đối với khái niệm tương tác thể loại, chúng tôi sử dụng quan niệm của Nguyễn Thành Thi trong bài viết “Lược đồ” văn học quốc ngữ Việt Nam trước 1945 nhìn từ quá trình hình thành và tương tác thể loại. Theo tác giả, tương tác thể loại là hiện tượng các thể loại “gần” nhau, “nhìn sang” nhau, “hợp nhất” vào nhau, hay việc nhà văn “vận dụng nhiều phương thức” trong khi sáng tác một tác phẩm như vậy, có thể gọi là tương tác thể loại.
Khái niệm tương tác thể loại – có thể hiểu bao quát hơn – là hiện tượng hai hay nhiều thể loại của một giai đoạn, một thời kì, một nền văn học, thuộc về một hay nhiều hệ thống thể loại, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, xâm nhập vào nhau, mô phỏng nhau,…để cùng biến đổi hoặc hình thành thể loại mới (với một cấu trúc ít nhiều thay đổi về “tố chất thẩm mĩ chủ đạo”, “giọng điệu”, “dung lượng và cấu trúc chung của tác phẩm”).
Sự tương tác thể loại có thể diễn ra trên các loại quan hệ khác nhau (giữa loại với loại, thể với loại, thể với thể, yếu tố với yếu tố), bao gồm:
- Tương tác giữa loại với loại, loại với thể tạo ra những thể loại trung gian, lưỡng hợp, mang đặc điểm “kép” của cả hai phương thức phản ánh đời sống, hai hình thức kĩ thuật, chất liệu phản ánh đời sống vốn rất khác biệt nhau.
- Tương tác giữa thể với thể cũng tạo ra những thể loại trung gian, tổng hợp mang đặc điểm “kép” của hai nòng cốt hay mô hình thể loại.
– Tương tác giữa các yếu tố thuộc nhóm thể loại sáng tác có hư cấu (fiction) như tiểu thuyết, truyện ngắn,… và các yếu tố thuộc nhóm thể loại sáng tác không hư cấu (non fiction) như hồi kí, kí sự, nhật kí, ghi chép,… tạo nên các thể loại đan xen giữa các yếu tố hư cấu với yếu tố không hư cấu (như truyện kí, tự truyện, tiểu thuyết tự thuật,…). [7 ]
Nhìn chung lại, tương tác thể loại là hiện tượng hai hay nhiều thể loại tác động, ảnh hưởng, xâm nhập lẫn nhau để tạo nên một thể loại mới. Đây là sự thể hiện quá trình biến đổi mang tính quy luật quá trình, chịu sự chi phối của tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, ý thức thể nghiệm và sáng tạo của người viết trước đòi hỏi của thực tiễn đời sống văn học. Đồng thời nó cũng được xem là hệ quả của quá trình vận động và đổi mới văn học.
1.2. Truyện ngắn và sự tương tác trong thể loại truyện ngắn
Theo Từ điển Văn học, truyện ngắn được quan niệm: "Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với việc người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền một mạch không nghỉ" [10, tr.1086].
Trong Từ điển thuật ngữ văn học "Khác với tiểu thuyết là thể loại chiến lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Vì thế, trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Và nếu mỗi nhân vật tiểu thuyết là một thế giới, thì nhân vật của truyện ngắn là mảnh nhỏ của thế giới ấy" [2, tr.371].
Hiện tượng tương tác giữa thể loại truyện ngắn và các thể loại văn học khác đã mang đến cho truyện ngắn một chất lượng mới, vượt ra ngoài cái khung chật hẹp của thể loại này. Theo Nguyễn Thành Thi, có hai tiêu chí để nhận diện loại hình truyện ngắn:
Thứ nhất, xét trên bình diện phương thức phản ánh đời sống và cấu tạo tác phẩm:
+ “Truyện ngắn – kịch hóa”
+ “Truyện ngắn – trữ tình hóa”
Thứ hai, xét trên bình diện nguyên tắc và kiểu tư duy nghệ thuật:
+ “Truyện ngắn – tiểu thuyết hóa”
+ “Truyện ngắn – sử thi hóa”
Trong Luận án tiến sĩ “Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay” của Trần Viết Thiện, người viết cũng đã chỉ rõ sự tương tác giữa thể loại truyện ngắn với các thể loại thơ, tùy bút, huyền thoại, truyền thuyết để tạo ra các loại hình truyện ngắn mới.
Sự tương tác, pha trộn thể loại trong truyện ngắn đã xuất hiện từ rất sớm khi thể loại này bắt đầu định hình và chiếm ưu thế trên văn đàn những năm 1930 – 1945 với các tên tuổi nổi tiếng như Thạch Lam (Truyện ngắn – trữ tình hóa), Nguyễn Công Hoan (Truyện ngắn – kịch hóa), Nam Cao (Truyện ngắn – tiểu thuyết hóa). Tuy nhiên phải đến sau 1986 trở về sau, truyện ngắn mới thực sự mở rộng biên độ với một lượng lớn tác giả, tác phẩm. Dễ dàng nhận thất chất thơ dạt dào cảm xúc trong các truyện ngắn Hoa muộn của Phan Thị Vàng Anh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, hay Hai đứa trẻ của Thạch Lam , Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của của Nguyễn Ngọc Thuần… Hay các truyện ngắn có dung lượng và tư duy tiểu thuyết: Cuộc chơi của Lê Minh Khuê, Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều, Biển cứu rỗi, Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo, Sự tích những ngày đẹp trời của Hòa Vang, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bức tranh, Phiên chợ giát của Nguyễn Minh Châu…
1.3. Loại hình “truyện ngắn – tiểu thuyết hóa”
“Truyện ngắn – tiểu thuyết hóa” là kết quả tất yếu của quá trình phát triển khi truyện ngắn có xu hướng xích lại gần tiểu thuyết. Trong quá trình vận động và biến đổi, thể loại tiểu thuyết có xu hướng ngắn lại về dung lượng, nhân vật ít, thời gian ngắn, không gian thu hẹp lại như Thoạt kỳ thủy, Trí nhớ suy tàn… của Nguyễn Bình Phương, Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Tấm ván phóng dao của Mạc Can, Chinatown của Thuận,vv. Thì ở thể loại truyện ngắn lại có xu hướng mở rộng dung lượng (số từ, đối tượng phản ánh) và tư duy tiểu thuyết. Để lí giải lí do vì sao truyện ngắn trong khi phát triển, đã “nhìn sang” tiểu thuyết thì nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng “[…] Truyện ngắn, trong suốt quá trình phát triển, luôn luôn đứng trước một thách thức: phải làm sao sức chứa và sức nặng vượt thoát ra ngoài cái khuôn khổ nhỏ bé mà nghệ thuật khuôn nó vào. Lẽ dĩ nhiên truyện ngắn phải tự tìm tòi, đồng thời nó cũng nhìn sang tiểu thuyết” [7]
Giữa truyện ngắn và tiểu thuyết có những đặc điểm giao thoa, những đặc điểm tương đồng và dị biệt, lằn ranh giữa truyện ngắn và tiểu thuyết đôi lúc rất mờ nhòe. Thực tế, trong nhiều định nghĩa về thể loại truyện ngắn, các nhà nghiên cứu cũng như người sáng tác đã đặt truyện ngắn trong tương quan với tiểu thuyết. Với những đặc điểm tương đồng và dị biệt, truyện ngắn và tiểu thuyết trong quá trình phát triển giữa chúng có sự tương tác ảnh hưởng lẫn nhau tạo nên một loại hình truyện ngắn mới “truyện ngắn – tiểu thuyết hóa”. Tính chất tiểu thuyết hóa trong truyện ngắn được đặc trưng bởi các yếu tố. Thứ nhất, ở dung lượng (không đơn thuần là dung lượng tác phẩm mà ở khả năng phản ánh, sức ôm chứa nhiều vấn đề của đời sống). Thứ hai, ở những phương diện nghệ thuật trần thuật: sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật vốn nổi bật trong tiểu thuyết như “mơ hồ hóa” cốt truyện, đan xen các điểm nhìn, gia tăng phân tích tâm lý nhân vật, độc thoại nội tâm, đối thoại trong trần thuật, nguyên tắc đối thoại...vv.
CHƯƠNG 2: ĐẶC TRƯNG CỦA LOẠI HÌNH “TRUYỆN NGẮN - TIỂU THUYẾT HÓA” TRONG TÁC PHẨM KHÁCH SẠN CÁNH ĐỒNG DIỀU CỦA MẠC CAN
2.1. Cốt truyện
2.1.1. Chức năng phân tích, lí giải đời sống của cốt truyện
Nếu chức năng cơ bản của cốt truyện trong “truyện ngắn - trữ tình hóa” là bộc lộ những tư tưởng, tình cảm của con người trước đời sống thì cốt truyện của “truyện ngắn - tiểu thuyết hóa” lại thiên về phân tích, lý giải cuộc sống con người ở chiều sâu triết học của nó.
Trong truyện ngắn “Khách sạn Cánh Đồng Diều”, cốt truyện tập trung vào việc phân tích lí giải cuộc sống của con người trong xã hội hiện đại. Cuộc sống của con người hiện đại là những mảnh vỡ khó để hàn ghép. Qua tác phẩm, ta thấy được sự trăn trở của nhà văn Mạc Can về những chuẩn mực đạo đức đang ngày càng xuống cấp. Người trẻ tuổi thì chạy đua theo những trò chơi ngông cuồng, thích hóa thân vào nhân vật trong các bộ phim, điên rồ làm tổn thương người khác khi đang đắm chìm trong thuốc lắc. Những người lớn tuổi thì quá sa vào tiền tài, danh vọng, nhìn đời với cặp mắt coi khinh những kẻ không có tiền. Cái gọi là văn hóa thuần Việt cũng đang bị đe dọa. Con người có xu hướng Tây hóa. Họ thích nhuộm tóc vàng, thích những cô gái “khoe thân”, tiếng khui sâm banh nổ giòn tan. Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn nhắc đi nhắc lại nhiều lần về món quà “tấm lịch ta”, trên tấm lịch là hình ảnh con trâu, dòng sông, lũy tre xanh kèm với đó là những dòng chữ nhắc nhở những điều tốt. Đây là món quà của người bạn cũ dành tặng cho ông Hùng như một sự gợi nhắc về tuổi thơ, nhưng nó nhanh chóng trở thành một thứ rác ở trong kho. Sự trăn trở về đạo đức của con người hiện đại không riêng gì nhà văn Mạc Can, rất nhiều nhà văn đều đề cập đến. Tất cả như một hồi chuông cảnh tỉnh con người nên dừng lại trước khi mọi thứ đi quá xa.
2.1.2. Cái hằng ngày là chất liệu cơ bản trong xây dựng cốt truyện
Đối với loại hình truyện ngắn, cái hằng ngày cũng được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Trong “truyện ngắn - trữ tình hóa” cái hằng ngày không được miêu tả chi tiết, tỉ mỉ như một đối tượng nghệ thuật mà chỉ là chỗ dựa để cho các nhà văn bộ lộ những dòng cảm xúc, tâm tư của mình. Còn ở “truyện ngắn - kịch hóa”, cái hằng ngày thường là những điều tầm thường, xấu xa, kệch cỡm, qua đó nhà văn gửi gắm những triết lí, suy tư về sự xuống cấp đạo đức của con người. Riêng ở “truyện ngắn - tiểu thuyết hóa”, cái hằng ngày hiện ra một cách chân thực, sinh động hơn, đa dạng phức tạp như nó vốn có: cả cái bi lẫn cái hài, cái lớn và cái nhỏ, cái tầm thường và cái cao cả, cái đáng thương và cái đáng ghét... Vì như đã nói, cái hằng ngày là chất liệu cơ bản của tiểu thuyết mà loại hình “truyện ngắn – tiểu thuyết hóa” lại là sự hòa quyện giữa truyện ngắn và tiểu thuyết nên đây được xem là loại hình truyện ngắn có được chất đời thường rõ rệt nhất. Điều này được thể hiện rõ trong việc lấy cái hằng ngày làm chất liệu cơ bản nhất trong việc xây dựng cốt truyện.
Trong truyện ngắn Khách sạn Cánh Đồng Diều, nhà văn chỉ chọn một địa điểm duy nhất đó là bữa tiệc khai trương của khách sạn Cánh Đồng Diều nhưng những cái cao cả đến cái tầm thường, cái nhỏ nhặt đến cái lớn lao, cái bi đến cái hài được hiện lên một cách chân thực. Do thiên về mô tả cuộc sống “như nó vốn có”, chuyện gia đình bất hòa cũng được nhà văn Mạc Can đề cập rất rõ. Cảnh bà Ly lớn tiếng với chồng của mình, đắm chìm trong những cuộc vui tình tứ cùng anh tài xế lái xe, cảnh cô con gái Hân ăn cắp đồ mỗi khi bà Ly sơ suất. Đó còn là những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, chẳng hạn như nỗi buồn vu vơ về cái nghèo, cái cô đơn của chị ôsin, một nỗi lo sợ không bao giờ dứt của anh gác dan. Hay là cảnh những người nông dân bán đất, bán ruộng lấy tiền xài hoang phí khi trong tay không có một nghề nào khác, chỉ có những ảo tưởng rằng mình sẽ sống được nơi thành thị. Điều này nhìn có vẻ bình thường nhưng thực chất lại là lớn lao. Bởi nó để lại nhiều hệ lụy về sau, nhiều người chỉ chìm trong lợi ích trước mắt mà quên đi những lợi ích lâu dài. Đối với người nông dân, mảnh ruộng là nguồn sống của họ, mảnh ruộng ấy bị bán đi cũng đồng nghĩa với việc tự tay triệt tiêu nguồn sống của mình.
Để tái hiện một bức tranh cuộc sống xã hội hiện đại, nhà văn Mạc Can không ngần ngại đề cập Heroin, thứ mà cô Hân 17 tuổi và nhóm bạn của mình sử dụng. Họ lấy thứ đó làm điều mang lại niềm vui, tìm đến những cảm giác mà đời thực không hề có. Và cũng chính Heroin và những trò chơi thác loạn của đám thanh niên mà cơ đồ của ông Hùng dành cả đời gầy dựng để rồi cũng tan biến. Bi kịch hơn là cái chết của ông, vì không bao giờ ông chấp nhận việc sẽ phải lùi lại với những gì ông đang có.
2.1.3. Nguyên tắc “mơ hồ hóa” trong xây dựng cốt truyện
Nếu như cốt truyện của truyện ngắn - trữ tình hóa dường như không có sự xuất hiện của các biến cố; cốt truyện của truyện ngắn - kịch hóa, biến cố được tô đậm, có ý nghĩa quyết định đến giá trị của toàn truyện, thì ở truyện ngắn - tiểu thuyết hóa thường có ít nhất một biến cố, nhưng chúng luôn được “mơ hồ hóa”.
Như vậy có thể thấy rằng cả cốt truyện của truyện ngắn - kịch hóa và cốt truyện của truyện ngắn - tiểu thuyết hóa đều có sự kiện, biến cố. Nhưng việc tổ chức chúng lại theo những nguyên tắc khác nhau. Truyện ngắn - kịch hóa quan tâm đặc biệt đến việc tạo gút tỉ mỉ và mở gút bất ngờ, bằng mọi cách tô đậm biến cố, thì truyện ngắn - tiểu thuyết hóa thường “mờ hóa” biến cố, không tập trung nhiều vào việc tạo gút và mở gút. Vì thế loại truyện ngắn này không phải là câu chuyện về biến cố, về khoảnh khắc căng thẳng gay gắt nhất, nhiều kịch tính nhất trong cuộc đời con người.
“Mơ hồ hóa” bằng việc đảo tuyến cốt truyện
Tác phẩm xoay quanh số phận của ông chủ khách sạn Cánh Đồng Diều ở thời điểm hiện tại, khi tất cả mọi người đang vui vẻ trong bữa tiệc khai trương khách sạn. Thời gian của các sự kiện chỉ kéo dài khoảng một ngày, nhưng tất cả những biến cố, thăng trầm về cuộc đời ông Kiêm Hùng được tái hiện rõ nhờ nghệ thuật đảo tuyến. Thông thường, để tái hiện lại hồi ức của nhân vật, các nhà văn thường để cho nhân vật của mình tự ngẫm nghĩ, hồi tưởng lại, nhưng trong tác phẩm này, nhà văn Mạc Can lại rất độc đáo khi lồng ghép vào đấy vở kịch của ông “xe gắn máy”. Tác giả nói là một vở kịch về một mối tình tay ba được diễn trên sân khấu, nhưng thực chất là tái hiện lạ cuộc đời lúc còn trẻ của ông Kiêm Hùng. Khi đang học làm diễn viên, ông Kiêm Hùng đã có một mối tình với Phượng nhưng thực tế cô Phượng lại yêu một người bạn của ông. Cô Phương sinh một đứa con gái và cô cũng biết rằng đó không phải là con ông Kiêm Hùng “thi thoảng Phượng chợt nhớ một đêm gởi thân dưới tầng hầm sân khấu thấp tỉnh lẻ. Người đó bây giờ mịt mùng xa và cô thấy đứa con trong mình không phải là của Kiêm Hùng” [544]. Rồi cô Phượng bỏ đi rồi chết vì cái đam mê làm diễn viên của mình, ông Kiêm Hùng một mình gà trống nuôi con “Ông không hề bết Hân có xuất xứ một đêm nào đó”. Sau đó ông Hùng kết hôn cùng bà Ly, sự nghiệp phát triển như diều gặp gió.
Việc đảo tuyến có tác dụng mờ hóa cốt truyện, phải đọc hết hơn 2/3 tác phẩm người đọc mới biết được quá khứ của ông Hùng, cũng như nguồn gốc của nhân vật Hân. Nhân vật Hân, lúc đầu qua lời kể của người kể chuyện được biết đến là đứa con gái duy nhất của ông Hùng, nhưng càng về cuối tác phẩm Hân không phải là con ông Hùng mà là đứa con riêng của người tình. Nhờ cách dựng truyện chen lẫn chuyện quá khứ, độc giả đang chờ đợi sự kiện đang xảy ra thì người viết lại nhảy sang một khoảng thời gian khác giúp cho câu chuyện không đơn điệu mà trở nên lôi cuốn, đem lại ít nhiều sự lửng lơ, hồi hộp, tò mò cho người đọc và phải thực sự theo dõi, đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu rõ được tác phẩm đang nói gì.
“Mơ hồ hóa” bằng việc xây dựng các yếu tố kì ảo
Trong tác phẩm yếu tố kì ảo có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng cốt truyện. Nó đưa người đọc vào cuộc đua kiếm tìm đâu là sự thật. Đó là cuộc trêu đùa của cô gái trong bức tranh với ông khách mập. Với ba từ “Em yêu anh”[536] đã khiến cho ông khách mập vừa chạy vừa lấy khăn lau mồ hôi, ông ngẩn ngơ như ma ám. Chi tiết kì ảo này một mặt làm cho người đọc bắt đầu hoài nghi cô gái trong tranh là ai, mặt khác nó như một đòn bẩy khiến cho ông Hùng nhớ lại tất cả những kí ức về cuộc đời, về người tình cũ đã mất của mình. Yếu tố kì ảo còn được thể hiện rõ qua cuộc trò chuyện của các đồ vật trong nhà kho qua giấc mơ của ông Hùng. Từ tấm lịch, tờ báo, cô gái trong tranh, con chó, chú gấu, cái ly… đều nói lên những đáng thương của cuộc đời mình. Từ cuộc trò chuyện đó, cốt truyện như mở ra một hướng khác, nó không phải là cuộc đời của ông Kiêm Hùng nữa mà là hướng đến những triết lí, những suy ngẫm về đời người. Mạc Can đã khéo làm cho tất cả trở nên huyền hoặc, vừa như ác mộng vừa như một giấc mơ bảng lảng sương khói.
“Mơ hồ hóa” các chi tiết nghệ thuật trong việc xây dựng cốt truyện
Tất cả các chi tiết được kể xoay quanh nhân vật ông khách “đi xe gắn máy” dường như không có sự rõ ràng. Thứ nhất, nhân vật này không có tên. Thứ hai, người đọc bắt đầu hoài nghi là ông liệu có phải là cha của Hân “Nhưng sao họ cũng lại giống nhau, như là cha và con”[534]; “Bỗng nhiên, trong lúc cuộc vui tới đỉnh điểm, Hân mơ màng thấy ông khách “xe gắn máy” mờ ảo như sương khói. Ông quay lại nhìn Hân và Hân là con”[541]. Để rồi khép lại tác phẩm người đọc cũng không biết được ông khách “xe gắn máy” là ai.
Hay bí ẩn hơn là cô gái trong tranh, câu hỏi được đặt “Cô gái này là ai?”. Chỉ là một bức tranh thôi nhưng được xuất hiện rất nhiều lần trong tác phẩm. Lúc thì nhắc đến như là người con gái bí ẩn, biết trêu gẹo những vị khách của ông Hùng, lúc thì được nói đến là Hân, nhưng cũng có lúc là mẹ Hân – người tình cũ của ông Hùng “Trong tiềm thức, cảnh nầy cô nhỏ có thấy một lần, Hân thấy mình dựa đầu bên trên một khuôn mặt hiền hậu của ai mà có lần mình gọi là Mẹ. Người đó có khuôn mặt diễn viên không khác cô gái trong bức tranh sơn dầu trong cái kho cũ.”[541]
2.2. Nhân vật
2.2.1. Nhân vật – “Con người chưa biết hết” và “không trùng khít với chính nó”
Kiểu nhân vật – “Con người chưa biết hết” và “không trùng khít với chính nó” có thể hiểu là hành động và nội tâm của họ không trùng kít với nhau, cái vẻ bề ngoài không trùng khít với hành động, nội tâm của họ.
Đối với nhân vật Kiêm Hùng, nếu nhìn bề ngoài thì ai cũng nghĩ ông là người thành đạt, nhiều tiền, gia đình hạnh phúc một vợ, một con, một đối tượng để ngưỡng mộ. Nhưng thực chất ông là mang trong mình một nỗi bất hạnh, cơ cực trong quá khứ. Một tuổi thơ gắn với cái đói thắt ruột, những năm tháng làm diễn viên thì chỉ mãi là vai phụ, không đủ sống. “ông cũng từ một người tay trắng vật vã làm nên. Ông giấu biệt chuyện nầy, ông nhớ những cơn đói thắt ruột, đói đến chóng mặt, những lời từ chối ngọt ngào choáng váng cho người tới van xin. Vì vậy mà bây giờ, không bao giờ ông cho phép mình sai lầm bước trở lui.” [526]. Đến lúc thành công thì gia đình không hạnh phúc, vợ ngoại tình, đứa con ông chăm nom 17 năm lại là con của người tình cũ đã mất và người bạn cũ của ông. Có được sự giàu có nhưng ông không có được hạnh phúc, dù chỉ là những điều giản đơn. Để rồi khép lại tác phẩm, cơ đồ ông gầy dựng bị phá hoại, ông nhớ lại những kí ức tuổi thơ, những con diều trên cánh đồng, ông Kiêm Hùng phóng người bay ra khỏi ban công, kết thúc một cuộc đời.
Điều này còn thể hiện ở nhân vật anh tài xế lái xe. Nhà văn Mạc Can để cho nhân vật này xuất hiện đúng kiểu một còn người có ý thức, không nỡ đeo vớ, giày lên bãi cỏ “Coi kìa, một người đi vào cỏ, nhưng với chân trần, anh ta cởi giày lẫn vớ. Một người tâm thần hay là vị Chúa. Chỉ là một người bình thường nhạy cảm có ý thức.” [504] Nhưng sự thật thì không phải vậy, cái gọi là ý thức đó chưa thể kết luận qua hành động đi trên bãi cỏ được. Trong tác phẩm, có thể thấy anh tài xế lái xe là người mất nhân tính nhất. Dù là một tài xế riêng của ông bà chủ khách sạn nhưng anh ta lại có mối quan hệ bất chính với con gái và vợ của ông Hùng, là người cung cấp Heroin cho cô Hân. Kể chuyện, đưa tình với những người phụ nữ mà anh ta bắt gặp.
Hay những người bạn của cô Hân, phần đông có nhiều tài, đó là những họa sĩ, diễn viên sân khấu, thi sĩ, ca nhạc, điện ảnh trẻ…. Họ đều là những người có học thức nhưng lại đắm chìm trong những trò chơi ngông cuồng. Dưới cơn say của Heroin, nhóm trẻ này có nhiều hành động điên cuồng, họ hóa thân vào các vai diễn, bắt anh gác dan bỏ vào bao bố, trêu ghẹo bà bếp già, ăn cắp xe của khách….
2.2.2. Tăng cường độc thoại nội tâm và chi tiết tâm lí trong xây dựng nhân vật.
Nhân vật trong truyện ngắn Khách sạn Cánh Đồng Diều, ít khi được miêu tả nội tâm theo kiểu đau đớn, dằn vặt, chất vấn bản thân mà chủ yếu nội tâm được hiện rõ qua việc tái hiện lại một cuộc sống đơn độc của họ. Loại nhân vật này thể hiện rõ qua nhóm người giúp việc cho khách sạn. Hầu hết họ đều không có tên. Chị ôsin với một nỗi cô đơn, mặc cảm không biết chia sẻ cùng ai “Chị cũng lại thấy khuôn mặt mình thấp thoáng với hai con mắt đỏ hoe. Rất buồn. Ít ai biết trên trần gian nầy có nỗi buồn kì quặc như vậy, buồn vì thấy mình trong kính chỉ một mình” [515]. Anh gác dan cũn mang trong mình một nỗi lo sợ đến ám ảnh “Lúc nào anh ta cũng lo lo sợ sợ. Một chuyện gì đó rất nghiêm trọng sẽ diễn ra cho mình, lo đến nỗi nằm chiêm bao.” Anh là người nắm giữ tất cả những bí mật ở khách sạn. Nhưng cũng vì bản tính lo sợ của bản thân mà tất cả sự thật ấy được chôn dấu.
Nội tâm, tâm lí của nhân vật còn được thể hiện qua những khoảng kí ức trong tâm tưởng. Có thể thấy điểm hay, điểm thắt nút của câu chuyện là quá khứ của ông chủ Kiêm Hùng. Ông nhớ về quá khứ, cái đói thắt ruột, những lời từ chối ngọt ngào, người tình cũ đã mất của ông, những kí ức tuổi thơ nghèo khổ nhưng hạnh phúc nơi cánh đồng diều. Nhớ về những điều ấy, ông một mặt muốn chối bỏ nó, không cho phép bản thân lùi lại mặt khác ông lại khao khát được như những con diều thời thơ ấu. Nhà văn Mạc Can để cho những cảm xúc của ông Hùng phát triển một cách tự nhiên, từ đau đớn ở hiện tại – nhớ lại quá khứ - giải thoát, tìm về nguồn cội, chứ không hề tập trung miêu tả sự ăn năn, ân hận, giằng xé nội tâm của ông Hùng. Chính điều này làm nên độc đáo cho truyện ngắn Khách sạn Cánh Đồng Diều.
2.2.3. Nguyên tắc kết hợp các mặt đối lập trong xây dựng nhân vật.
Nhân vật trong văn học truyền thống, sự đối lập thường thể hiện ở nhân vật này với nhân vật khác theo kiểu: chính diện – phản diện, tốt – xấu, thiện – ác. Trong văn học đổi mới, sự đối lập được thể hiện ngay trong bản thân nội tại của nhân vật ấy.
Trong truyện ngắn Khách sạn Cánh Đồng Diều, nguyên tắc kết hợp các mặt đối lập trong xây dựng nhân vật không thể hiện ở khía cạnh giằng xé, mâu thuẫn trong tâm hồn mà ở việc khắc họa hành động khác với suy nghĩa, sự vênh lệch rất lớn giữa bên ngoài với bên trong của nhân vật. Điều này thể hiện rõ nhất ở ông chủ Kiêm Hùng. Trong buổi lễ khai trương khách sạn, bề ngoài ông luôn có gắng là một người lịch thiệp, nhã nhặn mến khách “Ông tươi cười, đích thân ra đứng tiếp những người khách làm ăn, bạn thân, cũng như vài người mới quen.[522], “ Khẽ gật đầu chào khách phụ nữ, xoa nhẹ đầu các em nhỏ. Như một người lịch lãm, ông cũng bước thật nhanh, thật vồn vã tới người khách lam lũ.[524]. Nhưng bên trong là những toan tính cho những lợi ích về sau “Nhưng ông cũng tính có lợi về sau. Về các mối liên hệ xã hội và từ thiện, ông không tiếc tiền, song bên trong vẫn cân đo, đong đếm thiệt hơn.”[522]. Đối với người bạn thân thiết, thì thứ tình cảm ấy cũng toan tính, giả tạo “ Bàn tay ông không nắm chặt và đủ lâu và đủ lâu với người bạn thân. Và quả là ông có nói lời bằng miệng, mà không bằng lòng” [526]. Vốn dĩ trong quá khứ ông Hùng là một diễn viên, nên ông có cách làm để vừa lòng người khác và đó cũng là lí do sự nghiệp của ông lên nhanh như diều gặp gió.
2.3. Trần thuật
2.3.1. Chức năng phân tích, triết luận về đời sống của trần thuật.
Từ việc lấy cái hằng ngày làm chất liệu cơ bản để xây dựng cốt truyện nhà văn đã khái quát được những quy luật nhân sinh muôn đời.Trong truyện ngắn Khách sạn Cánh Đồng Diều, Mạc Can đi sâu phân tích, giải thích, bàn luận những vấn đề cốt yếu của cuộc sống, đặc biệt là vấn đề mối quan hệ giữa con người với con người. Trước hết, đó là những suy tư về hạnh phúc gia đình giữa người và người. Tác phẩm xoay quanh một gia đình gồm ba người: Ông Hùng, bà Ly và cô con gái Hân, nhưng người đọc chưa một lần cảm nhận được sự hạnh phúc của gia đình này. Cô con gái Hân chỉ mới 17 tuổi nhưng lao vào những cuộc vui của Heroin, chỉ canh lúc sơ hở để lấy tiền. Người vợ thì có một quan hệ bất chính với tên tài xế lái xe của chồng, thường xuyên cáu gắt. Họ được gọi là một gia đình nhưng thực chất không phải là một gia đình đúng nghĩa. Điều này đang là hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình giàu có ở Việt Nam, không được quan tâm, chia sẻ mọi điều hư hỏng sẽ xuất hiện.
Tiếp đến là những suy tư về ác tính, vô cảm, tệ nạn xã hội. Điều này thể hiện qua những hành động của Hân và nhóm bạn. Buổi khai trương khác sạn sắp kết thúc, cũng là lúc cúng mệt mỏi vì quá liều thuốc lắc. Để cuộc vui được vui hơn chúng bắt đầu trò đùa ghê rợn “ Ban đầu thì đùa chơi với chúng nhưng lúc sau phát hiện có máu, những con ma hành hạ những tên trộm những tên trộm kiểu Trung Cổ ghê rợn.” [548] Chúng điên loạn hành hạ những người làm thuê trong khách sạn “ Ma Hân lập tức nhét vô miệng anh bảo vệ một cái khăn. Trò chơi khởi đầu ngây thơ nhưng về sáng không hề là đùa.” [551] Lần lượt xe của khách đến dự lễ khai trường đều bị mất hết, đến nỗi ông khách phải thốt lên “Phủ nầy bị ma ám. Ghê quá.” Thực sự không có con ma nào ám cả, mà đó là sự xuống cấp về đạo đức của con người, khi mà ác tính, sự vô cảm lên ngôi thì họ cũng chỉ như những con ma khiến cho người khác phải run sợ.
Ngoài ra, tác phẩm còn như là một câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại. Qua cuộc trò chuyện của các đồ vật ở trong kho khách sạn, nhà văn cũng gửi gắm nhiều thông điệp, triết lí nhân sinh sâu sắc như phải biết trân quý quà người khác tặng dù chúng có gì trị như thế nào. Và hơn hết là triết luận về thời gian “ Ai lạm dụng thời gian để mưu lợi một cách ác tính, vô cảm, người đó sẽ trả giá bằng những tổn thất không lường trước được” [565]
2.3.2. Sự đa dạng của lời trần thuật, điểm nhìn và giọng điệu trần thuật.
Sự phức hợp của lời trần thuật
Nếu như lọai truyện truyền thống, lời kể chiếm ưu thế thì trong “truyện ngắn - tiểu thuyết hóa” lại là sự phức hợp của lời trần thuật. Đó là sự đan xem giữa lời kể, tả, lời phân tích, lí giải, trữ tình ngoại đề, triết lí nhân sinh.
Khách sạn Cánh Đồng Diều cũng giống như các “truyện ngắn – tiểu thuyết hóa” khác, là sự đa dạng của lời trần thuật. Vì đây là tác phẩm tự sự nên lời kể được xem là chính yếu nhất. Ngoài ra trong tác phẩm, lời phân tích, lí giải cũng được nhà văn sử dụng nhiều “Dù người ta cố công quảng cáo – Như Là Nhà Bạn – thì Khách sạn không hề tạo cho mình cảm giác là nhà. Kể cả người chủ của nó, dù ông ta ăn ở chính trong Khách sạn của ông ta.”[507] Khi Mạc Can đưa ra quan điểm của mình về việc khách sạn sẽ không bao giờ cho ta cảm giác như ở nhà thì ông đã sử dụng một đoạn văn rất dài để phân tích, lí giải vì sao lại như vậy. Đầu tiên, ông cho rằng mình có quyền làm dơ bẩn vô cớ một tấm vải trải giường mà không áy náy. Thứ hai, con người vào đấy phần lớn là vì bản năng nổi lên. Thứ ba, xài không tiếc tay những thứ không phải của mình như điện, nước, nước suối miễn phí.
Đó còn là sự chêm xen những lời miêu tả, “Tiếng sáo và những con diều bay trên trời, lũ trẻ đầu cạo ba vá reo lên vui vẻ, một cô bé mắt to đứng nhìn ông Kiêm Hùng. Một thằng bé nhỏ hết sức hiếu động chạy băng băng dưới cánh đồng tay cầm sợi chỉ chuối. Chiều trên sông ở một miền quê xa thanh thản hiền lành” [562]. Qua miêu tả, một kí ức tuổi thơ tươi đẹp của ông Kiêm Hùng được ùa về.
Hay đó còn là những dòng trữ tình ngoại đề, những lời đánh giá của tác giả về cuộc sống của người giàu “Nhà giàu cũng khổ” [562]. Là những suy ngẫm của tác giả về việc những người nông dân bán đất “Tôi thấy bất an về câu chuyện làng quê mà bạn vừa kể. Nhất là khung cảnh im lặng rợn người của cánh đồng sau khu Khách sạn này. …tưởng rằng mình sẽ sống được nơi thành thị.” [510]
Hơn hết, là những triết lí nhân sinh được gửi gắm nhờ những trải nghiệm về cuộc sống mưu sinh của chính bản thân tác giả“ Ai lạm dụng thời gian để mưu lợi một cách ác tính, vô cảm, người đó sẽ trả giá bằng những tổn thất không lường trước được” [565]
Sự phức hợp của điểm nhìn trần thuật
“Truyện ngắn - tiểu thuyết hóa”, thường kết hợp điểm nhìn trần thuật khác nhau: điểm nhìn của người trần thuật với điểm nhìn toàn tri, điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn của nhân vật
Đối với sự phức hợp điểm nhìn trong tác phẩm Khách sạn Cánh Đồng Diều, chúng tôi chỉ đề cập điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật. Trước hết là điểm nhìn của người kể chuyện xưng tôi, đây không phải là người kể chuyện toàn tri, là người biết tuốt mọi thứ mà chỉ là một chứng nhân (vị khách đến dự bữa tiệc) trước các sự kiện được kể. Để cho câu chuyện được rõ ràng hơn, tác giả sử dụng thêm điểm nhìn của nhân vật . Loại điểm nhìn này thể hiện rõ nhất qua nhân vật anh gác dan. Nhà văn đã rất khéo léo khi nhường điểm nhìn cho nhân vật này, bởi đây là nhân vật có nhiệm vụ canh gác cửa ra vào, chứng kiến các câu chuyện xảy ra qua các màn hình của camera. Qua cái nhìn của anh gác dan, toàn bộ những cái xấu của các nhân vật khác bị phơi bày. “Rồi một hôm, anh gác dan thấy tay tài xế hôn cô Hân trong kẹt cửa. Không chỉ là hôn. Anh ta còn sờ soạng bỉ ổi trước khi đưa cho cô gái vật vờ tội nghiệp này một gói bột nhỏ trăng trắng.” [519] Đó còn là việc ngoại tình của bà Ly, cuộc sống của những người làm trong khách sạn.
Đó còn là cái nhìn của bà bếp già đối với anh tài xế lái xe. Đối với bà, anh tài xế lái xe là một tên phù thủy “Mỗi khi thấy anh tài xế đi vô khu nhà bếp thì bà già hiền như cục bột nầy liền xa lánh, còn lật đật run rẩy đốt giấy trừ tà: ơi, ông nồi ông địa ông táo ơi ơi. Làm ơn, khiến cho con quỷ nầy… đi chỗ khác chơi dùm.”
Sự phức hợp của giọng điệu trần thuật.
Văn học cách mạng trước 1975, về cơ bản là giọng trang trọng, sử thi nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của thời đại. Văn học ngày nay ngoài việc quan tâm đến các vấn đề xã hội thì đặc biệt quan tâm đến ý thức cá nhân, bi kịch cá nhân. Chính sự tương tác phạm trù thẩm mĩ dẫn đến sự hòa trộn, phức hợp nhiều giọng điệu trần thuật. Sự trộn lẫn nhiều giọng điệu là một đặc trưng cơ bản của thể loại tiểu thuyết. Vì vậy ở loại hình “truyện ngắn – tiểu thuyết hóa” đặc điểm này cũng thể hiện rõ.Truyện ngắn Khách sạn Cánh Đồng Diều là sự trộn lẫn giọng điệu mỉa mai, châm biếm, giọng điệu triết lí, giọng trữ tình.
Khi nói về cái xấu, cái kệch cỡm nhà văn sử dụng giọng điệu mỉa mai, châm biếm. Với giọng điệu này, nhà văn đã thuật lại câu chuyện về cuộc đời anh tài xế lái xe. Đây là nhân vật được nhà văn dùng nhiều bút lực nhất để miêu tả ngoại hình “hắn làm chủ một cặp mắt nhỏ, liến láo, cặp chân mày xăm xanh đen, và một hàm râu đen nhánh rất cứng luôn được cắt tỉa cẩn thận. Trên cặp môi mỏng ươn ướt tham lam là một nụ cười nhếch nhác khó hiểu…”[512]. Giọng điệu châm biếm, mỉa mai còn được nhà văn sử dụng để miêu tả hành động của nhân vật này qua thói quen sưu tầm ảnh lịch phụ nữ gợi cảm, cắt dán, lồng khuôn, treo trong phòng ngủ, phòng vệ sinh. Hay những lúc ảnh kể những câu chuyện thầm kín cho những cô gái trẻ đẹp, những người phụ nữ có tiền. Cùng với anh tài xế lái xe, nhà văn Mạc Can cũng sử dụng giọng điệu này để nói về việc ăn chơi thác loạn của đám trẻ khi đắm chìm tron Heroin. Qua cái mĩa mai, châm biếm đó là sự chua xót của nhà văn Mạc Can đối với hiện thực.
Giọng điệu buồn thương, xót xa cũng xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm khi nhà văn tái hiện lại số phận của những người nông dân dại dột bán đất, bán ruộng khi tron tay không có một nghề gì trong tay. Đó còn là những câu văn về số phận của chị ôsin, bà phụ bếp già, anh gác dan. Họ sống lam lũ, vất vả, trở thành một món đồ chơi để cho đám trẻ trêu đùa.
Giọng điệu triết lí thường được thể hiện qua việc nhấn mạnh những vấn đề mà nhà văn cần thông điệp, triết luận với người đọc. Ý kiến được đưa ra trở thành chân lí. Đó có thể là triết lí về cái chết, về tình yêu, về hạnh phúc, về chiến tranh… Truyện ngắn Khách sạn Cánh Đồng Diều là một nỗi trăn trở của nhà văn về cuộc sống hiện đại thực dụng, vô cảm. Qua trăn trở ấy nhà văn gửi gắm đến người đọc triết lí về thời gian “ Ai lạm dụng thời gian để mưu lợi một cách ác tính, vô cảm, người đó sẽ trả giá bằng những tổn thất không lường trước được” . Đây là một chân lí đúng đắn, bởi con người có thể lấy lại nhiều thứ nhưng thứ không thể lấy lại đó chính là thời gian.
2.3.3. Nguyên tắc đối thoại trong trần thuật
Về nguyên tắc đối thoại trong trần thuật chúng tôi chỉ tập trung vào đối thoại giữa tác giả và độc giả. Độc giả trong tác phẩm như trở thành một người bạn đặc biệt của tác giả, cùng nhà văn đến khám phá khách sạn Cánh Đồng Diều. Mở đầu tác phẩm là một lời mời gọi độc giả cùng tham gia vào câu chuyện của mình “Mời bạn vui bước cùng tôi. Mình tới một nơi, tôi thì tin nơi ấy sẽ khiến bạn ngạc nhiên về phong cảnh”. [497] ý thức đối thoại giữa tác giảvới người đọc đã được bộc lộ rõ. Nhà văn không còn đứng cao hơn độc giả, nêu thông điệp mà thay vào đó chủ động trao đổi, trò chuyện, hỏi ý kiến độc giả. “Theo bạn thì sao”[479]; “Bạn có cảm giác như tôi chưa [498]. Nhân vật cũng có thể tranh luận, đáp trả, vượt thoát khỏi sự điều khiển, kiểm soát của nhà văn “Tôi không thạo chuyện nhà đất lẫn chuyện nhún nhảy” [497]. Những trang đầu của tác phẩm, hình thức trần thuật đối thoại với sự luân phiên lượt lời, luân chuyển điểm nhìn cái tôi này sang cái tôi khác có tác dụng đặc biệt trong việc “khiêu khích” đối thoại. Người kể chuyện, độc giả luân phiên nhau xưng tôi bộc lộ quan điểm riêng của mìn. Khép lại tác phẩm, tác giả cố gắng tăng độ tin cậy của chuyện kể cũng như gửi một lời cảm ơn dến độc giả“Cảm ơn các bạn đã cùng tôi tới nơi nầy và chịu khó nghe tôi nói chuyện. Có lẽ trong một vài đoạn trong câu chuyện tôi đã không khéo nói cho lắm, nó khá âm u khó hiểu. Tôi tin là bạn hiểu nhiều hơn là những câu tôi nói.” [568]. Chính việc sử dụng nguyên tắc đối thoại này một mặt làm cho câu chuyện trở nên gần gũi với độc giả, mặt khác cũng gây sự mơ hồ cho người đọc khi đọc những trang mở đầu của tác phẩm, người đọc dường như cảm thấy khó hiểu, không biết “tôi” lúc nào là tác giả, lúc nào là độc giả. Thật sự phải đọc rất nhiều lần mới hiểu được nhà văn muốn nói điều gì. Đó cũng là tài năng của nhà văn Mạc Can, một đóng góp lớn cho dòng chảy văn học đương đại.
KẾT LUẬN
Căn cứ vào bình diện nguyên tắc và kiểu tư duy nghệ thuật chúng tôi nhận thấy tác phẩm Khách sạn Cánh Đồng Diều của Mạc Can hoàn toàn có thể gọi là “truyện ngắn – tiểu thuyết hóa”. Việc nhìn sang thể loại tiểu thuyết đã giúp truyện ngắn này mở ra một không gian đa chiều, hướng tới mở rộng dung chứa tối đa cho truyện ngắn. Hiện thực cuộc sống được mở rộng đa chiều, hướng đến chức năng phân tích, lí giải đời sống. Tác phẩm được xây dựng với nguyên tác “mơ hồ hóa trong cốt truyện”. Điều này tạo nên một lối viết “trò chơi” và người đọc là người trực tiếp tham gia vào trò chơi ấy. Ở mảng xây dựng nhân vật, chúng tôi nhận thấy nhiều dấu ấn của tư duy tiểu thuyết. Nhân vật không còn là nhân vật loại hình hay nhân vật tính cách thông thường mà là kiểu “con người chưa biết hết” và “không trùng khít với chính nó”, trong nhân vật luôn có sự mâu thuẫn gay gắt. Diễn biến tâm lí được xem là yếu tố cốt lõi trong xây dựng nhân vật. Để làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của truyện còn nhà văn đã đan cài nhiều lớp ngôn ngữ, đa dạng về giọng điệu, và đảm bảo nguyên tắc đối thoại, nhất là đối thoại với bạn đọc. Việc nhìn sang thể loại tiểu thuyết thực sự mang lại nhiều giá trị mới mẻ. Người đọc có thể tiếp cận một tác phẩm dung lượng câu chữ không quá dài như tiểu thuyết nhưng truyện lại có tầm khái quát đời sống sâu rộng, có ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Đấu (2001), Các loại hình cơ bản của truyện ngắn hiện đại (trên cơ sở cứ liệu truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945), Luận án tiến sĩ, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.
2. Lê Bá Hán (chủ biên) (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
3. Chu Thị Huyền (2020), Các dạng cơ bản của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 (từ góc nhìn thể loại), Luận án tiến sĩ, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.
4. Nguyễn Kiên 2000. Trong Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký. NXB Thanh niên, Hà Nội, tr. 69.
5. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Nguyễn Thành Thi (2010), Văn học thế giới mở, Nhà xuất bản trẻ TP Hồ Chí Minh
7. Nguyễn Thành Thi (2008), “Lược đồ” văn học quốc ngữ Việt Nam trước 1945 nhìn từ quá trình hình thành và tương tác thể loại, Tạp chí khoa học, Trường ĐHSP TP HCM, số 15, tr21-36.
8. Lê Hương Thủy (2018), “Hiện tượng truyện ngắn tiểu thuyết hóa trong văn học Việt Nam đương đại”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, số tháng 4, tr.40 -45.
9. Trần Viết Thiện (2012), Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học sư phạm TP HCM.
10. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học bộ mới, NXB Thế giới, Hà Nội.
Tác phẩm khảo sát
1. Khách sạn cánh đồng diều, Tuyển tập Mạc Can, 2010, NXB Văn học